Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

ĐẠI THẮNG 30/4/1975 MỞ RA KỈ NGUYÊN MỚI CỦA DÂN TỘC

Ong Xanh

Vậy là đã 40 mùa xuân trôi qua nhưng những giai điệu, âm vang về một quá khứ huy hoàng của dân tộc vẫn còn đó. Đại thắng 30/4/1975 xứng đáng là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc kiên cường chiến đấu, hy sinh đập tan ảo vọng của thực dân Pháp, đạp lên tham vọng của Đế quốc Mỹ để đi tới thắng lợi trọn vẹn như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”… Chiến thắng 30/4 là kết tinh của của nội lực dân tộc, của truyền thống văn hoá, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, quá khứ đã rời xa, đất nước sạch bóng quân xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi non sông. Đó là ngày đoàn tụ, sum họp: Non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải nơi nỗi đau chia cắt đất nước một thời nay chỉ còn là di tích lịch sử … Ngày 30/4 đánh dấu một trang sử mới cho sự phát triển của dân tộc, từ nay đất nước sẽ bước vào một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập tự do, hội nhập và phát triển cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt, với những nỗi đau chiến tranh mà dân tộc phải gánh chịu mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc.
Vì cuộc sống hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ 30 năm. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau hơn 20 năm đất nước đổi mới trong bối cảnh đất nước hoà bình, xã hội ổn định. Tinh thần chiến thắng 30/4 đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Sức mạnh và tinh thần đại thắng mùa xuân lịch sử đã dường như tiếp thêm tinh thần giá trị cho những con người Việt Nam hôm nay về lòng tự hào dân tộc, tiếp tục cố gắng nỗ lực hơn nữa phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân chủ, công bằng, văn minh. Chiến thắng 30-4-1975 là sự tôn vinh sức mạnh và niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhưng đâu đó, vẫn cất lên tiếng nói lệch lạc từ những người mang ý thức hệ xa lạ, ảo vọng khác xa với nhân dân và dân tộc mình, coi đó là ngày “quốc hận” – một cái nhìn ngu ngơ khờ khạo về lịch sử dân tộc, đi ngược lại tinh thần khoan dung, đồng thuận, đoàn kết của toàn dân ta; mục đích của họ chủ yếu là muốn reo rắc hận thù, chia rẽ dân tộc, đi ngược với trào lưu lịch sử, với tinh thần của dân tộc. Song, sự thật những gì diễn ra ở miền Nam suốt hai thập kỷ đã nói lên tất cả về cái tồn tại trong quá khứ của “bóng ma” chính thể Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên. Đó là một chính thể không có độc lập, tự chủ mà chỉ là lệ thuộc, sống bằng sự dung dưỡng của đế quốc Mỹ. Giải phóng miền Nam, là xóa bỏ một trật tự lỗi thời, lạc hậu, một sản phẩm “lỗi sản xuất” của lịch sử. Thắng lợi của chiến dịch mang tên Bác là một thắng lợi của chính nghĩa, đem lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân. Nuối tiếc cái đã lùi vào dĩ vãng để gieo rắc ý thức “quốc hận” là tự đào mồ chôn mình, đẩy họ đi xa hơn với đất nước, dân tộc. Tư tưởng, quan điểm đó nếu không phải là sự nuôi dưỡng, kích động sự thù địch, chia rẽ dân tộc một cách có chủ đích thì cũng là một nhận thức mơ hồ về sự thật lịch sử, đều tiếp tay cho kẻ thù, có hại cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc, cần phải phê phán, đả kích bài trừ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét