Thứ Hai, 7 tháng 1, 2008

VỀ VAI TRÒ KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC Ở TRUNG QUỐC

Theo Hạ Vân, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, tháng 7/2004

Ở phần đầu bài viết, tác giả khái quát sơ bộ tình hình nghiên cứu và sự đánh giá vai trò kinh tế của nhà nước ở Trung Quốc của các học giả phương Tây cũng như ở Nga.
Tác giả cho biết cho đến nay, trong ngành Trung Quốc học ở Nga và phương Tây, vấn đề vai trò kinh tế của nhà nước CHND Trung Hoa vẫn chưa được phân tích một cách toàn diện. Ngay cả ở Trung Quốc, những nghiên cứu sâu về đề tài này cũng chỉ mới xuất hiện cách đây không lâu.
Có khoảng trống rõ rệt trong nghiên cứu vấn đề này, là do: 1, tính phức tạp của bản thân việc phân tích, vì nó phải dựa vào những tri thức mang tính hệ thống, đa dạng về thực tếkinh tếvà chính trị của Trung Quốc; 2. cho tới gần đây, khi bàn về việc phải tiếp tục biến đổi các chức năng của chính phủ ở CHND Trung Hoa, người ta luôn bằng lòng với sự phân chia các chức năng giữa nhà nước và thị trường. Và chỉ khi Trung Quốc gia nhập WTO thì vấn đề tối ưu hoá các qui mô và hình thức tham gia của nhà nước vào nền kinh tế mới có được các hạn độ rõ rệt về thời gian; 3, sự đánh giá cần phải có về mặt định tính và định lượng vai trò nhà nước trong nền kinh tế đòi hỏi phải có sự so sánh bắt buộc chuẩn xác.
Để nghiên cứu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, trước hết, cần phải hiểu được đặc điểm của nhà nước. Đặc điểm của việc thực hiện các chức năng kinh tế của nhà nước phụ thuộc vào một số yếu tố như: tính chất của giới tinh hoa cầm quyền, trước hết là phụ thuộc vào việc họ đại diện cho lợi ích của ai và theo đuổi những mục đích gì; phụ thuộc vào kinh nghiệm của nhà nước và phẩm chất cá nhân của các nhà lãnh đạo đất nước. Tác giả khẳng định, kết cấu quyền lực nhà nước và các truyền thống của nhà nước có tác động quyết định đến đời sống kinh tế của đất nước. Về mặt lý luận và thực tiễn, có thể phân loại hoạt động kinh tế của nhà nước theo không gian và theo chức năng. Theo không gian, những điều quan trọng nhất là: Quan hệ của nhà nước với các chủ thể kinh tế và chính trị khác của thế giới (các nhà nước, các tổ chức quốc tế, các công ty xuyên quốc gia); Quan hệ của chính quyền trung ương với các vùng (phân phối các khoản thu nhập và chi phí, các quyền hạn kinh tế và xã hội .v.v); Quan hệ của chính quyền hành chính với các chủ thể kinh tế; và quan hệ của nhà nước với nhân dân (nhà nước ở đây được hiểu là toàn bộ các cơ quan chính quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở tất cả các cấp).
Xét theo chức năng kinh tế cơ bản, nhà nước đồng thời là nhà quản lý, người sở hữu và là người kiểm soát. Để thực hiện mục đích của mình, nhà nước có thể sử dụng không chỉ các công cụ trong chính sách kinh tế (như các chính sách: thuế, đầu tư, tín dụng-tiền tệ, chính sách sản xuất, v.v..), mà cả công cụ hành chính - trước tiên là sự điều tiết bằng qui định-pháp luật đối với hoạt động kinh tế.
Đề cập đến vai trò của nhà nước với tư cách là người quản lý, tác giả cho rằng vai trò này thể hiện rõ nhất trong việc xác định các mục tiêu và các thông số phát triển kinh tế đất nước (ở đây nhà nước trước hết đóng vai trò là người tổ chức) và trong việc thực hiện chính sách kinh tế cụ thể (điều tiết vĩ mô). Duy trì vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc hoạch định các mục tiêu phát triển lâu dài và trước mắt, trong chiến lược và sách lược phát triển là đặc điểm nổi bật của Trung Quốc. Ngay cả trong bối cảnh chuyển sang nền kinh tế thị trường, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ vai trò xây dựng các mục tiêu lâu dài (tính toán GDP đất nước vào năm 2020 so với năm 2000, xây dựng “xã hội no đủ trung lưu”), các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và 5 năm. Đồng thời ngay cả các kế hoạch cũng có những thay đổi lớn. Chẳng hạn kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (199l-1995) - ''thời kỳ Lý Bằng'' được thông qua vào thời kỳ từ bỏ mạnh mẽ nhất tư tưởng thị trường, gồm nhiều con số cụ thể về các khối lượng dự định, sản xuất nhiều loại hiện vật. Kế hoạch 5 năm lần thứ mười (2001-2005) - ''thời kỳ Chu Dung Cơ'' -, có rất ít con số, và không có một chỉ tiêu nào về khối lượng dự định sản xuất hiện vật. Tuy nhiên, kế hoạch chung cho kế hoạch 5 năm lần thứ mười đã được bổ sung bằng nhiều định hướng phát triển trung hạn cụ thể hơn trong các lĩnh vực mang tính tổng hợp chính (trong đó có vấn đề sinh thái xây dựng ở thành phố, vận tải, năng lượng, khoa học và kỹ thuật, kinh tế biển, phát triển các vùng lãnh thổ phía tây) cũng như trong một loạt các ngành cụ thể, như công nghiệp thực phẩm, sản xuất nhôm và giấy.
Đối với vấn đề điều tiết kinh tế vĩ mô, tác giả đã khái quát lên các mục tiêu điều tiết cơ bản trong các giai đoạn phát triển kinh tế của Trung Quốc. Chẳng hạn, giai đoạn từ giữa năm 1993 đến cuối năm 1996, mục tiêu điều tiết kinh tế vĩ mô chính là đấu tranh chống lạm phát và xoá bỏ tình trạng ''quá nóng'' trong nền kinh tế (thực hiện ''hạ cánh nhẹ nhàng). Trong giai đoạn 1998-2002, mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khắc phục các xu hướng chống lạm phát trong nền kinh tế quốc dân. Khác với giai đoạn ''hạ cánh nhẹ nhàng'', các đòn bẩy của chính sách ngân sách-tài chính đóng vai trò hàng đầu trong bộ công cụ kinh tế vĩ mô, chính sách tín dụng-tiền tệ phần nào bị đưa xuống hàng thứ hai. Vào đầu năm 2003, chính sách tín dụng-tiền tệ bắt đầu được đẩy mạnh.
Hiện nay chính sách ưu tiên - lựa chọn những ngành, những khu vực, những cơ sở sản xuất v.v... được ưu tiên, đang chiếm vị trí quan trọng trong bộ công cụ kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc. Chính sách thuế và sự lập giá đối với một số dạng sản phẩm, như sản phẩm từ dầu mỏ, dược phẩm, và dịch vụ vẫn là các hình thức quan trọng để thực hiện các chức năng điều tiết vĩ mô của nhà nước trong nền kinh tế ở Trung Quốc. Ngoài việc vạch ra và thực hiện chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô dài hạn, nhà nước còn phải thường xuyên thực hiện sự điều tiết mang tính thường nhật, gắn với việc đáp lại những tình trạng khẩn cấp, cũng như ''giải quyết'' các lợi ích của người tiêu dùng và người làm ra sản phẩm.
Phân tích vai trò của nhà nước với tư cách là người sở hữu, tác giả chỉ rõ trong thời kỳ cải cách ở Trung Quốc vai trò này đã giảm dần, biểu hiện ở tỷ phần của khu vực nhà nước trong GDP đã giảm từ 2/3 vào cuối những năm 1970 xuống còn 1/3 trong thời gian hiện nay. Đường lối chính thức của giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có thể được khái quát lại như sau: thực hiện cải cách sâu sắc cơ cấu khu vực nhà nước trong khi vẫn giữ vững những xí nghiệp nhà nước chủ đạo ở những nơi mà điều đó là cần thiết để bảo đảm an ninh kinh tế đất nước; nâng cao mạnh mẽ trình độ kinh doanh, đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp nhà nước có triển vọng, trước hết là bằng cách cổ phần hoá, nắm vững các hình thức quản lý-điều hành hiện đại, thúc đẩy mạnh các thương hiệu cá nhân; và tăng hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, ngăn chặn sự thất thoát kinh niên tài sản đó.
Theo tác giả, trong khi kích thích các khu vực kinh tế phi nhà nước phát triển, đồng thời phải tiếp tục phát triển khu vực nhà nước. Tỷ trọng của khu vực nhà nước sẽ bị giảm xuống cùng với sự gia tăng hoạt động của giới kinh doanh nước ngoài trên thị trường liên kết ở Trung Quốc. Kinh doanh tư nhân đang trở thành yếu tố gây áp lực ngày càng lớn đến khu vực nhà nước. Như vậy, ngay cả khi không tiến hành tư nhân hoá trực tiếp các xí nghiệp quốc doanh thì tỷ phần của nhà nước với tính cách là người sở hữu trong nền kinh tế của CHND Trung Hoa cũng sẽ dần dần bị giảm đi.
Tuỳ theo sự đẩy mạnh các cuộc cải cách thị trường về kinh tế mà chức năng kiểm soát của nhà nước được tách thành chức năng độc lập và được tăng cường. Điều này thể hiện rất rõ trong việc thành lập các cơ quan kiểm tra-giám sát chuyên biệt mới thuộc Hội đồng nhà nước CHND Trung Hoa trong thời gian gần đây, như: Uỷ ban kiểm soát hoạt động các ngân hàng, Uỷ ban kiểm soát trong ngành điện, Uỷ ban kiểm tra an toàn thực phẩm và thuốc chữa bệnh... Mặc dù các ĩnh vực hoạt động khác nhau và có sự khác biệt giữa các chức năng cụ thể của các thể chế nói trên, nhưng đều thống nhất ở hệ tư tưởng chung là chỉ có sự kiểm soát thích đáng từ phía nhà nước đối với các chủ thể thị trường mới có thể giữ họ ở trong vòng pháp luật và ngăn cản những hành động trực tiếp chống lại xã hội của những người kinh doanh trong cuộc chạy theo lợi nhuận.
Cùng với việc đẩy mạnh các cuộc cải cách thị trường, sự thay đổi các chức năng của chính phủ trong bối cảnh là thành viên WTO là một trong những vấn đề được bàn luận sôi nổi nhất hiện nay ở CHND Trung Hoa. Tác giả đồng ý với luận điểm cơ bản của các cuộc bàn luận là phải chuyển hoàn toàn từ chính phủ ''có sức mạnh toàn năng'' sang chính phủ ''có sức mạnh giới hạn, nhưng có hiệu quả cao'' là điều tất yếu. Tác giả đã dẫn ra một số bước đi cụ thể theo hướng này, như xoá bỏ vào đầu năm 2001 các ban quản lý ngành thuộc Hội đồng nhà nước; giảm đáng kể số lượng các hoạt động kinh tế đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của các cơ quan hành chính các cấp. Song, tác giả cho rằng quá trình thay đổi các chức năng của chính phủ và rộng hơn là quá trình thay đổi các chức năng kinh tế của nhà nước ở Trung Quốc sẽ không nhanh chóng và không đơn giản. Và đó không chỉ do sự phản kháng hoàn toàn tự nhiên của những người quan liêu, mà còn do tính rất phức tạp của chính nhiệm vụ này. Ngoài ra, tác giả lưu ý, không nên hiểu sự thay đổi các chức năng của nhà nước chỉ đơn giản là giảm vai trò của nhà nước trong kinh tế. Đó là một quá trình phức tạp hơn rất nhiều, khi mà việc từ bỏ sự tham gia vào một số ngành lại đi cùng với việc đẩy mạnh sự tham gia của nhà nước vào các lĩnh vực khác.
Tác giả cho rằng, các nỗ lực đưa ra đánh giá mang tính định lượng vai trò của nhà nước trong quá trình của nền kinh tế, và qua đó đưa ra tiêu chí chính thức để tiến hành so sánh quốc tế và rút ra những kết luận chung về vai trò của nhà nước, cần được chú ý. Nhằm mục đích này, người ta sử dụng chỉ số tỷ lệ thuế thu được trong GDP. Trong thời gian đầu cải cách kinh tế, nhờ tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là nhờ nhà nước thay đổi các hình thức thu lợi nhuận xí nghiệp không mang tính chất thuế bằng các hình thức thu thuế, tỷ lệ này ở Trung Quốc luôn tăng (năm 1980 là 12,7%; năm 1985 tăng lên 22,8%). Việc áp dụng các hình thức thu thuế theo định mức ổn định. Trong bối cảnh tăng mạnh của các khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và giảm lợi nhuận của khu vực kinh tế nhà nước đã dẫn đến giảm tỷ lệ thuế trong GDP xuống mức thấp nhất là 10,2% vào năm 1996. Các nỗ lực của ban lãnh đạo đất nước trong việc cải thiện khu vực nhà nước và tình hình thu thuế đã tăng chỉ số này thành 16,7% vào năm 2002. Tuy nhiên, theo tác giả, trong trường hợp Trung Quốc, chỉ số này hạ thấp rõ rệt vai trò kinh tế thực sự của nhà nước. Những khoản thu lớn không mang tính chất thuế mà các chính quyền địa phương thu từ nông dân vẫn không hiện hình, vai trò của nhà nước trong quá trình đầu tư (không chỉ là các khoản tiền cấp từ ngân sách, mà còn cả các khoản tín dụng ngân hàng mà nhà nước cấp cho những mục tiêu không mang tính đầu tư) không được đánh giá đúng mức. Tác giả nhận xét, tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, khi đánh giá vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, người ta đã bắt đầu quan tâm đến chỉ số mức độ thị trường hoá của nền kinh tế quốc dân. Tác giả cho rằng, so sánh mức độ thị trường hoá trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân và việc phân tích sự chuyển biến dần dần của chỉ số này, hoặc của một nhóm các chỉ số cho phép nhìn nhận chính xác hơn về xu hướng thay đổi chung của vai trò nhà nước cũng như về những thành trì chính của nó trong nền kinh tế quốc dân. Các phương pháp khác nhau dùng để xác định mức độ thị trường hoá ở Trung Quốc đưa lại những kết quả rất khác nhau. Tuy nhiên, xuất phát từ những nghiên cứu gần đây, như ''Báo cáo về sự phát triển nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc - 2003'' của Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý các nguồn lực thuộc Trường đại học sư phạm Bắc Kinh thực hiện, đã xác định mức độ này tính theo 33 chỉ số là 69%, và Trung Quốc nói chung được đánh giá là ''nước có nền kinh tế thị trường đang phát triển''. Mặc dù có những khác biệt trong các phương pháp tính toán, và trong các đánh giá cụ thể về mức độ thị trường hoá ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thống nhất cho rằng mức độ thị trường hoá nêu trên ở CHND Trung Hoa hiện thấp hơn khá nhiều so với các nước và các khu vực phát triển, nhưng cao hơn so với ở các nước đang phát triển cơ bản và tương ứng với mức thị trường hoá trung bình của các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi.

BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét