Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

CẦN SỬA ĐỔI QUI ĐỊNH VỀ LÃI SUẤT VAY TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005

NGUYỄN PHƯƠNG LINH – Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi và sử dụng số tiền này để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan. Việc các ngân hàng cho vay có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ quốc gia và quy định của pháp luật liên quan đến lãi suất. Theo báo cáo tổng kết hằng năm của các ngân hàng nước ta, thì doanh thu cho vay chiếm một tỷ lệ lớn trên tổng doanh thu của mỗi ngân hàng, thậm chí ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, doanh thu cho vay chiếm đến hơn 90% tổng doanh thu của ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế thu được từ hoạt động cho vay cũng chiếm phần lớn trong tổng lợi nhuận hằng năm của các ngân hàng (chiếm trên 80% tổng thu nhập).

Về nguyên tắc, lãi suất cho vay càng cao và doanh số cho vay càng lớn, thì ngân hàng càng thu được lãi lớn. Do đó, tùy theo nguồn vốn huy động được và các dự án cho vay, chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng mà các ngân hàng có thể quy định lãi suất cho vay khác nhau. Chẳn hạn như: nguồn vốn huy động được lớn với lãi suất huy động thấp và tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp, thì ngân hàng có thể cho vay với lãi suất thấp đối với dự án khả thi và có hiệu quả để tăng doanh thu cho vay. Tất nhiên, lãi suất cho vay thấp vẫn bảo đảm cho ngân hàng có lãi để trả lãi tiền gửi cho người gửi tiền và thanh toán các chi phí liên quan đến hoạt động của ngân hàng, như: trả tiền lương, tiền công cho người lao động, trả tiền điện, điện thoại, nước, tiền thuê trụ sở, khấu hao tài sản cố định ... Ngược lại, đối với ngân hàng đã có tăng trưởng tín dụng cao và nguồn vốn huy động còn lại ít, lãi suất tiền gửi cao, thì ngân hàng đó cho vay với lãi suất cao để hạn chế sự tăng trưởng tín dụng, bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được tự điều chỉnh lãi suất cho vay cho phù hợp với điều kiện thực tế và chiến lược kinh doanh của mình. Việc các ngân hàng tự quyết định lãi suất cho vay, lãi suất huy động và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật các Tổ chức tín dụng: các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 cho đến nay, các ngân hàng tỏ ra rất lo lắng về lãi suất cho vay mà mình đã thoả thuận với khách hàng trong các hợp đồng vay vì mặc dù chính sách tiền tệ quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước không hạn chế các ngân hàng ấn định lãi suất cho vay, nhưng Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định mức tối đa đối với lãi suất vay. Cho nên, trong thời gian tới, có thể có hàng triệu hợp đồng tín dụng bị vô hiệu do vi phạm quy định nói trên của Bộ luật Dân sự năm 2005. Chia sẻ những băn khoăn, lo lắng với các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho rằng: quy định nói trên của Bộ luật Dân sự năm 2005 là không phù hợp với chủ trương tự do hoá lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang phấn đấu thực hiện và có thể vi phạm cơ chế lãi suất thoả thuận mà Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thực hiện từ tháng 6/2002 đến nay(1).

Để làm rõ hơn quy định nói trên của Bộ Luật Dân sự năm 2005 và cơ chế điều hành lãi suất hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

Hợp đồng vay vốn ngân hàng có phải là hợp đồng vay tài sản?

Theo quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Quy định về lãi suất vay trên đây chỉ áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản tại mục 4 Chương XVIII của Bộ luật Dân sự năm 2005. Do đó, lãi suất vay vốn ngân hàng chỉ chịu sự điều chỉnh của quy định tại Điều 476 nói trên nếu hợp đồng vay vốn ngân hàng (hay còn gọi là hợp đồng tín dụng) là hợp đồng vay tài sản.

Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2005, thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định (2). Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành không có định nghĩa về hợp đồng tín dụng mà chỉ quy định nội dung của hợp đồng tín dụng phải có: điều kiện vay, mục đích sử dụng tiền vay, hình thức vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thỏa thuận (3). Trong các hình thức cấp tín dụng của ngân hàng, thì cho vay là hình thức chủ yếu mà theo đó ngân hàng giao cho khách hàng sử dụng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Cho nên, nói đến vốn vay ngân hàng là nói đến tiền mặt chứ không phải là hình thức mua bán chịu hàng hoá như tín dụng thương mại. Do vậy, khi ngân hàng và khách hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng, thì ngân hàng có nghĩa vụ giao cho khách hàng một khoản tiền nhất định và khách hàng có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho ngân hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Nợ mà khách hàng phải trả cho ngân hàng bao gồm: nợ gốc, nợ lãi (lãi trong hạn, lãi quá hạn) và các khoản phạt (nếu có). Đối với lãi trong hạn được xác định theo công thức:

Lãi quá hạn cũng được xác định tương tự theo công thức trên, trong đó lãi suất quá hạn do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất trong hạn được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự năm 2005 (kể cả phần chung và Điều 476 mục 4 Chương XVIII) và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật chung (Bộ luật Dân sự) và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành) quy định về cùng một vấn đề (lãi suất vay) mà có khác nhau, thì áp dụng văn bản pháp luật chuyên ngành. Cho nên, khi có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về lãi suất vay, ngân hàng không có cơ sở để áp dụng quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành trong việc xác định lãi suất cho vay. Thêm nữa, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định mang tính liệt kê về tài sản, bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (4).

Chính vì vậy, vốn vay ngân hàng (tiền) là tài sản và hợp đồng vay vốn ngân hàng là hợp đồng vay tài sản.

Quy định về lãi suất vay trong Bộ luật Dân sự 2005 có áp dụng đối với hợp đồng tín dụng?

Hoạt động tín dụng là một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội. Cho nên, mặc dù nước ta đã xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp để chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ đầu những năm 90 thế kỉ XX (sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986), nhưng vì những nguyên chủ quan và khách quan, đến trước ngày 05 tháng 08 năm 2000, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện cơ chế điều hành trần lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Ngay cả khi điều kiện đã thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa trao ngay quyền tự xác định lãi suất cho vay cho các ngân hàng mà chỉ giảm bớt sự can thiệp vào việc xác định lãi suất cho vay của các ngân hàng bằng cách thay thế cơ chế điều hành trần lãi suất cho vay bằng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản đối với cho vay bằng đồng Việt Nam và cơ chế lãi suất thị trường có quản lý đối với cho vay bằng ngoại tệ. Sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cho Nhà nước quản lý và kiểm soát được hoạt động cho vay của các ngân hàng trên thị trường. Với cơ chế điều hành lãi suất mới nói trên, ngân hàng được ấn định lãi suất cho vay đối với khách hàng trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố nhưng không vượt quá mức lãi suất cơ bản và biên độ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Cho đến ngày 30/5/2002, khi xét thấy các điều kiện đã phù hợp cho việc xoá bỏ sự can thiệp vào việc xác định lãi suất cho vay của các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN để thay đổi cơ chế điều hành theo lãi suất cơ bản cộng với một biên độ nhất định bằng cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín nhiệm đối với khách hàng. Kể từ thời điểm đó cho đến nay, các ngân hàng được xác định lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam trên cơ sở cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm đối với khách hàng vay. Chính nhờ có quy định này mà các ngân hàng đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc xác định lãi suất vay cho phù hợp với những biến động trên thị trường; qua đó, làm tăng khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong nước với các ngân hàng nước ngoài trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực sự không can thiệp, cho phép các ngân hàng ấn định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường quốc tế và cung - cầu vốn tín dụng bằng ngoại tệ ở trong nước kể từ 01/06/2001(4). Trước đó, lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ do các tổ chức tín dụng xác định cũng bị hạn chế theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, các ngân hàng ấn định lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ theo nguyên tắc lãi suất cho vay không vượt quá lãi suất đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ ngân hàng Xinh-ga-po (lãi suất Sibor) kỳ hạn 3 tháng đối với cho vay ngắn hạn, kỳ hạn 6 tháng đối với cho vay trung hạn, dài hạn tại thời điểm cho vay và một biên độ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ (5). Ví dụ: biên độ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tháng 08/2000 là 1%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 2,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng” (6). Lúc bấy giờ, quy định này không chỉ vô hình chung phủ nhận cơ chế điều hành trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước mà còn không cho phép các ngân hàng được cho vay với lãi suất cao nhất bằng trần lãi suất cho vay tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ. Sự quy định không nhất quán giữa Bộ luật Dân sự năm 1995 với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đặt các ngân hàng vào tình thế khó xử: nếu xác định lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thì ngân hàng mới có lãi để duy trì hoạt động và phát triển kinh doanh; ngược lại, ngân hàng có thể chỉ hoà vốn hoặc lỗ từ hoạt động cho vay nếu lãi suất cho vay được xác định không quá 50% lãi suất vay cao nhất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định (Bộ luật Dân sự năm 1995 chỉ cho phép lãi suất vay tối đa bằng 1/2 lãi suất trần tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định). Do đó, để an toàn trong hoạt động cho vay, ngân hàng phải xác định lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, nhưng để cho vay có hiệu quả, ngân hàng phải xác định lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong trường hợp xác định lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng phải chấp nhận rủi ro khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến lãi vay vì khi đó, theo yêu của của bên/các bên, toà án xem xét và giải quyết trên nguyên tắc áp dụng: văn bản quy phạm pháp luật cấp trên (Bộ luật Dân sự do Quốc hội thông qua) có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản quy phạm pháp luật cấp dưới (các quyết định điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Cho nên, lãi suất cho vay được xác định phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước (không vượt lãi suất trần) nhưng vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 không được Tòa án công nhận. Vì vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng có lãi suất cho vay vượt quá 50% lãi suất trần tương ứng của Ngân hàng Nhà nước không được pháp luật bảo vệ.

Do trước khi Bộ luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội thông qua, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển đổi từ cơ chế điều hành lãi suất trần sang cơ chế tự do hoá lãi suất, nên quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về lãi suất vay đã có sự thay đổi so với quy định trước đây của Bộ luật Dân sự năm 1995. Thay vì quy định lãi suất vay không được vượt quá 50% lãi suất cao nhất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định như Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định lãi suất vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Như đã nêu ở trên, lãi suất vay áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng được áp dụng đối với hợp đồng vay vốn ngân hàng, nên kể từ 01/01/2006 (ngày có hiệu lực thi hành của Bộ luật Dân sự năm 2005), lãi suất cho vay mà các ngân hàng và khách hàng vay thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Cần sửa đổi quy định về lãi suất vay trong Bộ luật Dân sự năm 2005

So với Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì phạm vi điều điều chỉnh của Bộ luật Dân sự rộng hơn. Nếu như Luật các Tổ chức tín dụng chỉ quy định về tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác tại Việt Nam, thì Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Trong cuộc sống, cho vay không chỉ là hoạt động chủ yếu và thường xuyên của các ngân hàng mà còn là hoạt động của nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác nữa. Trước đây, việc cho vay giữa các nhân, hộ gia đình với nhau chưa được pháp luật điều chỉnh, nên một số cá nhân, hộ gia đình đã lợi dụng để cho vay nặng lãi mang tính chất “bóc lột” đối với những cá nhân, hộ gia đình thiếu vốn (thông thường là các hộ gia đình, cá nhân nghèo). Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và đi ngược lại với bản chất xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (6). Cho nên, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bổ sung quy định về họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là họ) để điều chỉnh các quan hệ thực tế đang diễn ra trong đời sống dân sự. Các hình thức này chỉ mang tính tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau, không nhằm mục đích kinh doanh và không được phép tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi. Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm” (7). Do đó, nếu Bộ luật Dân sự không quy định lãi suất vay, thì các cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm pháp lý hoặc xử phạt dưới hình thức khác đối với người có hành vi cho vay nặng lãi. Vì vậy, việc Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất vay là cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự và duy trì trật tự xã hội, tạo cơ sở pháp lý để ngăn ngừa và xử lý đối với những người có hành vi cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, nếu quy định về lãi suất vay tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 được áp dụng đối với dịch vụ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thì quy định này là không phù hợp vì bốn lý do chính sau đây:

Thứ nhất: Hoạt động cho vay vốn ngân hàng đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành (Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành). Cho nên, lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã được xác định theo quy định của luật chuyên ngành. Khoản 12 Điều 9 Luật Ngân hàng Nhà nước (một văn bản quy phạm pháp luật cũng do Quốc hội thông qua như Bộ luật Dân sự) quy định lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng tháng trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn trong từng thời kỳ. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố điều chỉnh kịp thời. Do đó, lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là tương đối linh hoạt và sát với lãi suất trên thị trường. Vì vậy, việc các ngân hàng xác định lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố bảo đảm nguyên tắc: hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Thứ hai: Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản đối với loại cho vay tương ứng mà chỉ công bố lãi suất cơ bản chung. Do đó, các ngân hàng không có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về việc hạn chế lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Chính vì vậy, hiện tại lãi suất cho vay của các ngân hàng áp dụng đối với loại cho vay ngắn hạn (thời hạn vay từ 12 tháng trở xuống), cho vay trung hạn (từ 12 tháng đến 60 tháng) và cho vay dài hạn (trên 60 tháng) đều được ấn định trên cơ sở mức lãi suất cơ bản chung do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng tháng.

Thứ ba: Nguồn vốn cho vay của các ngân hàng chủ yếu là tiền gửi của các tổ chức và cá nhân (chiếm 94% tổng nguồn vốn huy động). Hiện nay, pháp luật không hạn chế lãi suất tiền gửi của các tổ chức và cá nhân tại ngân hàng (khống chế lãi suất tối đa hoặc tối thiểu), nên lãi suất tiền gửi được xác định trên nhu cầu huy động vốn, chính sách khách hàng, chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng và mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường. Do đó, nếu pháp luật hiện hành không hạn chế lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi) mà Bộ luật Dân sự năm 2005 khống chế lãi suất cho vay đối với dịch vụ tín dụng ngân hàng, thì ngân hàng có thể thua lỗ do lãi suất cho vay bằng hoặc thấp hơn lãi suất huy động. Thậm chí ngay cả trường hợp lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động, ngân hàng vẫn có thể không có lãi vì khoản chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động chưa đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động của ngân hàng liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay đó. Do vậy, việc các ngân hàng bị hạn chế lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (đầu ra) mà không có quy định lãi suất trần hoặc lãi suất sàn đối với lãi suất tiền gửi (đầu vào) là chưa hợp lý.

Thứ tư: Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 11/2006. Do đó, chính sách tiền tệ của nước ta cần được tiếp tục đổi mới theo nguyên tắc thị trường với việc phát triển thị trường tiền tệ phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng khẳng định hạn chế và xoá bỏ sự can thiệp hành chính vào quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc Bộ luật Dân sự năm 2005 hạn chế lãi suất vay nêu trên mà không có loại trừ đối với một số lĩnh vực đặc thù đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành không chỉ không phù hợp với chủ trương và chính sách của Đảng, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mà còn không nhất quán với cơ chế điều hành lãi suất hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Chính vì những lẽ trên, chúng tôi thiết nghĩ Bộ Tư pháp - cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Bộ luật Dân sự năm 2005 cần xem xét quy định về lãi suất vay tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi theo hướng: không áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 476 đối với dịch vụ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (tương tự nhiều điều khoản khác trong Bộ luật Dân sự năm 2005: khoản 2 Điều 410 ...).

--------------------------------------------------------------------------------

(1): Song Linh: “Hàng triệu hợp đồng tín dụng có nguy cơ đổ vỡ”, báo điện tử VNExpress thứ ba ngày 17/10/2006.

(2): Điều 471 của Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 06 năm 2005 và có hiệu lực kể từ 01/01/2006.

(3): Điều 51 của Luật các Tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997và Điều 17 của Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

(4): Quyết định số 718/2001/QĐ-NHNN ngày 29/05/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

(5): Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 ngày 02 tháng 08 năm 2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

(6): Khoản 1 Điều 473 của Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1996.

(6): Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

(7): Khoản 1 Điều 163 của Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 và có hiệu lực kể từ 01 tháng 07 năm 2000.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÂN HÀNG SỐ 23/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét