Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 26-11-2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004. Tại chương VI, Luật đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với công ty nhà nước và đối với vốn Nhà nước ở doanh nghiệp khác.

Chương này gồm ba mục, trong đó mục I quy định về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước và vốn Nhà nước ở doanh nghiệp khác; Mục II quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với công ty nhà nước; Mục III quy định quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu đối với vốn Nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác.

So với Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995, chương này có những điểm mới đáng chú ý là:

Thứ nhất, Luật năm 2003 sửa lại các quy định về phân công, phân cấp đại diện chủ sở hữu, quy định rõ hơn cơ chế phân công, phân cấp quyền chủ sở hữu. Theo đó, Nhà nước là chủ sở hữu và Chính phủ là cơ quan thống nhất tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu. Chính phủ phân công, phân cấp cho các tổ chức, cá nhân sau đây thực hiện:

Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị;

Bộ Tài chính thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về quản lý tài chính;

Hội đồng quản trị là đại diện trực tiếp chủ sở hữu đối với công ty do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ;

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với công ty do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ và đại diện chủ sở hữu phần vốn do mình đầu tư ở doanh nghiệp khác;

Công ty nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn của công ty đầu tư ở doanh nghiệp khác;

Ðối với công ty nhà nước đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho các bộ liên quan thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty này.

Thứ hai, chủ sở hữu chỉ quản lý về giá trị, không can thiệp vào tác nghiệp sản xuất kinh doanh của công ty, trả lại cho công ty các quyền chiếm hữu, sử dụng và một phần quyền định đoạt đối với vốn và tài sản. Một số cơ quan bộ, UBND cấp tỉnh được giao thực hiện quyền của chủ sở hữu; các cơ quan nhà nước khác chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Thứ ba, chủ sở hữu Nhà nước có các quyền:

Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty; quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của công ty; tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ lương, thưởng của chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc hoặc giám đốc công ty; phê duyệt nội dung, sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty.

Quyết định mục tiêu, chiến lược và định hướng kế hoạch phát triển công ty; quyết định các dự án đầu tư có giá trị hơn 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị hoặc tỷ lệ nhỏ hơn được quy định tại điều lệ công ty; quyết định các dự án đầu tư có giá trị hơn 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty có Hội đồng quản trị hoặc tỷ lệ nhỏ hơn được quy định tại Ðiều lệ công ty; quyết định các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác vượt quá mức vốn điều lệ của công ty; quy định chế độ giao kế hoạch, đặt hàng hoặc đấu thầu, mức giá bán, mức bù chênh lệch cho các công ty cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích.

Quyết định mức vốn, đầu tư ban đầu, mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của công ty; quyết định dự án vay, cho vay có giá trị trên mức phân cấp cho Hội đồng quản trị và Giám đốc đối với công ty không có Hội đồng quản trị; quy định chế độ tài chính của công ty.

Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Thứ tư, Luật năm 2003 quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh:

Phải bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty; không can thiệp vào các công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, Giám đốc và bộ máy quản lý của công ty;

Chịu trách nhiệm đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty;

Chịu trách nhiệm hành chính và vật chất về các quyết định của mình trong việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được giao; liên đới chịu trách nhiệm và chịu các hình thức kỷ luật khi công ty không thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn đã quy định; để xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, thất thoát tài sản Nhà nước ở các công ty có vốn Nhà nước thuộc quyền quản lý; cán bộ quản lý công ty nhà nước do mình bổ nhiệm gây thiệt hại lớn đối với các công ty nhà nước; báo cáo không trung thực tình hình tài chính công ty; tiếp tục bổ nhiệm lại hoặc quyết định chuyển công tác sang vị trí tương đương hoặc cao hơn đối với các chức danh quản lý công ty nhà nước đã vi phạm quy định tới mức bị cách chức, miễn nhiệm.

Luật mới cũng quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tổ chức thực hiện chuyển giao quyền chủ sở hữu cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho chủ sở hữu đối với vốn Nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác.

(Theo Nhandan.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét