Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Túi tiền hạn hẹp và cách chi tiêu ngày tết

Cầm gần chục triệu tiền thưởng, chị Chuyên ( Hà Nội) nhẩm tính mua sắm cho Tết đã thấy hết vèo. Đi lại về quê: 2 triệu, quà bánh, biếu tết hai bên nội ngoại: 6 triệu, tiền lì xì các cháu: 2 triệu...

Chị Chuyên cho hay, từ ngày làm dâu, 3 năm nay cứ gần Tết là chị lại bộn bề lo toan đủ thứ như ngân sách chi tiêu, mua sắm món quà biếu nào cho phù hợp... Quê đều ở Nghệ An, nhà đông anh em, hai vợ chồng chị cả năm chỉ về 2-3 lần nên muốn dịp Tết về phải tươm tất, đủ đầy.
"Chuyến về quê cuối năm nào cũng lỉnh kỉnh, nào bánh kẹo, đồ trưng Tết, rượu, chè, quần áo mới cho ông bà, các cháu... tiền chục triệu đi tong rất nhanh", chị Chuyên kể.
Năm nay đã có con, nhiều khoản phải lo hơn, vợ chồng chị Chuyên chủ tâm cắt bớt các khoản. Tiền đi lại chấp nhận tốn hơn vì có con nhỏ không thể đi xe khách, còn các khoản khác đều cần tiết kiệm. Thay vì đi siêu thị thích gì nhặt nấy như trước, chị ghi ra những thứ cần thiết và không thể mua ở quê.Tiền lì xì thay vì 50.000 đồng mỗi lần và gặp em bé nào cũng cho, sẽ giảm còn 20.000 đồng và để sẵn vào bao, chỉ mừng em, cháu trong gia đình, bạn bè. Khoản sắm quần áo làm quà cũng hạn chế. "Khoản này ngốn khá nhiều tiền mà đôi khi không vừa ý người nhận. Mình chỉ gửi ông bà một khoản tiền nho nhỏ để các cụ sắm Tết, biếu mỗi bên ít chè, cà phê ngon để các cụ đãi khách", chị Chuyên nói.
mua-dao-JPG-6564-1423015419.jpg

Giáp Tết là dịp nhiều gia đình đau đầu với đủ khoản chi tiêu. Nhiều cặp vợ chồng còn cảm thấy sợ vì phải cáng đáng nhiều việc, lo đối nội, đối ngoại... Bài toán "vung tay thế nào cho hợp lý mà không quá tốn kém" luôn khó giải, nhất là với khoản ngân sách eo hẹp.
Trên các diễn đàn trên mạng, chủ đề chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu dịp này cũng khá rôm rả. Thường với mỗi mức thu nhập sẽ có kiểu chi tiêu khác nhau. Có những gia đình chỉ dành ra 5 triệu đồng cho Tết nhưng với nhiều người, con số này có thể gấp 5, gấp 10 hoặc hơn nữa.
Một thành viên trên trang web của các ông bố, bà mẹ có con nhỏ chia sẻ kinh nghiệm mua sắm hợp lý là không mua những món có khả năng mình sẽ được tặng (quà tết từ đối tác, công ty) như bánh kẹo, rượu... Hạn chế mua nước ngọt vì khách đến chơi Tết thường rất ngán, thích các đồ thanh mát như trái cây, nước ép, nước lọc. Cân nhắc khi mua quần áo mới vì vài ngày Tết cũng không cần quá cầu kỳ, thậm chí không hợp thời tiết (vì có năm rất lạnh nhưng cũng có khi trời nóng). Hạn chế chi tiền cho các món ít có khả năng tận dụng lại sau Tết như hoa giả, vật trang trí. Ngoài ra, quan trọng nhất là tùy vào thu nhập mà mỗi người căn ke tiền biếu quà, mừng tuổi... 
Để không bị lạm chi vào dịp cuối năm, chị Thanh ( Long Biên, Hà Nội) cho hay, từ tuần trước, chị đã liệt kê ra một bảng những thứ cần chi, sau đó hai vợ chồng cân nhắc xem cái nào có thể bỏ được thì gạch đi. Anh chị cũng ấn định từng khoản tiền cố định cho mỗi khâu như trang trí nhà cửa, đồ ăn uống, quà biếu bố mẹ hai bên, tiền lì xì các cháu, con bạn bè...
"Nhà mình những năm trước hay tốn tiền chi cho khoản sắm thực phẩm và trang trí nhà cửa. Năm nay rút kinh nghiệm, chỉ mua đồ ăn vừa đủ đến mùng 3, bánh kẹo chỉ cần vài loại ngon, đồ trang trí dùng lại vì vẫn tốt. Nhà cửa chỉ cần dọn dẹp lại cho sạch sẽ, mua thêm một cây quất, hai bình hoa tươi là đủ", chị Thanh chia sẻ. 
Theo chị, khi lên danh sách đồ cần mua và số tiền tương ứng, chị sẽ chủ động hơn, đồng thời không mua theo cảm tính hay vì ham rẻ, khuyến mại, vừa tốn kém mà đôi khi không hữu ích. 
Để không quá phóng tay cho Tết, khi hai vợ chồng vừa nhận được khoản tiền thưởng tổng cộng khoảng 30 triệu, chị Hà (Tây Mỗ, Hà Nội) gửi luôn một nửa vào tài khoản tiết kiệm, còn lại, chị dự định chi 10 triệu cho Tết, 5 triệu để dành tiêu tới lúc có tháng lương tiếp theo. 
Kế hoạch của chị là:
- Biếu nội ngoại mỗi bên: 1,5 triệu. 
- Đổi tiền lẻ lì xì: 1,5 triệu.
- Mâm ngũ quả, rượu, chè, cà phê: 1 triệu.
- Mua đồ ăn mấy ngày Tết khoảng 3 triệu, gồm: Tôm biển: 400 nghìn, gà ta: 500 nghìn, 1kg thịt bò: 300 nghìn, 1kg thịt lợn: 100 nghìn, một cân giò: 150kg, rau, đồ lặt vặt: 500 nghìn, bưởi + táo ta: 500 nghìn, bánh kẹo: 500 nghìn...
- Hoa trang trí: 500 nghìn.
- Khoản tiền còn lại: Tiền xăng xe đi chơi...
Chị Hà cho biết, cuối tuần vừa rồi vợ chồng chị và hai con đã đi siêu thị mua đủ hết các thứ đồ khô, gia vị.... Dự kiến bánh kẹo tuần sau sẽ ra đại lý tạp hóa gần nhà mua. 
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, người Việt Nam rất coi trọng Tết cổ truyền và nhiều gia đình có tâm lý sắm đồ mới, chuẩn bị cho dịp này thật đủ đầy sau một năm vất vả làm ăn. Điều này đôi khi cũng tạo áp lực, nhất là với các gia đình có thu nhập trung bình, thấp.
Để chi tiêu hợp lý, theo nhà tâm lý, quan trọng nhất là bạn phải dự trù một khoản cố định cho Tết, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình. Sau đó, vạch ra những thứ phải chuẩn bị, ngân sách cho từng việc.
Với thực phẩm, không nên mua nhiều vì các siêu thị, chợ hầu như đến mùng 2-3 là đã mở, cũng không nên mua theo số đông (chẳng hạn thấy mọi nhà đều mua giò, măng, gà... mình cũng theo) mà căn cứ vào sở thích, số thành viên gia đình, lượng khách sẽ mời. Tốt nhất, nên lên thực đơn trước cho các món ăn dịp Tết. 
Với các gia đình phải di chuyển xa, về quê càng cần lên lịch trước Tết lâu để chủ động và không bị tăng giá khi thuê xe, mua vé... Có thể rủ một số gia đình quen để cùng hùn nhau đi chung cho tiết kiệm chi phí.
Nếu điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng vẫn cần quà biếu khi về đoàn tụ với đại gia đình đông người, bạn có thể chọn những món đồ dễ chia như bánh kẹo, đặc sản vùng miền giá vừa phải. 
Bạn cũng có thể tiết kiệm chi phí bằng cách tự làm một số món đơn giản cho Tết như muối dưa, hành, mứt... 
Dịp Tết, nhiều nơi thường đẩy giá các mặt hàng lên cao nên trước khi mua đồ, nhất là với cây, hoa trang trí... bạn có thể tham khảo nhiều nguồn, kinh nghiệm từ người khác, để chọn được nơi có giá cả phù hợp với chất lượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét