Thứ Hai, 7 tháng 1, 2008

NHỮNG CÔ DÂU... KHÔNG THỂ CHẠY TRỐN

Cô dâu Huỳnh Mai, cô dâu Kim Đồng lấy chồng nước ngoài để thực hiện giấc mơ đổi đời. Thế nhưng, khi giấc mơ ấy chưa thành hiện thực thì họ đã bỏ mạng nơi xứ người: Huỳnh Mai bị người chồng Hàn đánh đập cho tới chết còn Kim Đồng thì bỏ mạng vì ngã từ trên cao xuống khi chạy trốn người chồng của mình.

Đó chỉ là hai cái chết thảm trong số rất nhiều những số phận không may mắn của những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc thông qua con đường môi giới hôn nhân. Những người nghèo vì đồng tiền vẫn phải đánh bạc với số phận của mình, còn những trung tâm môi giới vì lợi nhuận vẫn bất chấp tính mạng của những cô dâu Việt. Những trung tâm này đẩy những cô gái Việt ra giữa biển khơi mà không cho họ một chiếc phao cứu sinh để họ có đường sống sót quay về bờ.
1. Thiên đường không tìm thấy

Cô dâu Kim Đồng trong đám cưới những tưởng là thiên đường của mình

Họ là những người con gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc thông qua những trung tâm môi giới hôn nhân. Không khả năng sử dụng ngoại ngữ của nước sở tại, không hiểu biết về nền văn hóa và truyền thống của quốc gia đó, không một chút thông tin về người mình sắp lấy làm chồng và gia đình của anh ta. Và điều quan trọng nhất là không có tình yêu. Nói tóm lại, các cô dâu Việt lấy chồng thông qua con đường môi giới hôn nhân không hề có một điều kiện nào để đảm bảo cho một gia đình hạnh phúc về sau, thế nhưng họ vẫn nhắm mắt đưa chân, đánh cược với số phận của mình và những kết thúc đau lòng, bi thảm dường như là hệ quả tất yếu của những cuộc hôn nhân như thế.

Điểm khởi đầu của con đường hôn nhân này là những Trung tâm môi giới hôn nhân. Những người phụ nữ bị buộc phải đứng xếp hàng (nhiều trường hợp bị buộc phải lột bỏ y phục) để cho những người đàn ông ngoại quốc lựa chọn như những món hàng. Ngay từ khi đó, họ đã ở vào thế yếu và phải chấp nhận sự khinh rẻ của những người chồng tương lai của mình - những người họ không hề quen biết và cũng không có quyền được tìm hiểu. Một điều quan trọng ở đây: "Chú rể" không phải là một người thanh niên cùng lứa tuổi với cô dâu, mà là những người đàn ông tuổi tác bằng bố hay tuổi ông nội ông ngoại của cô dâu, hoặc thường là một người đàn ông đã góa vợ, bệnh hoạn hay thuộc loại không thể tìm được vợ ở quốc gia mà họ đang sinh sống.

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam thường được môi giới hôn nhân với những người đàn ông ở Đài Loan và Hàn Quốc là chủ yếu. Khi dời khỏi Việt Nam những cô gái phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ: Hoặc bị bán làm nô lệ không công, hoặc bị ép buộc hành nghề mại dâm cho dân bản xứ, hoặc bị bán cho các ổ điếm. Một số các cô khác thì quả thực được đem về làm vợ, nhưng không phải làm vợ cho một mình người đàn ông đã sang Việt Nam mua cô về, mà là phải lần lượt làm vợ cho tất cả những người đàn ông sống trong gia đình; và trong cuộc sống hàng ngày thì các cô bị đối xử như người ở hay giống như nô lệ: phải thức khuya dậy sớm, phải làm đủ mọi công việc phục dịch hầu hạ cho cả gia đình. Có những người lại được mua về để phục vụ những người bệnh hoạn tật nguyền trong gia đình. Chỉ có một số ít thực sự là làm dâu đúng nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả đối với những cô dâu này, hai từ "hạnh phúc" vẫn là những tiếng xa lạ; phẩm giá và nhân vị của những người phụ nữ bị mua về làm dâu không được tôn trọng; các cô dâu không có tiếng nói trong gia đình và chỉ được coi như sở hữu của chồng và của cả gia đình nhà chồng, ai cũng có quyền sai khiến và bắt các cô phải phục dịch.

Thời gian gần đây, báo chí trong và ngoài nước đã phanh phui rất nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng đến thân thể của các cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc. Từ những cô dâu Việt trên đất Đài bị sát hại như Trần Thị Hồng Thắm hay trở về Việt Nam trong tình trạng người không ra người như Trần Thị Bích My, Cao Thị Hồng Nương… đến những cái chết thương tâm của những cô dâu Việt trên đất Hàn như Huỳnh Mai, Kim Đồng chính là những hình ảnh bề nổi của phận Việt làm dâu nơi đất khách: Họ không thể và không có khả năng để chạy trốn khỏi những nguy cơ có thể tổn hại đến sức khỏe, thậm chí là chính mạng sống của mình. Một cái giá, một sự đánh đổi quá đắt khi chấp nhận làm dâu trên đất khách khi không có tình yêu để mong có được cuộc sống đầy đủ, sung túc cho gia đình và bản thân. Họ không thể tìm thấy thiên đường cho mình mà rơi vào địa ngục và thủ phạm chính là những trung tâm môi giới hôn nhân.

Cô dâu Huỳnh Mai trong ngày cưới

2. Và những trung tâm buôn bán phụ nữ trá hình

Những cô gái Việt Nam muốn đổi đời bằng con đường lấy chồng ngoại quốc ngày càng nhiều lên chính là điều kiện để những trung tâm môi giới hôn nhân có thể tồn tại và phát triển. Thế nhưng, cách làm ăn thiếu trách nhiệm của những trung tâm buôn bán phụ nữ trá hình dưới cái tên “môi giới hôn nhân” chính là thủ phạm của những cái chết thương tâm của những cô dâu Việt trên đất khách.

Vì lợi nhuận, những trung tâm này không quan tâm đến hạnh phúc của những người được họ mai mối. Họ biến những cô gái nông thôn thành những món hàng để rao bán cho những người đàn ông ngoại quốc. Họ không hề trang bị cho những cô gái ấy một chút vốn liếng nào để có thể trở thành cô dâu ở một đất nước xa lạ. Thậm chí họ không thể tự kêu cứu khi tính mạng bị đe dọa. Những cô dâu ấy phải tự mình bươn chải nơi xứ người mà không nhận được sự giúp đỡ từ phía trung tâm môi giới hôn nhân mà họ đã tin tưởng gửi mình. Những trung tâm ấy đẩy họ ra biển cả mà không cho họ một chiếc phao cứu sinh để có thể quay lại bờ.

Trở lại trường hợp của Huỳnh Mai, cô gái này chấp nhận lấy chồng Hàn Quốc và gia đình cô chỉ được trả một số tiền rẻ mạt là 400 USD. Ngay khi làm đám cưới xong, những “ông tơ bà nguyệt” của cuộc hôn nhân này đã thu mất 200 USD từ phía cha mẹ cô và họ rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Họ bỏ mặc số phận của một con người sau khi đã nhận được khoản phí từ việc môi giới hôn nhân đó.

Nạn nhân của các trung tâm môi giới hôn nhân

Những trung tâm môi giới hôn nhân giữa người Việt Nam và người nước ngoài không khác gì những con buôn. Họ lấy những người phụ nữ Việt Nam làm món hàng để có thể thu về lợi nhuận cho bản thân mình. Những người phụ nữ Việt Nam chấp nhận lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia khác thông qua những trung tâm môi giới phải chấp nhận cuộc hôn nhân không do tình yêu, nhưng là do hoàn cảnh sống éo le bó buộc; và các cô đi lấy chồng không do cưới hỏi đúng với đạo lý và truyền thống dân tộc, mà là do mua bán, do những kẻ "buôn người" thời đại dàn dựng, thu xếp.
Tất cả những vấn đề hậu hôn nhân với người nước ngoài đều do các cô dâu tự chịu trách nhiệm. Nhiều cuộc hôn nhân không những không hạnh phúc mà những người phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ trở thành nô lệ tình dục, bị đe dọa về nhân phẩm thậm chí cả tính mạng nhưng các trung tâm môi giới hôn nhân hoàn toàn vô can trong tất cả những vấn đề nảy sinh sau khi cô dâu Việt về nơi xứ người. Sự vô trách nhiệm và làm việc chụp giật, tất cả vì lợi nhuận này của các trung tâm môi giới hôn nhân chính là thủ phạm của câu chuyện tang thương khi những cô gái Việt Nam làm dâu trên những quốc gia khác.

Hàng loạt những câu chuyện đau lòng xảy ra trong thời gian qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh: Không thể để tình trạng những người phụ nữ Việt Nam làm dâu xứ người bị chà đạp về danh dự và nhân phẩm, bị coi như những món hàng hóa để trao đổi, bị đe dọa cả về tính mạng được nữa. Việc chúng ta có thể làm ngay bây giờ, đó là: Cấm toàn bộ những trung tâm buôn bán người trá hình được ngụy trang dưới cái tên: Trung tâm môi giới hôn nhân. Nếu không kiểm soát được tình trạng kết hôn với người nước ngoài chỉ vì tiền thì những nỗi đau của những cô dâu Việt như Huỳnh Mai, Kim Đồng sẽ còn tiếp tục tái diễn.

*****************************************************************************************

Để một cuộc hôn nhân bền vững, ngoài tình yêu giữa hai người khác giới thì còn có những nhân tố khác hết sức quan trọng như sự tương đồng về thể trạng, sức khỏe, điều kiện kinh tế, hòa hợp tâm hồn và hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa của đối tác. Những cuộc hôn nhân giữa người nước ngoài với cô dâu Việt không hề có được những nhân tố này nên không thể có hạnh phúc.

Thế nhưng, các Trung tâm môi giới hôn nhân đã bất chấp tất cả. Vì lợi nhuận họ sẵn sàng đẩy các cô gái Việt Nam sang xứ người mà không trang bị cho họ bất kỳ một kỹ năng gì. Bên cạnh những cô dâu như Huỳnh Mai, Kim Đồng bỏ mạng nơi xứ người là những tấm gương nhỡn tiền còn có biết bao cô gái khác đang phải trả giá với hôn nhân mai mối. Đã đến lúc dẹp bỏ những Trung tâm buôn bán phụ nữ trá hình dưới mĩ từ “Môi giới hôn nhân”.

Nhà văn Lê Minh Khuê: “Tôi phản đối hôn nhân với người nước ngoài qua môi giới”

Nhà văn Lê Minh Khuê - Ảnh: Tuấn Hải

Theo ý kiến của tôi thì để tiến tới hôn nhân không cần nhiều lắm đến tình yêu, thế nhưng, quan trọng là chọn được người bạn đời mà mình phải cảm thấy yên tâm khi ở bên cạnh họ. Đó là những người có tính tình ôn hòa, không có sự phiêu lưu, báo hiệu cho sự đổ vỡ sau này. Như vậy có thể khẳng định: Nền tảng để đi tới hôn nhân chính là sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai người khác giới. Thứ nữa là sức khỏe, khả năng tài chính, việc làm. Hôn nhân hiện đại nó thế, chúng ta phải có tất cả những thứ đó để có thể đảm bảo hạnh phúc được lâu bền. Quan trọng nhất là sự bình tĩnh trước đời sống để có thể xử lý tình huống. Đời sống hiện đại nó khủng khiếp lắm, nếu mà người ta không bình tĩnh thì nó sẽ đổ vỡ hết. Điều này đặc biệt quan trọng ở phía những người đàn ông.
Ngày xưa các cụ nhà mình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nhưng hôn nhân vẫn bền vững bởi vì khi mai mối họ đã có những hiểu biết nhất định về nhau, sự tương đồng về kinh tế mà các cụ hay dùng từ “môn đăng hộ đối”, còn nhiều cuộc hôn nhân vì tình yêu nhưng khi lấy nhau rồi vẫn đổ vỡ. Nghĩa là để một cuộc hôn nhân có thể tồn tại thì không cần nhiều tình yêu lắm. Để sống với nhau miễn là không chối quá. Không cần lệ thuộc quá vào chuyện yêu đương. Trong đời sống hôn nhân quan trọng nhất là sự nhường nhịn. Một cuộc môi giới hôn nhân giữa hai người trong cùng một quốc gia hoàn toàn có thể có hạnh phúc là vì người ta có cơ sở để hiểu biết về nhau và có những sự tương đồng về điều kiện kinh tế và lối sống.
Để hai người có thể sống với nhau ổn định và lâu dài thì sự cân bằng giữa hai người có một vai trò quyết định. Người chồng kiếm được tiền, người vợ cũng kiếm được tiền là điều hết sức cơ bản. Nếu như một người phụ thuộc vào người khác thì nó sẽ là gánh nặng cho cả hai người và như thế thì rất không tốt cho một cuộc hôn nhân. Để có được cuộc sống hạnh phúc thì hai bên phải cân bằng nhau và độc lập với nhau một cách tương đối.

Hai yếu tố ngôn ngữ và văn hóa rất quan trọng để một cuộc hôn nhân có thể bền vững. Các cô gái Việt Nam đi lấy chồng nước ngoài cần phải hiểu được ngôn ngữ và văn hóa của nước đó nếu không thì nguy hiểm lắm. Nếu như hai nền văn hóa khác nhau rồi thì phải có ngôn ngữ để chinh phục nhau, cuộc hôn nhân nó mới có thể bền vững được. Không có cả hai yếu tố này thì thực sự là đáng lo ngại.

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài theo tôi là hết sức nguy hiểm, một cô gái nông thôn, tiếng thì không biết, không hiểu một tý gì về truyền thống và văn hóa thế mà các trung tâm lại có thể đưa họ sang làm dâu ở một nước xa lạ. Môi giới hôn nhân kiểu vô trách nhiệm như thế có khác gì đẩy người ta ra biển, nếu mà hôn nhân kiểu như thế người ta chỉ cần mình về làm cái máy đẻ và người giúp việc. Những bậc cha mẹ cho con đi lấy chồng kiểu ấy thì có khác gì bán con?

Nếu muốn người phụ nữ Việt Nam có thể lấy chồng ngoại quốc và đảm bảo cho cuộc hôn nhân ấy yên ổn trước hết là phải chuẩn bị cho người ta cái phao: Ít nhất là cái văn hóa và ngôn ngữ để người ta có thể thích nghi với cuộc sống ở một gia đình xa lạ, một đất nước xa lạ không có người thân bên cạnh mà điều này thì những người phụ nữ lấy chồng thông qua môi giới hôn nhân không có.

Tôi không tán thành những trung tâm môi giới hôn nhân vô trách nhiệm, họ không chuẩn bị cho những cô gái hành trang: Ngôn ngữ, văn hóa, cách ứng xử với những tình huống trong đời sống và thậm chí là cách để tự cứu lấy bản thân khi những nguy cơ bị xâm hại xảy ra.

Những người đàn ông ngoại quốc lấy vợ Việt Nam thông qua những trung tâm môi giới hôn nhân thường lại là những người không có đủ khả năng kinh tế để lấy vợ ở quốc gia mà họ sinh sống hoặc họ là những người không khỏe mạnh về mặt tâm lý nên họ mới chọn lấy vợ ở một quốc gia khác. Vì thế xác suất của việc xảy ra xung đột sẽ cao hơn các cặp vợ chồng cùng quốc tịch rất nhiều. Những người phụ nữ lấy chồng kiểu ấy là bán mình vì tiền chứ còn gì nữa. Mà đã bán mình thì phải nhẫn nhục, phải chịu ở thế yếu so với người ta.

Các cô ấy xuất thân từ nông thôn, chỉ ra ra thành phố lớn còn bỡ ngỡ nữa là sang một quốc gia khác. Phải có sự chuẩn bị kỹ cho người ta chứ? Nếu anh đã môi giới anh phải có trách nhiệm với những cuộc hôn nhân đó chứ “đem con bỏ chợ” thế thì không chấp nhận nổi. Những sự việc đau lòng xảy ra gần đây cũng là hậu quả tất yếu của những cuộc hôn nhân như thế. Nhưng giá như các cô gái ấy biết một chút ngôn ngữ để có thể tự cứu bản thân mình thì đâu đến nỗi?
Tôi nghĩ rằng nếu muốn tiến tới hôn nhân thì cả người nước ngoài kia và vả cô gái Việt Nam cần phải có những sự hiểu biết nhất định về nhau, về ngôn ngữ, văn hóa và lối sống của nhau. Lấy vợ chứ có phải lấy người làm thuê đâu, mà ngay lấy người làm thuê người ta cũng còn phải tìm hiểu. Chuyện hôn nhân đại sự, chuyện hạnh phúc của cả một đời người không thể lấy ra làm trò cá cược như thế. Số phận của một người con gái cũng không thể coi như một món hàng để đổi chác như thế.

Muốn hạn chế tối đa tình trạng những cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc bị giết, bị hành hạ hoặc bị bán thì cần nâng cao trình độ hiểu biết cho chính những gia đình ở nông thôn để họ nhận ra rằng: Lấy chồng nước ngoài không phải là con đường dễ dàng để có thể đổi đời như bấy lâu họ vẫn lầm tưởng, hạn chế tối đa được những cuộc hôn nhân với người ngoại quốc chỉ vì tiền. Đó là biện pháp lâu dài, còn cái trước mắt chúng ta có thể làm ngay đó là cấm những trung tâm môi giới hôn nhân vô trách nhiệm đang hoạt động hiện nay.

Còn những người phụ nữ Việt muốn kết hôn với người nước ngoài họ phải có sự hiểu biết nhất định về ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống của quốc gia mà họ sắp về làm dâu. Kể cả những người đàn ông nước ngoài cũng phải có sự hiểu biết nhất định về cô gái mà anh ta chuẩn bị kết hôn.

Nếu các tổ chức đoàn thể của mình như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Đại sứ quán của mình có thể phối hợp chặt chẽ với nhau hơn thì có lẽ những chuyện đau lòng như thế sẽ ít xảy ra hơn. Các tổ chức ấy người thì đông chả thấy họ làm gì. Chỉ cần họ làm đúng chức năng thôi đã quá tốt rồi. Mấy đoàn thể không lo cho đồng bào mình, không bảo vệ đồng bào mình thì để làm gì nữa. Công việc của họ là gì? Họ chỉ làm việc ấy thôi chứ? Họ phải bảo vệ quyền lợi của phụ nữ chứ, chứ không họ làm gì? Đại sứ quán của mình phải có trách nhiệm với đồng bào của mình bên ấy. Chính quyền là cha mẹ của dân, gả con gái của mình thì phải có trách nhiệm với hạnh phúc của con cái chứ đừng “đem con bỏ chợ”.

Trang bị những thứ tối thiểu cho các cô gái như ngôn ngữ, lối sống để ít nhất họ có thể kêu cứu nếu xảy ra chuyện không may. Biết tiếng rồi còn gặp những sự bỡ ngỡ nữa là không biết gì. Các đoàn thể của Việt Nam cũng phải bảo vệ cho các cô gái. Phải có cam kết, anh lấy con tôi thì anh phải cam kết anh lấy nó về làm vợ chứ không phải anh mua nó như một món hàng để về làm cái máy đẻ hay làm nô lệ cho anh. Nếu còn tình trạng lấy chồng nước ngoài vì tiền thì những chuyện đáng tiếc còn tiếp tục xảy ra. Họ mua vợ, về làm dâu mà sống phụ thuộc vào gia đình họ, chênh lệch ngôn ngữ, văn hóa rất dễ xảy ra xung đột. Nếu con gái tôi muốn lấy một người nước ngoài tôi sẽ không muốn chứ đừng nói tới việc qua môi giới hôn nhân.

PGS – TS Lương Quỳnh Khuê – Trưởng khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa – Học viện Báo chí và Truyên truyền: “Cần phải cấm toàn bộ những trung tâm môi giới hôn nhân vô trách nhiệm”

PGS.TS Lương Quỳnh Khuê

Theo tôi thời nào cũng vậy, cái gốc của hôn nhân phải là tình yêu. Sự quan trọng quyết định đến sự tồn tại của hôn nhân sau này phải là có tình yêu hay không. Tất nhiên là có những trường hợp yêu nhau nhưng sau này vẫn đổ vỡ. Nhưng nếu hôn nhân không dựa trên tình yêu trước sau thế nào nó cũng nảy sinh vấn đề. Hoặc là hai người sẽ chán nhau, kinh lẫn nhau, không tôn trọng nhau bởi vì anh cần cái thể xác trẻ trung của tôi, ngược lại tôi cần túi tiền của anh.

Tôi thấy lớp trẻ bây giờ, dựa trên tình yêu để dẫn tới hôn nhân nhưng họ có điều kiện tốt hơn về kinh tế để chuẩn bị cho đời sống hôn nhân sau này. Hôn nhân không có tình yêu, hôn nhân vì tiền. Những cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc gần đây và những cô gái lấy chồng thông qua môi giới hôn nhân rõ ràng không xuất phát từ tình yêu. Đúng là một sự đánh bạc kinh khủng, đưa cả cuộc đời của mình ra đánh bạc, lấy cả những người đàn ông bằng tuổi bố mình, ông mình. Tôi thấy thương vô cùng. Nhiều bậc bố mẹ lại thấy đây là con đường để cứu cả gia đình mà họ không ý thức được những vấn đề khác, khi đã lấy chồng như thế trong tâm của người nước ngoài họ đã coi thường. Và cái điều buồn của mình là họ không chỉ coi thường một cô gái ấy mà họ còn coi thường cả những cô gái Việt Nam, phụ nữ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Những trường hợp lấy nhau do môi giới hôn nhân có thể có hạnh phúc không? Tôi nhớ một bộ phim của Trung Quốc tôi xem khi còn rất nhỏ là "Cầu phúc" dựa trên truyện ngắn của Lỗ Tấn. Chuyện phim kể về một chị nông dân Trung Quốc được gả bán cho một anh nông dân Trung Quốc, về sau họ sinh một đứa con. Khi anh ấy đứng nhìn cô ấy chăm sóc và âu yếm đứa con thì có một lời bình của phim là “duyên ép hóa duyên lành”.

Nhưng đấy là hai người Trung Quốc, họ cùng ngôn ngữ và văn hóa cộng thêm rất nhiều sự tương đồng khác về thể chất, tình yêu nó khó nói lắm, họ có một sự đồng cảm mà người khác không hiểu được. Hôn nhân với người nước ngoài không thể có tình yêu, rất ít trường hợp may mắn để những cuộc hôn nhân như thế hạnh phúc. Tôi phản đối hôn nhân với người nước ngoài thông qua môi giới.

Sự khác nhau về ngôn ngữ và văn hóa của nhau sẽ cản trở rất lớn tới hôn nhân thế nên nếu muốn tiến tới hôn nhân thì phải tìm hiểu ngôn ngữ và nền văn hóa của nhau để tự điều chỉnh. Phải tìm hiểu và có ý thức tự điều chỉnh. Nhập gia phải tùy tục, nếu hai người sống với nhau có ý thức để tiếp thu nền văn hóa của nhau thì dù anh có hơi vụng về nhưng người ta vẫn chấp nhận. Lối sống, chuẩn giá trị đạo đức. Hai người phải có ý thức để tìm hiểu lẫn nhau để vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa nhưng theo tôi cái gốc nhất vẫn phải là tình yêu.

Theo tôi tốt nhất là nên xóa bỏ sự tồn tại của những trung tâm môi giới hôn nhân với người nước ngoài. Nhưng mà nếu như các cô gái vẫn tiếp tục lấy chồng nước ngoài thì cần có phải có biện pháp để ngăn chặn những trung tâm môi giới chui nếu không còn tai hại hơn. Tốt nhất là mình thành lập những câu lạc bộ kiểu mà mình quản lý được. Nếu bỏ được thì tốt theo nghĩa mình có cái khác. Chứ cái tình trạng môi giới hôn nhân như hiện nay, tự nhiên đến nhìn mặt nhau, anh ta chỉ việc đưa ít tiền rồi ba ngày hôm sau cưới.

Tôi không thể tưởng tượng được nếu như là mình tại sao mình lại dấn thân vào con đường như thế, gửi cả cuộc đời mình, con cái mình cho một người đàn ông xa lạ ở một đất nước xa lại như thế, thực sự là phiêu lưu. Hôn nhân kiểu gì mà đến nhìn rồi còn sờ, nắn xem là người ấy có khỏe mạnh hay không. Tôi cho đó là một sự xúc phạm và sỉ nhục ghê gớm, coi người phụ nữ như những món hàng. Người Việt Nam mình lấy nhau có phải đôi nào cũng hạnh phúc đâu, nữa là lấy người nước ngoài.

Độ an toàn trong hôn nhân, về tính mạng con người cao hơn nhiều so với lấy chồng nước ngoài, nhất là qua môi giới hôn nhân. Họ chỉ muốn các cô gái Việt làm cái máy đẻ thuê, người ở cho họ chứ có phải lấy để làm vợ đâu. Một trong những cái mất của hội nhập tôi nghĩ cũng là cái này.

Chẳng có người mẹ nào gả con mà không muốn con hạnh phúc, không có người phụ nữ nào lấy chồng mà không muốn mình có một gia đình hạnh phúc nhưng mà cái trung tâm môi giới cho các cô dâu lại thường vô trách nhiệm, họ chỉ làm xong việc thu tiền rồi lặn mất tăm mà không có tý trách nhiệm nào với những khách hàng của họ. Những người phụ nữ ấy không biết trông cậy vào đâu.

Chúng ta cần phải kiểm tra trình độ ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa lẫn nhau của cả cô dâu và chú rể trước khi đồng ý cho họ kết hôn. Phải bảo vệ những người phụ nữ Việt Nam Vừa rồi chỉ vì chúng ta không bảo vệ được người phụ nữ Việt Nam nên mới để xảy ra những câu chuyện đáng buồn như của Huỳnh Mai và Kim Đồng và trước đó là rất nhiều cô gái khác.

Không thể để xảy ra tình trạng một cô gái sang phải làm vợ của mấy người trong gia đình hay bị bán vào các động mại dâm, bị bóc lột đến kiệt quệ. Tôi thấy thật là khủng khiếp. Cần phải cấm toàn bộ những trung tâm môi giới hôn nhân vô trách nhiệm. Và càng giảm thiểu được bao nhiêu những chuyện hôn nhân vì tiền với người nước ngoài thì càng tốt bấy nhiêu.

Lưu Thủy – Sơn Khê (VieTimes)

**************************************************************

NGHÈO + VĂN HÓA VÙNG MIỀN = LIỀU MẠNG LẤY CHỒNG ... HÀN QUỐC

Chuyện các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc…(trong số đó, các cô gái miền Tây Nam Bộ chiếm phần lớn) thông qua hình thức môi giới hôn nhân, nhất là các đường dây môi giới bất hợp pháp lại một lần nữa được đem ra bàn luận: “Tại sao miền Tây được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, điều kiện tự nhiên vào loại thuận lợi nhất nước mà con gái lấy chồng ngoại lại cũng nhiều nhất nước?” – VieTimes đã đem vấn đề này trao đổi cùng GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông khẳng định cái nghèo, sự hạn chế tri thức, đặc điểm văn hoá vùng miền chính là lý do khiến nhiều cô gái miền Tây quyêt ý lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan...

Nghèo, trình độ dân trí thấp và bối cảnh văn hóa vùng

GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Ông cho biết: "Trước hết, tôi phải khẳng định ngay rằng đúng là miền Tây Nam Bộ có điều kiện thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi nhất nước, nhưng để từ đó suy ra rằng cuộc sống của người dân ở đây sung sướng nhất nước thì điều đó đã trở thành quá khứ. Đó là thời của văn hóa Nông nghiệp. Còn hiện nay, thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những ưu đãi của thiên nhiên không phải là tất cả.

Xưa, miền Tây giàu nhất nước. Địa chủ ở đây có đất đai thẳng cánh cò bay, thóc lúa đầy nhà. Khác với các vùng đất khác, con người nơi đây phân hóa rất sâu sắc. Tổ tiên của họ – những người đi vào khai hoang vùng đất mới, chia làm hai loại rõ rệt. Thứ nhất là lớp dân dưới đáy - đó là những người nghèo túng không mảnh đất cắm dùi, những người sống bằng nghề trộm cướp, những người trốn tù vượt ngục… vào vùng đất mới với hy vọng thay đổi số phận. Bên cạnh đó là những người trí thức bất đắc chí, không hợp tác được với triều đình hoặc không được triều đình trọng dụng nên mới phải bỏ đi. Họ là những trí thức cực đoan mang theo một nền giáo dục Nho giáo cũng rất cực đoan.

Ở giai đoạn trước đây, khi công nghiệp chưa tràn vào thì với điều kiện rất thuận lợi như đất đai màu mỡ, lại được phù sa bồi đắp, hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt đem lại nguồn lợi thủy sản dồi dào, bước chân ra đồng là có cá, có tôm…, cái gì cũng sẵn. Chính vì vậy mà người dân miền Tây luôn hài lòng với cuộc sống của mình, không cần học nhiều, làm nhiều vẫn có thể đủ ăn, không cần chắt chiu tằn tiện như người miền Bắc hay miền Trung, làm được bao nhiêu là tiêu bấy nhiêu. Với cuộc sống dễ chịu như vậy, dễ hiểu là họ không có ham muốn thay đổi cuộc sống hiện tại – đó là cái trạng thái mà ta hay gọi là “không có chí tiến thủ”. Sang thời đại công nghiệp, vùng đất vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp bỗng như bị “khớp”. Sản phẩm nông nghiệp làm ra không nâng được giá. Trong khi đó, đồng ruộng bị ảnh hưởng bới hóa chất, bởi thiên tai… không cho năng suất cao như trước. Mảnh đất vốn sống chung với lũ, nhờ lũ để bồi đắp phù sa giờ lại đắp đê ngăn lũ. Thuỷ sản gần như không còn. Người thì đông lên. Trong khi công nghiệp thì lại chưa vươn được tới. Hệ quả tất yếu là cái nghèo bao trùm lêm một bộ phận lớn dân cư.

Cũng phải nói thẳng rằng, trình độ dân trí của người dân nơi đây còn thấp. Lý do đơn giản là trước kia họ luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại nên không thấy cần học hành cao, không cần đỗ đạt cao. Ở đây, những gia đình có con học lên đến cấp 3 (phổ thông trung học) là đã hài lòng lắm rồi. Số chịu khó vươn lên học tới đại học hoặc cao hơn thì rất ít. Trình độ dân trí thấp, cuộc sống quen đơn giản, nên việc họ suy nghĩ đơn giản, ít đắn đo cân nhắc trước sau là chuyện dễ hiểu.

Trong khi đó, con cái đều có phẩm chất của văn hoá truyền thống Việt Nam là yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ. Thấy ba má nghèo, muốn giúp đỡ. Nhiều cô gái chọn cách lấy chồng ngoại để có tiền giúp bố mẹ, để bố mẹ mở mày mở mặt với chòm xóm. Ý định, mong muốn này của các cô gái khi thể hiện ra lại được bố mẹ chấp thuận dễ dàng. Bố mẹ và con cái gặp nhau ở cùng một kiểu suy nghĩ. Nhiều người như thế, nhiều gia đình như thế tạo nên một bối cảnh văn hoá hoàn toàn khác hẳn với miền Bắc và miền Trung, nơi mà con người bị bị tác động rất nhiều bởi dư luận xã hội, mà dư luận xã hội thì rất chặt chẽ, khắt khe.

Trong khi đó, những thông tin về mặt trái của hôn nhân với người nước ngoài qua các công ty môi giới bất hợp pháp lại khó đến được những nơi này. Họ ít đọc báo, nghe đài, vào mạng internet… Nếu có đọc báo, nghe đài, xem truyền hình thì cũng quan tâm nhiều đến những chương trình giải trí, tin tức... mà thôi. Những gia đình có gốc Nho giáo, có truyền thống giáo dục con cái kỹ lưỡng thì do số lượng ít nên không đủ tạo nên một luồng dư luận xã hội ảnh hưởng tới xung quanh.

Tóm lại, nghèo, trình độ văn hóa thấp cùng bối cảnh văn hóa vùng là những nguyên nhân sâu xa khiến cho con gái miền Tây lấy chồng ngoại qua các công ty môi giới hôn nhân nhiều đến vậy, nhiều nhất cả nước."

Phóng viên (PV): Như vậy, người miền Tây, đặc biệt là phụ nữ quan niệm như thế nào về tình yêu, hôn nhân và gia đình ạ?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (TNT): Như đã nói, người miền Tây Nam Bộ thường quan niệm, nhìn nhận mọi vấn đề khá đơn giản. Tâm lý này bắt nguồn từ việc thời xưa họ được thiên nhiên rất ưu đãi. Phụ nữ miền Tây quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình có khác so với phụ nữ miền Bắc và miền Trung. Ở miền Bắc và miền Trung, vai trò của người phụ nữ trong gia đình tương đối lớn, tương đối bình đẳng hơn trong quan hệ với nam giới. Nếu người chồng lo việc xã hội, việc nước thì người vợ là nội tướng trong gia đình, một tay quán xuyến tất cả mọi việc tề gia nội trợ. Họ luôn có ý thức chăm lo, vun vén cho gia đình, từ việc cắt đặt việc nhà đến việc nuôi dạy, giáo dục con cái… Đồng thời, họ cũng đòi hỏi khá nhiều phẩm chất ở người chồng như tu chí làm ăn, công danh sự nghiệp sáng láng… Phụ nữ miền Tây thì dễ dãi hơn. Họ rất chiều chuộng chồng, dễ dàng chấp nhận chuyện chồng nhậu nhẹt, say xỉn, thậm chí đánh đập mình. Trong khi đó, họ cũng ít lo vun vén cho gia đình như phụ nữ miền Trung, miền Bắc. Chồng mang bao nhiêu tiền về là xài hết bấy nhiêu, trưng diện cho bản thân trong khi nhà cửa có thể vẫn dột nát. Đối với con cái, cách giáo dục của họ cũng dễ dãi hơn rất nhiều. Con cái muốn học đến đâu thì học, không định hướng, không ép buộc…

PV: Tâm lý này, quan niệm này liệu có thể lý giải thêm một thực tế cũng rất nhức nhối ở nhiều tỉnh miền Tây là bên cạnh hiện tượng con gái lấy chồng ngoại nhiều, còn có hiện tượng không ít người vào thành phố làm gái mại dâm, thưa giáo sư?

TNT: Đúng là từ tâm lý dễ dãi ấy đã sinh ra một quan niệm dễ dãi là cứ nghề gì kiếm ra tiền, có lợi thì làm. Tuy vậy, chỉ một lý do đó thôi thì chưa đủ. Lý giải thực tế này còn phải nói đến quan niệm về vấn đề trinh tiết của người phụ nữ.

Khái niệm trinh tiết chỉ hình thành khi chế độ sở hữu xuất hiện. Trong xã hội phụ quyền, người đàn ông coi vợ là một vật sở hữu – giống như tài sản – của mình, vì vậy trinh tiết được chọn làm một dấu hiệu của sự sở hữu đó. Xã hội nào phân hóa sớm thì quan niệm đó xuất hiện sớm. Nền văn hóa nào coi đàn ông là tối thượng thì quan niệm đó là quan trọng. Còn nơi nào ý thức sở hữu không mạnh, ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đến chậm thì quan niệm về chữ trinh cũng nhẹ nhàng hơn.

Miền Tây Nam Bộ với bối cảnh văn hóa vùng có nhiều điểm riêng biệt chính là một nơi như thế. Thiên nhiên ưu đãi khiến ý thức sở hữu không mạnh. Trong khi miền Bắc chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo với quan niệm nặng nề về chữ trinh, và sự ảnh hưởng này là rộng khắp, phổ biến, đồng đều do đặc điểm sống quần cư trong các làng xóm nhỏ, thì ở miền Tây, đạo Nho chỉ ảnh hưởng trong một bộ phận nhỏ dân cư (là những trí thức gốc Nho giáo). Tầng lớp dân cư còn lại (dân dưới đáy, dân nghèo) ít bị chi phối bởi hệ tư tưởng này. Bên cạnh đó, việc các gia đình sống cách xa nhau (sống trong các bưng biền, chia cách bởi sông ngòi, kênh rạch) khiến cho mối quan hệ trong cộng đồng làng xã lỏng lẻo hơn nhiều so với miền Trung và miền Bắc. Điều đó đồng nghĩa với việc áp lực xã hội không mạnh, dư luận xã hội không khắt khe, khiến cho ngay cả những việc như phụ nữ vào thành phố làm gái mại dâm cũng dễ được chấp nhận hơn.

PV: Trở lại câu chuyện về các cô dâu Hàn Quốc, qua cái chết của Huỳnh Mai và Kim Đồng, chúng ta cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về vai trò của các công ty môi giới hôn nhân. Giáo sư có nhận xét gì về vấn đề này?

TNT: Sự tồn tại của các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp là không thể chấp nhận được. Thật là quá tệ. Như báo chí đưa tin, đám cưới tổ chức xong, bên nhà trai đưa cho nhà gái 400 đô thì môi giới ăn chặn mất một nửa. Còn có 200 đô, nhà gái không đủ tiền trang trải chi phí và thuê xe trở về quê. Không những thế, họ còn “đem con bỏ chợ”. Cưới xong là hết trách nhiệm. Chả cần biết con người ta bên xứ người sống chết thế nào… Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, luật pháp của chúng ta có quá nhiều kẽ hở. Chính những kẻ hỡ này đã bị họ khai thác triệt để và kiếm tiền trên phẩm giá, sinh mạng của những cô gái ước ao lấy chồng ngoại để mong đổi đời…

PV: Còn vai trò của các Đại sứ quán, các hiệp hội tại các nước có người Việt làm dâu thì sao?

TNT: Thật sự là khó có thể quan tâm đến tất cả mọi người với số lượng đông như thế. Song cũng phải thừa nhận rằng các cơ quan chức năng, các tổ chức của người Việt ở các nước này chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa chủ động hợp tác với các cơ quan, tổ chức của nước sở tại để tìm cách hạn chế, khắc phục tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp và trở thành chỗ dựa tin cậy cho các cô dâu.

Với câu chuyện của các cô dâu như Huỳnh Mai và Kim Đồng lâu nay báo chí Việt Nam đã có vai trò rất lớn, tạo nên một làn sóng dư luận. Hẳn là qua việc này, nhiều cô gái muốn lấy chồng ngoại, các ông bố bà mẹ cũng phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.

PV: Dưới góc nhìn của giáo sư, chúng ta nên làm gì để chấm dứt tình trạng lấy chồng ngoại quốc thông qua môi giới hôn nhân bất  hợp pháp như vậy?

TNT: Sự thực là một bộ phận dân chúng có nhu cầu nên các công ty môi giới mới sống được. Việc gì xã hội có nhu cầu thì trách nhiệm của nhà nước là phải đáp ứng. Tôi nghĩ rằng cái cần phải cấm chỉ là toàn bộ các trung tâm môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Tất nhiên là phải quản lý thật chặt những người muốn lấy chồng ngoại quốc hoặc muốn lấy vợ Việt Nam. Họ phải hội đủ những điều kiện về sức khỏe, kinh tế và hiểu biết về người mà họ chuẩn bị kết hôn thì mới được phép chứ không để như hiện nay được…

Mặt khác, chúng ta cần xem xét lại hoạt động, vai trò, trách nhiệm của cơ quan phụ trách vấn đề này, tại sao lại có thể để những trung tâm môi giới hôn nhân bất hợp pháp có thể ngang nhiên hoạt động như thế. Cần đặt những câu hỏi như tại sao chúng vẫn hoạt động được? Luật pháp đã kín kẽ chưa? Chế tài xử phạt có đủ sức răn đe không?

Nói tóm lại, việc cần làm là phải có pháp luật, quy định chặt chẽ với các hình thức chế tài đủ sức răn đe và các cơ quan chức năng cần quản lý để các công ty cũng như dân chúng thực hiện đúng theo pháp luật. Nếu vi phạm, cứ chiếu theo luật mà xử. Muốn thế, luật phải đáp ứng các tiêu chí: đầy đủ (bao quát hết), rộng khắp (để ai cũng biết) và thật sự nghiêm minh.

Tôi chắc rằng phía chính phủ Hàn Quốc, Đài Loan... sẵn sàng hợp tác bởi đây là việc có lợi cho chính họ. Người có nhu cầu lấy vợ nước ngoài qua môi giới ở các nước này là những thanh niên ở nông thôn, nơi mà con gái đã đi hết ra thành phố. Vấn đề là ở phía bên ta hành động như thế nào.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các biên pháp giáo dục, tuyên truyền. Tăng cường đưa những câu chuyện thực tế lên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân cũng bàn luận… Từ đấy, thay đổi dần quan điểm, nhận thức của họ. Có rất nhiều con đường để thoát nghèo chứ không phải chỉ có cách lấy chồng ngoại. Ở những vùng kinh tế khó khăn, Nhà nước phải có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp họ nâng cao đời sống, như thay đổi cơ cấu ngành, đầu tư cơ sở hạ tầng… Khi đời sống khá lên thì chẳng việc gì họ lại phải đi đâu.

PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!
Minh Tâm (VieTimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét