Thứ Hai, 7 tháng 1, 2008

SỐNG CHỦ ĐỘNG TRONG THÔNG TIN TOÀN CẦU

Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946, tại Hưng Nguyên, Nghệ An.
Năm 10 tuổi, ông cùng cha ra Hà Nội sinh sống. Trong khoảng thời gian tham gia quân đội, từ 1963 đến 1975, có xuất ngũ theo học trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tốt nghiệp (1973), ông tiếp tục phục vụ quân đội cho đến khi giải phóng miền Nam.
Sau giải phóng, ông công tác tại Bộ Giao thông Vận tải (1976-1984) rồi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (1985-1988).
Năm 1989, ông thành lập công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ InvestConsult Group và làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cho đến nay.
Năm 1995, ông tốt nhiệp khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, thành viên của Hội Luật gia Việt nam, Hiệp hội Luật sư Sáng chế Châu Á (APAA) và Hiệp hội Nhãn hàng Quốc tế (INTA).

…“Đừng cho rằng người Việt do hội nhập chậm mà chúng ta hạn chế, chúng ta tiếp nhận thông tin ồ ạt, không chọn lọc. Chúng ta bắt mỗi một người phải chọn lọc là chúng ta trao cho con người một gánh nặng không cần thiết. Chính thực tế cuộc sống chọn lọc chứ không phải mỗi một người chọn lọc”…

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty tư vấn đầu tư InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt

Phóng viên (PV): “

Công dân toàn cầu” là một khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Điều ấy thể hiện khát khao thời đại lớn đối với thế hệ tương lai. Nhưng để trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta phải có những công cụ, hay chính xác hơn là những kỹ năng để dễ dàng thích ứng với môi trường quốc tế khắc nghiệt. Trong những kỹ năng đó, khả năng phân tích và đánh giá thông tin toàn cầu là kỹ năng vô cùng thiết thực. Lịch sử từng chứng minh, người nắm được thông tin là người chiến thắng. Ngày nay, người chiến thắng còn phải là người biết xử lý khối lượng thông tin khổng lồ đó. Theo quan điểm của ông, thế nào thì được coi là thông tin toàn cầu?

Nguyễn Trần Bạt (NTB): Tôi cho rằng, những thông tin nào được mọi người trên thế giới quan tâm thì đấy là thông tin toàn cầu. Một thông tin cụ thể trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào có thể không có giá trị toàn cầu, nhưng hiện tượng truyền bá thông tin rộng rãi là hiện tượng toàn cầu.
Ở đây chúng ta đang nói đến công dân toàn cầu, cho nên, trước hết tôi muốn nói với các bạn về khái niệm công dân. Công dân không phải là một con người cụ thể mà là một khái niệm có chất lượng pháp lý. Công dân là những cá nhân được ràng buộc bởi các quan hệ pháp lý đối với một quốc gia. Công dân toàn cầu thể hiện tính phổ biến của chất lượng công dân trong phạm vi toàn cầu. Và ý nghĩa toàn cầu của một công dân chính là ý nghĩa toàn cầu của một quốc gia, cho nên, mỗi con người khi mang danh nghĩa là công dân của một nước cụ thể nào đó ra nước ngoài thì chính là anh ta phổ biến giá trị của xã hội mà anh ta là công dân ra phạm vi quốc tế.

Mỗi hành động của một công dân khi giao tế thể hiện trình độ văn minh, thể hiện giá trị, thể hiện sự cao quý của một dân tộc, một quốc gia, cho nên, công dân là một khái niệm vô cùng quan trọng. Mỗi người khi nhận mình là công dân của một quốc gia nào đó thì phải có trách nhiệm trong mỗi hành động để giữ gìn phẩm giá và chất lượng của quốc gia ấy.

PV: Có một thực tế là khi tiếp cận với khối lượng thông tin cầu, các công dân Việt Nam có sự thiệt thòi so với công dân ở các nước châu Á phát triển hơn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… vì được tiếp cận thông tin toàn cầu muộn hơn. Liệu có giải pháp nào để khắc phục điều đó không?

NTB: Việc phấn đấu để lịch lãm hoặc điêu luyện trong giao tế toàn cầu như một người hiểu biết tất cả mọi thứ là bất khả thi đối với bất kỳ ai. Người ta đã có những số liệu thống kê rằng khoảng một nửa công dân Hoa Kỳ không mấy khi dùng đến hộ chiếu và có tới khoảng 60-70% người Mỹ không biết đến Việt Nam. Vậy tại sao chúng ta lại đưa ra đòi hỏi người Việt Nam khi ra nước ngoài phải biết mọi thứ? Những đòi hỏi như vậy trở thành gánh nặng không cần thiết đối với con người.

Tôi nghĩ rằng con người cần phải hiểu biết để sống, và thời đại của chúng ta là thời đại toàn cầu thì chúng ta cần phải biết những thứ mà cuộc sống của mình đòi hỏi. Một cá nhân không cần phải thể hiện mình biết nhiều thứ mà cuộc sống của anh ta không đòi hỏi. Chúng ta cần phải tin mình là người Việt, chúng ta không nhất thiết phải thể hiện mình như thế này, thế kia. Khi chúng ta cố gắng thể hiện mình biết nhiều thứ thì chính là chúng ta tự biến mình trở thành người vô duyên. Không cần phải làm việc ấy.

Tôi cho rằng các cơ quan truyền thông không nên truyền bá ý tưởng con người trong thời đại toàn cầu này phải là công dân toàn cầu, phải biết mọi thứ. Rất nhiều người Việt Nam chưa biết mọi thứ ở Việt Nam vậy thì tại sao chúng ta lại phải biết mọi thứ trên thế giới. Trước hết, chúng ta phải biết về chính mình và sống như chính mình thì chúng ta mới có thể làm phong phú tính toàn cầu của khái niệm công dân.

PV: Chúng ta có xu hướng tiếp nhận thông tin một cách ồ ạt mà chưa biết cách sàng lọc. Để rồi thế hệ trẻ lướt web chủ yếu để xem những thông tin giải trí tầm phào, chơi điện tử, hoặc vào web sex hơn là tìm kiếm những thông tin bổ ích. Ông đánh giá về chuyện này như thế nào?

NTB: Đấy là một hiện tượng phổ biến, hiện tượng ấy không xấu và không có gì đặc biệt cả. Đừng cho rằng người Việt do hội nhập chậm mà chúng ta hạn chế, chúng ta tiếp nhận thông tin ồ ạt, không chọn lọc. Chúng ta bắt mỗi một người phải chọn lọc là chúng ta trao cho con người một gánh nặng không cần thiết. Chính thực tế cuộc sống chọn lọc chứ không phải mỗi một người chọn lọc.

Trong cuộc sống, khi nhiều người xác nhận sự không hay của một loại thông tin, một loại thói quen hoặc của một loại dấu hiệu văn hóa thì người ta sẽ từ chối nó. Khi mật độ những người từ chối đủ lớn thì xã hội sẽ từ chối. Thế giới ở đâu cũng vậy, người ta thấy cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra lâu quá thì người ta biểu tình, những cuộc biểu tình như vậy phổ biến toàn cầu, hay nói cách khác sự phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong quá khứ là một hiện tượng toàn cầu.

Cái mà các bạn vẫn gọi là hiệu ứng đám đông là một hiện tượng khách quan, chúng ta hoàn toàn không nên can thiệp. Đến một thời điểm nào đó con người sẽ thức tỉnh. Nếu chúng ta cứ muốn can thiệp và biến thành chương trình để tác động thì chúng ta sẽ làm rối loạn cuộc sống. Hãy để cho cuộc sống tiếp nhận một cách yên tĩnh và loại bỏ một cách yên tĩnh. Con người vốn dĩ sáng suốt một cách tập thể. Chính sự sáng suốt tập thể ấy sẽ hạn chế cái gọi là hiệu ứng đám đông.

PV: Những vấn đề sát thực hơn, chẳng hạn trong hoạt động kinh tế, nếu không biết phân tích, đánh giá thông tin toàn cầu thì chúng ta có thể phải trả quá đắt những “bài học phổ thông”. Ví như Trung Nguyên phải mất 2 năm thương thảo để lấy lại thương hiệu của chính mình bị mất trên nước Mỹ, hay chuyện mất thương hiệu ở nước ngoài của Vinataba, Petro Vietnam, võng xếp Duy Lợi, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre. Chẳng nhẽ chúng ta cứ mãi là “ếch ngồi đáy giếng”?

NTB: Đấy là công việc của khoa học. Trước khi mở cửa, khái niệm sở hữu trí tuệ ở nước ta là không phổ biến, đại bộ phận xã hội không biết đến chuyện ấy. Khi xã hội không biết chuyện ấy thì người ta sẽ điềm nhiên vi phạm. Có lần tôi dẫn một vị đại diện cho quyền lợi của hãng Walt Disney đến thăm Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các chị cán bộ ở đấy rất tự hào, phấn khởi khoe với vị đại diện của Walt Disney rằng họ đã bắt chước làm những con chuột Mickey cho trẻ con chơi và họ đem mẫu ra khoe. Lúc bấy giờ, ngay cả các cán bộ có trách nhiệm cũng không hiểu rằng mình đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của hãng Walt Disney. Cho nên, nhiệm vụ hàng ngày của khoa học là nghiên cứu, còn của truyền thông là truyền tải. Chúng ta cứ làm và dần dần xã hội sẽ thức tỉnh.

Quay trở lại với khái niệm công dân toàn cầu mà bạn nói. Công dân là một khái niệm pháp lý, mỗi người muốn được gọi là công dân của một nước nào đó thì phải có những ràng buộc và những nghĩa vụ pháp lý đối với quốc gia đó. Các quốc gia ấy tham gia vào các cam kết quốc tế nào thì công dân của nó cũng có nghĩa vụ thực thi các cam kết ấy. Vấn đề đặt ra là người ta không biết đến các cam kết của các quốc gia, và đấy là kết quả của việc chúng ta không có một hệ thống truyền thông tốt để phổ biến các khái niệm quan trọng của đời sống quốc tế nhằm hỗ trợ công dân của mình biết rõ những cam kết pháp lý, những khái niệm căn bản trong hoạt động của một công dân.

Sẽ là vô cùng khó nếu chúng ta cho rằng công dân phải có nghĩa vụ tìm hiểu tất cả các khái niệm. Bởi vì, có những khái niệm mà trong đời người ta chỉ va chạm có một, hai lần thôi thì làm sao người ta mất thì giờ để tìm hiểu nó? Và việc huy động mọi người dân phải tìm hiểu tất cả các khái niệm để họ trở thành người có thể tương thích toàn cầu thì coi chừng đó là một sự lãng phí. Cho nên, khoa học phải nghiên cứu và truyền thông phải phổ biến để dần dần con người thức tỉnh về những thiệt hại do sự không hiểu biết của mình mang lại.

PV: Khả năng là do di truyền đem tới nhưng cũng có thể có được do rèn luyện. Theo ông, chúng ta có thể rèn luyện và nâng cao khả năng phân tích, đánh giá thông tin bằng cách nào? Từ sự trải nghiệm của bản thân, ông có thể đưa ra lời khuyên gì với giới trẻ?

NTB: Lời khuyên của tôi là: đọc, nghe và nhìn càng nhiều càng tốt. Nhưng đừng vụ lợi khi đọc, đừng vụ lợi khi nghe và đừng vụ lợi khi nhìn. Bởi vì nếu chúng ta xăm xăm đi tìm một cái, nghe một cái, nhìn một cái thì đôi khi lượng thông tin chúng ta tiếp nhận được sẽ rất hạn chế. Chúng ta phải làm những việc ấy như một bản năng, giống như khi thở thì người ta thường không ý thức về sự thở. Có rất nhiều phương pháp để rèn luyện ý thức về thở như thiền hoặc yoga, nhưng dù không luyện thiền, không luyện yoga thì con người vẫn thở.

Cần phải duy trì trạng thái nghe, nhìn và đọc như hiện tượng thở bản năng trước đã. Khi nào con người bắt đầu ý thức được rằng đọc, nghe và nhìn là bản năng sống thì lúc đó chúng ta mới đưa vào các phương pháp khoa học để nâng cấp sự đọc, nghe, nhìn trở thành chuyên nghiệp. Trong lúc người ta chưa muốn nghe, chưa muốn nhìn và chưa muốn đọc thì việc chúng ta nói đến văn hóa đọc, khoa học đọc là thừa.

Trước hết, hãy làm cho việc đọc, nghe, nhìn trở thành bản năng của con người. Khi nào con người gặp những thất thiệt do không đọc, không nghe, không nhìn thì con người sẽ thức tỉnh. Cơ quan truyền thông đóng vai trò xây dựng những bản năng xã hội chứ không phải ý thức xã hội. Trong khi đối với xã hội việc đọc, nghe, nhìn là bản năng thì đối với các cơ quan chuyên nghiệp là xây dựng, tức là phải tổ chức một cách có ý thức, nhưng là ý thức của cơ quan ấy để tác động vào bản năng đọc, nghe và nhìn của xã hội. Đừng gây ra áp lực bắt người ta phải đọc, bắt người ta phải nghe, bắt người ta phải nhìn, và nhất là bắt người ta phải đọc, nghe, nhìn cái này hay cái kia thì càng nguy hiểm hơn.

PV: Theo ông, truyền thông của chúng ta có những hạn chế gì trong việc xây dựng bản năng của xã hội?

NTB: Một trong những hạn chế căn bản của truyền thông hiện nay là chưa nghiên cứu một cách có cơ sở khoa học về việc xây dựng một xã hội mà đọc, nghe và nhìn trở thành bản năng. Truyền thông hiện nay vẫn truyền bá cái mình muốn chứ chưa cung cấp cái mà con người đang cần và sẽ cần. Tất nhiên nhược điểm ấy là nhược điểm bắt buộc có trong điều kiện chính trị cụ thể của Việt Nam, vì các cơ quan truyền thông là của Nhà nước nên nó buộc phải phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Điều đó về nguyên tắc các cơ quan truyền thông Việt Nam không thể từ chối, nhưng họ phải tự cân bằng và xã hội hóa mình bằng cách làm cho thông tin của mình phong phú hơn ngoài những cái mà mình có nghĩa vụ phải nói.

Tôi có nói với các nhà báo rằng để làm cho mình không trở nên đơn điệu trong việc phải nói, phải truyền bá những thông tin bắt buộc thì chúng ta phải tự đa dạng mình. Song song với những cái phải nói thì chúng ta có thể nói cả những cái mà người khác cần, và người ta sẽ nhìn các cơ quan truyền thông một cách cân đối hơn, lành mạnh hơn. Cơ quan truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm lành mạnh không gian tinh thần của con người bằng việc cung cấp những thông tin phong phú và đa dạng.

PV: Khả năng phân tích và đánh giá không phải là ưu điểm của người Việt. Nguyên do bắt đầu ngay từ giai đoạn đi học, trẻ em luôn phải làm bài tập theo hướng dẫn mẫu của thầy cô. Chúng biết nhiều đến chi tiết và công thức, nhưng lại lúng túng trong tổng thể và sáng tạo. Ông nghĩ sao?

NTB: Nói như thế cũng chưa đúng. Đừng đổ lỗi cho chính trị, cho giáo dục quá nhiều. Khi xem ca nhạc, các bạn có thể thấy tất cả các nghệ sĩ của chúng ta đều giơ tay lên giống nhau. Tất cả các động tác ấy là hệ quả của chèo, bởi chèo là thứ nghệ thuật biểu diễn bằng tay cộng với lời hát. Tôi muốn nêu ví dụ này để nói rằng đó là hệ lụy của văn hóa. Chúng ta có một nền văn hóa mà nó quy định cả hành vi giơ tay khi hát. Các bạn để ý sẽ thấy những người đi bộ đội khi phục viên bao giờ đứng trước người khác họ cũng đứng thẳng, thậm chí đôi khi còn dập gót giày. Đó là hệ quả của những thói quen đã biến thành văn hóa.

PV: Sự hạn chế ấy cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho văn hóa. Ví như chuyện đạo văn, thế hệ nền móng của khoa học Việt Nam như cụ Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Phan Ngọc… chẳng bao giờ biết đến chuyện “ăn trộm chữ” của người khác. Trong khi ở thế hệ nghiên cứu khoa học bây giờ, chuyện đạo văn xảy ra nhan nhản và “dễ như trở bàn tay”. Từ ông Tiến sĩ, ông Viện trưởng, ông Chủ nhiệm khoa đến thế hệ học trò. Dường như việc “ăn cắp” công trình của người khác còn dễ chịu hơn việc tự vấn với lương tri của mình…

NTB: Tôi rất phân vân khi nói đến chuyện đạo văn. Chúng ta cứ tự làm xấu mình bằng cách gán cho các hiện tượng không tích cực những động cơ xấu một cách chủ động. Tôi là Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam nên tôi thường nghiên cứu về hiện tượng đánh cắp các quyền sở hữu trí tuệ.

Trong suốt 60 năm xây dựng nhà nước cộng hòa, chúng ta có khoảng hơn 40 năm không biết về khái niệm này. Chúng ta không có thói quen tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí, không có thói quen hiểu biết về quyền sở hữu nói chung chứ không chỉ có sở hữu trí tuệ, vì thế cho nên chúng ta điềm nhiên phạm sai lầm.

Hiện tượng đánh cắp một cách có động cơ và có ý thức ở nước chúng ta không có nhiều, chúng ta vô tình vi phạm vì chúng ta không hiểu biết, chúng ta chưa có phản xạ của người biết bảo vệ các quyền sở hữu và biết e dè trước việc xâm phạm các quyền sở hữu.

Để khắc phục những hiện tượng như vậy, chúng ta phải phổ biến chi tiết hơn chứ không thể nói chung chung như hiện nay. Tôi nghĩ rằng việc thêm một cái ngoặc kép có chất lượng trích dẫn vào một tác phẩm không làm giá trị của tác phẩm giảm đi. Có thể người ta không biết hoặc quên mất cái ngoặc kép ấy. Hoặc có thể có những chân lý được một người nào đó phát hiện đã biến thành văn hóa, biến thành khoa học phổ biến, thậm chí biến thành lẽ phải của từng người, vì thế khi thể hiện, người ta không nghĩ đấy là của người khác. Đấy là một sự trùng lặp ý tưởng.

Chúng ta chưa có những tòa án chuyên nghiệp để phân biệt sự trùng lặp ý tưởng với sự đánh cắp một cách có ý thức và chúng ta cũng chưa có các bộ luật bảo vệ một cách nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ. Khi người ta không biết câu này là của ai thì người ta cũng không biết rằng câu ấy có giá trị gì đáng đánh cắp. Người ta nghe một cách không chuyên nghiệp, đọc một cách không chuyên nghiệp, cho nên, người ta không ý thức một cách khoa học khi trích dẫn.

Tôi nghĩ rằng, cần phải có cách giải thích khoa học hơn và nhân hậu hơn đối với những khuyết điểm như vậy. Khi tôi nghe các bài hát theo phong cách cổ điển của các nhạc sĩ hiện nay, tôi thấy giống như đi vào một khu phố toàn người quen, đâu đó có một chút Chopin, một chút Beethoven, một chút Mozart.

Âm nhạc như một chuỗi ADN, ngắt bất cứ đoạn nào ra và nối thêm là sẽ có một chuỗi ADN mới. Đó là qui luật của âm nhạc. Như vậy là Mozart gợi ý, Beethoven gợi ý, Chopin gợi ý, toàn bộ sự phát triển của nhân loại là bắt đầu từ những sự gợi ý như thế. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên thương mại hóa sự phê phán về sự giống nhau của một số lẽ phải được trích dẫn trong các tác phẩm.

Công dân toàn cầu là những công dân tin vào các giá trị của mình, sống hồn nhiên và đóng góp các giá trị của mình trên phạm vi toàn cầu, và khi bước ra khỏi không gian của mình thì chúng ta phải biết tôn trọng luật của người khác. Nhưng nên nhớ rằng luật của người khác không khó đến mức anh phải học mới biết được, bởi vì luật pháp gắn liền với văn hóa, quan sát người ta là đủ để anh có thể hành động một cách bình thường trong cuộc sống. Còn khi va chạm với chuyện kinh doanh thì chúng ta buộc phải để ý chi tiết hơn.

Tôi lấy một ví dụ, khi đi Ý mua hàng người ta trao cho tôi một những cái hóa đơn mà khi ra sân bay tôi có thể kê khai để được hoàn thuế. Lúc đầu tôi cứ tưởng khi ra sân bay là có thể làm thủ tục hoàn thuế được ngay, nhưng khi ra đến sân bay tôi mới biết rằng để lấy lại được khoản tiền ấy có khi phải xếp hàng mất một ngày. Chúng ta không có kinh nghiệm rằng số người muốn lấy tiền hoàn thuế tại sân bay ở Roma có thể bằng lượng hành khách của sân bay Nội Bài trong mấy ngày. Người ta có một cách giải quyết nhanh hơn là anh có thể để lại số tài khoản ghi trên thẻ tín dụng và người ta sẽ hoàn trả qua đó, nhưng ở thời điểm đó không có người Việt Nam nào có thẻ tín dụng.

Như vậy là do trình độ phát triển mà chúng ta không thỏa mãn được những đòi hỏi của khái niệm mà bạn nói là công dân toàn cầu. Đấy chính là nhược điểm của chúng ta và chúng ta cần phấn đấu. Chúng ta phấn đấu chứ chúng ta không bắt buộc phải làm giống như vậy. Đương nhiên, việc không lấy lại được tiền hoàn thuế là một thất thiệt và đấy chính là học phí của sự ngây thơ mà công dân của một nước chưa phát triển như chúng ta phải trả. Chúng ta phải xem đó như là học phí để chúng ta trở nên khôn ngoan hơn.

Đầu những năm 90, khi đi ra nước ngoài tôi đã vứt đi tất cả các hóa đơn đó và sau này mới biết rằng mình mất cả ngàn đô la mà không biết. Những chuyện như vậy phải làm dần dần, đừng gây sức ép đối với con người, bắt người ta phải biết đủ mọi thứ. Những người nước ngoài khi đến Việt Nam sống hồn nhiên lắm. Họ cũng chưa biết nhiều về Việt Nam và họ không bắt buộc phải biết hết về Việt Nam, họ thấy người Việt Nam làm thế nào thì họ làm theo. Chúng ta cũng nên làm như vậy.

PV: Ông có thể nói kỹ hơn về việc làm thế nào để mỗi người rèn luyện khả năng phân tích và đánh giá thông tin?

NTB: Có ba yếu tố giúp con người làm việc đó. Thứ nhất là anh phải sống thật. Cuộc sống là nguyên mẫu, mọi sự phân tích đều là chủ quan. Khi có kinh nghiệm thật về cuộc sống thì anh có thể sửa chữa các phân tích của người khác hoặc các phân tích của mình để hoàn thiện nó, tức là phải trải nghiệm để có kinh nghiệm. Thứ hai là không phải ai cũng có điều kiện để trải nghiệm nên người ta phải thay thế kinh nghiệm bằng học vấn, tức là phải đọc. Thứ ba là anh phải dự báo, phải linh cảm. Có những việc người ta không kịp học, cũng không kịp trải nghiệm, nhưng người ta có thể linh cảm được. Con người có thể linh cảm về cái đúng trước khi nhận ra cái đúng bằng ý thức, bằng lý luận. Chỉ vì con người quá tin vào lý trí cho nên tưởng rằng chỉ có lý trí mới là công cụ để nhận thức, nhưng không phải.

Kant là một nhà triết học dành phần lớn thời gian cho việc phê phán lý trí. Sự thái quá của lý trí làm khô cứng con người và làm giảm tốc độ đi đến chân lý của con người. Con người có thể đến cái đúng, đến cái hợp lý mà không cần đi qua lý trí. Thử tượng tượng xem nếu chúng ta tạo ra một cái gối rất có ý thức thì làm sao chúng ta gối lên nó để ngủ được? Chớ bao giờ phạm phải sai lầm mà Kant đã phê phán, đó là sự thái quá của lý trí.

PV: Trong 20 năm làm nghề, ông có bao giờ mắc phải lỗi do chưa nghiên cứu kỹ, chưa sàng lọc kỹ?

NTB: Không phải trong 20 năm mà ngay cả bây giờ tôi cũng có lúc mắc lỗi như vậy. Con người luôn luôn mắc lỗi. Con người mà không có lỗi nữa là con người chết, bởi cuộc sống luôn mới và con người luôn ngớ ngẩn trước cái mới. Tôi đã nói rằng một học sinh giỏi là người ra đến cửa lớp đã biết mình làm bài sai. Còn một học sinh dốt thì phải đến một tuần sau mới biết mình sai. Chúng ta phải rèn luyện để ra khỏi cửa là đã biết mình sai. Con người thường không nhận ra khuyết điểm của mình một cách nhanh chóng, cho nên chúng ta phải phấn đấu để nhận ra khuyết điểm của mình một cách nhanh nhất, chứ không phải là phấn đấu để không phạm lỗi nào cả.

Con người luôn luôn nhận ra sai lầm để tự hoàn chỉnh mình. Có những khi vừa nói xong là người ta đã biết mình sai. Nếu khôn ngoan thì người ta có thể điền ngay cái đúng vào để nó lấn át cái sai, tẩy cái sai đi. Nếu không làm được ngay như vậy thì người ta có thể thông báo về cái sai của mình sau đó. Thường thì trong một nửa số tình huống, tôi sửa cái sai đầu câu nói ở đoạn cuối của câu nói, một nửa các tình huống còn lại là tôi thông báo lại cái sai của mình. Phải hành động như thế mới trở thành người tử tế được, bởi một người tử tế là người biết sửa cái sai của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Anh (Vietimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét