Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150406
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Khi nàng Helen quản lý kinh tế và tung đòn chính trị
* Thủ tướng Đức, dưới con mắt của một số dân Hy Lạp: Hitler tái sinh! *
Theo dõi trận đấu trí giữa Chính quyền Hy Lạp, do đảng Syriza lãnh đạo từ đầu năm nay, với Liên hiệp Âu châu EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Chính quyền Angela Merkel của Cộng hòa Liên bang Đức, chúng ta học được nhiều điều về nghệ thuật quịt nợ. Chuyện này có ích trong tình trạng đáng ngại là sau vụ khủng hoảng 2008, các nước đều không trả bớt nợ nần mà còn vay nhiều hơn trước nên rủi ro vỡ nợ lại gia tăng.
Syriza là chữ viết tắt bằng tiếng Hy Lạp của Liên minh các Lực lượng Thiên tả và Cực tả. Đây là các nhóm vận động chính trị gom lại thành phong trào, bên trong vẫn còn nhiều dị biệt. Và khái niệm Cực tả, Radical Left, gồm cả các nhóm cộng sản, từ Đệ tam đến Đệ tứ. Bài này thiếu chỗ liệt kê lý lịch của hơn hai chục nhóm ô hợp đó - vì chú trọng đến việc khác.
Sau khi hai chính đảng truyền thống là đảng Tân Dân chủ thuộc phe trung hữu và Xã hội PASOK thuộc cánh trung tả đều thất bại trong việc giải quyết vụ khủng hoảng manh nha từ năm 2008 và bùng nổ dữ dội vào năm 2010, quần chúng Hy Lạp thất vọng, Tháng Giêng vừa qua, họ dồn phiếu cho Liên minh Syriza với hy vọng giải quyết chuyện nợ nần mà không ảnh hưởng đến cuộc sống họ cho là đã quá khó khăn. Chủ trương mâu thuẫn và mị dân của Syriza khó thoả mãn ngần ấy yêu cầu và lại gây vấn đề cho khối Euro lẫn các định chế có trách nhiệm giải quyết như Hội đồng Âu châu, Quỹ IMF và Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB.
Đằng sau, bị trách nhiệm nặng vì gánh tài trợ và cấp cứu là Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel. Bà Merkel cần bảo vệ khối Euro vì quyền lợi kinh tế của Đức, nhưng nếu cái giá phải trả lại quá lớn - về kinh tế cho nước Đức và về chính trị cho đảng cầm quyền của bà – thì Đức đành cho Hy Lạp ra khỏi khối Euro của 19 nước trong Liên Âu gồm có 28 nước. Hậu quả sẽ là chuyện bất lường, mà đáng ngại.
Sau khi khái quát lại bối cảnh, chúng ta đi vào thực tế: đồng hồ đã điểm mà nàng Helen biểu tượng của Hy Lạp lại hết tiền.
Từ nay đến cuối năm, nàng Helen vẫn phải thanh toán nhiều khoản nợ theo lịch trình sẵn có. Hơn bù kém thì mỗi tháng trả gần hai tỷ Euro khi công khố đã cạn kiệt và ký thác vào ngân hàng bị hao hụt nặng từ năm ngoái. Vì vậy, sau nhiều đợt đàm phán gay go về khoản cứu trợ, thứ nhì, trị giá bảy tỷ Euro (7,7 tỷ Mỹ kim) mà chưa ngã ngũ, nàng Helen-Syriza tung ra hai đòn ngoạn mục, khá tiêu biểu cho tinh thần “kinh tế cũng là chính trị”.
Đòn thứ nhất là ăn vạ với quốc tế.
Ngày 10 Tháng Ba, Thủ tướng Alexis Tsipras đọc diễn văn trước Quốc hội và đề cập đến khoản bồi thường cho Hy Lạp những thiệt hại mà chế độ Đức quốc xã đã gây ra khi chiếm đóng xứ này từ 1941 đến 1944. Ít ai chú ý đến chuyện ấy, trừ tờ Der Spiegel của Đức có xu thế khuynh tả. Tạp chí này nói đến nỗi ân hận của dân Đức ngày nay về tội ác mà Đức quốc xã đã gây cho Hy Lạp ngày xưa. Giữa cuộc tranh luận nóng bỏng, dụng ý chính trị của tờ báo là điều độc giả thấy ra, nhất là khi nhiều lãnh tụ Syriza cũng đã ám chỉ tính chất “quốc xã” của bà Merkel.
Đòn thứ hai là đổ tội trong nội bộ.
Cuối Tháng Ba, Chính quyền Syriza đề nghị thành lập ủy ban điều tra trách nhiệm của các chính phủ tiền nhiệm khi giải quyết vụ khủng hoảng. Từ cuộc tranh cử cuối năm ngoái, Syriza đã nêu sáng kiến này. Bây giờ lại hâm nóng hy vọng, để giải tỏa sức ép từ cánh cực tả trong liên minh, về trách nhiệm của mình khi phải giải quyết di sản do các chính phủ trước để lại.
***
Nói về chuyện xưa trước.
Tháng Tư năm 1941, nước Đức dẫn đầu nước Ý trong phe Trục chiếm đóng xứ Hy Lạp cho đến Tháng 10 năm 1944, khi các nước Đồng Minh bước vào giải phóng Âu Châu và đánh tan phe Trục. Qua hơn ba năm chiếm đóng, việc tàn sát và bóc lột đã xảy ra với hậu quả thảm khốc cho nàng Helen. Sau khi chế độ Quốc xã sụp đổ, Hội nghị Bồi thường tại Paris cuối năm 1946 định ra việc các nước bại trận, như Đức, Ý và cả Bulgaria, phải đền tiền cho 23 quốc gia. Trong đó Hy Lạp được chừng 7% của tổng số, một con số thấp hơn những gì Helen đòi hỏi.
Nhưng vì tình thế đổi thay khi Liên Xô bành trướng vào Đông Âu và Trung Âu, khối Tây phương dời mục tiêu từ việc trừng phạt các nước phát xít qua việc bảo vệ Âu Châu. Chiến lược ấy dẫn đến việc liên kết với Tây Đức và tái thiết Tây Âu nhờ Kế hoạch viện trợ Marshall của Hoa Kỳ. Hy Lạp hưởng lợi về kinh tế, được yểm trợ để ngăn ngừa tổ chức cộng sản, đổi lại thì không đòi thêm tiền bồi thường. Năm 1953, tại hội nghị ở London, các nước Âu châu còn đồng ý giảm nợ cho Đức và năm 1960, Đức có trả thêm cho Hy Lạp 67 triệu đô la (115 triệu Đức Mã).
Năm 1990 Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước đồng minh kể cả Hy Lạp đều đồng ý xóa hết nợ cho Đức, khi ấy phải cáng đáng việc chuộc lại, thống nhất và tái thiết Đông Đức. Với nước Đức thống nhất, quyết định này bao gồm mọi khoản nợ của chế độ Quốc xã ngày xưa. Nhưng sau đó, một số quốc gia, kể cả Hy Lạp, vẫn viện dẫn nhiều trường hợp thiệt hại cụ thể vào thời chiếm đóng để đòi thêm. Nổi lên từ năm 1995, các cuộc tranh luận và kiện tụng ấy vẫn chưa chấm dứt.
Và càng khó dứt khi mà trong vụ khủng hoảng Euro, Đức lại có nền kinh tế giàu mạnh nhất. Ngón võ của Helen là nắm anh có tóc, không nắm anh trọc đầu. Nhất là anh có tóc còn có tội tổ tông. Ngón võ ấy quả là chiến thuật hữu ích khi cần chứng minh với quần chúng ở nhà quyết tâm tranh đấu của mình. Đến độ moi tội phát xít của Đức, và còn đòi gá nghĩa với Vladimir Putin!
Nhưng, nếu có nằm mơ mà đòi được đền một tỷ đô la – điều bất khả - thì vẫn chưa đủ lấp vào hồ nợ quá sâu. Chưa kể là sẽ bị Âu Châu trừng phạt cách khác, trong khi Putin cũng đã cạn láng.
***
Đòn đổ lỗi của nàng Helen-Syriza còn hung hiểm hơn trò nắm tóc.
Ủy ban điều tra mà Chính phủ Tsipras muốn thành lập lại nhắm vào cái tội của Chính quyền thuộc đảng PASOK khi đề nghị việc chuộc nợ đầu tiên vào giữa năm 2010. Chi tiết ấy đáng chú ý vì chĩa mũi dùi vào chính đảng thuộc cánh tả, và bỏ qua trách nhiệm của Chính quyền Tân Dân chủ thuộc cánh hữu. Đảng này lãnh đạo từ năm 2004 đến 2009 và có góp phần gây nên khủng hoảng. Cùng là đồng chí đồng hành người ta mới hạ đòn hung hiểm - ở dưới đầu gối.
Nếu Ủy ban hài tội này kết luận rằng PASOK có lầm khi thương thuyết điều kiện giảm nợ năm 2010 thì Chính quyền mới sẽ chiều theo ý dân mà đòi quịt luôn một phần của khoản nợ. Helen-Syriza đã mớm việc đó khi đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nhu cầu trả nợ và sẽ dùng kết quả điều tra của Ủy ban này để tranh thủ hậu thuẫn cho cuộc trưng cầu dân ý.
Khốn nỗi, dù đã lỡ thời và mất ghế sau bầu cử, đảng PASOK vẫn có quan hệ với hai thế lực lớn của xã hội Hy Lạp là doanh giới và nghiệp đoàn. Ngón võ của Syriza chưa chắc đã thuyết phục nổi phe cực tả trong liên minh mà còn khiến đảng PASOK dùng thế lực của mình để chống đối, khiến Chính phủ Syriza càng lâm nguy vì bất ổn.
Hy Lạp có thể lại bầu cử sớm, hoặc trưng cầu dân ý để nhất trí quịt nợ.
***
Bi kịch của nàng Helen xứ này là cử tri quên rằng các chính quyền tiền nhiệm đã khai gian thống kê để đủ tiêu chuẩn gia nhập khối Euro. Sau đó họ hưởng lợi nhiều hơn khả năng và nay vẫn muốn hưởng qua lời hứa hẹn của Syriza. Và, một mâu thuẫn khác mà cũng là mối nguy cho Syriza, là đa số dân chúng Hy Lạp ngày nay vẫn muốn xứ sở nằm trong khối Euro!
Kết luận ở đây là Syriza có thể mị dân thì cũng vì người dân vẫn chưa trưởng thành!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét