Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

QUỐC HỘI
_______________

Luật số:  /2007/QH 12

Dự thảo

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________________

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

        Khóa XI, kỳ họp thứ ……

 

DỰ THẢO LUẬT

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khoá X kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tài sản nhà nước

Tài sản nhà nước là những tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật; đất đai, rừng, núi, sông, hồ, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, tài sản kết cấu hạ tầng, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời và các tài sản khác mà pháp luật quy định là của nhà nước.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; quyền và nghĩa vụ của các đối tượng được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước.

2. Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là đất đai, tài nguyên thiên nhiên, tài sản kết cấu hạ tầng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, vốn bằng tiền, hàng hoá, tài sản không có hình thái vật chất và các tài sản nhà nước khác không thuộc khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Chương I, Chương II, Chương III, Chương IX và Chương X Luật này.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản nhà nước.

2. Đối tượng được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước gồm:

a) Cơ quan nhà nước;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp.

d) Doanh nghiệp;

e) Các đối tượng khác được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước.

3- Các đối tượng khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 4. Áp dụng pháp luật

1. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải tuân thủ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật chuyên ngành thì áp dụng theo các quy định của chuyên ngành. Đối với tài sản được hình thành từ đầu tư kinh phí của Nhà nước ở Doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản chuyên dùng là những tài sản mà công dụng của nó chỉ dùng để phục vụ cho hoạt động đặc thù của một ngành, một lĩnh vực nhất định.

2. Xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc xác lập sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật đối với những tài sản mà trước thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà nước chưa phải là của Nhà nước.

3. Tài sản không còn nhu cầu sử dụng là những tài sản vẫn sử dụng được bình thường nhưng đối tượng được giao trực tiếp sử dụng không còn nhu cầu sử dụng.

4. Tài sản không sử dụng được là những tài sản bị hư hỏng, không còn phát huy được công năng hữu ích theo mục đích chế tạo ban đầu.

5. Bán tài sản nhà nước (trừ đất đai) là việc Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình để nhận một khoản tiền hoặc một lợi ích tương ứng.

6. Phương án xử lý tài sản nhà nước là tập hợp các đề xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hình thức xử lý đối với tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật (tiêu huỷ, bán, chuyển giao cho các cơ quan chuyên ngành xử lý, điều chuyển cho các đối tượng sử dụng).

7. Thu hồi tài sản nhà nước là việc Nhà nước quyết định chấm dứt quyền sử dụng tài sản của đối tượng đang trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước.

8. Điều chuyển tài sản nhà nước là việc Nhà nước quyết định chuyển quyền sử dụng tài sản nhà nước từ đối tượng sử dụng này sang cho đối tượng sử dụng khác tiếp tục sử dụng trong khu vực nhà nước.

9. Cho thuê tài sản nhà nước là việc Nhà nước giao quyền sử dụng, khai thác tài sản nhà nước cho đối tượng trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước theo hợp đồng cho thuê.

10. Chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản nhà nước là việc Nhà nước quyết định cho phép sử dụng tài sản vào mục đích khác so với mục đích sử dụng trước đó.

11. Tiêu huỷ tài sản nhà nước là việc xoá bỏ sự tồn tại của tài sản đó.

Điều 6. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Mọi tài sản nhà nước đều được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển tài sản nhà nước;

2. Quản lý nhà nước về tài sản nhà nước được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan và trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản;

3. Tài sản nhà nước phải được đầu tư, trang bị, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức;

4. Tài sản nhà nước phải được quản lý, hạch toán, ghi chép đầy đủ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật. Việc xác định giá trị tài sản trong các quan hệ mua, bán, thuê, cho thuê, liên doanh liên kết, thanh lý tài sản thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Tài sản nhà nước phải được bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa theo yêu cầu định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ quy định;

6. Thực hiện công khai việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 7. Chính sách quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước.

2. Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia cùng Nhà nước đầu tư để hình thành, phát triển, khai thác và bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Công tác quản lý tài sản nhà nước phải được tăng cường và hiện đại hoá theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.

4. Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về tài sản nhà nước các cấp, đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

CHƯƠNG II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 8. Nội dung quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước

1. Xây dựng, lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển, khai thác, sử dụng tài sản nhà nước;

2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và tổ chức thực hiện các văn bản đó;

3. Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về tài sản nhà nước;

4. Quản lý việc đầu tư xây dựng, mua sắm, khai thác, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, góp vốn liên doanh liên kết, cho thuê, tiêu huỷ tài sản nhà nước;

5. Kiểm kê, đánh giá, định giá tài sản nhà nước;

6. Xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản theo quy định của pháp luật;

7. Quản lý các hoạt động dịch vụ về tài sản nhà nước;     

8. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu quản lý tài sản nhà nước;

9. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước;

10. Kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

11. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 9. Trách nhiệm của Chính phủ.

1. Thống nhất quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước; thực hiện phân cấp quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý tài sản nhà nước;

2. Trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về quản lý tài sản nhà nước;

3. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền về quản lý tài sản nhà nước;

4. Thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện phân cấp quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước trong quản lý tài sản nhà nước.

Điều 10. Trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ

1. Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, trang thiết bị tin học, điện thoại, xe ô tô phục vụ công tác và những tài sản quan trọng, giá trị lớn, trang bị thống nhất tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội;

2. Quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước đối với những tài sản có vai trò ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, có tác động đến phát triển kinh tế xã hội vùng lãnh thổ; quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, khai thác, thu hồi, điều chuyển, bán, liên doanh liên kết, cho thuê, tiêu huỷ một số loại tài sản nhà nước theo phân cấp của Chính phủ;

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Giúp Chính phủ thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về tài sản nhà nước;

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

3. Quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc trung ương quản lý và tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước thuộc trung ương quản lý theo phân cấp của Chính phủ;

4. Quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản theo quy định tại Điều 51 Luật này;

5. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác quản lý tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật;

6. Kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước;

7. Xử lý tài sản nhà nước theo phân cấp của Chính phủ;

8. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu có sai phạm trong quản lý nhà nước về tài sản nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công.

Điều 12. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương

1. Giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực được giao theo phân cấp của Chính phủ;

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, chế độ quản lý, sử dụng tài sản chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật;

3. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước chuyên dùng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý;

4. Trực tiếp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý;

6. Quyết định xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước theo quy định tại Điều 51 Luật này;

7. Xử lý tài sản nhà nước theo phân cấp của Chính phủ;

8. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý nhà nước về tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Điều 13. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp

1. Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài sản nhà nước (trừ đất đai) thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo thẩm quyền.

2. Quyết định biện pháp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo thẩm quyền.

3. Giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại địa phương.

Điều 14. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Quản lý tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật;

2. Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo phân cấp của Chính phủ;

3. Ban hành quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị, tổ chức cho các ngành, các cấp thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật sau khi có ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

4. Tổ chức quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định Luật này và pháp luật khác có liên quan;

5. Xử lý tài sản nhà nước theo phân cấp của Chính phủ;

6. Quyết định xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước theo quy định Luật này và pháp luật có liên quan.

7. Uỷ ban nhân dân cấp dưới chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp trên; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

Điều 15. Quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và công dân

Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận và công dân có quyền hạn và trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

CHƯƠNG III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIAO TRỰC TIẾP SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước

1. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước có quyền:

a) Sử dụng tài sản nhà nước phục vụ hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao;

b) Trong phạm vi quyền hạn được giao, được quyết định các biện pháp nhằm bảo vệ, phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước được giao;

c) Được nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình sử dụng tài sản nhà nước được giao;

d) Được khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi quyền sử dụng tài sản bị xâm phạm.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được nhà nước giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước có nghĩa vụ:

a) Sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích được giao; đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ;

b) Sử dụng tài sản nhà nước được giao có hiệu quả, tiết kiệm;

c) Giữ gìn tài sản nhà nước được giao theo chế độ quy định;

d) Kê khai, lập và quản lý hồ sơ tài sản được giao; hạch toán, ghi chép tài sản; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và của Luật này;

e) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước đối với việc sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc sử dụng tài sản nhà nước

1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước có quyền:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước có nghĩa vụ:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý việc sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý theo chế độ quy định;

b) Chấp hành đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, đảm bảo sử dụng tài sản đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ, có hiệu quả và tiết kiệm.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý;

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước

1. Cá nhân được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước có quyền:

a) Sử dụng tài sản nhà nước phục vụ hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình sử dụng tài sản nhà nước được giao;

c) Được khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi quyền sử dụng tài sản bị xâm phạm;

2. Cá nhân được Nhà nước giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước có nghĩa vụ:

a) Sử dụng tài sản nhà nước có hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích được giao; đúng tiêu chuẩn, chế độ do Nhà nước quy định;

b) Bảo vệ, giữ gìn tài sản nhà nước được giao;

c) Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng vào mục đích khác, ngoài nhiệm vụ của Nhà nước thì phải thanh toán đầy đủ các chi phí sử dụng, phải bồi thường theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra hư hỏng, thất thoát, mất tài sản nhà nước.

CHƯƠNG IV

QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 19. Nguồn hình thành tài sản tại cơ quan nhà nước

1. Nhà nước giao tài sản cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng;

2. Nhà nước cấp kinh phí cho cơ quan nhà nước để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản;

Điều 20. Trụ sở làm việc

1. Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc đi thuê.

2. Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc phải thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.

3. Quy mô trụ sở phải đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy theo đúng mục tiêu cải cách hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Quản lý đầu tư xây dựng trụ sở làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

6. Thuê trụ sở làm việc

a) Trường hợp không có khả năng đầu tư xây dựng hoặc việc đầu tư xây dựng không có hiệu quả thì đi thuê trụ sở làm việc.

b) Việc thuê trụ sở làm việc phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức được sử dụng; đúng chính sách, chế độ và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.

c) Thẩm quyền quyết định việc đi thuê trụ sở làm việc do cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đầu tư trụ sở quyết định theo quy định của pháp luật.

d) Kinh phí thuê trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Điều 21. Mua sắm tài sản nhà nước

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí mua sắm tài sản cho các cơ quan nhà nước.

2. Việc mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng tài sản do Nhà nước quy định và trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao.

3. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước

a) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định việc mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định việc mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

4. Việc mua sắm phải thực hiện công khai, đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

5. Chỉ sử dụng kinh phí mua sắm tài sản nhà nước đã ghi trong dự toán ngân sách được giao; trường hợp cần thiết phải mua sắm ngoài dự toán thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

6. Trường hợp xét thấy việc thuê tài sản phục vụ hoạt động có hiệu quả hơn việc phải mua sắm, thì thủ trưởng cơ quan trực tiếp sử dụng tài sản quyết định việc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động. Kinh phí thuê tài sản do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Điều 22. Lập, quản lý hồ sơ và kê khai tài sản

1. Lập và quản lý hồ sơ tài sản

a) Cơ quan được giao trực tiếp sử dụng tài sản phải lập, quản lý lưu trữ hồ sơ tài sản của mình theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

b) Cơ quan tài chính các cấp thống nhất quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

c) Thực hiện hiện đại hoá việc quản lý hồ sơ tài sản nhà nước.

2. Kê khai tài sản nhà nước:

a) Cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng những tài sản nhà nước nêu tại điểm b khoản này phải thực hiện kê khai tài sản khi có một trong các biến động nêu tại điểm c khoản này.

b) Tài sản nhà nước phải kê khai gồm:

- Nhà, đất thuộc khuôn viên trụ sở làm việc;

- Nhà, đất sử dụng làm nhà ở công vụ;

- Ô tô các loại;

- Các tài sản khác theo quy định của Chính phủ.

c) Việc kê khai tài sản nêu điểm b khoản này được thực hiện khi:

- Tài sản đang sử dụng nhưng chưa thực hiện việc kê khai;

- Có sự thay đổi về quy mô tài sản;

- Có thay đổi về tài sản do mua sắm mới, tiếp nhận, thanh lý, điều chuyển, bị thu hồi, bán, góp vốn liên doanh liên kết, cho thuê, tiêu huỷ tài sản;

- Đơn vị sử dụng thay đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập hoặc thành lập mới theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

d) Chính phủ quy định nội dung, trình tự, thủ tục kê khai tài sản nhà nước.

Điều 23.  Hạch toán, theo dõi tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước phải được hạch toán kịp thời, đầy đủ cả về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

2. Cơ quan sử dụng tài sản nhà nước phải lập thẻ tài sản.

Bộ Tài chính quy định cụ thể việc lập thẻ tài sản.

Điều 24. Sửa chữa, bảo dưỡng tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước phải được sửa chữa, bảo dưỡng theo đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của từng loại tài sản.

2. Kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng tài sản nhà nước được ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 25. Thu hồi tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước bị thu hồi trong các trường hợp:

a) Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sai chế độ, vượt thẩm quyền do nhà nước quy định;

b) Không sử dụng gây lãng phí hoặc sử dụng vào các mục đích trái với quy định.

2. Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 26. Điều chuyển tài sản nhà nước

1. Trong trường hợp cần thiết hoặc nếu có phương án sử dụng tài sản có hiệu quả cao hơn thì Nhà nước quyết định điều chuyển tài sản nhà nước từ cơ quan đang sử dụng sang cho đối tượng khác tiếp tục sử dụng.

2. Cơ quan sử dụng tài sản điều chuyển có trách nhiệm bàn giao tài sản theo đúng quyết định điều chuyển tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản nhà nước thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 27. Thanh lý tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước được thanh lý trong các trường hợp sau:

a) Tài sản hết thời hạn sử dụng, nếu tiếp tục sử dụng có thể gây hậu quả xấu đến sức khoẻ con người hoặc gây ô nhiễm môi trường sống; tài sản hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa có hiệu quả.

b) Các tài sản khác phải thanh lý theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ cho việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch hoặc đổi mới công nghệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.

3. Việc thanh lý tài sản thực hiện đúng chế độ.

4. Tiền thu được từ việc thanh lý tài sản, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Bộ Tài chính quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc thanh lý tài sản.

Điều 28. Bán tài sản nhà nước

1. Nhà nước bán tài sản nhà nước trong các trường hợp sau:

a) Những tài sản mà Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả;

b) Các trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc bán tài sản nhà nước phải được thực hiện thông qua đấu giá trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Quyền sở hữu tài sản đã bán thuộc về người mua, kể từ khi người mua thực hiện xong nghĩa vụ đối với Nhà nước về việc mua tài sản.

Trường hợp tài sản nhà nước đã bán gắn liền với đất, thì Nhà nước đảm bảo quyền sử dụng đất cho người mua theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.

5. Tiền bán tài sản nhà nước sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 29. Tiêu huỷ tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng, gây hại sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng thì được thực hiện tiêu huỷ.

2. Thẩm quyền quyết định tiêu huỷ tài sản nhà nước

a) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định việc tiêu huỷ tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật;

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định  hoặc phân cấp quyết định tiêu huỷ tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

3. Kinh phí tiêu huỷ tài sản nhà nước do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 30. Cho thuê tài sản nhà nước

Tài sản mà nhà nước không có nhu cầu sử dụng, nhưng Nhà nước không bán thì Nhà nước cho thuê sử dụng có thời hạn. Việc cho thuê tài sản nhà nước thực hiện theo quy định tại Chương VII Luật này.

Điều 31. Kiểm kê, báo cáo tài sản nhà nước

1. Cơ quan được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước định kỳ hàng năm thực hiện việc kiểm kê và báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

2. Việc kiểm kê đánh giá lại tài sản nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

3. Cơ quan quản lý, sử dụng tài sản nhà nước định kỳ phải báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo chế độ do Bộ Tài chính quy định.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản nhà nước trong phạm vi cả nước.

Điều 32. Công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài sản nhà nước công bố công khai việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của từng cơ quan thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước thực hiện công khai việc mua sắm, đầu tư xây dựng, việc sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

3. Chính phủ quy định nội dung, phương thức công khai về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 33. Quản lý tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước tại nước ngoài

1. Việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước Việt Nam ở ngoài nước được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Chương này và phù hợp với quy chế ngoại giao và pháp luật nước sở tại.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước Việt Nam ở nước ngoài.

CHƯƠNG V

QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI  ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Điều 34. Nguồn hình thành tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Nhà nước giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý sử dụng;

2. Đơn vị sự nghiệp công lập mua sắm tài sản bằng tiền do ngân sách nhà nước cấp, có nguồn gốc từ ngân sách nhà nư­ớc và từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, các quỹ hợp pháp của đơn vị có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

Điều 35. Quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập

Việc quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện như quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước quy định tại Chương IV luật này, trừ các trường hợp quy định tại Điều 36 và Điều 37 Luật này.

Điều 36. Quản lý việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật, thì đơn vị phải thực hiện xác định giá trị tài sản trước khi sử dụng vào mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết.

2. Việc quản lý tài sản nhà nước sử dụng vào mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc quản lý vốn nhà nước giao cho đơn vị.

3. Tài sản nhà nước sử dụng vào mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập phải được trích khấu hao theo quy định của pháp luật. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tiền khấu hao tài sản để tái tạo tài sản mới.

4. Đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ động khai thác, sử dụng tài sản để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

5. Đơn vị sự nghiệp công lập có nghĩa vụ bảo tồn, phát triển tài sản được giao; hạch toán kế toán và báo cáo đầy đủ thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước.

6. Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ quản lý, chế độ sử dụng và thẩm quyền quyết định việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập

1. Tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật phục vụ hoạt động theo chức năng của mình; được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

2. Tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đã giao theo quy định của pháp luật;

3. Được sử dụng tiền khấu hao tài sản cố định và tiền thanh lý tài sản để đầu tư tái tạo tài sản mới.

4. Phải bảo toàn và phát triển vốn và tài sản nhà nước giao theo quy định của pháp luật;

5. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Xử lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển đổi sang loại hình cơ sở ngoài công lập

1. Đối với tài sản nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển đổi sang loại hình ngoài công lập theo quy định của pháp luật phải thực hiện kiểm kê, đánh giá lại tài sản nhà nước tại đơn vị theo giá thị trường để bán hoặc cho thuê. Cơ sở ngoài công lập đang sử dụng những tài sản này được ưu tiên mua hoặc thuê.

2. Cơ sở ngoài công lập tiếp tục được sử dụng đất theo phương thức giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định pháp luật đất đai.

3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang loại hình cơ sở ngoài công lập có quyền quyết định việc bán và cho thuê phần tài sản thuộc sở hữu nhà nước cho cơ sở ngoài công lập theo quy định quản lý tài sản hiện hành.

Điều 39. Xử lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập khi chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển sang loại hình doanh nghiệp, được Nhà nước tiếp tục giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Nhà nước thực hiện kiểm kê, đánh giá lại tài sản nhà nước khác theo giá thị trường để thực hiện giao vốn cho đơn vị. Đơn vị có nghĩa vụ bảo toàn, phát triển vốn nhà nước giao theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang loại hình doanh nghiệp quyết định việc giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Điều 40. Xử lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập khi cổ phần hoá

1. Đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá được Nhà nước tiếp tục giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Nhà nước thực hiện kiểm kê, đánh giá lại tài sản nhà nước khác theo giá thị trường để bán hoặc góp vốn theo quy định của luật doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Điều 41. Cho thuê tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập

Tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập khi sử dụng để cho thuê thực hiện theo quy định tại Chương VII Luật này.

CHƯƠNG VI

QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI- NGHỀ NGHIỆP

Điều 42. Nguồn hình thành tài sản nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp

1. Nhà nư­ớc giao tài sản cho tổ chức quản lý và sử dụng;

2. Nhà nước cấp kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước;

Điều 43. Quản lý tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

1. Nhà nước giao hoặc bố trí dự toán để tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước; giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm trụ sở làm việc;

2. Tài sản nhà nước giao cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quản lý, sử dụng thì không thuộc sở hữu của tổ chức đó. Việc quản lý, sử dụng những tài sản này thực hiện theo quy định tại Chương IV.

3. Tài sản nhà nước tại tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, mua sắm thì việc quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định tại Chương IV.

4. Tài sản nhà nước đã được Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì quyền sở hữu tài sản thuộc về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

5. Thẩm quyền quyết định giao quyền sở hữu tài sản nhà nước cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội:

a) Chính phủ quyết định giao tài sản nhà nước cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc trung ương quản lý.

b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao tài sản nhà nước cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc địa phương quản lý.

Điều 44. Quản lý tài sản nhà nước tại các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp;

1. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp được Nhà nước cho thuê trụ sở làm việc hoặc cho thuê đất làm trụ sở, cơ sở hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản nhà nước giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp quản lý, sử dụng thì không thuộc sở hữu của tổ chức đó. Việc quản lý, sử dụng những tài sản này thực hiện theo quy định tại Chương IV Luật này.

3. Việc quản lý những tài sản mà Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí để đầu tư, mua sắm tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp do các tổ chức này quyết định theo quy định của pháp luật.

4. Tài sản tại các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp được đầu tư xây dựng, mua sắm không phải từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì thuộc quyền sở hữu của tổ chức đó.

CHƯƠNG VII

CHO THUÊ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 45. Tài sản nhà nước được sử dụng để cho thuê

1. Tài sản nhà nước theo quy định của Luật này được sử dụng để cho thuê gồm:

a) Tài sản nhà nước đang sử dụng để phục vụ hoạt động tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức mà dư thừa hoặc chưa được xử lý theo quy định của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để cho thuê;

b) Tài sản là kết cấu hạ tầng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để cho thuê.

2. Việc cho thuê tài sản nhà nước là đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, mặt nước, mặt biển và các tài sản nhà nước khác thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

Điều 46. Thẩm quyền quyết định cho thuê tài sản nhà nước

1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định việc cho thuê tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật đối với tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 Luật này.

Trường hợp sử dụng nhà đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp là tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức để cho thuê phải có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quyết định cho thuê tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật đối với tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật này sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định cho thuê tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Điều 47. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ cho thuê tài sản nhà nước

Tiền thu được từ cho thuê tài sản nhà nước sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ.

Điều 48. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thuê tài sản nhà nước

1. Đối tượng thuê tài sản nhà nước có quyền:

a) Được nhà nước bảo vệ quyền sử dụng, khai thác tài sản nhà nước và lợi ích hợp pháp trong suốt thời hạn thuê;

b) Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước đang thuê;

c) Được ưu tiên mua lại tài sản nhà nước đang thuê khi nhà nước bán theo quy định của pháp luật;

d) Các quyền và lợi ích hợp pháp khác thoả thuận tại hợp đồng cho thuê tài sản và quy định của pháp luật.

2. Đối tượng thuê tài sản nhà nước có nghĩa vụ:

a) Giữ gìn, bảo vệ tài sản thuê, trường hợp làm thất thoát, hư hỏng thì phải bồi thường;

b) Sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản, đúng mục đích thuê đã thoả thuận.

c) Trả tiền thuê cho nhà nước đầy đủ, đúng hạn đã thoả thuận.

d) Thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng tài sản theo hợp đồng thuê.

e) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác theo thoả thuận tại hợp đồng cho thuê tài sản và quy định của pháp luật.

Điều 49. Hợp đồng thuê

Hợp đồng thuê tài sản bao gồm các nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ của bên cho thuê và bên thuê;

2. Các thông tin về tài sản;

3. Giá thuê tài sản;

4. Phương thức và thời hạn thanh toán;

5. Thời hạn cho thuê tài sản; thời hạn giao, nhận tài sản;

6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;

7. Yêu cầu sử dụng và trách nhiệm sửa chữa, cải tạo (nếu có);

8. Yêu cầu về tình trạng tài sản khi trả lại bên cho thuê;

10. Giải quyết tranh chấp;

11. Các nội dung khác do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.

CHƯƠNG VIII

XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC VỀ TÀI SẢN

Điều 50. Tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước

1. Tài sản bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Tài sản vô chủ, không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy; tài sản đánh rơi, bị bỏ quên; tài sản không có người nhận thừa kế quy định tại Điều 239, Điều 240, Điều 241, Điều 644 Luật Dân sự;

3. Tài sản của các dự án sử dụng vốn ngoài nước chuyển giao cho nhà nước Việt Nam khi kết thúc hoạt động;

4. Tài sản do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết giữa nhà đầu tư và Nhà nước Việt Nam;

5. Tài sản của chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu cho nhà nước Việt Nam dưới hình thức biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác.

6. Các tài sản khác theo quy định của pháp luật được xác lập quyền sở hữu nhà nước.

Điều 51. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu tài sản của Nhà nước

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung quỹ nhà nước:

a) Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tài sản của người bị kết án được thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự;

c) Thẩm quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với vật chứng vụ án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Đối với các tài sản khác:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với:

- Tài sản của các dự án sử dụng vốn ngoài nước do Trung ương quản lý, sau khi kết thúc hoạt động được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam;

- Tài sản do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết đối với các dự án do Trung ương quản lý.

- Tài sản được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu dưới các hình thức biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương;

b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được giao và các quy định khác của pháp luật có liên quan, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; quyết định hoặc phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với vật bị chôn dấu, chìm đắm, vật bị đánh rơi, bỏ quên được tìm thấy;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với:

- Bất động sản trên địa bàn được xác định là vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu;

- Di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng người đó không được quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản;

- Tài sản của các dự án sử dụng vốn ngoài nước do địa phương quản lý sau khi kết thúc hoạt động được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam;

- Tài sản do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết đối với các dự án do địa phương quản lý.

- Tài sản được chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu dưới hình thức biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho các tổ chức thuộc địa phương.

Điều 52. Quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước

1. Cơ quan, tổ chức được giao quản lý hoặc được tạm giao quản lý có trách nhiệm quản lý tài sản đã được xác lập quyền sở hữu nhà nước có trách nhiệm trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo quản nhằm duy trì hiện trạng tài sản cả về số lượng và chất lượng.

2. Cơ quan đang quản lý hoặc được giao tạm quản lý tài sản có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 53 Luật này.

Điều 53. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án xử lý đối với tài sản là di sản văn hoá vật thể bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác;

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phương án xử lý theo quy định của pháp luật đối với:

a) Tài sản quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật này do cơ quan nhà nước ở Trung ương quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;

b) Tài sản quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Luật này;

c) Người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 51 Luật này thì có quyền quyết định phương án xử lý tài sản sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định xác lập và phê duyệt phương án xử lý tài sản). Riêng trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định phương án xử lý tài sản, phải có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đối với:

Tài sản quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật này do cơ quan nhà nước ở địa phương quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;

Tài sản quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 51 Luật này.

Điều 54. Quản lý tài chính đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước.

1. Tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan. Cấp nào phê duyệt phương án xử lý thì tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước của cấp đó.

2. Trường hợp xử lý tài sản không có nguồn thu hoặc số thu không đủ bù đắp chi phí, thì chi phí do ngân sách nhà nước chi trả. Tài sản do cấp nào xử lý thì chi phí do ngân sách cấp đó chi trả.

3. Trường hợp tài sản điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước, thì chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản do cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiếp nhận tài sản chi trả.

CHƯƠNG IX

KIỂM TRA, THANH TRA, KIỂM TOÁN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 55. Kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Bộ Tài chính, Thanh tra chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trên phạm vi cả nước theo phân công của Chính phủ.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

3. Nội dung kiểm tra, thanh tra gồm:

a) Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chế độ chính sách pháp luật quản lý nhà nước về tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý tài sản nhà nước;

b) Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chế độ chính sách pháp luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 56. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 57. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo việc vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 58. Các hành vi sau đây bị coi là vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhà nước dưới mọi hình thức;

2. Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước làm thiệt hại tài sản nhà nước;

3. Sử dụng không đúng mục đích, sử dụng sai chế độ, tiêu chuẩn, vượt định mức do Nhà nước quy định; sử dụng lãng phí hoặc không sử dụng tài sản được giao gây lãng phí;

4. Huỷ hoại tài sản nhà nước;

5. Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài sản nhà nước;

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước trong sử dụng tài sản; không thực hiện đăng ký tài sản nhà nước, không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định.

Điều 59. Xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Người nào lợi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhà nước dưới mọi hình thức; cố ý làm trái các quy định của Nhà nước làm thất thoát tài sản nhà nước; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài sản nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, bồi thường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 60. Xử lý vi phạm pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước mà sử dụng không đúng mục đích, sử dụng sai chế độ, sai tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định; không sử dụng tài sản được giao gây lãng phí; huỷ hoại tài sản nhà nước; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước trong sử dụng tài sản; không thực hiện đăng ký tài sản nhà nước, không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, không lập và quản lý hồ sơ tài sản nhà nước, không hạch toán, theo dõi tài sản nhà nước theo quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, bồi thường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 61. Quản lý tài sản nhà nước đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng

Căn cứ vào các nguyên tắc quy định của Luật này, Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Điều 62. Hiệu lực thi hành.

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2009.

2. Những quy định về quản lý tài sản nhà nước tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đây trái với quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ ….  thông qua ngày….. tháng…. năm …

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét