Thứ Năm, 3 tháng 1, 2008

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU THÔNG QUA PHƯƠNG THỨC KIỆN DÂN SỰ NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ SO VỚI CÁC PHƯƠNG THỨC KHÁC

ThS. Nguyễn Thị Tuyết

Trường Đại học Luật Hà Nội

Quyền sở hữu là một chế định pháp luật quan trọng được Nhà nước quy định nhằm xác định nội dung về sở hữu.Theo Điều 164 Bộ luật Dân sự (BLDS) của Việt Nam thì: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật”. Như vậy quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng cơ bản: Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản tức là việc người chiếm hữu giữ vật trong phạm vi kiểm soát của mình, ví dụ, cất tiền bạc, tư trang trong tủ... Quản lý tài sản được hiểu là việc người chiếm hữu, kiểm soát sự tồn tại của tài sản và việc sử dụng tài sản; quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản; quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu tài sản. Từ nội dung này cho thấy chủ sở hữu một tài sản có toàn quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của mình.

Quyền sở hữu tài sản là một trong các quyền dân sự cơ bản của cá nhân, tổ chức luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, được thể hiện trên hai phương diện: Ở phương diện thứ nhất việc bảo vệ quyền sở hữu của cá nhân được đặt trong mối quan hệ với các cơ quan công quyền và do vậy có thể nói rằng phương tiện bảo vệ quyền sở hữu hữu hiệu nhất là dựa vào hoạt động của hệ thống tài phán hành chính. Các quyết định hành chính và hành vi hành chính, đặc biệt là các quyết định liên quan đến việc tịch thu hay trưng mua tài sản của tổ chức, cá nhân đều có thể bị kiện ra trước các toà hành chính. Trên phương diện thứ hai, bảo vệ quyền sở hữu được đặt trong mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức khác thì phương tiện quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu chủ yếu thông qua vai trò của hệ thống toà hình sự và dân sự.

Trên thực tế có rất nhiều chủ sở hữu bị xâm phạm tới các quyền sở hữu của mình. Chính vì lẽ đó mà Nhà nước đã có những quy định về việc bảo vệ quyền sở hữu của các chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp thông qua các phương thức bảo vệ quyền sở hữu khác nhau. Phương thức bảo vệ quyền sở hữu chính là các biện pháp tác động bằng pháp luật đối với các hành vi xử sự của con người, ngăn ngừa những hành vi xâm hại đến chủ sở hữu khi người này hành xử quyền của mình. Việc bảo vệ quyền sở hữu được pháp luật được quy định thông qua nhiều biện pháp được quy định trong các ngành luật khác nhau như ngành luật hành chính, ngành luật hình sự, ngành luật dân sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tìm hiểu các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tập trung vào ba biện pháp là biện pháp hành chính, hình sự và dân sự; từ đó đi sâu vào những ưu điểm và hạn chế của biện pháp bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự so với các biện pháp khác.

1. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu

a. Biện pháp hành chính

Ngành luật hành chính bảo vệ quyền sở hữu thông qua việc quy định những thể lệ nhằm quản lý và bảo vệ tài sản của Nhà nước, quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho từng cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính. Trong quản lý tài sản nhà nước, luật hành chính cũng phân chia việc quản lý đối với từng loại tài sản khác nhau như tài sản nhà nước trong khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc tài sản nhà nước là các kết cấu hạ tầng, phục vụ lợi ích công cộng quốc gia. Mỗi một loại tài sản đều có quy chế sử dụng tài sản khác nhau và được giao cho từng cơ quan quản lý chịu trách nhiệm bảo vệ đối với những tài sản đó.

Đồng thời, luật hành chính cũng quy định về các biện pháp hành chính mà Nhà nước được sử dụng để thực hiện việc bảo vệ quyền sở hữu khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản nhà nước như các biện pháp cưỡng chế, phòng ngừa và ngăn chặn. Chủ thể thực hiện quyền bảo vệ này chính là các cơ quan Nhà nước và trong một số trường hợp nhất định thì Toà án cũng là chủ thể sử dụng các biện pháp hành chính nhằm bảo vệ quyền sở hữu.

b. Biện pháp hình sự

Ngành luật hình sự bảo vệ quyền sở hữu thông qua việc quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm quyền sở hữu bị coi là tội phạm và quy định các mức hình phạt tương đương. BLHS các tội xâm phạm quyền sở hữu tại chương XIV từ điều 133 đến điều 145, trong đó chia làm 2 nhóm chính: các tội xâm phạm quyền sở hữu của công dân và tội xâm phạm quyền sở hữu của nhà nước. Một trong những đặc điểm chung của các các tội xâm phạm sở hữu là dấu hiệu mục đích phải nhằm chiếm đoạt tài sản (từ điều 133 đến điều 142, chỉ có hai tội không có mục đích chiếm đoạt tài sản là các tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 141 và tội sử dụng trái phép tài sản quy định ở Điều 142 BLHS. Tùy theo tính chất mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội và giá trị tài sản xâm phạm mà mỗi hành vi có một hình phạt tương ứng. Hính phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ và cao nhất là tử hình. Trong số 13 tội được quy định trong BLHS thì có 9 tội được quy định có thể là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, một tội được quy định là tội phạm ít nghiêm trọng. Số tội còn lại có thể là tội phạm nghiêm trọng hoặc là tội phạm rất nghiêm trọng. Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu còn có thể bị chịu một trong các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, quản chế hoặc cấm cư trú.

c. Biện pháp dân sự

Khác với các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu do luật hành chính và luật hình sự, chủ thể thực hiện hành vi bảo vệ quyền sở hữu do Nhà nước thực hiện thì thông qua biện pháp dân sự, cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền sở hữu có thể dùng các phương thức dân sự để tự bảo vệ quyền sở hữu hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu cho mình.

Điều 255 BLDS quy định “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng các quy định của pháp luật”. Quyền tự bảo vệ quyền của chủ sở hữu được hiểu là quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể dùng bất kỳ biện pháp mà pháp luật không cấm để bảo vệ tài sản và quyền sở hữu tài sản của mình như cất giữ, quản lý… Ngoài ra, quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu còn gắn liền với quyền ngăn cản bất kỳ chủ thể nào khác có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình; có quyền truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.[1]

Bên cạnh quyền tự bảo vệ, pháp luật dân sự còn quy định cho chủ sở hữu , người chiếm hữu hợp pháp có quyền “yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại”[2]. Những phương thức này gọi chung là phương thức kiện dân sự- phương thức được áp dụng khi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể tự mình bảo vệ được quyền sở hữu trước hành vi xâm hại của chủ thể khác gây ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền của chủ sở hữu của mình. Xuất phát từ tính chất đa dạng trong bản thân sự xâm hại tới quyền sở hữu mà phương thức kiện dân sự cũng có rất nhiều loại khác nhau. Chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp có quyền lựa chọn một trong ba phương thức kiện sau đây khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định:

(i) Kiện đòi lại tài sản (kiện vật quyền):

Quyền đòi lại tài sản là quyền của chủ sở hữu kiện yêu cầu một người đang chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của mình phải trả lại cho mình. Khi xây dựng cơ chế kiện đòi lại tài sản, các nhà làm luật Việt Nam đã rất cân nhắc trong việc làm sao phải bảo đảm sự hài hoà giữa yêu cầu bảo vệ chủ sở hữu với bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chiếm hữu ngay tình cũng như bảo đảm tính ổn định trong lưu thông dân sự. Vì vậy, một mặt, BLDS đã thiết kế các quy tắc kiện đòi lại tài sản dựa vào tiêu chí phân biệt giữa người chiếm hữu ngay tình và người chiếm hữu không ngay tình và mặt khác, dựa vào việc phân định giữa tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên điều kiện chung áp dụng cho phương thức kiện đòi tài sản được quy định tại Điều 256, 257, 258 BLDS khi có các điều kiện sau:

- Vật rời khỏi chủ sở hữu hay dời khỏi người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ; hoặc theo ý chí của họ nhưng người thứ ba có vật thông qua giao dịch không đền bù như tặng cho, thừa kế theo di chúc;

- Người thực tế đang chiếm giữ vật là người chiếm giữ bất hợp pháp;

- Vật hiện đang còn trong tay người chiếm hữu bất hợp pháp;

- Vật là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp khác do pháp luật quy định.

(ii) Kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.

Đây là phương thức cho phép chủ sở hữu kiện tới toà án khi một người nào đó có hành vi trái pháp luật cản trở việc thực hiện quyền sở hữu hay quyền chiếm hữu hợp pháp để quyền yêu cầu người này phải chấm dứt hành vi đó. Nếu người này không tự nguyện chấm dứt thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu Toà án, hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm. Mục đích chính của phương thức này là nhằm bảo đảm để chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp được sử dụng và khai thác công dụng của tài sản một cách bình thường.

(iii) Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (kiện trái quyền).

Trong trường hợp một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tới tài sản của người khác thì chủ sở hữu của tài sản của có quyền kiện tới toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây được gọi là phương thức kiện trái quyền bởi vì nó chỉ được áp dụng trong trường hợp khi người chiếm hữu hợp pháp hoặc bất hợp pháp đã bán tài sản cho người khác mà không tìm thấy người mua nữa hoặc tài sản bị tiêu huỷ…Lúc này chủ sở hữu không lấy lại đc tài sản của mình và luật cho phép chủ sở hữu lựa chọn phương thức kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuỳ từng trường hợp, chủ sở hữu có quyền lựa chọn ba hình thức khởi kiện khác nhau. Nếu hành vi gây thiệt hại cho tài sản nằm trong khuôn khổ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng một nghĩa vụ trong hợp đồng, chủ sở hữu có quyền kiện vi phạm hợp đồng. Nếu hành vi gây thiệt hại không phải là hành vi vi phạm hợp đồng, chủ sở hữu có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại cho tài sản người khác cấu thành tội phạm hình sự, chủ sở hữu cũng có thể yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự (bồi thường thiệt hại) trong phiên toà hình sự hoặc tách ra thành vụ kiện dân sự để giải quyết trong phiên toà dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng.

2. Đánh giá việc bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự

Có thể nhận thấy rằng, so với các phương thức bảo vệ quyền sở hữu khác thì phương thức kiện dân sự có những điểm khác biệt và nó làm nên tính ưu việt cũng như cũng có những hạn chế nhất định so với các phương thức khác. Những ưu điểm chủ yếu của phương thức kiện dân sự gồm có:

Thứ nhất, đây là phương thức mang tính thực tế rất lớn. Tính thực tế này xuất phát từ chỗ những hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu thông thường nảy sinh trong đời sống xã hội, xâm phạm tới các quyền tài sản của các chủ thể và do vậy chủ yếu thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Do xuất phát điểm là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu chủ yếu thuộc pháp luật dân sự nên biện pháp kiện dân sự cũng được áp dụng phổ biến hơn. Hơn nữa, mục đích lớn nhất của chủ thể khi sử dụng phương thức kiện dân sự nhằm bảo vệ quyền sở hữu của mình chính là việc khôi phục lại tình trạng ban đầu (tình trạng trước khi bị vi phạm) về mặt vật chất hay chính là đảm bảo sự nguyên vẹn của tài sản cho chủ sở hữu hoặc cho người chiếm hữu hợp pháp. Sau khi áp dụng các phương thức bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có thể khôi phục lại trạng thái tài sản ban đầu hoặc được bù đắp về mặt vật chất cho những xâm phạm đến quyền sở hữu của họ, đáp ứng được lợi ích cơ bản của việc bảo vệ quyền sở hữu của các chủ thể được nhà nước ghi nhân. Mặc dù phương thức bảo vệ quyền sở hữu của ngành luật hành chính cũng nhằm mục đích này nhưng thông thường tài sản bị xâm phạm lại là các tài sản của Nhà nước. Còn phương thức bảo vệ quyền sở hữu của ngành luật hình sự thì mục đích lớn nhất lại là trừng trị và răn đe.

Thứ hai, phương thức kiện dân sự được áp dụng một cách rộng rãi hơn các biện pháp khác. Thông thường biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong ngành luật hình sự chỉ áp dụng khi hành vi xâm phạm đó được cấu thành tội phạm theo quy định trong Bộ luật hinh sự sự (BLHS). Mà trong BLHS thì hiện nay quy định chỉ có vài chục hành vi xâm phạm vào 2 nhóm sở hữu chính là sở hữu Xã hội Chủ nghĩa và sở hữu của công dân (từ Điều 133 đến Điều 144 BLHS). Biện pháp thuộc ngành luật hành chính thông thường áp dụng khi tài sản bị xâm phạm tới là tài sản của Nhà nước. Chủ thể áp dụng biện pháp hành chính và biện pháp hình sự chỉ có thể là các cơ quan nhà nước bởi vậy trong rất nhiều trường hợp việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trên thực tế không phát huy được hiệu quả một cách tuyệt đối. Riêng biện pháp kiện dân sự được áp dụng rộng rãi bởi lẽ: việc xâm phạm tài sản mang tính chất dân sự diễn ra phổ biến; các chủ thể có thể áp dụng các phương thức kiện dân sự một cách dễ dàng bằng việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu chủ thể vi phạm bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, phương thức kiện dân sự tạo điều kiện rất thuận lợi và dễ dàng cho mọi chủ thể có quyền sở hữu bị xâm phạm tự mình chủ động thực hiện phương thức này. Đây là một điểm khác biệt rất lớn so với các phương thức khác. Phương thức bảo vệ trong ngành luật hành chính tuân thủ các thủ tục hành chính tương đối phức tạp của các cơ quan Nhà nước. Còn phương thức trong ngành luật hình sự thì đỏi hỏi phải đáp ứng đủ việc cấu thành tội phạm và tuân theo thủ tục tố tụng hình sự cũng tương đối phức tạp và mất thời gian, khó có thể khôi phục nhanh chóng tình trạng tái sản như ban đầu. Riêng phương thức kiện dân sự vì tuân theo thủ tục tương đối nhanh gọn, khắc phục nhanh chóng tình trạng như ban đầu, hơn nữa khi các chủ thể có thể đã đệ đơn yêu cầu toà án ra quyết định buộc chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu chấm dứt hành vi, bồi thường thiệt hại hoặc đòi lại tài sản cho mình nhưng vẫn có thể được quyền thoả thuận và rút lại đơn kiện.

Trên đây là các điểm ưu điểm của phương thức kiện dân sự so với các phương thức bảo vệ quyền sở hữu khác. Tuy nhiên, phương thức kiện dân sự cũng mang những hạn chế nhất định, ví dụ trong nhiều trường hợp hiệu quả của các phương thức dân sự trong việc bảo vệ quyền sở hữu trên thực tế rất thấp. Trong các phương thức dân sự, tự bảo vệ là biện pháp được các chủ thể áp dụng phổ biến nhất nhưng do thiếu tính cưỡng chế và quyền lực nhà nước nên trên thực tế khi có hành vi xâm phạm các chủ thể vẫn phải áp dụng đồng thời các biện pháp khác để bảo vệ quyền sở hữu của mình.

Ngoài ra hiệu quả của việc bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự gắn liền với việc thi hành án dân sự nên trên thực tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi công tác thi hành án dân sự cũng là một hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu hợp pháp, người chiếm hữu hợp pháp trên thực tế.


[1] Giáo trình Luật Dân sự, Trường ĐH Luật HN, Tập 1, NXB Công an nhân dân, 2006, tr. 281

[2] Điều 255, BLDS

------------------------------------------------------------------

CHUYÊN ĐỀ CHO HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG DO BỘ MÔN LUẬT DÂN SỰ - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI TỔ CHỨC VÀO NGÀY 11/12/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét