Thứ Tư, 9 tháng 1, 2008

Tranh tụng trong tố tụng dân sự - Một số vấn đề lý luận cơ bản

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà

Khoa luật dân sự  – Trường Đại học Luật Hà Nội

Vừa qua, Nghị quyết 08 - NQ/ TƯ ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã nhấn mạnh định hướng mới trong hoạt động của các cơ quan tư pháp: “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên… nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định(1). Tuy nhiên, để có thể thực hiện được nhiệm vụ này thì việc hiểu như thế nào là tranh tụng, nội dung, ý nghĩa và vai trò của nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về mặt lý luận và thực tiễn mà còn góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp ở nước ta.

Khái niệm tranh tụng được biết đến ngay từ những thời đại xa xưa của xã hội loài người. Các nhà nghiên cứu lịch sử pháp luật đều thống nhất loại hình tố tụng đầu tiên xuất hiện trong lịch sử của các hình thái xã hội là tố tụng tranh tụng. Loại tố tụng này được áp dụng tại Hy lạp cổ đại, sau đó nó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục(2).

Cùng với thời gian, tranh tụng tiếp tục được kế thừa, phát triển và từng bước được khẳng định và đến nay nó được áp dụng hầu hết ở các nước thuộc hệ thống luật lục địa cũng như hệ thống luật án lệ.

ở Việt nam, có thể nhận xét tranh tụng trên các bình diện dưới đây:

Về mặt lập pháp: khái niệm tranh tụng chưa được chính thức ghi nhận hoặc giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta được ban hành từ năm 1945 đến nay.

Về mặt ngôn ngữ: theo Đại từ điển tiếng Việt năm 1998 thì tranh tụng có nghĩa là “kiện tụng(3); còn theo Hán-Việt tự điển thì tranh tụng có nghĩa là “cãi lẽ, cãi nhau để tranh lấy phải(4).

Theo cách giải thích này, thì tranh tụng chính là quá trình giải quyết vụ kiện dân sự theo đó các đương sự được tranh luận về các yêu cầu, các chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về mặt lý luận: Xung quanh khái niệm tranh tụng có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: “Tranh tụng chỉ là mối tương quan pháp lý giữa các đương sự(5).

Quan điểm thứ hai cho rằng: “Sự tranh tụng phát sinh ra hai mối tương quan: giữa các đương sự tranh nại với nhau và giữa các đương sự và Quốc gia, mà đại diện là Tòa án có thẩm quyền(5).

Quan điểm thứ ba cho rằng: “Sự tranh tụng là quá trình từ khi tố quyền được hành xử cho đến khi có một phán quyết của Tòa án(6).

Xem xét những quan điểm nêu trên, có thể nhận thấy: Nếu tranh tụng chỉ là mối tương quan pháp lý giữa các đương sự như quan điểm thứ nhất là chưa chính xác, bởi vì các đương sự chỉ khởi kiện ra Tòa án khi các đương sự không thể tự giải quyết được các mâu thuẫn, tranh chấp của mình, họ cần đến Tòa án như là người “trọng tài” đứng ra phân xử, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa họ. Như vậy, tranh tụng không chỉ là mối tương quan giữa các đương sự mà còn bao hàm cả mối quan hệ giữa Tòa án và các đương sự. Tuy nhiên, nếu chỉ quan niệm tranh tụng phát sinh hai mối quan hệ giữa các đương sự với nhau và giữa đương sự với Tòa án như quan điểm thứ hai thì mới chỉ nói đến sự liên hệ tranh tụng mà chưa nói lên được bản chất của tranh tụng là gì?. Còn nếu quan niệm tranh tụng như quan điểm thứ ba thì chưa hoàn chỉnh bởi vì ở đây mới chỉ đề cập đến tranh tụng là một quá trình từ khi khởi kiện cho đến khi Tòa án ra được một bản án, quyết định mà chưa nói lên được các chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng đó được phép thực hiện những hành vi tố tụng nào và nhằm mục đích gì?

Đặc thù của tố tụng dân sự là những người tham gia tố tụng, những người tiến hành tố tụng cùng nhau lập lại bức tranh toàn cảnh về vụ án một cách trung thực, khách quan, toàn diện. Vì vậy, việc xác định sự thật khách quan về vụ án về bản chất là một quá trình nhận thức và tư duy của các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự trên cơ sở xem xét đánh giá khách quan, toàn diện và đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết khác nhau của vụ án trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Để có thể tìm ra chân lý, xác định sự thật khách quan về vụ án thì các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự phải phát huy tính chủ động, tích cực trong việc cung cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết liên quan một cách chính xác, khách quan và đầy đủ; đưa ra các lý lẽ, các quan điểm khác nhau, viện dẫn các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Đây chính là phương pháp khoa học và công bằng nhất để tiếp cận đến chân lý khách quan của vụ án. Tất cả các hoạt động như cung cấp chứng cứ, đưa ra các yêu cầu và phản yêu cầu, đối chất giữa các bên…trong giai đoạn trước khi xét xử cũng như tại phiên tòa đều có thể hiểu là quá trình tranh tụng. Như vậy, tranh tụng được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Theo nghĩa rộng, tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện, khởi tố và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quá trình tranh tụng này không chỉ bao gồm các giai đoạn khởi kiện, khởi tố, thu thập chứng cứ, đối chất giữa các bên đương sự, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm mà cả giai đoạn xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Thậm chí quá trình tranh tụng có thể được tiến hành lại từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trong trường hợp khi bản án, quyết định về vụ kiện bị Tòa án cấp trên huỷ để tiến hành xét xử lại.

Theo nghĩa hẹp, quá trình tranh tụng được tiến hành tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm khi có sự tham gia tranh luận của các bên đương sự.

Từ cách hiểu như vậy, để đảm bảo sự sự nhận thức đúng đắn và thống nhất về khái niệm tranh tụng, thì chúng ta cần phải làm sáng tỏ các đặc điểm của việc tranh tụng trong tố tụng dân sự và tranh tụng tại phiên tòa.

Với cách hiểu nghĩa rộng, quá trình tranh tụng trong tố tụng dân sự có một số đặc điểm cơ bản sau:

٭ Trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên tham gia tố tụng, Tòa án không có nghĩa vụ điều tra

Trong tố tụng dân sự, các đương sự có thể là chủ thể của quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc họ là người đưa ra yêu cầu, khiếu nại, họ là người biết rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tranh chấp, vì vậy, họ phải có trách nhiệm làm sáng tỏ vấn đề, chứng tỏ cho Tòa án và những người tham gia tố tụng khác thấy được sự đúng đắn trong yêu cầu của mình, đồng thời chứng minh rằng bị đơn phải có nghĩa vụ đối với yêu cầu của mình. Trong suốt quá trình tố tụng bên nguyên đơn và bên bị đơn liên tục trao đổi với nhau những chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận cho quyền lợi hợp pháp của mình trước Tòa án trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tòa án không có nghĩa vụ phải tiến hành điều tra bởi vì nếu Tòa án chủ động thu thập chứng cứ thì sẽ không bảo đảm sự khách quan, vô tư và công minh trong việc phân xử vụ án, không tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự đồng thời không phát huy tính tích cực, chủ động của các đương sự, gây nên tâm lý ỷ lại của các đương sự.

٭ Các hành vi tố tụng của các chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng tuân theo trình tự, thủ tục và thời hạn do pháp luật quy định

Pháp luật tố tụng dân sự và hoạt động tố tụng dân sự của Tòa án nói chung và các chủ thể tham gia tố tụng dân sự nói riêng là hai mặt không thể tách rời của một quy trình tố tụng. Pháp luật tố tụng dân sự là cơ sở pháp lý của hoạt động tố tụng dân sự, vì vậy khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình các chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng phải tuân theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn do pháp luật quy định. Việc tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và thời hạn do pháp luật quy định nhằm mục đích để cho việc điều hành công lý được phân minh, có hiệu quả và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Theo nghĩa hẹp, quá trình tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm có một số đặc điểm cơ bản sau:

٭ Quá trình tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành một cách công khai, trực tiếp và bằng lời nói.

Tại phiên tòa, các bên đương sự được trực tiếp trình bày các yêu cầu, đưa ra các chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý bằng lời nói. Việc các bên đương sự trực tiếp trình bày, tranh luận bằng lời nói là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính khách quan, trung thực trong lời khai của họ, giúp Hội đồng xét xử giải quyết các yêu cầu của đương sự, ra các quyết định chính xác nhất về việc giả quyết vụ án. Những chứng cứ, tài liệu nào đó nếu không được trực tiếp thẩm tra công khai tại phiên tòa đều không được dùng làm căn cứ cho quyết định của Tòa án.

٭ Các chủ thể tham gia tranh tụng được tranh luận về các yêu cầu, các chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Để có thể phán quyết một bản án công minh, làm sáng tỏ được các tình tiết cần chứng minh của vụ án, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì các đương sự phải được tranh luận về chứng cứ, khẳng định giá trị chứng minh của chứng cứ mà mình xuất trình trước Hội đồng xét xử, trình bày quan điểm, lập luận của mình về các tình tiết của vụ án nhằm mục đích để Hội đồng xét xử giải quyết các yêu cầu của đương sự, ra các quyết định chính xác nhất về việc giải quyết vụ án.

٭ Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa Thẩm phán đóng vai trò là người trọng tài để phân xử giữa hai bên tham gia tranh tụng.

Để bảo đảm sự công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong tố tụng dân sự đòi hỏi Tòa án phải khách quan, thái độ vô tư và công minh đối với cả hai bên. Tòa án có vai trò quan trọng và quyết định trong việc bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể tham gia tranh tụng và giải quyết đúng đắn vụ kiện. Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa vai trò chủ động thuộc về các luật sư là người dẫn dắt việc nêu câu hỏi và kiểm tra nhân chứng, quyết định tiến trình và nhịp độ phiên tòa. Chức năng chủ yếu của Thẩm phán là người trọng tài “cầm cân công lý” để phân xử giữa hai bên tham gia tranh tụng, duy trì trật tự phiên tòa và quá trình tranh tụng giữa hai bên, hướng quá trình tranh tụng vào việc giải quyết các yêu cầu của các đương sự, các căn cứ thực tiễn và pháp lý của các yêu cầu đó cũng như các tình tiết khác nhau về quan hệ pháp luật dân sự mà từ đó phát sinh tranh chấp giữa các đương sự. Tòa án có quyền thẩm vấn các bên hoặc các nhân chứng trong trường hợp đặc biệt cần thiết để làm rõ thêm lời trình bày của họ.

Như vậy, dưới góc độ khoa học luật tố tụng dân sự có thể đi đến kết luận: Tranh tụng trong tố tụng dân sự là một quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện, khởi tố và kết thúc khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, theo đó các chủ thể tham gia tố tụng được đưa ra chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định.

Xuất phát từ lý luận trên cho thấy tranh tụng trong tố tụng dân sự chính là thể hiện bản chất dân chủ và nhân đạo nhằm bảo vệ các quyền con người. Thông qua quá trình tranh tụng giúp Tòa án hiểu rõ yêu cầu của các đương sự, có được các chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để xác định chân lý khách quan của vụ kiện trên cơ sở đó Tòa án giải quyết các yêu cầu của đương sự, xác lập lại cho đúng các quan hệ pháp luật dân sự mà các bên tham gia hoặc những quan hệ mà pháp luật điều chỉnh về quyền và nghĩa vụ của các bên khi có sự kiện pháp lý xẩy ra, xác định đúng các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở của tranh tụng trong tố tụng dân sự, các đương sự được thực hiện đầy đủ các quyền tố tụng dân sự đồng thời bảo đảm cho các chủ thể tham gia tố tụng quyền bình đẳng tức là tạo ra khả năng để các chủ thể nói chung và các đương sự nói riêng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.

Tranh tụng trong tố tụng dân sự còn là một bảo đảm cơ bản cho một nền công lý trong sạch, trung thực và công bằng…, do đó tranh tụng không chỉ bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về mặt pháp lý cho mọi cá nhân, tổ chức mà còn tạo điều kiện cho việc đạt được sự bình đẳng, công bằng về thực tế của các cá nhân, tổ chức đó.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về vấn đề tranh tụng trong tố tụng dân sự để các bạn đồng nghiệp tham khảo và cùng trao đổi.


(1) Nghị quyết 08 - NQ/TƯ ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.

(2) Nhà pháp luật Việt - Pháp (2002), Một số nội dung về nguyên tắc tố tụng xét hỏi và tranh tụng. Kinh nghiệm của Pháp trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm, quản lý Thẩm phán, Hà Nội, tr. 2.

(3) Trung tâm ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam Bộ giáo dục và đào tạo (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hoá- thông tin, Hà Nội, tr. 1686.

(4) Thiều Chửu (1993), Hán- Việt tự điển, NXB TPHCM, tr. 621.

(5) Nguyễn Huy Đẩu (1962), Luật TTDS Việt Nam, NXB Khai trí, tr. 367, 368.

(6) Nguyễn Mạnh Bách (1996), Luật tố tụng dân sự Việt Nam giải lược, NXB Đồng Nai, tr. 63.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét