Thứ Ba, 1 tháng 1, 2008

HIẾN PHÁP HOA KỲ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC SUỐT ĐỜI CỦA CÁC THẨM PHÁN LIÊN BANG

(ĐCSVN)- Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, thẩm phán liên bang sẽ “được giữ chức vụ đó suốt đời nếu luôn luôn có hành vi đúng đắn. Trong thời gian nói trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó”.
Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, được thông qua lần đầu tiên từ thời Tổng thống G. Washington (1787), có thể xem là một trong những bản hiến pháp ngắn nhất thế giới với 15 trang in (khổ 13x 21cm bản dịch tiếng Việt) gồm 7 điều và 27 Tu chính án gồm 12 trang in. Trong khi đó, hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ lại là một trong những hệ thống luật phân chia thành nhiều cấp và phức tạp bậc nhất thế giới. Lịch sử Hoa Kỳ không hình thành từ một quốc gia mà là liên minh 13 khu vực thuộc địa, mỗi khu vực đều độc lập tách ra khỏi Anh Quốc. Do vậy, tuyên ngôn Độc lập (1776) đã nhắc đến “dân tộc của các khu vực thuộc địa” và thừa nhận đó là “các khu vực thuộc địa của Hợp chủng quốc là, và có quyền được làm các bang tự do và độc lập”. Toàn bộ hệ thống được dựa trên các quy tắc pháp lý truyền thống của Thông luật Anh.
Mục 2. Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ ghi “... Cùng với sự cố vấn và tán thành của Thượng viện, Tổng thống sẽ bổ nhiệm các đại sứ,các công sứ, lãnh sự, các thẩm phán của Toà án tối cao của Hoa Kỳ”.
Mục 1. Điều III ghi rõ “...Các thẩm phán của toà án tối cao và các toà án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình đến suốt đời nếu luôn luôn có hành vi đúng đắn. Trong thời gian đã nêu trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó”.
Vậy các thẩm phán Hoa Kỳ, họ là ai? Các nhân vật chính của hệ thống pháp lý liên bang là những người đảm nhiệm chức vụ thẩm phán và chánh án. Phải học tập rèn luyện như thế nào để trở thành thẩm phán? Các thẩm phán được lựa chợn ra sao và khi nào họ bị bãi miễn? Người dân Mỹ thường có quan niệm rằng một người sinh ra trong hoàn cảnh tầm thường nhất (như Abraham Lincon) một ngày nào đó cũng có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, hoặc ít nhất cũng sẽ là thẩm phán tòa án tối cao. Về nguyên tắc, mọi người ai cũng có thể trở thành một quan chức chính phủ xuất chúng. Có thể nêu ra nhiều ví dụ về những người có xuất thân thấp kém song đã đạt tới đỉnh cao quyền lực. Tuy vậy, các thẩm phán liên bang Mỹ cũng như những quan chức chính phủ khác, cả những người đứng đầu các ngành thương mại, công nghiệp, hầu hết đều xuất thân tù tầng lớp trung lưu và thượng lưu của đất nước này. Tất cả các thẩm phán đều tốt nghiệp đại học, khoảng một nửa trong số họ đã theo học tại các trường đại học nổi tiếng ở miền đông-bắc Mỹ với mức học phí rất cao. Các thẩm phán cũng “khác” công chúng ở tính kế nghiệp, nghĩa là thường xuất thân từ những gia đình có truyền thống làm việc trong ngành tư pháp hoặc dịch vụ công. Mặc dù 51% dân số Mỹ là phụ nữ, song các thẩm phán hầu như đều là nam giới. Cho tới tận nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter (1977-1982), mới chỉ có chưa đến 2% các thẩm phán hạt là phụ nữ. Các nhóm chủng tộc thiểu số (không phải là người thuộc chủng tộc Anglo) cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít ỏi trong số các thẩm phán. Cho đến nay, chỉ có Jimmy Carter là đã bổ nhiệm một lượng đáng kể phụ nữ (14,4%) và những người không thuộc chủng tộc Anglo (21%) vào ngành tư pháp. Trong thời gian cầm quyền (1993-2001), Tổng thống Bill Clinton đã bổ nhiệm 49% số người giữ các chức vụ trong ngành tư pháp là phụ nữ và người thuộc nhóm thiểu số. Đó là một sự thay đổi lớn. Khoảng 90% các thẩm phán là người thuộc cùng một đảng với tổng thống đã bổ nhiệm họ và trong số đó có khoảng 60% tham gia hoạt động đảng phái rất tích cực. Thông thường các thẩm phán thường được bổ nhiệm ở độ tuổi 49 và hầu như không thấy có sự khác biệt lớn về độ tuổi được bổ nhiệm thẩm phán giữa các nhiệm kỳ tổng thống. Năng lực chuyên môn nổi bật và phẩm chất chính trị xuất sắc qua hoạt động đảng phái là cơ sở để thượng viện biết, giới thiệu và Tổng thống bổ nhiệm làm thẩm phán. Tuy vậy, thẩm phán tương lai nào biết tiến hành vận động kín đáo và gặp sự ngẫu nhiên may mắn đúng vào lúc cần bổ sung thẩm phán bị khuyết, vẫn sẽ có cơ hội trúng cử hơn những người có cùng trình độ năng lực và phẩm chất.
Quy trình tuyển chọn thẩm phán rất nghiêm ngặt, khắt khe. Trước hết phải được tham khảo ý kiến của đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, văn phòng Chưởng lý, một số thượng nghị sĩ và các nhà hoạt động chính trị khác. Các phẩm chất và năng lực của ứng cử viên sẽ được bộ phận chuyên môn của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đánh giá. Tiếp theo là thủ tục kiểm tra an ninh của Cục điều tra liên bang (FBI), của bộ phận chuyên trách thuộc Bộ tư pháp. Tên của ứng cử viên sẽ được gửi tên Uỷ ban Tư Pháp Thượng viện Hoa Kỳ. Uỷ ban sẽ tiến hành một cuộc điều tra xem ứng cử viên có phù hợp với vị trí này hay không. Nếu mọi kết quả đều thuận lợi, việc bổ nhiệm ứng cử viên làm thẩm phán sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Thượng viện và tiến hành bỏ phiếu thông qua hoặc phản đối do đa số quyết định.
Các thẩm phán Hoa Kỳ chỉ ngừng thực hiện nhiệm vụ khi nghỉ hưu theo nguyện vọng, do tình trạng sức khoẻ yếu kém hay qua đời hoặc khi họ phải kỷ luật. Tất cả các thẩm phán liên bang được bổ nhiệm theo quy định của Điều III Hiến pháp Hoa Kỳ đều được giữ chức vụ đó “trong thời gian có hành vi chính đáng”, có nghĩa là họ sẽ được giữ chức vụ đó suốt đời hoặc cho đến khi họ muốn ngừng lại. Cách thức duy nhất buộc họ phải từ nhiệm là tiến hành luận tội tại Hạ viện và kết tội tại Thượng viện. Theo quy định của Hiến pháp (Đối với các thẩm phán Toà án tối cao) và các quy định về lập pháp (đối với thẩm phán Toà phúc thẩm và sơ thẩm), chỉ tiến hành luận tội khi phạm các tội danh “phản quốc, nhận hối lộ hoặc những trọng tội khác”.
Thẩm phán bị luận tội đó sẽ bị kết án tại Thượng viện khi có 2/3 số người dự họp bỏ phiếu tán thành. Từ 1789 đến nay, Hạ viện mới chỉ khởi xướng luận tội đối với 13 thẩm phán và có 7/13 người đã bị kết tội. Bên cạnh đó, có hơn mười thẩm phán khác đã xin từ chức trước khi bị luận tội.
Ngày 1-10-1980, một đạo luật mới được thông qua với tên gọi “Về cải cách các hội đồng thẩm phán, hành vi sai phạm và suy thoái tư cách của thẩm phán”. Đạo luật có hai phần riêng biệt. Phần thứ nhất uỷ quyền cho các Hội đồng thẩm phán được “đưa ra những quy định phù hợp và cần thiết để thực thi luật pháp hiệu quả và nhanh chóng”. Phần thứ hai quy định một trình tự khiếu kiện các thẩm phán cho phép một bên không đồng tình trong vụ xử được đệ đơn khiếu nại lên toà phúc thẩm. Chánh án toà phúc thẩm có thể bác bỏ nếu có đủ căn cứ cho thấy việc khiếu nại và không đúng. Nếu thấy khiếu nại có đủ cơ sở để xem xét, chánh án sẽ phải chỉ định một ủy ban điều tra gồm bản thân (chánh án) và một số lượng bằng nhau các thẩm phán của toà sơ thẩm và toà phúc thẩm để tiến hành điều tra. Uỷ ban này sẽ báo cáo kết quả điều tra lên Hội đồng thẩm phán. Hội đồng sẽ lựa chọn quyết định miễn tội hoặc cách chức đối với các thẩm phán (cấp bang). Đối với các thẩm phán (liên bang) Hoa Kỳ được bổ nhiệm theo điều III của Hiến pháp thì Hội đồng chỉ có thể khiển trách, tuyên bố không đủ tư cách hoặc cấm xét xử trong những vật việc cụ thể, không đước phép cách chức. Nếu Hội đồng thẩm phán cho rằng hành vi sai phạm có đủ điều kiện để luận tội thì thông báo cho Hội đồng tư pháp để chuyển bên Hạ viện xem xét luận tội.
Thuyết phục những thẩm phán đã quá già không còn đủ khả năng thực thi trách nhiệm rời bỏ chức vụ còn khó hơn cả việc cách chức các thẩm phán có những hành vi sai phạm. Quốc hội Hoa Kỳ đã cố gắng,- với đôi chút thành công,- khuyến khích các thẩm phán cao tuổi nghỉ hưu bằng cách dành cho họ những ưu đãi vật chất hấp dẫn khi nghỉ hưu. Từ năm 1984, các thẩm phán liên bang được phép nghỉ hưu mà vẫn hưởng nguyên lương và các khoản phúc lợi theo cái gọi là “quy tắc 80” (khi số tuổi cộng số năm làm thẩm phán đạt 80 năm). Quốc hội Hoa Kỳ cũng cho phép các thẩm phán chuyên sang ngạch chuyên gia cao cấp thay vì nghỉ hưu hoàn toàn.Trong trường hợp đó, tuy không phải trực tiếp tham gia việc xét xử, nhưng họ được phép giữ lại văn phòng với các nhân viên tư pháp và, quan trọng nhất là vẫn giữ được uy tín và có quyền tự hào rằng vẫn đang là một thẩm phán đương nhiệm.

Đỗ Xuân - BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(theo “Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét