Thứ Ba, 1 tháng 1, 2008

VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Hiện nay, ở nước ta đất nông nghiệp bị thu hẹp rất nhanh, nhiều cánh đồng mầu mỡ đang biến mất dần, nhường chỗ cho các xa lộ lớn và đô thị. Bài toán đặt ra cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước về sử dụng hiệu quả và bền vững quỹ đất đang chưa có lời giải thỏa đáng. Bởi vậy, đất đai đang và sẽ còn là vấn đề "nóng" của cả nền kinh tế.
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nước ta phải chuyển đổi mạnh mẽ và đúng hướng cơ cấu kinh tế, trong đó vấn đề cốt lõi là chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Mục tiêu chiến lược cụ thể là phải giảm số lao động nông nghiệp xuống còn một nửa (50%). Nếu không thực hiện được mục tiêu này thì chẳng những tình trạng dư thừa lao động trong nông nghiệp sẽ trầm trọng thêm, mà năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập của người nông dân cũng sẽ khó có thể được cải thiện, chưa nói khoảng cách giàu - nghèo, nông thôn - thành thị càng doãng ra nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững.
Trong những bước đi ban đầu của công nghiệp hóa, chính nông thôn vừa là nguồn cung cấp lao động, vừa là thị trường của công nghiệp. Nhưng càng vào giai đoạn cuối của công nghiệp hóa và đô thị hóa, vai trò của nông nghiệp ngày càng giảm sút. Trước tác động của quy luật thị trường, nhiều nước đã cố gắng phát triển nông nghiệp, nhưng vẫn không giữ được an ninh lương thực, nên ngày càng phải lệ thuộc vào thị trường bên ngoài. Điều đó đặc biệt nguy hiểm đối với những nước đông dân. Một số nước đến lúc công nghiệp đã đạt trình độ phát triển cao, thì chính phủ lại phải hỗ trợ nông nghiệp rất nhiều. Việc bảo hộ nông nghiệp đã trở nên cần thiết tới mức các nước giàu khó lòng cắt bỏ được, và đây cũng chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong các vòng đàm phán của WTO, mà 5 năm gần đây thế giới đã chứng kiến những thất bại liên tiếp trong các vòng đàm phán Đô-ha.
Ở các nước Đông Á, trong thời kỳ công nghiệp hóa do có ít đất (đất nông nghiệp chỉ còn dưới ngưỡng 400 m2/người) nên phải nhập thức ăn ngày càng nhiều. Ở Nhật Bản có dự báo rằng, trong 10 năm tới sẽ không còn nông nghiệp nữa, vì hiện nay chỉ có người già làm ruộng!. Nông dân Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong điều kiện toàn cầu hóa, nên họ đang đấu tranh chống lại quá trình này rất mãnh liệt. Chỉ có Đài Loan chú ý đến nông nghiệp hơn cả, nhưng đến nay cũng đã phải nhập thức ăn ngày càng nhiều. Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nông nghiệp, vì sản xuất lương thực có xu hướng giảm dần và đang lo thiếu lương thực cho việc cung cấp cho hơn 1,3 tỉ người? Vì vậy, nước này gần đây đã phát động một phong trào xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa mới.
Sự phát triển bền vững là quá trình phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện nay mà không làm tổn hại đến sự phát triển trong tương lai. Phát triển bền vững bao gồm ba mục tiêu: chất lượng của môi trường, lợi ích kinh tế, công bằng xã hội và kinh tế. Trong quá trình phát triển này, mục tiêu giữ vững an ninh lương thực, thực phẩm có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nước càng đông dân số, và càng ở cấp vĩ mô, điều đó càng rõ. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị là một xu thế có sức cuốn hút mạnh, vì giá đất có sự chênh lệch rất lớn giữa các mục đích sử dụng - canh tác và xây dựng. Xu thế này sẽ có tác động tiêu cực và cản trở đến việc đầu tư thâm canh nông nghiệp và đang trở thành mối quan tâm lớn trong quá trình phát triển.
Muốn bảo đảm sự phát triển bền vững cần thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp để khu vực này hỗ trợ cho công nghiệp hóa, trong đó trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu đất đai một cách hợp lý. Ruộng đất vừa là phương tiện để bảo đảm đời sống, vừa là một nhân tố sản xuất để tích lũy vốn. Vì vậy, việc tiếp cận với ruộng đất, quyền sở hữu hay quyền sử dụng, đều phải có tác dụng đến sản xuất, giúp nông dân thoát khỏi tự cấp, vươn lên phát triển nông nghiệp hàng hóa, đồng thời tham gia vào việc đầu tư để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lịch sử cho thấy, các mối quan hệ về ruộng đất thường có tính phức tạp, không đơn thuần chỉ là mối quan hệ con người với tài nguyên, mà chủ yếu lại bắt nguồn từ quan hệ giữa con người với con người xung quanh vấn đề ruộng đất.
Trong vòng 10 năm (1993 - 2003), ở nước ta Luật Đất đai đã phải sửa đổi đến 4 lần (từ 7 chương - 89 điều của Luật năm 1993 lên 7 chương - 146 điều của Luật năm 2003). Đó là chưa kể, hàng chục văn bản dưới luật cũng đã được ban hành trong giai đoạn này. Điều này chứng tỏ, cùng với việc phát triển kinh tế sôi động, đất đai đang ngày càng trở thành một vấn đề phức tạp, và là một thách thức trong phát triển tương lai.
Qua nghiên cứu của chúng tôi, những biến động và tính chất phức tạp của việc chuyển đổi cơ cấu đất đai thể hiện trên mấy nội dung sau:
1 - Thách thức lớn nhất của nước ta là việc thừa lao động ở nông thôn do các ngành phi nông nghiệp không đủ sức thu hút số lao động nông thôn đang tăng nhanh và dư thừa. Dân số nước ta đông và tăng khá nhanh, tỷ lệ dân số nông thôn chiếm gần 80% tổng dân số. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất lương thực và đầu tư lao động sống của kinh tế hộ nông nghiệp nhỏ lẻ. Những giải pháp nhằm tích tụ ruộng đất, phát triển trang trại quy mô lớn, tăng cường cơ giới hóa không hợp lý có thể sẽ còn tạo ra nguy cơ làm tăng thất nghiệp ở nông thôn, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Một bộ phận lao động nông nghiệp dư thừa có thể sẽ chuyển vào thành phố và trở thành người nghèo đô thị, gây nên hiện tượng chuyển dịch cái nghèo từ nông thôn ra đô thị. Diện tích đất nông nghiệp nước ta ít, bình quân đầu người hơn 1.000 m2, so với các nước đang phát triển châu Á chỉ cao hơn Băng-la-đét. Việc giữ cho diện tích canh tác không giảm nhanh song song với việc phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn là các giải pháp cấp thiết. Cả hai việc này đều có liên quan đến quản lý ruộng đất.
Lịch sử cho thấy những khủng hoảng nông thôn thường bắt đầu từ khủng hoảng ruộng đất. Trong khi đó, sự phân hóa về ruộng đất có nguyên nhân chính là sự yếu kém của các nhà nước trước đây trong việc xử lý vấn đề ruộng đất ở nông thôn. Mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất phát triển sản xuất hàng hóa và sự sinh tồn của các tầng lớp dưới của xã hội cần được giải quyết thỏa đáng. Những mô hình trang trại quy mô lớn khó có thể phát triển ở những vùng đông dân, nơi mà đa số các hộ có quy mô nhỏ, sản xuất thủ công và thâm canh với năng suất lao động quá thấp.
Phải giải quyết vấn đề đất đai thế nào để vừa có đủ diện tích phát triển nông nghiệp, vừa có đất xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình công ích, công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc giảm diện tích đất nông nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm được an ninh lương thực đang là một bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Muốn cho nông nghiệp nước ta phát triển bền vững thì trong thời kỳ công nghiệp hóa đừng để mất quá nhiều đất nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay đất nông nghiệp bị thu hẹp rất nhanh, nhiều cánh đồng màu mỡ nhất đang biến mất dần. Các khu công nghiệp và đô thị mới mọc lên nhanh chóng, nếu không đem lại hiệu quả, thì sử dụng đất rất lãng phí. Ngoài ra, sự chênh lệch giá quá lớn giữa đất trồng trọt với đất được chuyển đổi sang mục đích xây dựng đang làm cho các "hàng rào" bảo vệ đất nông nghiệp trở nên quá mong manh. Trong lúc Nhà nước ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích, thì không ít các cơ quan nhà nước, có thể do lịch sử để lại, hiện đang chiếm dụng đất và sử dụng rất lãng phí. Bởi vậy, nên có các quy định chặt chẽ về sử dụng đất phi nông nghiệp và phát triển phi nông nghiệp và các loại đất không có khả năng phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, cần bảo vệ các thành quả của cải cách ruộng đất. Sở dĩ nước ta đã có một nền nông nghiệp không những nuôi được số dân hơn 80 triệu người, lại đang tăng nhanh, mà còn xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới là do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chúng ta đã tiến hành được cuộc cải cách ruộng đất, mà đến nay nhiều nước không làm được, đồng thời có những chính sách ruộng đất đúng đắn.
Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, quá trình chuyển sang cơ chế thị trường của các nước xã hội chủ nghĩa là phải tư nhân hóa tài sản, sau đó thay đổi luật để cho việc trao đổi tài sản được tự do. Thực tế cho thấy, vừa qua thị trường mua bán ruộng đất đã phát triển rất mạnh và đã xuất hiện tình trạng đầu cơ ruộng đất, tham nhũng và chiếm dụng ruộng đất khá phổ biến ở nhiều nơi. Hiện tượng nông dân mất đất mà chưa có đầy đủ việc làm khác thay thế đang xảy ra rất phổ biến.
Luật Đất đai mới đã làm cho thị trường ruộng đất phi chính thức chuyển thành thị trường chính thức, người dân được tự do thực hiện các quyền về sử dụng đất, mà về thực chất đang mở đường cho việc tư nhân hóa đất đai, vì quyền của bản thân chủ sở hữu là Nhà nước chưa rõ ràng, cụ thể. Quy định giá đất mới cho các vùng, gần với giá thị trường là công nhận chính thức kết quả của việc đầu cơ ruộng đất thời gian qua, làm cho người nghèo khó có thể tiếp xúc với đất đai và thúc đẩy quá trình mất đất của nông dân diễn ra nhanh hơn nữa. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu cách đây 10 năm tỷ lệ nông dân không có đất đã làm cho Đảng và Nhà nước lo lắng, thì hiện nay tỷ lệ ấy lại còn cao hơn, gây ra việc thừa lao động nông nghiệp, nhiều người phải đi làm thuê kiếm sống bằng lao động phổ thông vì chưa được đào tạo tay nghề.
Một số tổ chức quốc tế lại cho rằng, quá trình này là tích cực, vì thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu lao động. Nhưng ruộng đất do nông dân không trực tiếp canh tác lại không được chuyển sang cho các hộ chuyên làm nông nghiệp, mà thực tế đang tham gia vào thị trường đầu cơ vì thiếu biện pháp bảo vệ ruộng đất nông nghiệp. Tình trạng nông dân ra thành phố kiếm việc làm đang tác động tiêu cực đến chất lượng thâm canh trong nông nghiệp.
Gần đây có nhiều địa phương thực hiện "dồn điền, đổi thửa" để tạo thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế hàng hóa. Kết quả cho thấy, bên cạnh một số tác dụng tích cực, thì cũng có biểu hiện cản trở quá trình vươn lên sản xuất hàng hóa của kinh tế hộ do tập trung canh tác có thể làm tăng rủi ro kinh doanh nông nghiệp đối với từng hộ gia đình (như thiên tai, sâu bệnh, thừa sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ...). Nhiều nơi nông dân phải thực hiện một cách gượng ép, trong lúc kinh tế hộ chưa thấy thực sự cần thiết, cán bộ xã lại rất hăng hái có lẽ vì sẽ có những lô đất lớn để đấu thầu.
Thiết nghĩ, chính sách ruộng đất để thúc đẩy việc chuyển hộ nông dân từ nông nghiệp tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, thúc đẩy việc mở rộng quy mô của hộ phải xuất phát từ khẩu hiệu trước đây là "ruộng đất cho người cày". Bởi vậy, nên biến quyền sử dụng đất thành quyền thuê đất, ban hành các chính sách thuê đất làm tăng trách nhiệm kinh tế của người thuê trước chủ sở hữu - Nhà nước. Có như vậy mới khuyến khích đầu tư thâm canh, hạn chế tình trạng sử dụng nguồn lực quý hiếm này lãng phí và kém hiệu quả do nạn đầu cơ đất đai.
2 - Hiến pháp và pháp luật nước ta quy định, đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng đất đai bị thất thoát cả về số lượng lẫn giá trị, nhất là giá trị gia tăng do kết cấu hạ tầng tạo ra(địa tô chênh lệch I). Hằng năm, ngân sách nhà nước đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, song giá trị gia tăng của đất đai do kết cấu hạ tầng mang lại bị thất thoát lớn vào quá trình mua đi bán lại đất bởi các nhà đầu cơ. Đây là nguyên nhân cơ bản làm tăng nạn đầu cơ đất đai, chiếm dụng vốn đầu tư cho phát triển sản xuất và làm cho kinh tế mất ổn định. Nông dân nghèo có ruộng đất là một mong ước lớn nhất của họ, thế mà hiện nay phải "bấm bụng" để bán hoặc cầm cố mảnh đất nhỏ bé của mình để đi tìm việc làm ở nơi khác. Ruộng đất của nông dân, nhất là của nông dân nghèo, bị mất dần, mà việc làm mới lại thiếu, trình độ tay nghề yếu. Các hộ nông dân đã tham gia vào hoạt động phi nông nghiệp lại không dám nhường đất của mình cho người khác, giữ lại đất và thuê người làm hay quảng canh một cách kém hiệu quả, rất lãng phí.
Việc thiếu một cơ chế bảo vệ ruộng đất nông nghiệp đang làm cho nạn đầu cơ ruộng đất trở thành phổ biến. Không giải quyết được bài toán này thì khó có thể tăng được năng suất lao động và tăng thu nhập của nông dân. Nếu chúng ta tiếp tục phát triển thị trường quyền sử dụng đất như hiện nay thì câu "đất đai là sở hữu toàn dân" sẽ có nguy cơ làm cho Nhà nước không có các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu này một cách thực chất trên phương diện sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững.
3 - Theo các chuyên gia, cản trở của việc chuyển đổi cơ cấu ruộng đất là do thị trường ruộng đất chưa được công khai, còn là phi chính thức. Việc chính thức hóa sở hữu thông qua cấp chứng chỉ quyền sử dụng ruộng đất và công khai hóa thị trường đất đai bằng cách quy định giá không làm cho thị trường hoạt động được, vì giá đất không phản ánh đúng giá trị thực tế của đất. Ruộng đất vừa là một nhân tố sản xuất, vừa là tài sản dùng để đầu cơ, lại không dịch chuyển và sinh sôi được. Sở dĩ giá đất cao vì nó hiếm và hơn nữa chưa có một thị trường công khai và hoàn chỉnh; có chi phí trao đổi cao, vì nó gắn liền với tham nhũng và đầu cơ. Giá đất sai lệch sẽ làm cho việc sử dụng ruộng đất không đúng hướng (trong đó có cả việc thiếu rõ ràng về quy hoạch sử dụng đất), cản trở việc trao đổi đất của nhân dân và việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Một doanh nghiệp nếu muốn xin đất phải trả thêm chi phí trao đổi rất cao, như: tiền đền bù thiệt hại tài sản, tiền giải phóng mặt bằng, tiền bồi dưỡng,... đều không nằm trong tiền thuê đất, nên giá thành thực tế thuê đất cao gấp nhiều lần so với giá thuê do Nhà nước quy định. Ở đâu chênh lệch giữa chi phí thuê đất thực tế với giá thuê theo quy định của Nhà nước cao thì ở đó doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng kinh tế. Giá thuê đất ở miền Bắc cao hơn miền Nam và khác nhau rất nhiều giữa các tỉnh trong mỗi vùng. Đây cũng là yếu tố chính làm cho chi phí cuộc sống của Hà Nội (đứng thứ 32 trên thế giới) đắt đỏ hơn thành phố Hồ Chí Minh (đứng thứ 39), theo một đánh giá gần đây của quốc tế.
Chúng ta dường như đang ở thế "lưỡng nan": Quản lý ruộng đất có thể tiến hành bằng luật lệ và quy định của Nhà nước, biện pháp này đã gây nạn chiếm dụng ruộng đất và tham nhũng; và phát triển thị trường ruộng đất sẽ đẩy mạnh được việc chuyển đổi, nhưng lại tạo điều kiện cho việc đầu cơ và tập trung đất đai vào tay người giàu. Để giải quyết các mâu thuẫn này, nhiều nước đã sử dụng các thể chế cộng đồng và huy động họ tham gia vào việc quản lý đất đai:
- Ở Pháp là một nước có quyền tư hữu về đất đai, các tổ chức nông dân đã thành lập các công ty quản lý đất và cơ sở nông thôn. Có 37 công ty trong cả nước được thành lập từ năm 1960, là công ty phi lợi nhuận do các tổ chức nông dân quản lý dưới sự kiểm soát của nhà nước. Các công ty này mua tất cả đất đai nông nghiệp mà nông dân muốn bán để nhượng lại cho các nông trại muốn mở rộng quy mô hay cho các nông dân trẻ muốn lập nghiệp, do đó kiểm soát được việc mất đất nông nghiệp và tránh được nạn đầu cơ.
- Ở Ấn Độ và nhiều nước khác đã thành lập các hợp tác xã mua đất ở đô thị, xây nhà giá rẻ để bán hay cho xã viên thuê, đem lại lợi nhuận cho người nghèo và chống đầu cơ ruộng đất.
- Ở vùng rừng núi, nhất là các nước có nhiều cộng đồng sắc tộc thiểu số sinh sống, phải phục hồi lại đất cộng đồng để xây dựng các đồng cỏ chăn nuôi và bảo vệ rừng phòng hộ, vì việc tư nhân hóa ruộng đất đã thực hiện gần đây không giải quyết được nhiều vấn đề của phát triển bền vững.
4 - Như đã nói ở trên, trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, phải đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu ruộng đất để thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu lao động. Chính cơ cấu lao động mới nói lên một cách đầy đủ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu này phải thực hiện được các quá trình sau:
- Phải giảm khoảng một nửa số nông dân, khuyến khích và giúp đỡ các hộ nông dân, chủ yếu là nông dân nghèo, thiếu điều kiện để kinh doanh nông nghiệp, chuyển sang công nghiệp và dịch vụ ở đô thị hay ở nông thôn, nhường lại đất cho các hộ có năng lực và điều kiện phát triển nông nghiệp. Để làm được công việc này, Nhà nước phải có chính sách giống như trước kia đã làm với việc di dân đi các vùng kinh tế mới, không để cho dân di cư một cách tự phát như hiện nay. Phải có chính sách để chuyển đổi ruộng đất: đất nông nghiệp lấy đất phi nông nghiệp hay chuyển cho các hộ kinh doanh nông nghiệp. Cần có một tổ chức và cơ chế thu hồi lại đất của những người muốn bỏ nông nghiệp, đền bù thích đáng và bảo đảm không thất thoát quỹ đất.
- Chuyển các hộ nông dân muốn tiếp tục kinh doanh nông nghiệp thành các trang trại gia đình hay doanh nghiệp nông nghiệp như ở các nước công nghiệp tiên tiến hiện nay. Ở các nước này, nông dân chỉ còn khoảng 5% - 7% dân số, nhưng nhờ thâm canh tăng năng suất mà họ vẫn nuôi sống toàn xã hội và còn có nông sản xuất khẩu. Các nông trại này chỉ có 1 - 3 lao động chủ yếu là thành viên của gia đình. Nước có ít đất canh tác cũng phải bảo đảm quy mô trung bình trên dưới 1 héc-ta. Nông trại gia đình kinh doanh tổng hợp, có thể chuyên môn hóa về trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản. Để giải quyết việc tăng quy mô nông trại có thể phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao, cần ít đất như chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, trồng cây trong nhà kính hoặc có mái che. Nhiều hộ nông dân có thể chỉ kinh doanh nông nghiệp, nhưng cũng có thể có lao động hoạt động phi nông nghiệp, rất đa dạng.
Kinh tế hộ gia đình nông dân là một vốn quý, chúng ta cần giữ gìn và phát triển. Mô hình phát triển các trang trại lớn thành các doanh nghiệp thuê nhân công cần phải được nghiên cứu, thử nghiệm kỹ càng để rút kinh nghiệm, bởi vì ngay ở các nước công nghiệp người làm thuê trong nông nghiệp cũng rất hạn chế. Lý do rất cơ bản là giá lao động làm thuê trong nông nghiệp thấp hơn trong các lĩnh vực khác. Bởi vậy, cần phát triển các loại hình trang trại hộ gia đình. Muốn vậy, đầu tư vào nông nghiệp phải hướng tới khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, có chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc tăng quy mô đất đai, tách hẳn chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư để có đất phát triển và tránh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Khuyến khích phát triển doanh nhân nông thôn cũng là chìa khóa để phát triển kinh tế nông thôn. Hiện nay, ở nước ta có nhiều hộ nông dân trở thành chủ trang trại, nhưng hiện tượng này chưa phổ biến, vì chưa có các thể chế thích hợp để giúp nông dân làm tốt việc này. Kinh nghiệm cho thấy, các hợp tác xã kiểu mới hay hiệp hội nông dân có thể giúp các hộ nông dân trung bình trở thành các chủ trang trại sau một thời gian ngắn nhờ các dịch vụ có chất lượng cao về: kỹ thuật, tín dụng, đầu vào, đầu ra.
- Muốn thúc đẩy phát triển nông thôn phải xây dựng các khu công nghiệp ở nông thôn. Chúng ta có chủ trương phát triển làng nghề với mục đích giải quyết việc làm, tăng thu nhập của nông dân. Thế nhưng các khu công nghiệp ở nông thôn phải đủ sức lôi kéo nông nghiệp mới thúc đẩy được cả phát triển nông nghiệp lẫn công nghiệp. Muốn có sự phát triển nông nghiệp ở toàn lãnh thổ phải có một hệ thống đô thị nhỏ phân bố đều trong cả nước. Các thị trấn, thị tứ này không những là nơi phát triển công nghiệp nông thôn, mà còn là trung tâm của thị trường nông thôn với các chợ và hoạt động dịch vụ. Để làng nghề phát triển bền vững, cần đẩy mạnh các hoạt động phi nông nghiệp theo các hướng sau: Phục hồi các làng nghề truyền thống và hiện đại hóa để thích ứng với thị trường hiện đại; phát triển thêm công nghiệp chế biến thực phẩm và nông sản bằng các xí nghiệp nhỏ; đa dạng hóa dịch vụ, buôn bán và cung cấp lao động cho thị trường nông thôn và đô thị.
Ở nông thôn, đã có nhiều làng nghề phát triển thành các cụm công nghiệp có chuyên môn hóa một số nghề chính và phân công lao động, chuyển một số hộ nông dân chuyên làm nghề thành các doanh nghiệp gia đình nhỏ. Các cụm này có tác dụng làm giảm các chi phí trao đổi, rủi ro trong kinh doanh, là nơi tiếp nhận các sáng kiến, thông tin,... Nếu có tổ chức mềm dẻo và sử dụng được công nghệ hiện đại, thì các cụm công nghiệp có hiệu quả hơn các xí nghiệp lớn. Mô hình này đã được phổ biến cả ở các nước tiên tiến và các nước đang phát triển.

BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM  (theo Đào Thế Tuấn,
Tạp Chí cộng sản, số 10-2006).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét