Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

CÔNG VĂN CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 169/2002/KHXX NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ VIỆC ĐƯỜNG LỐI GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU KIỆN, CÁC TRANH CHẤP ĐÒI LẠI ĐẤT ĐÃ GIAO CHO NGƯỜI KHÁC SỬ DỤNG

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********
Số: 169/2002/KHXX
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2002

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 169/2002/KHXX NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ VIỆC ĐƯỜNG LỐI GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU KIỆN, CÁC TRANH CHẤP ĐÒI LẠI ĐẤT ĐÃ GIAO CHO NGƯỜI KHÁC SỬ DỤNG

Kính gửi:

- Các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Để bảo đảm việc giải quyết của Toà án nhân dân được thống nhất, đúng pháp luật, ngày 04-9-2001 Toà án nhân dân tối cao đã có Công văn số 108/2001/KHXX gửi Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ đề nghị cho biết đường lối xử lý của Nhà nước đối với các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự liên quan đến việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngày 04-10-2002 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5538/VPCP-VII thông báo cho Toà án nhân dân tối cao về ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ; cụ thể 1à:

"1. Trường hợp áp dụng khoản 2 Điều 2 của Luật Đất đai 1993: Trong thực tiễn có thể có trường hợp việc thực hiện chính sách đất đai là chưa đúng với quy định tại thời điểm đó (sai đối tượng, sai căn cứ...) như Công văn 108/2001/KHXX ngày 04-9-2001 của Toà án nhân dân tối cao nêu. Tuy nhiên, việc xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ đất đai phải xuất phát từ nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, như Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai 1993 đã quy định. Cùng với các quy định này và trong thực tiễn thi hành quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật Đất đai 1993 đến nay đã đảm bảo được ổn định chính trị, xã hội. Mặt khác, những người hiện đang sử dụng đất này thực tế đã được Nhà nước giao đất và sử dụng ổn định lâu dài, do đó không nên đặt ra vấn đề trả lại đất cho chủ cũ.

2. Trường hợp thực hiện Quyết định số 13-HĐBT ngày 01-02-1989 của Hội đồng Bộ trưởng: Quyết định số 13/HĐBT được ban hành nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất trong thời gian đó. Sau khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực thi hành thì Quyết định này không còn hiệu lực nữa. Nếu chủ sử dụmg đất trước đây, nay đòi lại đất thì áp dụng khoản 2 Điều 2 của Luật Đất đai 1993 không thừa nhận việc đòi lại đất cũ đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước".

Toà án nhân dân tối cao yêu cầu các Toà án các cấp khi giải quyết các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự liên quan đến việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng cần quán triệt đường lối xử lý trên đây của Chính phủ. Tuy nhiên, để bảo đảm việc giải quyết được thống nhất, đúng pháp luật, Toà án nhân dân tối cao lưu ý một số điểm sau đây:

1. Khi giải quyết các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự liên quan đến việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng, Toà án cần thực hiện đúng các hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03-01-2002 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Địa chính "Hướng dẫn về thẩm quyền của Toà án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất".

2. Toà án chỉ được căn cứ vào đường lối xử lý nêu trên của Chính phủ (được thông báo trong Công văn số 5538/VPCP-VII của Văn phòng Chính phủ) khi giải quyết các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự liên quan đến việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ví dụ 1: Thực hiện Thông tư số 73/TTg ngày 07-7-1962 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị" và Thông tư số 10-TTg ngày 04-02-1963 của Thủ tướng Chính phủ giải thích Thông tư số 73/TTg này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định quản lý một diện tích đất của M đang cho người khác thuê và đã giao cho N sử dụng. Nay M khiếu kiện hoặc có tranh chấp đòi lại đất đã giao cho N sử dụng.

Ví dụ 2: Thực hiện Quyết định số 13-HĐBT ngày 01-02-1989 của Hội đồng Bộ trưởng "Về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất", cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định thu hồi một diện tích đất của X và giao cho Y là thương binh sử dụng. Nay X khiếu kiện hoặc có tranh chấp đòi lại đất đã giao cho Y sử dụng.

Đối với các trường hợp nêu trong hai ví dụ trên đây, khi giải quyết khiếu kiện, tranh chấp, Toà án không đặt vấn đề xem xét việc thu hồi, quản lý đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đúng hay không đúng về các điều kiện thu hồi, quản lý đất mà phải căn cứ vào đường lối xử lý nêu trên của Chính phủ; cụ thể là phải áp dụng khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai không chấp nhận yêu cầu của đương sự về việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng. Nếu họ có yêu cầu đền bù về việc làm tăng giá trị của đất, thanh toán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết theo thủ tục chung. Tuỳ từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án mà chấp nhận toàn bộ hoặc chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận yêu cầu của họ.

3. Đối với các trường hợp người thuê đất, mượn đất, chiếm dụng đất... của người khác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho sử dụng là do họ tự kê khai, tự làm các thủ tục mà không phải do việc thực hiện một chính sách đất đai nào đó của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì không phải là đối tượng thuộc đường lối xử lý nêu trên của Chính phủ.

Ví dụ 1: A thuê đất của B. Trong quá trình thuê đất A tự kê khai, tự làm các thủ tục xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất. Trên cơ sở đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có quyết định giao đất cho A.

Nay B khiếu kiện hoặc có tranh chấp đòi lại đất đã giao cho A sử dụng.

Ví dụ 2: C là người sử dụng hợp pháp một khu đất. Vì lý do nào đó mà không có điều kiện trực tiếp quản lý, sử dụng khu đất này. Tuy vậy, Nhà nước không thu hồi, không quản lý đối với khu đất đó. D đã chiếm dụng một phần hoặc toàn bộ khu đất đó để sản xuất hoặc để xây dựng nhà ở và đã tự kê khai, tự làm các thủ tục xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đối với diện tích đất đã chiếm dụng. Trên cơ sở đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có quyết định giao đất cho D. Nay C khiếu kiện hoặc có tranh chấp đòi lại đất đã giao cho D sử dụng.

Đối với các trường hợp nêu trong hai ví dụ trên đây, khi giải quyết khiếu kiện, tranh chấp, Toà án không được căn cứ vào đường lối xử lý nêu trên của Chính phủ mà phải căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai, Bộ luật dân sự cũng như các quy định khác của pháp luật và tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án mà quyết định việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của đương sự; nếu đương sự có yêu cầu đền bù về việc làm tăng giá trị của đất, thanh toán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, thì Toà án cũng giải quyết theo thủ tục chung.

4. Các hướng dẫn trong Công văn này được thực hiện kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2002 khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm các vụ án về khiếu kiện, về tranh chấp đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng.

Đối với các vụ án hành chính, dân sự có liên quan đến việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Công văn này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc cần được giải thích, hướng dẫn thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao biết để có giải thích, hướng dẫn bổ sung kịp thời.

Đặng Quang Phương

(Đã ký)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét