Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2008

VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH QUAN HỆ CHA MẸ VÀ CON

THS. NGUYỄN THỊ LAN - KHOA LUẬT DÂN SỰ - ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Gia đình là tế bào của xã hội, tại đó tồn tại mối quan hệ ruột thịt và tình thương, gắn bó các chủ thể một cách thường xuyên, lâu dài, thậm chí suốt cả đời người về tình cảm và nghĩa vụ. Trong các mối quan hệ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con được duy trì lâu bền nhất do yếu tố tình cảm chi phối và cũng vô cùng tế nhị. Từ đó dẫn đến vấn đề mà xã hội quan tâm là làm thế nào để xác định chính xác mối quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con (đặc biệt là mối quan hệ cha - con). Bởi điều đó liên quan đến tình cảm, danh dự, uy tín; liên quan đến quan hệ tài sản trong đời sống xã hội. Vì vậy, nó nhất thiết phải được điều chỉnh bằng pháp luật.

1.Vấn đề xác định cha mẹ cho con trong giá thú

Luật hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) năm 1986 đã đưa ra được phương pháp suy đoán pháp lí xác định quan hệ cha mẹ và con Điều 28 LHNGĐ năm 1986 quy định: "Con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kì đó là con chung của vợ chồng.

Trong trường hợp có yêu cầu xác định lại vấn đề này thì phải có chứng cứ khác".

Tại Điều 71 Dự thảo LHNGĐ sửa đổi cũng quy định tương tự về con chung của vợ, chồng như sau:

"1. Con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kì đó là con chung của vợ, chồng"

Tuy nhiên, Điều 71 Dự thảo LHNGĐ sửa đổi đưa thêm khái niệm thế nào là trường hợp người vợ có thai trong thời kì hôn nhân:

"Người vợ được coi như có thai trong thời kì hôn nhân nếu con sinh ra quá 180 ngày sau ngày kết hôn hoặc chưa đến 300 ngày sau ngày hôn nhân chấm dứt".

Đồng thời, Điều 71 Dự thảo LHNGĐ quy định rõ trách nhiệm chứng minh đứa trẻ sinh ra trong thời kì hôn nhân không phải là con mình chỉ thuộc về người chồng:

"2. Trong trường hợp người chồng có yêu cầu xác định đứa trẻ sinh ra trong thời kì hôn nhân không phải là con mình thì phải có chứng cứ".

Thời kì hôn nhân sẽ được tính từ ngày hai bên nam nữ được cấp giấy chứng nhận kết hôn cho đến khi một trong hai bên vợ hoặc chồng bị chết, bị tuyên bố là đã chết hoặc hai bên được tòa án cho phép li hôn bằng bản án hay quyết định thuận tình li hôn có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, theo đoạn 1 Điều 28 LHNGĐ năm 1986 và đoạn 1 Điều 71 Dự thảo LHNGĐ sửa đổi, chúng ta có thể xác định được hệ quả của quy định: Đứa trẻ được coi là con chung của vợ, chồng trong những trường hợp sau:

1. Con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kì hôn nhân.

2. Con do người vợ thụ thai trước thời kì hôn nhân và sinh ra trong thời kì hôn nhân.

3. Con do người vợ thụ thai trong thời kì hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong thời hạn luật định (ít hơn hoặc bằng 300 ngày).

4. Đặc biệt là trường hợp thứ 4: Con do người vợ thụ thai trước thời kì hôn nhân nhưng lại sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong thời hạn luật định thì có áp dụng Điều 71 Dự thảo LHNGĐ sửa đổi để xác định là con chung của vợ, chồng không?

Ví dụ: A và B kết hôn vào tháng 4/1995 (khi B có thai được 3 tháng) đến tháng 6/ 1995 A bị tai nạn giao thông và bị chết. Đến tháng 10/1995 B sinh con là C. Vậy A có được coi là cha của C không?

Tại Điều 28 LHNGĐ năm 1986 đã dùng cụm từ "hoặc do người vợ có thai trong thời kì đó" (tức là thời kì hôn nhân). Có thể dẫn đến hai trường hợp:

1. Người vợ bắt đầu thụ thai trong thời kì hôn nhân;

2. Người vợ đang có thai trong thời kì hôn nhân (tức là có thai trước đó).

Nếu cả hai trường hợp này đều được coi là đúng thì ví dụ trên được coi là trường hợp đặc biệt trong hệ quả của quy định tại Điều 28 LHNGD năm 1988 (A - C có quan hệ cha con, bởi trong khi hôn nhân giữa A và B còn tồn tại thì B "đang có thai" như trong quy định tại Điều 28).

Nhưng trong Dự thảo LHNGĐ sửa đổi (Điều 71) lại quy định thêm khái niệm thế nào là có thai trong thời kì hôn nhân (như đã đề cập ở phần trên), do đó trong ví dụ trên khó xác định được A là cha của C bởi C không được mẹ là B sinh ra trong thời kì hôn nhân cũng như không phải đã được B thụ thai trong thời kì đó. Hơn nữa, nếu xét trên thực tế thì quan hệ cha con giữa A và C đương nhiên được công nhận. Do vậy, theo ý kiến của chúng tôi không cần quy định thế nào là có thai trong thời kì hôn nhân mà nên quy định về thời gian mang thai (đối với đứa trẻ sinh thiếu tháng, đủ tháng, già tháng). Chỉ cần biết rằng cứ trong thời kì hôn nhân mà người vợ đang có thai thì có thể suy đoán đó là con chung của vợ, chồng. Nếu người chồng có nghi ngờ thì họ có quyền yêu cầu xác định lại theo quy định tại khoản 2 Điều 28 LHNGĐ và Điều 71 Dự thảo LHNGĐ sửa đổi.

Mặt khác, trong đoạn 2 Điều 28 LHNGĐ năm 1986 và khoản 2 Điều 71 Dự thảo LHNGĐ sửa đổi có quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của người chồng khi có yêu cầu xác định lại quan hệ cha con nhưng chưa quy định chứng cứ nào là có ý nghĩa về mặt pháp lí để làm sáng tỏ vấn đề này. Hiện nay, theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của LHNGĐ có quy định tại điểm 5 về chứng cứ để xác định lại quan hệ cha con, như: Người vợ công nhận là mình có thai với người khác trước khi kết hôn; người chồng chứng minh rằng mình đã đi công tác xa trong thời gian mà người vợ có thể thụ thai đứa trẻ... Những chứng cứ này chưa đủ và chưa có sức thuyết phục.

Điều cần thiết là LHNGĐ sửa đổi phải đưa ra hệ thống các chứng cứ mang tính khoa học cao. Chẳng hạn, theo chúng tôi cần quy định người chồng có thể đưa ra các chứng cứ sau:

+ Kết quả giám định của cơ quan y tế về tình trạng bất lực sinh lí của người chồng.

+ Trong thời kì thụ thai đứa trẻ, người chồng đi công tác; đang chịu hình phạt tù... (có xác nhận của cơ quan chủ quản).

+ Kết quả giám định của cơ quan y tế về kết quả có thai của người vợ trước ngày đi thăm chồng...

+ Có quyền yêu cầu khảo sát di truyền phụ hệ dựa trên các phương pháp y học trong điều kiện có thể.

Ngoài ra, để hoàn thiện phương pháp suy đoán pháp lí xác định quan hệ cha mẹ và con theo Điều 28 LHNGĐ năm 1986, LHNGĐ sửa đổi cần quy định cụ thể để tránh nhầm lẫn về con cái.

Ví dụ: Tháng 1/1990 A và B kết hôn. Tháng 5/1990 A và B được tòa án cho phép li hôn bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Tháng 6/1990 B kết hôn với C, tháng 9/1990 B sinh con là D. Vậy xác định ai là cha của D?

Nếu theo phương pháp suy đoán pháp lí tại Điều 28 thì:

- D được xác định là con của A (bởi B đã có thai trong thời kì hôn nhân với A).

- D được xác định là con của C (bởi B đã sinh con trong thời kì hôn nhân với C).

Có thể nói đây là trường hợp trong thực tế rất khó xác định đích thực ai là cha của đứa trẻ.

Cho nên LHNGĐ sửa đổi cần quy định theo hướng:

+ Bổ sung thêm trong điều kiện kết hôn vấn đề khám sức khỏe của hai bên nam, nữ để biết tình trạng sức khỏe của họ. Vấn đề này không những có ý nghĩa trong việc xác định quan hệ cha con mà còn mang tính xã hội hóa cao về việc ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm.

2. Vấn đề xác định cha mẹ cho con ngoài giá thú

Đối với việc xác định cha cho con ngoài giá thú, Điều 29, 31 LHNGĐ năm 1986 và Điều 72, 73, 74, 75 Dự thảo LHNGĐ mới chỉ quy định phạm vi chủ thể có quyền yêu cầu xác định mối quan hệ cha mẹ và con mà chưa quy định cụ thể những bằng chứng để xác định quan hệ đó. Hiện nay, loại án kiện này trên thực tế rất nhiều và hầu hết các tòa án vẫn áp dụng theo Thông tư số 15/TATC ngày 27/9/1974 của Tòa án nhân dân tối cao nhắc lại đường lối xử li hôn một vài loại tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình.

Thông tư số 15/TATC quy định:

"Trường hợp một người mẹ xin truy nhận một người là cha của đứa con chưa thành niên hoặc bản thân đứa con đó đã thành niên xin truy nhận một người là cha mình cần có đủ bằng chứng xác định những sự kiện sau đây:

+ Trong thời gian có thể thụ thai đứa con, người này và người mẹ đã công nhiên sống với nhau như vợ chồng;

+ Hai người đã thương yêu nhau, hứa hẹn kết hôn với nhau và trong thời gian có thể thụ thai đứa con đã ăn nằm với nhau như vợ chồng rồi sau khi sinh con thì bỏ không cưới nữa;

+ Người mẹ đã bị người này hiếp dâm, cưỡng dâm trong thời gian có thể thụ thai đứa con;

+ Sau khi sinh con, người này đã chăm nom, săn sóc đứa con như là con mình;

+ Có thư từ người này viết xác nhận đứa con do người mẹ sinh ra là con của họ".

Với các chứng cứ nêu trên cho thấy, hiện nay luật chủ yếu chỉ căn cứ vào thời gian người phụ nữ có thể thụ thai, người phụ nữ đó có quan hệ với người đàn ông bị nghi vấn là cha của đứa trẻ hay không.

Dù rằng chỉ mang ý nghĩa tương đối nhưng trong LHNGĐ sửa đổi cần quy định những bằng chứng này. Ngoài ra, có thể quy định thêm các biện pháp y học cần thiết, điều này sẽ làm tăng độ chính xác trong việc xác định quan hệ cha mẹ và con nói chung, đặc biệt là xác định quan hệ cha con đối với con ngoài giá thú.

Thực tế, qua trao đổi với một số bác sĩ cũng như cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết tại Trung tâm truyền máu và huyết học, việc xác định đứa trẻ là con của ai đã được thực hiện từ đầu năm 1997 nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiều người (năm 1997 có khoảng 30 ca). Theo các bác sĩ cho biết thì vấn đề xác định quan hệ cha con dựa trên cơ sở y học được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau với độ chính xác khác nhau như:

1. Phương pháp kháng nguyên hồng cầu (với phát minh khoa học của Landsteiner năm 1900).

Căn cứ vào tính chất di truyền của các nhóm máu A B O khi biết kiểu máu của mẹ và con có thể dự đoán được kiểu máu của người bố.

Mẹ nhóm máu B, con nhóm máu A thì những người đàn ông bị nghi là cha của đứa trẻ có nhóm B hoặc O bị loại trừ. Như vậy, bằng phương pháp này sẽ loại trừ được người đàn ông nào đó không phải là cha của đứa trẻ (khẳng định) hoặc người đàn ông nào đó có thể là cha của đứa trẻ (khả năng). Trên thực tế cho thấy diện những người đàn ông bị nghi là cha của đứa trẻ là không nhiều, nếu chỉ căn cứ vào lời khai của các bên thì rất khó xác định ai là cha của đứa trẻ, có trường hợp người mẹ đứa trẻ không biết ai trong số những người đàn ông mình đã quan hệ là cha của đứa con mình sinh ra. Hơn nữa, nhiều người đàn ông khi bị xác định là cha của đứa trẻ đã đề đạt nguyện vọng giám định quan hệ cha con bằng phương pháp y học.

Ví dụ: Tại Bản án số 77/DSPT ngày 11/11/1994 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm vụ kiện xác định cha cho con giữa nguyên đơn là chị N (sinh năm 1973) và bị đơn là anh T (sinh năm 1967). Hoặc Bản án số 77/DSPT ngày 3/11/1994 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm vụ kiện xác định cha cho con giữa nguyên đơn là chị D (28 tuổi) và bị đơn là anh Đ (52 tuổi). Cả hai vụ kiện trên, bị đơn đều tha thiết yêu cầu tòa án trưng cầu giám định về máu nhưng đều không được chấp nhận.

2. Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như phương pháp kháng nguyên bạch cầu, phương pháp xác suất thống kê sinh kì, phương pháp giám định gen (ADN). Với phương pháp giám định gen có thể xác định chính xác mối quan hệ cha con. Nhưng những phương pháp này đòi hỏi chi phí và điều kiện bảo quản nghiêm ngặt rất cao. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật thì vấn đề này có thể giải quyết được trong tương lai gần và nên chăng, trong LHNGĐ sửa đổi cần quy định thêm điều luật dự phòng để có thể áp dụng bất kì phương pháp giám định y học nào vào việc xác định quan hệ cha con (theo chúng tôi được biết, để tiến hành ca giám định thì chi phí trong nước nhỏ hơn rất nhiều so với việc ra nước ngoài tiến hành). Điều đó sẽ tạo ra hành lang pháp lí cho các bên chủ thể (giữa người yêu cầu giám định và người tiến hành giám định) với cùng mục đích là tìm kiếm người cha đích thực cho đứa trẻ.

Trên đây là một vài ý kiến nhỏ, hi vọng trong LHNGĐ sửa đổi sẽ có những quy định cụ thể hơn, tạo ra được hành lang pháp lí phù hợp với tình hình thực tế liên quan đến vấn đề xác định quan hệ cha mẹ và con nhằm đạt tới độ chính xác cao trong mối quan hệ cha con, từ đó làm ổn định các mối quan hệ khác trong gia đình./.

SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét