Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

LƯƠNG TÂM NGƯỜI THẨM PHÁN

PGS.TS. NGUYỄN ĐĂNG DUNG

Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng, vì pháp luật của chúng ta chồng chéo, thiếu hụt, mâu thuẫn nên thẩm phán xứ kiểu gì cũng được. Để khắc phục hiện tượng này người thẩm phán phải có lương tâm và phải cỏ trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong các vụ việc xét xử phức tạp.

Vì luật của Quốc Hội ban hành cho nhiều trường hợp chú không thể cho từng trường hợp cụ thể. Thậm chí pháp luật có thể là tối nghĩa, và có thể là chồng chéo lên nhau. Nhưng người thẩm phán chỉ được xử theo một kiểu nhất định mà lương tâm, đạo đức thẩm phán của mình cho phép. Xử theo một kiểu khác đi là sai và cần phải xử lại.

1. Cơ sở của việc Tòa án phải xét xử theo lương tâm

Cơ sở của việc thẩm phán và các chức danh tư pháp khác phải xét xứ phải buộc tội theo lương tâm là ở chỗ các đạo luật cũng như những quy định của luật do các cơ quan lập pháp ban hành ra không thể dành riêng cho từng trường hợp cụ thể. Nhưng người thẩm phán cũng như người buộc tội, công tố uỷ viên, cũng như nhiều người phải cầm cân nẩy mực khác buộc phải áp dụng các điều khoản đó cho từng trường hợp cụ thể với đầy đủ các sự kiện pháp lý đi kèm của trường hợp. Sự áp dụng này phải mang tính chất sáng tạo, mà không rập khuôn một cách máy móc. Thế mới gọi là người thẩm phán với trí phán đoán của mình, mà không phải là một cái gì khác. Việc áp dụng luật của các thẩm phán là một hoạt động sáng tạo. Điều này thể hiện ở chỗ các thẩm phán và các chức danh tư pháp khác phải phân tích sự vật, sự kiện (sự kiện pháp lý) xảy ra, đồng thời phải phân tích luật, tìm quy phạm phù hợp ứng với trường hợp cần phải áp dụng. Chính việc biến các quy định của pháp luật được nhà nước quy định chung cho nhiều trường hợp để áp dụng cho một trường hợp cụ thể với những tình huống sự vật, sự kiện cụ thể với không gian thời gian nhất định của sự kiện, để đạt đúng mục đích yêu cầu của quy phạm chung đề ra là hoạt động sáng tạo của thẩm phán.

Ngược lại, nếu không là như vậy, tức là chỉ nhất nhất phải tuân theo một cách máy móc các quy định của luật, thì chi bằng hãy sáng tạo một loại máy, với những chương trình có sẵn có thể do các hành vi của con người theo các quy định của pháp luật, thì có lẽ là một trong những đảm bảo của sự công bằng và vô tư nhất khi thi hành các quy định của pháp luật.

Xét xử theo lương tâm của thẩm phán mới có thể lấp đi sự thô thiển, sự cứng nhắc của pháp luật dẫn đến nhiều trường hợp nếu áp dụng chúng không những không đạt được mục đích được đề ra của luật, mà còn gây ra một hậu quả không lường, đánh mất niềm tin vào Nhà nước và công lý của nhân dân, mà trước hết nhất là của những người phải chịu sự thi hành của pháp luật. Họ đang bị đứng trước một thử thách muôn vàn khó khăn, mà không có một sức lực nào của họ có thể ngang hàng với người đang thi hành công vụ của Nhà nước, chỉ còn chờ đợi ở tính công bằng, tính trách nhiệm và tính đạo đức của những người đang thay mặt cho công quyền mà thôi.

Cũng như các nghề khác, càng độc lập bao nhiêu, thẩm phán càng phải có lương tâm, càng phải có trách nhiệm bấy nhiêu. Việc thành lập ra một loại tòa án công bình ở hệ thống pháp luật Ănglôxắcxong (Common law) những thế kỷ XVI - XVIII trước đây của Anh, Mỹ, cũng không ngoài mục đích để tránh những sự bất công do hệ thống pháp luật cứng nhắc của họ gây ra:

"Một hệ thống nguyên tắc pháp lý mệnh danh là công bằng phát sinh bởi các quyết định của vị chưởng ấn trong trường hợp đương sự xin nhà Vua phúc thẩm các bản án, căn cứ vào luật thường, mà họ coi là bất công. Mọi hệ thống pháp luật tới một thời kỳ nào, cũng phải giải quyết vấn đề bảo vệ sự cứng rắn của pháp luật và đồng thời ngăn ngừa sự cứng rắn đó gây tác hại đến quyền lợi của cá nhân. Bên Anh vị Chưởng Ấn hành động thay mặt vua. Những nguyên tắc công bằng được ấn định rõ rệt và đã trở thành (khoảng giữa thế kỷ XIX), những nguyên tắc được áp đụng để bổ túc những khuyết điểm của luật thường và sửa chữa những sai lầm, vụng về do luật gây ra".

Cho đến thế kỷ XIX, những Tòa án xử theo nguyên tắc công bằng khác biệt với Tòa án thường. Nhưng bằng những đạo luật về Tư pháp năm 1873 đến 1975 đã chấm dứt sự phân biệt giữa Tòa án thường, xử theo án lệ và Tòa án của vị Chưởng Ấn xử theo nguyên tắc công bằng, và quy định các Tòa án đều phải xét xử theo cả luật thường (án lệ) và luật theo nguyên tắc công bằng. Nếu có sự mâu thuẫn giữa luật thường và nguyên tắc công bằng, thì luật công bình sẽ thắng.

Cũng như một tấm Huy chương vậy, sự xét xử theo lương tâm của thẩm phán, cũng như của những người tiến hành tố tụng khác không có một định lượng nào có thể đó được. Do đó không ít những người đã chế diễu rằng luật công bình thay đổi theo chiều dài bàn chân của Viên Chưởng Ấn - người chuyên đi giải quyết các khiếu nại vì thiếu sự công bằng của các bản án theo quy định cứng nhắc của cá văn bản pháp luật.

Một khi thẩm phán xét xử theo lương tâm thì nguyên tắc độc lập chỉ tuân theo pháp luật có vấn đề không? Theo tôi trong trường hợp này không hề bị xâm phạm. Chính vì tuân theo pháp luật và độc lập đã cho phép thẩm phán và các chức danh tư pháp không áp dụng các điều khoản luật pháp một cách máy móc cho những trường hợp có thể dẫn đến hiệu quả xấu, chứ không phải là bản thân điều luật sai. Việc này có thể dẫn đến việc kháng nghị, kháng cáo của những người tham gia tố tụng, Tòa án phải xử lại theo thủ tục xét xử ở cấp cao hơn. Sở dĩ như vậy, vì lương tâm của thẩm phán không có gì để đo được còn sự kháng nghị, hay kháng cáo vẫn có cơ sở là các quy định của luật pháp.

Trong trường hợp này, nếu anh xét xử theo một lương tâm đúng, thì cho dù có xử lại đi chăng nữa, thì cũng phải y án, mà không thể có điều ngược lại. Việc này càng chứng tỏ lương tâm của thẩm phán là đúng, và uy tín của thẩm phán lại càng lên cao. Còn chuyện xử theo lương tâm sai, thì lại là một chuyện khác.

Làm nghề gì cũng đều chứa đựng một sự rủi ro nhất định. Thế mới gọi là nghề. Sự hy sinh vì nghề trong trường hợp cấp xét xử cao hơn nữa không công nhận cũng là chuyện dễ có thể xảy ra. Nhưng theo thời gian cái gì đúng rồi cũng phải được nhận ra.

3. Hai trường hợp cụ thể

Trường hợp 1:

Vào thế kỷ XIX, tại Pháp có một vụ án nổi tiếng là vụ cô Me'nard ăn cắp bánh mỳ. Cô Me'nard nghèo khổ có con nhưng không có chồng. Trong cơn túng quẫn vì quá đói, Me'nard đã đập vỡ kính một cửa hiệu và lấy cắp bánh mỳ, bị bắt đưa ra tòa. Vụ án được đưa ra tòa tiểu hình Château - Thierry xét xử chánh án Magnaud đã tha bổng Me'nard với lập luận như sau: "Thật đáng tiếc rằng, trong một xã hội được tổ chức chu đáo, lại có một thành viên của xã hội này nhất là người mẹ của một gia đình có thể thiếu bánh mỳ để ăn mà không phải do lỗi của chính mình, khi một trường hợp như vậy xảy ra và được xác định rõ như trường hợp của cô Me'nard, thẩm phán phải có nghĩa vụ giải thích một cách nhân đạo những quy định thiếu mềm dẻo của luật pháp, sự bần cùng và đói khát có thể làm cho con người mất đi một phần của tự do ý chí và cũng có thể trong một chửng mực nào đấy, làm giảm đi ở người này khái niệm về cái đúng, cái sai, một hành vi thông thường đáng trách cứ sẽ mất đi rất nhiều cái tính chất gian xảo khi người vi phạm chỉ hành động vì nhu cầu khẩn thiết phải tìm cho mình một miếng ăn thuộc nhu yếu phẩm hàng đầu, mà không có miếng ăn như vậy tự nhiên sẽ không giúp được việc tạo ra thể chất của chúng ta.

Tòa Thượng thẩm Amiens đã bảo thủ, không chấp nhận lập luận trên của Tòa sơ thẩm nhưng cũng phải tha bổng cho bị cáo Me'nard vì không có ý gian xảo trong vụ việc.

Trường hợp 2:

Trong bài ký sự pháp đình với cái tiêu đề là: “Trước số phận một con người” của tác giả Lâm Hạnh là một phóng viên pháp đình, đăng trên báo Pháp luật số ra ngày 16/10/2003 với một nội dung là:

Vì nể bạn mà Sinh viên Trần Thanh Giang, sinh viên khoa tại chức Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đã bị Tòa án tuyên án phạt 7 năm tù giam, với tội danh "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong khi đó hai bạn của Giang bị phạt hành chính vì chỉ bị bắt lần đầu.

Ngay từ những dòng đầu tiên tác giả của bài viết đã nhấn mạnh: "Sau buổi xử tôi (tác giả bài ký sự) tìm gặp Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Lê Thanh Bình. Anh nói giọng buồn buồn: Theo luật định, bị cáo Trần Thanh Giang có tội. Điều đáng buồn ở đây là thiếu hiểu biết về pháp luật, mà một Sinh viên chăm chỉ, giàu nghị lực đã phạm pháp. Nếu biết khung hình phạt của tội danh này cao như thế, chắc chắn Giang đã không cả nể bạn bè như vậy. Khi đọc hồ sơ, tôi đã thấy xót xa. Thú thực là chúng tôi không muốn xét xử phiên tòa này một chút nào. Phiên toà khiến bất cứ một người cầm cân nẩy mực nào cũng phải chua xót và càng xử chúng tôi càng thấy nghẹn ngào . Một câu chuyện thật thương tâm. Bảy năm tù dành cho một chàng trai trẻ, không chỉ cánh cửa Trường Đại học đóng lại, mà cuộc đời của Trần Thanh Giang đã bước sang một bước ngoặt mới, nhiều khó khăn...".

Trong trường hợp này thẩm phán và các thành viên của Hội đồng đã không quyết định án theo lương tâm của mình. Nếu như thẩm phán Lê Thanh Bình cùng các thành viên Hội đồng xét xử được xử theo lương tâm và trách nhiệm của mình thì không thể nào có thể áp dụng khung hình phạt của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý đối với học sinh Trần Thanh Giang như vậy. Nhưng rất đáng tiếc lâu nay nguyên tắc này không được nhắc tới.

Sự khô khan của các quy định luật pháp thế hiện ở chỗ đó, sự cứng nhắc của luật pháp cũng nằm ở những chỗ như vậy. Hiện tượng này không những chỉ xảy ra ở nước ta, mà cũng xảy ra ở các nước phát triển khác. Khắc phục hiện tượng này như đã phân tích ở phần trên họ cũng phải sử dụng đến nguyên tắc lương tâm và trách nhiệm đạo đức của nghề thẩm phán.

Nhưng rất tiếc rằng vấn đề trên hầu như không được nêu trên thành một nguyên tắc trong việc hành nghề của luật, cho nên các thẩm phán cũng như các chức danh tư pháp khác không dám làm gì khác hơn là phải theo những điều quy định trong luật.

Theo Tạp chí Tia sáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét