Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

Vấn đề lãi suất cơ bản và quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản

LUẬT SƯ TRƯƠNG THANH ĐỨC

Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, thay thế Bộ luật Dân sự năm 1995. Một loạt quy định bất cập của Bộ luật Dân sự (cũ) liên quan đến lãi suất ngân hàng trong suốt 10 năm qua đã được Bộ luật Dân sự (mới) giải quyết một cách cơ bản. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 lại làm phát sinh những vướng mắc mới xung quanh vấn đề lãi suất. Đó là hiệu lực pháp lý của quyết định công bố lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản.

1. Các quy định của Bộ luật Dân sự liên quan đến lãi suất cơ bản

Bộ luật Dân sự năm 2005 có 8 điều khoản đề cập đến lãi suất cơ bản do NHNN quy định, bao gồm:

- Khoản 2, Điều 305 về “Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự” có quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”;

- Khoản 2, Điều 4 về “Trách nhiệm do giao vật không đồng bộ” có quy định: “Trong trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất cơ bản do NHNN quy định...”;

- Khoản 4 và 5, Điều 474 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay” có quy định: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.” và “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”;

- Khoản 1 và 2, Điều 476 về “Lãi suất” có quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng” và “Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”;

- Khoản 2, Điều 576 về “Trả tiền bảo hiểm” có quy định: “Trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm thì phải trả cả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do NHNN quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả.”;

- Điều 709 về “Chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất” có quy định: “Khi bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất theo thoả thuận thì bên cho thuê có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên thuê không thực hiện nghĩa vụ thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bên thuê trả lại đất. Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả đủ tiền trong thời gian đã thuê kể cả lãi đối với khoản tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do NHNN quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.”.

Như vậy, lần đầu tiên lãi suất cơ bản đã trở thành căn cứ pháp lý chính thức để áp dụng cho các quan hệ mua bán, vay mượn, thanh toán và trong nhiều linh vực khác. Trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, quy định trên có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến các hợp đồng tín dụng, mà cụ thể là quy định giới hạn về mức lãi suất cho vay.

2. Việc triển khai lãi suất cơ bản trên thực tế

Theo quy định của Luật NHNN Việt Nam năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004), lãi suất cơ bản “do NHNN công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”. Tuy nhiên cho đến ngày 02/8/2000, NHNN mới ban hành Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN bắt đầu công bố lãi suất cơ bản. Từ ngày 05/8/2000 đến ngày 31/5/2002, lãi suất cơ bản được cộng với biên độ từ 0,3 - 0,5%/tháng để làm cơ sở tính lãi suất cho vay đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Từ ngày 01/6/2002 đến ngày 31/12/2005, lãi suất cơ bản hầu như không còn giá trị pháp lý và ý nghĩa thực tế. Vì theo Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/5/2002 của Thống đốc NHNN “Về việc thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng”, thì các TCTD hoàn toàn không phải chịu bất kỳ giới hạn nào về mức lãi suất cho vay. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005, mặc dù không có chủ đích, nhưng đã mặc nhiên chấm dứt giai đoạn tự do hoá lãi suất và điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế tự thoả thuận của NHNN (xem Biểu đồ mức lãi suất cho vay tối đa).

Các quyết định công bố lãi suất cơ bản hằng tháng của NHNN trong thời gian gần đây chỉ được coi là quyết định cá biệt, mà không được xác định là văn bản quy phạm pháp luật và do vậy cũng không được đăng Công báo. Lý do có thể là: Thứ nhất, lãi suất cơ bản không có ý nghĩa trực tiếp và bắt buộc điều chỉnh các quan hệ cho vay, thanh toán của bất kỳ đối tượng nào. Thứ hai, nếu là văn bản quy phạm pháp luật, thì chỉ có hiệu lực sau 15 ngày (hoặc muộn hơn), kể từ ngày đăng Công báo. Nhưng lãi suất cơ bản được công bố hằng tháng, nếu chờ đăng Công báo, thì ngày có hiệu lực cũng sẽ gần trùng với ngày hết hiệu lực, thậm chí sau ngày hết hiệu lực.

3. Yêu cầu mới đối với lãi suất và quyết định công bố lãi suất cơ bản

Từ năm 2006 trở đi, với một loạt quy định nói trên của Bộ luật Dân sự, lãi suất cơ bản do NHNN quy định sẽ chính thức trở thành một căn cứ quan trọng và phổ biến hàng đầu để áp dụng đối với các giao dịch cho vay và thanh toán.

Như vậy, các quyết định công bố lãi suất cơ bản của NHNN đã vượt khỏi phạm vi nội bộ ngành Ngân hàng, mà có giá trị áp dụng bắt buộc đối với cả nền kinh tế xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh thương mại, ngân hàng và giao dịch dân sự khác. Do đó, các quyết định công bố lãi suất cơ bản phải trở thành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ có hiệu lực sau khi đã được đăng Công báo theo quy định tại khoản 3, Điều 75 về “Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật” của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002).

Theo quy định tại khoản 1, Điều 476 của Bộ luật Dân sự, từ ngày 01/01/2006 trở đi, lãi suất trong các hợp đồng cho vay nói chung, lãi suất trong các hợp đồng tín dụng nói riêng “do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố”. Trong thời gian gần đây, cụ thể là từ tháng 5 đến tháng 10/2005, lãi suất cơ bản do NHNN quy định là 0,65%/tháng hay 7,8%/năm. Nếu theo quy định này, thì các ngân hàng chỉ được phép cho vay với mức lãi suất tối đa là 0,975%/tháng hay 11,7%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng đang cho vay đối với một số loại khách hàng cao hơn mức lãi suất này, thậm chí cá biệt lên tới 1,3 - 1,5%/tháng hay 15 - 18%/năm, tương đương với 200 - 230% lãi suất cơ bản. Theo dự báo của Bản tin Ngân hàng - Tài chính - Tiền tệ (Trung tâm Thông tin Thương mại) số ra ngày 26/9/2005, thì lãi suất huy động trong những tháng cuối năm có thể lên tới 10%/năm, lãi suất cho vay có thể lên đến 13 - 14% năm đối với các ngân hàng thương mại. Nếu giữ nguyên lãi suất cơ bản, thì từ năm 2006 trở đi, rất nhiều hợp đồng tín dụng sẽ có nguy cơ vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về mức lãi suất cho vay tối đa. Đặc biệt, với mức lãi suất cho vay tối đa chưa đến 1%/tháng áp dụng đối với các hợp đồng vay vốn trong kinh doanh và dân sự là quá xa rời thực tế.

Như vậy, gánh nặng trách nhiệm pháp lý về vấn đề lãi suất cơ bản đang đè nặng lên NHNN. Với những quy định như trên của Bộ luật Dân sự, việc công bố lãi suất cơ bản phải được duy trì một cách chính thức, lâu dài và phù hợp nhất cho đến khi có một cơ chế khác thay thế, dù sau này khái niệm lãi suất cơ bản có hay không được tiếp tục ghi nhận trong Luật NHNN. Cần tránh tình trạng đã từng xảy ra: NHNN đã bãi bỏ việc quy định mức lãi suất tiết kiệm đúng 6 tháng trước khi các điều luật căn cứ vào mức lãi suất tiết kiệm do NHNN quy định có hiệu lực pháp luật. Rồi sau đó là việc bãi bỏ các quy định cụ thể về lãi suất cho vay, lãi suất quá hạn của NHNN trong khi còn nhiều văn bản pháp luật lấy làm căn cứ. Những việc đó đã dẫn tới hậu quả là, trong nhiều năm qua, những điều luật rất cần thiết, cụ thể và thực tế trong Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng như trong một số đạo luật khác liên quan đến lãi suất đã trở thành lạc lõng, khó hiểu và vô căn cứ.

4. Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần sửa đổi Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005, nâng giới hạn lãi suất cho vay từ 150% lên 200% mức lãi suất cơ bản do NHNN quy định. Tuy nhiên, điều này là không khả thi, vì không thể sửa ngay Bộ luật Dân sự vừa mới được thông qua. Thực tế cho thấy, những kiến nghị tương tự từ nhiều năm trước cũng đều chưa được xem xét giải quyết1.

Thứ hai, giải pháp khả thi hơn là, NHNN cần tăng lãi suất cơ bản (có thể gấp khoảng 1,5 lần so với hiện nay), để bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng và vay vốn khác có thể áp dụng mức lãi suất tối đa lên tới khoảng 1,5%/tháng (mức này cũng vẫn là thấp so với mặt bằng vay vốn bên ngoài TCTD). Tuy việc này ít nhiều ảnh hưởng đến chủ trương điều hành chính sách tiền tệ, nhưng là giải pháp tối ưu để bảo đảm cho các giao dịch vay vốn trong xã hội diễn ra một cách bình thường, tự do, chính đáng và hợp pháp.

Thứ ba, nếu chưa sửa đổi được Bộ luật Dân sự và cũng chưa tăng được lãi suất cơ bản, thì bên cạnh việc cho vay với mức lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN quy định, các TCTD có thể chuyển hoá tất cả phần lãi suất vượt quá (nếu có) vào các loại phí cho vay. Tuy nhiên, như vậy sẽ không phản ánh đúng bản chất kinh tế và làm méo mó thị trường tiền tệ. Hơn nữa, phí cho vay chỉ được khách hàng chấp nhận khi chiếm đến năm mười phần trăm, chứ khó được chấp nhận khi chiếm tới vài chục phần trăm so với lãi suất. Và việc này cũng gần như không thể áp dụng được đối với những giao dịch vay vốn bên ngoài TCTD.

Thứ tư, các quyết định công bố lãi suất cơ bản của Thống đốc NHNN phải được xác định là văn bản quy phạm pháp luật và phải được đăng Công báo. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, muốn những quyết định này có hiệu lực kịp thời, thì phải sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là, cho phép một số văn bản đặc biệt của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, như quyết định công bố lãi suất cơ bản, có hiệu lực từ ngày công bố. Tuy nhiên, điều này là thiếu thực tế, vì ngoài việc phải sửa đổi Luật, còn lý do cơ bản là, không bảo đảm đủ thời gian cần thiết để các đối tượng liên quan có thể nắm bắt thực hiện. Biện pháp khả thi hơn là, ban hành quyết định công bố lãi suất cơ bản rất sớm để kịp đăng Công báo và có hiệu lực vào đúng ngày mùng 1 hằng tháng. Nhưng, có sự bất hợp lý ở chỗ, quyết định công bố lãi suất của tháng này lại luôn phải ban hành trước đó khoảng một tháng. Hơn nữa, việc công bố lãi suất cơ bản hằng tháng cũng gây ra nhiều khó khăn, phức tạp trên thực tế, vì phải theo dõi thực hiện theo quá nhiều quyết định, nhất là đối với các giao dịch bên ngoài TCTD và đối với các vụ việc tranh chấp về vay mượn, thanh toán kéo dài trong nhiều năm. Do vậy, theo tôi, giải pháp hợp lý nhất là, NHNN nên bỏ việc công bố lãi suất cơ bản hằng tháng, mà chỉ công bố khi nào thấy cần có sự thay đổi. Việc đăng Công báo được thực hiện như bình thường; nếu cần thiết, thì có thể đề nghị Văn phòng Chính phủ ưu tiên cho đăng Công báo một cách sớm nhất.

_______________________________________________

(1) Xem bài “Vấn đề nan giải khi áp dụng lãi suất ngân hàng”, Tạp chí Thị trường - Tài chính - Tiền tệ số 3/1998 và “Một số vướng mắc pháp lý giữa lãi suất ngân hàng với các quy định về lãi suất trong các văn bản pháp luật”, Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề, tháng 7-1999 (LS. Trương Thanh Đức).

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ  11/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét