Thứ Hai, 7 tháng 1, 2008

BÀN VỀ ĐẠO ĐỨC TRONG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Khi mọi người đang thảo luận sôi nổi vấn đề xây dựng đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường, trước hết cần nghĩ tới việc đánh giá về kinh tế thị trường có một tiền dề giá trị hoặc tiêu chuẩn đạo đức. Vì nếu không tìm hiểu tiền đề đó thì không có cách nào phân biệt được cái lợi, cái hại của chế độ kinh tế, cũng không thể đưa ra một quan niệm giá trị hoặc quan niệm đạo đức thích ứng với chế độ kinh tế. Bài viết này trình bày bắt đầu từ việc tìm hiểu thuộc tính bản chất của luân lý kinh tế trong thị trường.

I. Kinh tế thị trường là một phương thức hoạt động kinh tế do loài người tạo ra để giải quyết vấn đề sinh tồn và phát triển. Thị trường là một cơ chế phù hợp với lợi ích, còn trao đổi là một quá trình tổ hợp các lợi ích. A. Smith, nhân vật đại diện cho phái kinh tế học cổ điển khi ca ngợi về cơ chế trao đổi thị trường, đã yêu cầu mọi người tiến hành hoạt động tuân theo những qui tắc sau đây: một là, sản xuất để thu được lợi nhuận; hai là, căn cứ tình hình nhu cầu của xã hội - do quan hệ cung cầu hàng hoá phán ánh - để quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu chứ không phải căn cứ vào truyền thống, tập tục hoặc mệnh lệnh hành chính; ba là, đua nhau sản xuất hàng hoá được xem là có lợi, đồng thời ra sức cải tiến công cụ, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Căn cứ vào những quy tắc trên, người sản xuất chỉ sản xuất để thu được giá trị trao đổi hoặc lợi nhuận, còn tác dụng chủ đạo của thị trường đối với hoạt động kinh tế mới có thể đưa lợi ích trở thành nguyên tắc tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu trong hoạt động kinh tế thị trường. Trong quá trình sản xuất của xã hội, mọi người không ngừng tăng thêm tích lũy, mở rộng sản xuất và thị trường, kích thích tiêu dùng. Cầu lợi, cạnh tranh, trao đổi, không ngừng mở rộng sản xuất và tích lũy, khai thác và mở rộng thị trường, kích thích tiêu dùng v.v.. mới là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh tế thị trường của mọi người. Bất cứ ai khi bước vào hoạt động kinh tế thị trường nếu vi pnạm những quy tắc đó đều có thể dẫn tới thất bại. Sự thực, bản chất của luân lý trong kinh tế thị trường chính là ở chỗ đó.
1. Luân lý của kinh tế thị trường
a) Tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền lợi nhất định đối với một loại vật phẩm kinh tế nào đó mà mọi người có, như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền thu lợi v.v... Những quyền đó đòi hỏi phải có sự tôn trọng và bảo vệ để duy trì sự phát triển và ổn định của xã hội. Không có người độc lập chiếm hữu quyền tài sản thì không có kinh tế thị trường, nếu có tự do quyết định của chủ thể kinh tế, thì không thể khiến cho sự ích kỷ trở thành động lực căn bản thúc đẩy mọi người hoạt động kinh tế và cũng không thể có cạnh tranh trục lợi giữa các chủ thể kinh tế.
b) Theo đuổi hiệu quả.
Kinh tế thị trường là kinh tế hiệu quả. Do tính chất của nó, kinh tế thị trường thúc đẩy tính tự do, ích kỷ, trao đổi, cạnh tranh, phân công lao động xã hội. Do hành vi ích kỷ của chủ thể kinh tế, áp lực của cạnh tranh thị trường, nên hiệu quả sản xuất và phân phối bố trí tài nguyên mới được nâng cao, và do tồn tại sự trao đổi, nên mọi chủ thể kinh tế đều có thể được đặt đúng vị trí theo khả năng và nhu cầu của mình. Đồng thời trao đổi lại là sức mạnh quan trọng thúc đẩy sự phân công phát triển. Dưới áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, phân công xã hội ngày càng tỷ mỷ, trình độ chuyên môn ngày càng cao, từ đó năng suất lao động xã hội không ngừng tăng lên. Vì thế, kinh tế quốc dân được phát triển bền vững, nhanh chóng, sản phẩm xã hội ngày càng phong phú, mức sống của dân cư không ngừng được nâng cao.
c) Kinh tế tự do
Tính chất của kinh tế thị trường đã trao cho chủ thể môi trường kinh tế tự do. Kinh tế tự do là điều kiện luân lý cơ bản cho trật tự kinh tế thị trường tồn tại. Nó chủ trương thông qua việc quy định quyền lợi và nghĩa vụ kinh tế thông thường, trao cho các chủ thể trong đời sống kinh tế xã hội tiến hành độc lập quyết sách và quyết định giá cả. Ngoài ra, việc phân phối, bố trí tài nguyên sức lao động của thị trường và người lao động tự do, cũng được hình thành kết cấu sắp xếp hợp lý nhất, có lợi cho việc phát triển cá tính của người lao động, cũng như việc phát huy tối đa tài năng của con người.
d) Bình đẳng kinh tế trong kinh tế thị trường cũng do tính chất của bản thân kinh tế thị trường quyết định, tức tính chất: tự do, trao đổi, cạnh tranh, khế ước hợp đồng của kinh tế thị trường đã quyết định sự bình đẳng về địa vị kinh tế cơ bản của chủ thể thị trường.
Giá cả bình đẳng đã cho phép các chủ thể kinh tế tiến hành trao đổi, cạnh tranh thị trường và ký kết khế ước. Vì chỉ có như vậy, chủ thể kinh tế trong thị trường mới không bị phân biệt; mới có thể tham gia thị trường với tư cách bình đẳng, mới có thể thực thi giao dịch, cạnh tranh công bằng.
e) Quan niệm khế ước
Kinh tế thị trường là kinh tế khế ước. Tính khế ước của kinh tế thị trường, tất nhiên đòi hỏi luân lý của thị trường phải nhấn mạnh khế ước, khuyến khích việc khế ước hoá trong giao dịch, xây dựng quan niệm khế ước. Song song với việc đó là luân lý của kinh tế thị trường phải xây dựng rộng rãi quan niệm khế ước, thúc đẩy việc khế ước hoá phổ biến trong giao dịch thị trường. Ngoài ra, còn có tính công bằng trong kinh tế và tính đạo đức trong chế độ v.v..
2. Luân lý về kinh tế cá thể của kinh tế thị trường
a) Tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản
Tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản là do tính chất của kinh tế thị trường quyết định, nó là sự quy định hành vi cá thể của luân lý kinh tế, cũng là nguyên tắc tiêu chuẩn để mọi người tiến hành các hoạt động xã hội. Quan niệm luân lý về tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản đó được mọi người cá nhân hoá và thực hiện, để hình thành đạo đức luân lý mà mọi người phải tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản.
b) Cùng có lợi
Kinh tế thị trường là một nền kinh tế lấy quan hệ trao đổi làm chủ yếu. Về bề ngoài, quan hệ trao đổi là sự trao đổi giữa hàng hóa với hàng hóa, nhưng thực chất đó mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau, mà cái cốt lõi trong đó là chuyển nhượng quyền sở hữu, tức trao dổi bình đẳng quan hệ quyền tài sản.
c)Chủ nghĩa duy lý
Chủ nghĩa duy lý là cốt lõi của kinh tế thị trường, quy định hành vi và là kim chỉ nam hành động của cá thể kinh tế. Chủ nghĩa duy lý biểu hiện ở: một mặt, chủ thể kinh tế tuân theo yêu cầu của quy luật kinh tế (như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật quyền sở hữu sản xuất hàng hoá, quy luật cạnh tranh, quy luật tích luỹ vốn v.v..) tiến hành đầu tư, sản xuất, kinh doanh một cách hợp lý, theo đuổi lợi ích; mặt khác, chủ thể kinh tế có thể nhận rõ một cách biện chứng mối quan hệ mật thiết giữa lợi ích của mình với lợi ích của người khác, từ đó làm cho chủ thể kinh tế tự giác thực hiện cùng có lợi trong hoạt động kinh tế.
d) Chủ nghĩa cá nhân
Một là, vì lợi ích của chủ thể kinh tế thị trường hoặc của cá nhân kinh tế. Từ đó có thể dẫn đến một cuộc cách mạng hoặc tiến bộ nào đó về đạo đức, tức về mặt đạo đức thực hiện sự chuyển biến căn bản từ chỗ phủ định đến khẳng định tính hợp lý chính đáng lợi ích cá nhân, điều đó có lợi cho việc khơi dậy tinh thần tiến thủ của mọi người và thức đẩy kinh tế phát triển. Hai là, vì sự tự do của chủ thể kinh tế thị trường hoặc của cá nhân kinh tế. Theo nghĩa thông thường, đó là xác nhận tự do cá nhân hoặc là cá nhân có quyền tự chủ, tự quyết. Rõ ràng, bản thân điều đó có nghĩa là bước tiến bộ về đạo đức, tức có nghĩa là phủ định ''sự phụ thuộc vào nhân thân”, ''phục tùng đẳng cấp”, có nghĩa là nó còn có thể thúc đẩy phát triển tính chủ thể của cá nhân, cá tính và hình thành nhân cách độc lập của cá nhân, có lợi cho mọi người sống theo ý nguyện của mình.
e) Tín nhiệm và chữ tín
Trong hoạt động kinh tế, tín nhiệm có vai trò rất quan trọng, nó thâm nhập vào mọi hoạt động kinh tế, là chất xúc tác sản sinh các quan hệ kinh tế. Trong hoạt động kinh tế xã hội, giao dịch thị trường ngày càng mở rộng như hiện nay, nếu không có sự tín nhiệm ở mức độ nhất định thì hoạt động kinh tế không thể thực hiện được. Ngoài ra còn phải cần cù, tôn trọng nghề nghiệp, phát minh sáng tạo mới v.v..
Tóm lại, luân lý kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường là yêu cầu của việc phát triển kinh tế thị trường, nó có tính hai mặt. Về mặt xây dựng đạo đức, nó là một con dao hai lưỡi. Vì thế, hạn chế những ảnh hưởng xấu của nó như thế nào, không chỉ là một lý tưởng đạo đức, mà còn là vấn đề bức thiết trong việc giáo dục tư tưởng đạo đức ngày nay.

II. Hoạt động kinh tế thị trường là hoạt động vật chất của mọi người, đồng thời cũng là một hoạt động văn hoá mưu cầu lợi ích tối đa. Sau khi khảo sát nguyên tắc chung của luân lý kinh tế thị trường trong điều kiện kinh tế thị trường XHCN vẫn tồn tại và có tác dụng cơ bản đối với việc xây dựng văn minh vật chất, dưới đây thử xem xét sự tồn tại về văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường XHCN, và chúng cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh tinh thần của toàn xã hội.
Nguyên tắc thông hành trong kinh tế thị trường là nguyên tắc tự chủ trong “tự thiết kế, tự lựa chọn, tự chịu lỗ lãi”. Nguyên tắc đó đã khiến cho tính tích cực, sáng tạo và tính độc lập tự chủ của đông đảo quần chúng nhân dân được phát huy mạnh mẽ, là động lực cho phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và toàn bộ công cuộc xây dựng văn minh tinh thần. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm cho mọi người dễ dàng nẩy sinh tư tưởng chủ nghĩa tự tôn, chủ nghĩa bản vị, thậm chí chủ nghĩa vô chính phủ, xem thường kỷ luật của đảng, pháp luật của nhà nước, làm lu mờ quan niệm toàn cục và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, khiến cho khuynh hướng giá trị của mọi người hướng tới chủ nghĩa cá nhân. Phải thấy được việc phổ biến và bành trướng của chủ nghĩa cá nhân hiện nay là nguyên nhân chủ yếu làm mất đi những chuẩn mực về đạo đức trong một số lĩnh vực của xã hội, do đó cản trở việc xây dựng văn minh tinh thần.
Điều mà kinh tế thị trường theo đuổi là nguyên tắc hướng tới cái lợi không chỉ “lợi lớn làm lớn, lợi nhỏ làm nhỏ, không có lợi không làm'', mà còn là theo đuổi lợi ích tối đa. Nguyên tắc hướng tới cái lợi đã làm cho tinh thần phải thiết thực, cụ thể, quan niệm hiệu quả thực tế và thái độ thực sự cầu thị của mọi người phải mạnh mẽ hơn, chú trọng nhiều đến hiệu quả coi trọng hiệu suất, làm thực sự, không hình thức. Nhưng, nó lại làm cho người ta trọng lợi khinh nghĩa'', chí cầu có lợi, coi tiền là tất cả dẫn đến chủ nghĩa sùng bái đồng tiền, làm cho tiêu chuẩn giá trị của mọi người bị tiền tệ hoá.
Điều mà kinh tế thị trường theo đuổi còn là nguyên tắc cạnh tranh “đua mạnh hiếu thắng, tốt thì giữ lại, xấu thì loại bỏ, ý chí kiên cường tiến thủ''. Ý thức cạnh tranh - do nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị truởng tạo nên - là ý thức có ý nghĩa tiến bộ nhất của xã hội hiện đại hoá. Nhưng tính bài xích của mực tiêu cạnh tranh và tính đa dạng của thủ đoạn cạnh tranh, cũng có thể khiến cho một số người vì muốn chiến thắng đối thủ mà dùng mọi thủ đoạn để đầu cơ dựa thế leo lên, chạy theo danh vọng, dối trá, lừa gạt, khiến cho khuynh hướng giá trị của con người bị chủ nghĩa thực dụng hoá.
Điều mà kinh tế thị trường theo đuổi là nguyên tắc ngang giá trao đổi ngang giá, có và không có trao đổi với nhau, bảo đảm chắc chắn uy tín và danh dự. Nguyên tắc này đòi hỏi mọi người làm việc phải công bằng, chính trực, bình đẳng với nhau, giúp nhau cùng có lợi, nhiệt tình phục vụ, loại bỏ quan niệm sang hèn về đẳng cấp và tư tưởng đặc quyền, làm cho ý thức công dân và quan niệm bình đẳng trong mục tiêu giá trị của mọi người được nâng cao. Nhưng nguyên tắc ngang giá cũng có thể làm cho mọi người đem phép tắc trao đổi hàng hoá thâm nhập vào sinh hoạt trong đảng và hoạt động công vụ của chính quyền, làm phai nhạt tình cảm đồng chí, lập trường tính đảng, nguyên tắc tổ chức, thậm chí tinh thần trách nhiệm trong công tác, khiến cho việc thực hiện giá trị của mọi người bị “con buôn” hoá, dung tục hoá.
“Phiếm hoá” ý thức hàng hoá cũng là một vấn đề cần phải chú trọng và ngăn ngừa. Tính mù quáng của kinh tế thị trường phần nhiều có khuynh hướng dùng hình thức trao đổi của thị trường để thôn tính tất cả các hình thức quan hệ trao đổi khác; khuynh hướng đem nguyên tắc cầu lợi, nguyên tắc trao đổi, nguyên tắc cạnh tranh và nguyên tắc tự chủ của thị trường vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm đời sống riêng tư và sinh hoạt công cộng, như gia đình, chính trị, văn hoá, giáo dục v.v... Khuynh hướng đem giá trị của cuộc sống, chức vụ của chính quyền, thậm chí toàn bộ hoạt động sinh mệnh của con người, lương tâm tôn nghiêm của con người v.v.. biến thành hàng hoá có thể yết giá mua bán, dẫn dến một loạt hiện tượng hủ bại và hành vi xấu xa như mua quan, bán chức...
Những ảnh hưởng tiêu cực và khiếm khuyết của nguyên tắc kinh tế thị trường vốn có trong chính bản thân thị trường. Điều kiện sản xuất hàng hoá TBCN đã khuếvh đại những ảnh hưởng tiêu cực và khiếm khuyết của thị trường thành hiện tượng phổ biến trong xã hội tư bản. Từ khi Trung Quốc chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường đến nay, trong xã hội đã xuất hiện nhiều hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và hoàn toàn đi ngược lại với bản chất của CNXN.

III. Kinh tế thị trường là kinh tế lý tính, đồng thời nó cũng cần một lý tưởng đạo đức. Lệch lạc lý tưởng, sự vận động của xã hội sẽ có thể mất phương huớng. Một xã hội mất đi trụ cột tinh thần thì có thể dẫn đến sự mơ hồ về lý tưởng, mất đi nhân tính. Trên thực tế, trong quá trình lịch sử lâu đài, mỗi một dịp xã hội thay đổi từ cũ sang mới, đều là lúc xây dựng lại lý tưởng đạo đức. Xây dựng lại đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường, không phải đơn giản từ bỏ lý tưởng đạo đức truyền thống, nó bao gồm việc chia tách, phân tích, tiếp thu có chọn lọc và tái tạo truyền thống. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng lại lý tưởng đạo đức cũng sẽ tất yếu phải trả lời hai vấn đề cơ bản: một là, thái độ đối với truyền thống lịch sử của mình như thế nào; hai là, thái độ đối với quan niệm luân lý nội sinh của kinh tế thị trường ra sao. Vấn đề trước là giải quyết mối quan hệ giữa lịch sử và hiện đại theo chiều dọc, vấn đề sau là trả lời vấn đề dòng chính và dòng phụ về chiều ngang. Trọng tâm của bài này là thảo luận vấn đề thứ hai. Theo khảo sát và phâh tích ở trên, cần phải chú ý mấy mặt sau:
1. Tiến hành hạn định cần thiết đối luân lý kinh tế, đồng thời phải làm cho nó có lực đàn hồi và sức dãn cần thiết
Luân lý kinh tế trong đời sống xã hội của công chúng, tác dụng trực quan của nó là ở chỗ dùng đạo đức để quy định hành vi của cá thể, khiến cho xã hội có trật tư, phát triển hài hoà. Theo quan niệm đó, phải tiến hành hạn định đối với luân lý kinh tế, loại trừ những ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng việc chủ thể hoá và đa nguyên hoá của kinh tế thị trường chắc chắn đòi hỏi sự hạn định dó phải từ góc độ rộng hơn, toàn diện hơn để bảo đảm cho việc lựa chọn đạo đức của các cá thể Cũng chính là đằng sau những phạm trù luân lý kinh tế dó, “giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cạnh tranh và hợp tác, giữa hiệu quả và công bằng'' phải xác định những cái nào cần được quảng bá, những cái nào cần làm, những cái nào được phép tồn tại, những cái nào không được tồn tại. Giữa các luân lý trong cùng một phạm trù cần phải giữ được lực đàn hồi và sức dân nhất định, để cho các cá thể căn cứ vào tình huống, mức độ tiến hành, phương thức, phương pháp của mình mà lựa chọn. Lực dãn đó là cái quan trọng bảo đảm và thể hiện tính dân chủ của luân lý. Lực đàn hồi và lực dãn giữa hai cái đó càng nhỏ, thì càng bị người khác ước thúc, bản chất của luân lý kinh tế biểu hiện càng không đầy đủ. Đương nhiên, chúng ta kỳ vọng mỗi một thảnh viên xã hội đều trở thành những nhân vật ưu tú, nhưng trên thực tế cũng không dễ dàng. Mặt khác, lý tính đạo đức của thanh niên hiện nay đa biểu hiện tính đàn hồi sung mãn. Bản thân mục tiêu giáo dục phải hàm chứa mảnh đất đầy, đủ cho cá nhân lựa chọn. Mục tiêu vạch rõ phương hướng và yêu cầu cơ bản. trong phương hướng và yêu cầu cơ bản, cá thể phải căn cứ vào niềm tin đạo đức và trình độ của mình để chọn lựa. Mở rộng lực dãn đó, không phải là từ bỏ giáo dục đạo đức, mà là chuyển trọng điểm của giáo dục từ chỗ chỉ cho mọi người “làm gì'' sang việc dẫn dắt mọi người nhận thức ''vì sao'' và “lựa chọn như thế nào'', để nâng cao tính tụ ước thúc và năng lực lựa chọn của đối tượng giáo dục.
2 Giáo dục đạo đức luân lý kinh tế, phải lấy việc nâng cao sức phản tỉnh và sức sáng tạo của bản thân giáo dục đạo đức làm tiền đề
Luân lý kinh tế thị trường đối với việc giáo dục đạo đức là vô cùng quan trọng. Trong giáo dục đạo đức, phải xác định rõ những cái nào cần được quảng bá, những cái nào cần làm, những cái nào được phép tồn tại, những cái nào không được tồn tại, bất luận đối với xã hội hay đối với cá nhân đều rất quan trọng. Đối với xã hội, nó đã thích ứng với sự chuyển biến của đạo đức từ nhất nguyên hoá sang đa nguyên hoá; đối với cá thể, nó thúc đẩy lý tính của mọi người, trong luân lý đạo đức từ kiểu tiếp nhận sang kiểu đánh giá, chọn lựa. Song, thực sự làm được điều này rất khó. Vì, một mặt, kinh tế xã hội ngày càng mở rộng, việc cải tạo và tổ chức lại thể chế kinh tế, có thể làm cho chúng ta đứng trước nhiều vấn đề mới; mặt khác, đồng thời với việc đi sâu cải cách mở cửa, ngày càng nhiều quan rừệm đạo đức của Phương Tây cùng với KHKT xâm nhập Trung Quốc. Quá trình đó cũng sẽ đòi hỏi các cá thể xã hội và bản thân đạo đức phải có sức phản tỉnh và sức sáng tạo. Sức phản tỉnh và sức sáng tạo đó vừa là yêu cầu khách quan của sự biến đổi xã hội, vừa là động lực nội tại của tiến bộ đạo đức.
Từ khi tiến hành kinh tế thị trường đến nay, sở dĩ niềm tin vào đạo đức bị xói mòn là do việc giáo dục đạo đức thiểu năng lực đổi mới. Trong điều kiện kinh tế kế hoạch, quy phạm đạo đức tương đối đơn nhất, đối với năng lực đổi mới đó không có yêu cầu. Còn trong điều kiện kinh tế thị trường thì khác, bất cứ một nội dung giáo dục đạo đức đặc biệt nào cũng đều phải chấp nhận sự kiểm nghiệm của thực tiễn; bất cứ một thứ luân lý đạo đức nào muốn con người ta lấy làm lẽ sống của mình đều phải có sức thuyết phục. Chỉ có cầu sinh tồn trong đối thoại đạo đức, cầu đổi mới trong việc theo đuổi sự phát triển của thời đại, mới có thể giữ được quyền uy của giáo dục đạo đức. Do đó, dám chấp nhận sự hoài nghi và phê phán của đối tượng giáo dục, đối mặt với những thách thức của tinh thần luân lý trong kinh tế thị trường, mới có thể tăng cường sức cảm hoá hiện thực của giáo dục đạo đức. Nếu không, mục tiêu và lý tưởng đạo đức có tốt đến mấy cũng chỉ là lý luận suông.
3. Thiết thực nâng cao hiệu qnả của giáo dục đạo đức, hoàn thành việc chuyển hoá giáo dục đạo đức
Sự vận hành của kinh tế thị trường làm nảy sinh những thách thức nghiêm trọng đối với việc chỉnh hợp luân lý kinh tế và giáo dục đạo đức song nó cũng cung cấp một cơ hội phát triển đầy đủ. Muốn nắm bắt được cơ hội đó, đối với việc giáo dục đạo đức trong các trường học hiện nay, phải từng bước thực hiện sự chuyển hoá trong giáo dục đạo đức:
Một là, từ thuyết giáo luân lý chuyển hoá rèn luyện đạo đức. Tất cả quan điểm trong môn học luân lý đạo đức đều là thế giới quan mà quan niệm tự nhiên, quan niệm lịch sử xã hội và quan niệm nhân sinh biểu hiện ra, phải biến nó thành những giá trị chuẩn mực về đạo đức trong lòng học sinh, hình thành niềm tin vững chắc;
Hai là, từ giáo dục quy phạm chuyển hoá sang giáo dục tố chất. Nếu nói giáo dục quy phạm chú trọng giáo dục về hành vi tập quán, thì giáo dục tố chất lại là giáo dục về phương pháp tư tưởng. Điều đó chỉ ra cho mọi người thấy là phải làm gì và làm như thế nào, từ đó khiến cho họ chấp hành quy phạm một cách tự giác hơn;
Ba là, về phương thức giáo dục đạo đức, phải từng bước chuyển dần việc giáo dục lấy giáo viên là chính, trên lớp là chính sang hướng tự giáo dục lấy học sinh là chính, thẩm thấu là chính. Việc giáo dục đạo đức truyền thống lấy sách vở, lên lớp là hình thức chủ yếu, giới hạn trong đạo đức trừu tượng, về khách quan mà nói, rất dễ làm cho tâm tư tình cảm của đối tượng giáo dục bị ngược hướng, từ đó khó có thể đạt được hiệu quả. Việc giáo dục thông qua các hình thức sinh động gắn giáo dục vào việc quản lý, phục vụ và sinh hoạt của học sinh, chú ý đến tính chủ động và tính tự giác của học sinh, từ đó nhất định sẽ thu được hiệu quả giáo dục lớn hơn.

BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - Theo Lý Hy Thu (Trung Quốc), Thông tin những vấn đề lý luận số 23,Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tháng 12/2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét