Thứ Ba, 1 tháng 1, 2008

HƯỚNG DẪN THỦ TỤC GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở

I. GIAO DỊCH MUA BÁN NHÀ Ở

A. Mua bán nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ mua bán nhà ở nộp cho cơ quan quản lý nhà ở bao gồm:

  • Hợp đồng mua bán có chứng nhận của công chứng Nhà nước

  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận nhà ở…

  • Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

  • Đối với cá nhân là người Việt kiều còn phải kèm theo giấy tờ như: bản sao Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam

2. Về trình tự, thủ tục mua bán nhà ở:

  • Bước 1: Các bên mua bán đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và chứng minh thư nhân dân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

  • Bước 2: Một trong hai bên nộp hồ sơ mua bán tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức).
    Trường hợp bán một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải kèm theo bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.

  • Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

  • Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

  • Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

  • Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

  • Các tỉnh, thành phố sẽ có quy định cụ thể trình tự chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng địa phương.

B. Mua bán nhà ở không có quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ mua bán bao gồm:

  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo quy định của Luật nhà ở (chỉ có quyền sở hữu nhà ở trên đất của người khác như xây dựng nhà ở trên đất thuê, đất mượn);

  • Hợp đồng mua bán nhà ở có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

  • Bản kê khai nộp lệ phí trước bạ nhà ở.

  • Đối với cá nhân là người Việt kiều còn phải kèm theo giấy tờ như: bản sao Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam

2. Về trình tự, thủ tục mua bán nhà ở

  • Trình tự, thủ tục mua bán nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp mua bán nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần a trên đây.

  • Trong trường hợp này bên bán không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà bên mua chỉ phải nộp lệ phí trước bạ (bằng 1% giá trị nhà ở theo quy định).

  • Người mua chỉ được quyền sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

1. Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm:

  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 50 Luật đất đai

2. Về trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất

  • Bước 1: Một trong các bên tham gia giao dịch nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

  • Bước 2: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra và gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính;

  • Bước 3: Sau khi nhận thông báo của cơ quan thuế, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ thông báo cho các bên chuyển nhượng đi nộp nghĩa vụ tài chính;

  • Bước 4: Các bên chuyển nhượng nộp nghĩa vụ tài chính và chuyển biên lai nộp tài chính cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

  • Bước 5: Các bên chuyển nhượng nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

III. GIAO DỊCH CHO THUÊ NHÀ Ở: Việc cho thuê nhà ở được thực hiện như sau:

  • Các bên tự thoả thuận lập hợp đồng thuê nhà ở hoặc đến cơ quan công chứng đề nghị lập hợp đồng thuê nhà ở.

  • Hợp đồng thuê nhà ở phải có chữ ký của bên cho thuê và bên thuê.

  • Hợp đồng thuê nhà ở có thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên giữa cá nhân với cá nhân phải có chứng nhận của công chứng Nhà nước. Trường hợp bên cho thuê nhà ở là công ty kinh doanh nhà thì hợp đồng không phải công chứng.

  • Nếu bên cho thuê nhà ở là cá nhân thì phải nộp hợp đồng thuê nhà ở tại cơ quan thuế để làm thu tục kê khai nộp thuế cho Nhà nước.

  • Thời hạn bàn giao nhà cho thuê và chấm dứt việc thuê nhà thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng.
    Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài ký hợp đồng thuê nhà ở thì phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam từ 03 tháng liên tục trở lên.

IV. GIAO DỊCH THẾ CHẤP NHÀ Ở

1. Hồ sơ thế chấp nhà ở bao gồm:

  • Đơn đề nghị thế chấp nhà ở;

  • Kế hoạch hoặc dự án kinh doanh cần đầu tư vốn;

  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên thế chấp nhà ở;

  • Hợp đồng thế chấp nhà ở có chứng nhận của công chứng;

  • Xác nhận đăng ký thế chấp (nếu các bên có yêu cầu).

2. Trình tự thế chấp nhà ở

  • Bước 1: Bên thế chấp có đơn đề nghị thế chấp nhà ở gửi Ngân hàng kèm theo kế hoạch hoặc dự án kinh doanh cần đầu tư vốn;

  • Bước 2: Nếu đồng ý, Ngân hàng sẽ xem xét và thẩm định giá trị tài sản thế chấp;

  • Bước 3: Các bên lập hợp đồng thế chấp nhà ở có chứng nhận của công chứng

  • Bước 4: Ngân hàng có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở, nơi đã làm thủ tục cấp

    • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở biết về việc thế chấp.Trường hợp các bên có yêu cầu đăng ký thì bên thế chấp có đơn gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất kèm theo Giấy tờ về sở hữu nhà ở để đăng ký thế chấp;

  • Bước 5: Bên thế chấp chuyển Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và thông báo đã đăng ký thế chấp cho Ngân hàng và làm thủ tục nhận tiền vay.

  • Bước 6: Sau khi bên thế chấp thanh toán đầy đủ tiền vay (cả gốc và tiền lãi) thì:

    • Ngân hàng có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở biết về việc đã giải chấp; lập thủ tục thanh lý hợp đồng thế chấp và giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho bên thế chấp

    • Nếu đã đăng ký thế chấp thì Bên thế chấp chuyển thông báo đã giải chấp của Ngân hàng kèm theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xoá đăng ký thế chấp.

    • Lưu ý: Hiện nay các Ngân hàng thương mại được chủ động quy định cụ thể điều kiện và trình tự thế chấp tài sản. Do vậy, những người có nhu cầu nên liên hệ trực tiếp với Ngân hàng cần vay vốn để biết cụ thể hơn.

V. GIAO DỊCH THUÊ MUA NHÀ

1. Hồ sơ thuê mua nhà ở

  • Đơn đề nghị thuê mua nhà ở có xác nhận của cơ quan, đơn vị về số người trong hộ gia đình, mức thu nhập của người làm đơn và điều kiện nhà ở của người có đơn;

  • Xác nhận của UBND cấp xã nơi người có đơn sinh sống về điều kiện nhà ở (nếu là hộ gia đình)

2. Trình tự xét duyệt việc thuê mua:

  • Bước 1: Người có nhu cầu thuê mua gửi đơn có xác nhận tới Sở Xây dựng nơi người đó sinh sống;

  • Bước 2: Sở Xây dựng kiểm tra, đối chiếu về điều kiện, tiêu chuẩn thuê mua. Nếu đủ điều kiện thì lập danh sách và trình UBND tỉnh phê duyệt.
    Nếu không đủ điều kiện thì trả lại đơn và thông báo rõ lý do cho người có đơn.

  • Bước 3: UBND cấp tỉnh xem xét và quyết định người được thuê mua và diện tích được thuê mua;

  • Bước 4: Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở Xây dựng thông báo danh sách cho người được thuê mua biết;

  • Bước 5: Người được thuê mua nộp 20% giá trị diện tích nhà thuê mua và ký hợp đồng thuê mua với đơn vị được giao quản lý nhà thuê mua;

  • Bước 6: Làm thủ thục bàn giao nhà ở thuê mua

VI. GIAO DỊCH TẶNG CHO NHÀ Ở

A. Tặng cho nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở do tặng cho bao gồm:

  • Hợp đồng tặng cho có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho (như quy định trong mua bán nhà ở)

  • Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

  • Bản sao Giấy khai sinh nếu các bên tặng cho có quan hệ gia đình như: cha mẹ, con, anh chị em ruột để làm cơ sở miễn thuế chuyển quyền sử dụng đất.

  • Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục tặng cho nhà ở

  • Bước 1: Các bên tặng cho đến lập hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và chứng minh thư nhân dân. Hợp đồng có thể được soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

  • Bước 2: Bên nhận tặng cho nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức).
    Trường hợp tặng cho một phần nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở thì phải có bản vẽ sơ đồ diện tích nhà ở, đất ở có thẩm tra của của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.

  • Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

  • Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

  • Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

B. Tặng cho nhà ở không có quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ tặng cho nhà ở bao gồm:

  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo quy định của Luật nhà ở (chỉ có quyền sở hữu nhà ở trên đất của người khác như xây dựng nhà ở trên đất thuê, đất mượn);

  • Hợp đồng tặng cho nhà ở có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

  • Bản kê khai nộp lệ phí trước bạ nhà ở.

Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục tặng cho nhà ở

  • Trình tự, thủ tục tặng cho nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp tặng cho nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần a trên đây.

  • Trong trường hợp này bên bán không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà bên mua chỉ phải nộp lệ phí trước bạ (bằng 1% giá trị nhà ở theo quy định).
    Người nhận tặng cho chỉ được quyền sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

VII. THỪA KẾ NHÀ Ở

A. Thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ thừa kế nhà ở bao gồm:

  • Một trong các giấy tờ thừa kế nhà ở như: di chúc hợp pháp, Biên bản phân chia di sản thừa kế, Bản án của toà án, bản khai di sản thừa kế có công chứng Nhà nước);

  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người chết

  • Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế nếu là con của người chết hoặc bản sao Giấy đăng ký kết hôn nếu người nhận thừa kế là vợ (chồng) của người chết làm cơ sở để miễn thế chuyển quyền sử dụng đất.

  • Giấy chứng tử;

  • Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).
    Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở

  • Bước 1: Bên thừa kế nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức).
    Nếu bên thừa kế không có di chúc hoặc bản án thì phải đến công chứng lập thủ tục kê khai di sản thừa kế hoặc chứng nhận biên bản phân chia di sản thừa kế. Trường hợp có tranh chấp thì phải giải quyết xong tranh chấp.

  • Bước 2: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

  • Bước 3: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

  • Bước 4: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
    Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

A. Thừa kế nhà ở không có quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ thừa kế nhà ở bao gồm:

  • Một trong các giấy tờ thừa kế nhà ở như: di chúc hợp pháp, Biên bản phân chia di sản thừa kế, Bản án của toà án, bản khai di sản thừa kế có công chứng Nhà nước);

  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người chết

  • Giấy chứng tử;

  • Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà.
    Đối với người được tặng cho là Việt kiều phải có thêm giấy tờ như Hộ chiếu hợp lệ chưa hết hạn do Việt Nam cấp hoặc Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Về trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở

  • Trình tự, thủ tục thừa kế nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp thừa kế nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần a trên đây.

  • Bên nhận thừa kế nhà ở không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ phải nộp lệ phí trước bạ nhà ở (bằng 1% giá trị nhà ở theo quy định).

  • Bên thừa kế nhà ở chỉ được quyền sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

VIII. GIAO DỊCH CHUYỂN ĐỔI QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở

A. Chuyển đổi quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ chuyển đổi quyền sở hữu nhà ở bao gồm:

  • Hợp đồng chuyển đổi có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của 02 bên chuyển đổi nhà ở

  • Bản khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Bản khai nộp lệ phí trước bạ nhà, đất (do cơ quan quản lý nhà ở cung cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ).

2. Về trình tự, thủ tục chuyển đổi nhà ở

  • Bước 1: Các bên đổi nhà ở đến lập hợp đồng chuyển đổi nhà ở tại cơ quan công chứng (không phân biệt địa bàn), kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và chứng minh thư nhân dân. Có thể soạn sẵn hoặc do công chứng viên soạn.

  • Bước 2: Các bên chuyển đổi nhà ở nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức) nơi có nhà ở.

  • Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở sẽ kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);

  • Bước4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

  • Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính vào thời gian chủ nhà đi nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.

B. Chuyển đổi quyền sở hữu nhà ở không có quyền sử dụng đất ở

1. Về hồ sơ chuyển đổi nhà ở bao gồm:

  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp theo quy định của Luật nhà ở (chỉ có quyền sở hữu nhà ở trên đất của người khác như xây dựng nhà ở trên đất thuê, đất mượn);

  • Hợp đồng chuyển đổi nhà ở có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

  • Bản kê khai nộp lệ phí trước bạ nhà ở của cả hai bên.

2. Về trình tự, thủ tục chuyển đổi nhà ở

  • Trình tự, thủ tục chuyển đổi nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như quy định đối với trường hợp chuyển đổi nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở nêu tại phần a trên đây.

  • Trong trường hợp này cả hai bên không phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ phải nộp lệ phí trước bạ nhà ở (bằng 1% giá trị nhà ở theo quy định).

Các bên chuyển đổi chỉ được quyền sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

IX. GIAO DỊCH CHO MƯỢN, CHO Ở NHỜ NHÀ Ở

Việc cho mượn, cho ở nhờ nhà ở được thực hiện như sau:

  1. Các bên tự thoả thuận lập hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở hoặc đến cơ quan công chứng đề nghị lập Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở .

  2. Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở phải có chữ ký của bên cho mượn, cho ở nhờ và bên mượn, bên ở nhờ.

  3. Hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở không cần có chứng nhận của công chứng Nhà nước.

  4. Thời hạn bàn giao nhà cho mượn, cho ở nhờ và chấm dứt việc cho mượn, cho ở nhờ nhà ở thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng.

X. CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở
Các hợp đồng, văn bản nhà ở bắt buộc phải có công chứng gồm:

  • Hợp đồng mua bán nhà ở giữa cá nhân với cá nhân,

  • Hợp đồng tặng cho nhà ở giữa cá nhân với cá nhân,

  • Hợp đồng thế chấp nhà ở,

  • Hợp đồng thuê nhà ở của cá nhân có thời hạn từ 6 tháng trở lên,

  • Biên bản phân chia di sản thừa kế;

  • Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

A. Công chứng hợp đồng, giao dịch được soạn sẵn

1. Hồ sơ công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở

  • Phiếu yêu cầu công chứng (do cơ quan công chứng cũng cấp);

  • Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

  • Bản sao giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở;

  • Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

Nếu là Việt kiều phải kèm theo các giấy tờ chứnh minh đủ điều kiện được tham gia giao dịch về nhà ở như Hộ chiếu hợp lệ, Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Thủ tục công chứng

  • Bước 1: Các bên đến công chứng nộp hồ sơ cho công chứng viên, khi đi đem theo bản chính giấy tờ sở hữu nhà ở để công chứng viên đối chiếu

  • Bước 2: Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và vào sổ công chứng
    Trường hợp cần làm rõ các vấn đề liên quan thì yêu cầu người đề nghị công chứng giải trình hoặc tiến hành thẩm tra, xác minh. Nếu không làm rõ được thì trả lại hồ sơ công chứng

  • Bước 3: Công chứng viên kiểm tra dự thảo, nếu có nội dung sai pháp luật thì yêu cầu người đề nghị công chứng chỉnh sửa lại dự thảo. Nếu dự thảo không được chỉnh sửa lại thì từ chối công chứng và trả lại hồ sơ công chứng

  • Bước 4: Các bên đọc lại dự thảo và ký vào hợp đồng, giao dịch. Côg chứng viên chứng nhận vào hợp đồng, giao dịch.

  • Bước 5: Bên yêu cầu công chứng nộp lệ phí công chứng và nhận lại hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.

B. Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo

1. Hồ sơ công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà ở

  • Phiếu yêu cầu công chứng;

  • Bản sao giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở;

  • Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

Nếu là Việt kiều phải kèm theo các giấy tờ chứnh minh đủ điều kiện được tham gia giao dịch về nhà ở như Hộ chiếu hợp lệ, Giấy xác nhận gốc là công dân Việt Nam…

2. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch

  • Bước 1: Các bên đến công chứng nộp hồ sơ cho công chứng viên, khi đi đem theo bản chính giấy tờ sở hữu nhà ở để công chứng viên đối chiếu;

  • Bước 2: Cơ quan công chứng xem xét, nếu các bên đủ điều kiện tham gia giao dịch thì lập hợp đồng. Nếu thấy cần thiết thì kiểm tra, xác minh.

  • Bước 3: Các bên đọc lại hợp đồng, giao dịch, nếu đồng ý thì ký vào hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên chứng nhận vào hợp đồng, giao dịch;

  • Bước 4: Người đề nghị công chứng nộp lệ phí công chứng và nhận lại hợp đồng, giao dịch đã công chứng.

Thời hạn công chứng: không quá 02 ngày làm việc. Nếu hợp đồng, giao dịch phức tạp thì tối đa không quá 10 ngày làm việc. Thời hạn kiểm tra, xác minh (nếu có) không tính vào thời hạn công chứng

XI VỀ THỰC HIỆN NGHĨA VỤ NỘP THUẾ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

1. Hồ sơ nộp thuế

  • Bản sao có công chứng giấy tờ về sở hữu nhà ở (2 bản)

  • Hợp đồng, văn bản đã được công chứng (2 bản)

  • Bản kê khai nộp thuế (theo mẫu của cơ quan thuế);

  • Bản sao Giấy khai sinh hoặc Giấy đăng ký kết hôn để làm cơ sở miễn thuế trong trường hợp tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở (2 bản);

2. Trình tự nộp thuế

  • Bước 1: Người nộp thuế đến Cơ quan quản lý nhà ở lấy tờ khai nộp thuế, thực hiện kê khai và nộp hồ sơ

  • Bước 2: Cơ quan quản lý nhà ở đối chiếu, kiểm tra thực địa và xác định vị trí thửa đất, diện phải nộp hoặc không phải nộp thuế.

  • Bước 3: Cơ quan quản lý nhà ở gửi số liệu đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ nộp thuế;

  • Bước 4: Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà sẽ chuyển thông báo nộp thuế để chủ nhà đến cơ quan thuế nộp tiền;

  • Bước 5: Chủ nhà nộp thuế và chuyển biên lai thu thuế cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ và nhận lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã sang tên mình.

XII. THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở LẦN ĐẦU

A. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (theo mẫu)

  • Bản sao giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp như Giấy phép xây dựng; hợp đồng mua bán nhà ở có xác nhận của UBND cấp xã…

  • Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở do chủ nhà thuê đơn vị có chức năng đo vẽ thực hiện. Nếu do chủ nhà tự đo vẽ thì phải có thẩm tra của cơ quan quản lý nhà ở cấp quận nếu tại đô thị, có thẩm tra của UBND xã nếu tại nông thôn.

2. Trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

  • Bước 1: Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp hồ sơ và lệ phí cấp giấy tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện. Nếu là nhà ở tại nông thôn thì có thể nộp hồ sơ tại UBND xã, UBND xã sẽ chuyển hồ sơ lên cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.
    Trong trường hợp hồ sơ chưa đủ giấy tờ theo quy định thì người tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn cụ thể để bổ sung hồ sơ.

  • Bước 2: Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện xem xét, nếu đủ điều kiện thì làm thủ trình UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận và thông báo cho chủ nhà nộp các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
    Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì phải có thông báo và trả lại lệ phí cấp Giấy cho người nộp hồ sơ. Nếu UBND xã nhận hồ sơ thì cơ quan quản lý nhà chuyển cho UBND xã để thông báo có người nộp hồ sơ biết lý do không được cấp Giấy chứng nhận.

  • Bước 3: Chủ nhà đi nộp các khoản thuế theo quy định và chuyển biên lai thuế cho cơ quan thụ lý hồ sơ;

  • Bước 4: Chủ nhà nộp lại giấy tờ gốc về sở hữu nhà ở, ký nhận vào Sổ đăng ký sở hữu và nhận Giấy chứng nhận tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.
    Nếu chủ sở hữu đã nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận tại UBND xã thì nhận Giấy chứng nhận và nộp giấy tờ gốc về sở hữu nhà ở tại UBND xã đẻ chuyển cho cơ quan quản lý nhà ở lưu.
    Nếu chủ sở hữu uỷ quyền cho người khác đi nhận thay thì phải có Giấy uỷ quyền có xác nhận của UBND cấp xã

B Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho tổ chức

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (theo mẫu)

  • Bản sao giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp như Giấy phép xây dựng; hợp đồng mua bán nhà ở có xác nhận của UBND cấp xã…

  • Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở do chủ nhà thuê đơn vị có chức năng đo vẽ thực hiện. Nếu do chủ nhà tự đo vẽ thì phải có thẩm tra của cơ quan quản lý nhà ở cấp quận nếu tại đô thị, có thẩm tra của UBND xã nếu tại nông thôn

2. Trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

  • Bước 1: Tổ chức cử người đại diện để nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận và nộp lệ phí cấp giấy tại Sở Xây dựng.

  • Bước 2: Sở Xây dựng xem xét, nếu đủu điều kiện thì làm thủ ký Giấy chứng nhận hoặc trình UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận và thông báo cho chủ nhà nộp các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
    Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì phải có thông báo và trả lại lệ phí cấp Giấy cho người nộp hồ sơ.

  • Bước 3: Chủ nhà đi nộp các khoản thuế theo quy định và chuyển biên lai thuế cho cơ quan thụ lý hồ sơ;

  • Bước 4: Chủ nhà nộp lại giấy tờ gốc về sở hữu nhà ở và nhận giấy chứng nhận tại Sở Xây dựng.
    Người đi nhận Giấy chứng nhận phải có văn bản uỷ quyền của tổ chức.

C. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trong trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh nhà ở
Người mua nhà ở thực hiện kê khai vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận và nộp tiền lệ phí trước bạ cho doanh nghiệp để bên bán nhà làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho người mua.

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận của doanh nghiệp kèm theo danh sách những người đã ký hợp đồng mua nhà ở

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của người mua nhà ở;

  • Hợp đồng mua bán nhà ở;

  • Bản sao Quyết định phê duyệt dự án hoặc Quyết định đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

  • Bản vẽ mặt bằng căn hộ nếu mua căn hộ hoặc bản vẽ sơ đồ nhà ở riêng lẻ nếu mua nhà ở riêng lẻ có đóng dấu xác nhận của bên bán nhà ở.

2. Trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
Trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trong trường hợp này được thực hiện như cá nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

  • Nếu người mua nhà ở cá nhân thì doanh nghiệp bán nhà ở nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện. Nếu người mua nhà ở là tổ chức thì doanh nghiệp bán nhà ở nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng.

  • Khi nhận Giấy chứng nhận, các doanh nghiệp không phải nộp bản gốc Quyết định phê duyệt dự án hoặc Quyết định đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư klèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

  • Sau khi nhận Giấy chứng nhận, doanh nghiệp trao Giấy chứng nhận cho người mua nhà. Việc giao nhận Giấy chứng nhận phải có Sổ theo dõi.
    Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các trường hợp quy định tại Mục X này là 30 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà ở nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

VẤN ĐỀ LƯU Ý: Toàn bộ các hướng dẫn trên đây chỉ mang tính quy định chung. Căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương hoặc Ngân hàng sẽ ban hành quy trình cụ thể để áp dụng cho từng trường hợp. Do vậy, những người có nhu cầu nên đến cơ quan quản lý nhà ở nơi có nhà ở hoặc Ngân hàng nơi cần vay tiền để được giải thích và hướng dẫn cụ thể hơn.

Nguồn: Cục quản lý nhà - BỘ XÂY DỰNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét