Thứ Hai, 7 tháng 1, 2008

PHIÊN TÒA "ĐẠO ĐỨC VÀ VĂN MINH"

Một trong những cách thức hữu hiệu nhất khi đánh giá về một xã hội nào đó là việc tìm hiểu xem xã hội đó đối xử với người già và người khuyết tật như thế nào? Xã hội càng văn minh, đạo đức thì việc đối xử đó càng tốt. Chúng ta sẽ “lắng nghe” xem “đạo đức và văn minh” sẽ có số phận thế nào!

 

Hôm qua 24-12, Tòa án Q.Tân Bình (TP.HCM) tiến hành xét xử vụ hành khách kiện hãng Hàng không giá rẻ Pacific Airlines (PA) sau ba lần hòa giải không thành. Ngày 12 tháng 8, khi kiểm tra vé, PA đã yêu cầu chị Nguyễn Thị Hải Yến phải trả 50 USD cho dịch vụ xe lăn vì chị Yến không thể leo cầu thang để lên máy bay.

Chị Nguyễn Hải Yến, một người khuyết tật, khách hàng của PA đã kiện PA thiếu chu đáo trong việc phục vụ hành khách khuyết tật và đòi PA phải bồi thường cho việc chị không được phục vụ như một người khuyết tật và cho những tổn hại sức khỏe của chị trong chuyến bay có thể nói là vô cảm này.

Luật sư của Hãng hàng không Pacific Airline tuyên bố PA đã chối từ việc bồi thường chị Nguyễn Hải Yến với lý do PA không cung cấp dịch vụ vận chuyển đặc biệt, nếu hành khách yêu cầu hỗ trợ đặc biệt khi đi lại trên máy bay của PA phải đặt trước và phải thông qua Trung tâm phục vụ khách hàng PA ít nhất ba ngày trước khi khởi hành.

Lý luận của luật sư phía PA nêu ra nói trên nghe như là một cách làm ăn văn minh đầy tính luật pháp nhưng thực ra đó là một câu chuyện hài hước. Điều này làm tôi bất giác nhớ lại chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi vào năm 1979. Khi tôi phát hiện ra những lối đi “ lạ ” ở tất cả những nơi công cộng. Tôi đã băn khoăn tự hỏi vì sao các kiến trúc sư lại kiến trúc những lối đi như thế bên cạnh những lối đi rất “chuẩn” về kiến trúc.

Không thể băn khoăn mãi, cuối cùng tôi phải hỏi một người bạn nước ngoài về những lối đi đó. Và tôi đã được giải thích. Nghe giải thích xong, tôi rất xấu hổ. Không phải vì tôi xấu hổ về việc không biết những lối đi “ lạ ” kia là gì mà tôi xấu hổ về việc trách nhiệm của mình và xã hội mình đối với những người tàn tật còn quá vớ vẩn.

Đọc một bài diễn văn về tình thương yêu với người tàn tật thực ra quá dễ dàng. Nhưng hiện thực hóa một cách cụ thể tình thương yêu đó mới là điều quan trọng. Còn chỉ nói mồm nói mép thì nó nhanh chóng rơi vào thứ đạo đức giả mà thôi. Những lối đi “ lạ ” là bằng chứng của chủ nghĩa nhân văn của xã hội đó đối với con người.

Vé máy bay giá rẻ không bao gồm dịch vụ vận chuyển và xe lăn

Tôi có một người làng đã 80 tuổi và đang sinh sống ở Mỹ. Cứ hai năm bà về thăm quê một lần. bà đã yếu và việc đi lại ở các sân bay không một chút dễ dàng. Những người họ hàng ở quê tôi rất lo lắng cho bà vì không biết bà phải đi lại như thế nào với va li, túi xách lỉnh kỉnh. Nhưng tất cả đã có Hàng không. Từ khi bước đến cửa bất cứ một sân bay nào đó cho đến khi rời sân bay, bà luôn luôn được các nhân viên hàng không mà bà là khách hàng của họ chăm sóc chu đáo như con đẻ của mình. Trước kia, tôi đã rất ngạc nhiên và lo sợ khi thấy một đứa bé 7 tuổi, con của bạn mình, đã tự đi một mình trên một chuyến bay từ Việt Nam ra nước ngoài. Mọi sự lo sợ của tôi là hão huyền. Những đứa trẻ đó chỉ cần đeo một tấm biển nhỏ trước ngực là không có người lớn đi cùng là sẽ được các nhân viên hàng không chăm sóc vô cùng chu đáo. Chính tôi đã một lần thử “tấm lòng” của các nhân viên hàng không cho mấy người bạn đi công tác nước ngoài thấy. Tôi nói với một nhân viên hàng không là tôi bị đau khớp và việc đi lại rất khó khăn. Ngay lập tức một nhân viên hàng không với chiếc xe lăn được điều động đến giúp tôi cho đến khi tôi ngồi đàng hoàng trên máy bay. Và khi máy bay hạ cánh, các nhân viên hàng không đã túc trực để giúp đỡ tôi.

Bà người cùng quê tôi có phải trả tiền dịch vụ và có phải báo trước ba ngày không ?

-Không.

Cậu bé con bạn tôi có phải trả tiền dịch vụ và phải báo trước ba ngày không ?

-Không.

Và chính tôi thì rõ ràng không phải làm bất cứ điều gì nực cười như PA đề nghị nhưng tôi đã được phục vụ tận tình và chu đáo.

Luật sư của PA nói rằng nhân viên của PA được đào tạo bài bản. Đào tạo bài bản mà lại hành xử như thế à ? Những người quản lý và đào tạo nhân viên hàng không PA chắc chắn đã đi nước ngoài nhiều lần trên những chuyến bay và đi qua nhiều sân bay chẳng lẽ không nhìn thấy gì à ? Mà nhìn thấy cũng không suy nghĩ gì à ? Mà nếu có suy nghĩ thì cũng không học được gì à ?

Khi nghe tin về hành xử của PA đối với hành khách khuyết tật, tôi viết thư hỏi một người bạn làm việc ở nước ngoài xem các hàng hàng không nước sở tại và của các nước khác trên thế giới có bắt hành khách khuyết tật phải trả phí dịch vụ và có phải đăng ký dịch vụ đó trước ba ngày không? Bạn tôi viết thư cho tôi với một câu hỏi: Ông có dở hơi không mà hỏi thế.

Lâu nay, không hiểu vì lý do giảm giá vé hay không mà PA phục vụ hành khách quá kém. Những chuyến bay của PA thường xuyên chậm giờ bay một cách vô lối. PA phải xem lại rất nhiều việc trong cách thức và thái độ phục vụ hành khách của mình.. Trong khi đó, hầu hết các hãng hàng không quốc tế cũng giảm giá vé nhưng việc phục vụ hành khách của họ không hề giảm mà còn tìm cách phục vụ hành khách tốt hơn.

Dù cho chị Nguyễn Hải Yến không thắng kiện thì PA phải xem lại dịch vụ của mình một cách nghiêm túc đi. Nhưng tôi tin chị Yến kiện không phải vì 50 USD mà PA đòi chị phải trả. Mà đấy là một lời cảnh báo về hành xử của con người trong một xã hội văn hóa, văn minh. Làm gì thì văn hóa cũng là nền tảng. Và bộ luật nào sinh ra cũng vì những điều tốt đẹp cho con người.

Minh Luận (VIETIMES)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét