Thứ Năm, 3 tháng 1, 2008

HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH KHÔNG THỂ XEM LÀ HỢP ĐỒNG PHỤ CỦA HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

LS. ĐỖ HỒNG THÁI

Khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa hợp đồng tín dụng (HĐTD) và hợp đồng bảo đảm tiền vay (cho HĐTD ấy), có quan điểm cho rằng: HĐTD là hợp đồng chính, còn hợp đồng bảo đảm là hợp đồng phụ của HĐTD. Thực ra câu trả lời như thế là chưa hoàn toàn chính xác. Vậy nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Liệu nhận thức đúng về nó sẽ có ý nghĩa gì đối với ngân hàng cho vay (NHCV)?


Điều 405 BLDS 1995 § (và Điều 406 BLDS 2005) quy định: hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ; hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Như vậy, việc phân chia hợp đồng theo loại chính - phụ căn cứ vào tiêu chí giá trị hiệu lực của chúng đối với nhau. Tuy nhiên, tự thân thuật ngữ “hợp đồng” đã bày tỏ một nội dung mặc nhiên, đó là yếu tố chủ thể trong quan hệ hợp đồng, nghĩa là phải có sự đồng nhất về chủ thể của các hợp đồng đang xét quan hệ chính - phụ. “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 394 BLDS 1995, Điều 388 BLDS 2005), rõ ràng sự phân loại chính - phụ ở đây chỉ có ý nghĩa đối với các bên có quyền và nghĩa vụ với nhau đã xác lập bởi các hợp đồng ấy, mà không phát sinh thứ tự chi phối về hiệu lực đối với người thứ ba. Như vậy, quan hệ chính - phụ của hợp đồng không chỉ gắn với sự ràng buộc nhau về hiệu lực mà còn tính đến yếu tố chủ thể hợp đồng. HĐTD và hợp đồng bảo đảm cho khoản tín dụng ấy chỉ có quan hệ hợp đồng chính - phụ khi và chỉ khi cả hai đều do cùng chủ thể ký kết, và như thế nó chỉ hình thành khi người vay đồng thời là người có tài sản để có quyền dùng tài sản ấy bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình trong HĐTD (bao gồm cả phần tài sản của người vay trong trường hợp là người vay là một trong các đồng sở hữu tài sản bảo đảm), khi ấy nghĩa vụ bảo đảm mới chịu sự chi phối bởi nghĩa vụ trả nợ của chính họ theo đúng quan hệ hợp đồng chính - phụ. Với trường hợp tài sản bảo đảm thuộc đồng sở hưu, trong khi bên vay không phải là tất cả các đồng sở hữu, thì quan hệ chính - phụ được xác lập và chỉ chi phối theo phần giá trị hợp đồng bảo đảm thuộc phần sở hữu của người vay, còn phần giá trị hợp đồng bảo đảm đối với các chủ sở hữu không tham gia quan hệ tín dụng (tức nhóm chủ sở hữu chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, ví dụ: vợ hoặc chồng của người đứng tên vay) thì không chịu sự chi phối về hiệu lực của HĐTD bởi quan hệ chính - phụ, mà chịu sự tương tác của tính lệ thuộc của nghĩa vụ bảo lãnh vào nghĩa vụ được bảo lãnh (nghĩa vụ của người vay). Vấn đề tính lệ thuộc của nghĩa vụ bảo lãnh chúng ta sẽ trao đổi sâu thêm trong phạm vi một bài viết khác.


Do tính chất lệ thuộc của giao dịch bảo đảm vào giao dịch bảo đảm mà nghĩa vụ bảo đảm được xem là một nghĩa vụ phụ còn nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ chínhD, nhưng điều đó không có nghĩa HĐTD luôn là hợp đồng chính còn mọi hợp đồng bảo đảm luôn là hợp đồng phụ, trừ khi đã loại trừ hợp đồng bảo lãnh (hoặc phần bảo lãnh trong hợp đồng bảo đảm của các đồng sở hữu). Trong quan hệ làm phát sinh nghĩa vụ được bảo lãnh (quan hệ tín dụng) thì người bảo lãnh là người thứ ba; nhưng với hợp đồng bảo lãnh lại là một hợp đồng độc lập (ngay cả khi nghĩa vụ bảo lãnh đồng thời được xác lập (ngay cả khi nghĩa vụ bảo lãnh đồng thời được xác lập trong HĐTD thì bảo lãnh vẫn luôn là một giao dịch độc lập), hợp đồng đơn vụ (chỉ có nghĩa vụ của người bảo lãnh), nó được giao kết trực tiếp giữa người bảo lãnh với người nhận bảo lãnh, còn người được bảo lãnh không nhất thiết buộc phải có một vai trò gì trong đó. Thực tiễn pháp lý cho thấy, vì lý do nào đó người bảo lãnh vẫn có thể tự mình thực hiện trả nợ để chấm dứt nghĩa vụ của mình đối với NHCV; NHCV cũng có thể trực tiếp yêu cầu người bảo lãnh thực thi nghĩa vụ ngay khi người được bảo lãnh vi phạm mà không quan tâm tới ý chí của người khác. Như vậy, không như các loại hợp đồng bảo đảm khác, hợp đồng bảo lãnh (nói chung, và bảo lãnh bằng tài sản nói riêng) có tính độc lập về chủ thể nên không thể xem là hợp đồng phụ của HĐTD.


Nhận thức trên có ý nghĩa phòng ngừa những hệ quả sai lầm có thể dẫn đến rủi ro cho NHCVN:


- Nếu cho rằng hợp đồng bảo lãnh cũng là hợp đồng phụ của HĐTD, sẽ dẫn đến ngộ nhận rằng: khi HĐTD bị vô hiệu, hợp đồng bảo lãnh vẫn (luôn) không chấm dứt hiệu lực (vì Điều 410 BLDS quy định: “Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ... (nhưng) quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”), từ đó NHCV không đặt vấn đề phải mở rộng phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đối với nghĩa vụ chính trong trường hợp HĐTD bị vô hiệu hoặc bị chấm dứt.


- Việc hiểu sai quan hệ chính - phụ còn đưa đến sự dẫn chiếu không phù hợp về tính chất quan hệ các nội dung của các hợp đồng (tín dụng - bảo lãnh), tạo sự ràng buộc về hình thức song không có hiệu lực về nội dung, gây bất lợi khi có tranh chấp phải giải quyết theo con đường tố tụng.


- Ngoài ra, việc nhận thức đúng quan hệ chính - phụ còn giúp khắc phục tình trạng bỏ quan thoả thuận bổ sung với người bảo lãnh khi HĐTD có sự thay đổi, cụ thể: việc thay đổi, bổ sung bất kỳ nội dung nào của HĐTD (ví dụ: gia hạn kỳ hạn trả nợ, thay đổi thời gian trả lãi...) NHCV nhất thiết phải quan tâm tới ý chí của người bảo lãnh, bởi người bảo lãnh sẽ không có nghĩa vụ tuân thủ sự thay đổi của HĐTD nếu như chính họ không được ký kết bổ sung nghĩa vụ cho sự thay đổi đó (bằng việc ký hợp đồng bổ sung hay phụ lục của hợp đồng bảo lãnh)./.

SOURCE: http://www.icb.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét