Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150408
Sự trùng hợp giữa bản đồ khí hậu và bản đồ chiến sự…
* Hiệu ứng El Nino - Không chỉ có tại Hoa Kỳ *
Ngày mùng chín này, Trung tâm Dự báo Thời tiết của Hoa Kỳ có thể chính thức xác nhận sự tái xuất hiện của hiện tượng khí hậu được gọi là “El Niño”. Khi cư dân California đang ưu lo về nạn hạn hán và quyết định hạn chế sử dụng nước thì việc El Niño trở lại có thể là tin vui, hay buồn, vì sẽ ảnh hưởng đến mực nước mưa hay độ ẩm.
Nếu tò mò nhìn xa hơn lãnh thổ, ta thấy ra một chuyện khác: tại Trung Đông, chiến sự bùng nổ giữa tổ chức khủng bố Hồi giáo xưng danh “Nhà nước Hồi giáo” (IS hay ISIS Islamic State of Iraq and Syria, hay ISIL Islamic State of Iraq and the Levant) với các Chính quyền Hồi giáo chung quanh có khi liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước trên một vùng đất rất khô cằn của địa cầu. Người ta có thể giết nhau vì tư tưởng tôn giáo của mình, hay vì dầu hỏa, hoặc lãnh thổ, v.v… Nhưng cũng có thể giết nhau vì nước.
Chú bé El Niño sẽ tác động thế nào đến sự kiện này?
El Niño và La Niña
Từ đã lâu, có thể là từ năm ngàn năm trước, người ta nghiệm thấy khí hậu mặt nước tại miền Nam Thái bình dương có chu kỳ dao động từ ấm qua lạnh và ngược lại. Giới khoa học chưa giải thích được nguyên do một cách thỏa đáng, nhưng theo kinh nghiệm thì họ gọi đó là El Niño Southern Oscillation, viết tắt là ENSO. Dao động miền Nam.
Khu vực bị ảnh hưởng là luồng hải triều, dòng nước biển, tại miền Trung và Trung-Đông của Thái bình dương dưới đường Xích đạo, kể cả bờ biển Thái bình dương của lục địa Nam-Mỹ.
Một cách cụ thể thì nhiệt độ mặt biển có thay đổi và ảnh hưởng đến áp suất không khí (hay khí áp) trên một khu vực rộng lớn. Khi nhiệt độ mặt biển ấm hơn thì khí áp tăng tại miền Tây biển Thái bình, giảm tại miền Đông và làm mưa nhiều hơn. Người ta gọi chu kỳ đó là El Niño. Khi nhiệt độ mặt biển trở thành lạnh hơn, khí áp cũng thay đổi ngược, thấp tại miền Tây và cao tại miền Đông Thái bình dương, người ta gọi đó là La Niña.
Về nguyên ngữ, vì sự dao động thường khởi sự vào mùa Giáng Sinh, dân Nam Mỹ gọi hiện tượng đó bằng tiếng Tây Ban Nha là “Chú Bé Hài Đồng”, nguồn gốc của chữ El Niño. Ngược lại là “Bé Gái”, La Niña.
Người ta còn nghiệm thấy sự kiện khác: chu kỳ dao động tại miền Nam (Southern Oscillation) có thể kéo dài từ ba đến 10 năm, nhưng hình như ngày càng thường xuyên hơn.
Bài này xin lược bỏ nhiều khía cạnh và thuật ngữ chuyên môn khác vì cần tập trung vào hậu quả.
Hậu quả trước tiên là thời tiết đổi thay có thể ảnh hưởng đến mùa màng, sản lượng nông phẩm và giá lương thực. Nếu nhờ hiện tượng thời tiết ấy mà sản lượng tăng thì giá có thể hạ do tương quan cung cầu. Cho nên giới kinh doanh trong các lãnh vực ấy đều chú ý đến chú bé El Niño.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ có một cơ quan theo dõi tình hình hải dương và khí quyển, gọi là National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA), là tổ chức có thẩm quyền xác nhận hiện tượng dao động thời tiết này đặt trong viễn cảnh dài. Theo định nghĩa thì sự dao động phải kéo dài từ năm đến bảy tháng thì mới thật sự là có giao mùa. Hôm mùng năm Tháng Ba, NOAA chính thức thông báo thời tiết Thái bình dương đã có dấu hiệu El Niño vì nhiệt độ mặt biển tăng 0,5 độ Celsius (0,9 độ F) kể từ Tháng 10.
Nếu chiều hướng ấy tiếp tục đến mùng chín Tháng Tư thì NOAA chính thức xác nhận sự trở về của Chú Bé El Niño.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ có một cơ quan theo dõi tình hình hải dương và khí quyển, gọi là National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA), là tổ chức có thẩm quyền xác nhận hiện tượng dao động thời tiết này đặt trong viễn cảnh dài. Theo định nghĩa thì sự dao động phải kéo dài từ năm đến bảy tháng thì mới thật sự là có giao mùa. Hôm mùng năm Tháng Ba, NOAA chính thức thông báo thời tiết Thái bình dương đã có dấu hiệu El Niño vì nhiệt độ mặt biển tăng 0,5 độ Celsius (0,9 độ F) kể từ Tháng 10.
Nếu chiều hướng ấy tiếp tục đến mùng chín Tháng Tư thì NOAA chính thức xác nhận sự trở về của Chú Bé El Niño.
Chú Bé Làm Mưa
Nếu Chú Bé trở về thì những gì có thể xảy ra trên bầu khí quyển của lãnh thổ Hoa Kỳ?
Trời sẽ nhiều mưa hơn, khiến nạn hạn hán nhất thời chấm dứt trên các Bình nguyên miền Nam và vùng Đông Nam của nước Mỹ. Nhưng tình trạng hạn hán kéo dài tại các tiểu bang California, Texas và Oklahoma cùng khu vực ở hướng Tây Nam của rặng núi Rocky Mountain vẫn không thay đổ nhiều. Các đỉnh tuyết bị giảm trên khu vực này làm giảm lưu lượng sông ngòi ở miền Tây nước Mỹ. Chúng ta có gặp nhiều mưa hơn, thơ mộng lắm, nhưng vẫn thiếu nước!
Chưa hẳn là tin vui.
Thứ nữa, đỉnh tuyết trên vùng Đại Hồ (Great Lakes) ở miền Bắc đang làm giảm nhiệt độ tại khu vực Đông Bắc và khu vực Trung-Tây (Mid-West, không phải là Trung Quốc và Tây Phương!) Hiện tượng ấy đã đẩy lui mùa gieo trồng. Nếu mà Chú Bé trở về, người ta chờ đợi là thời tiết sẽ ấm hơn vào cuối Xuân với nhiều cơn giông trên vùng Đông Nam.
Kinh nghiệm quá khứ cho biết là trong những năm có hiện tượng thời tiết này, việc canh tác ngũ cốc tại Hoa Kỳ có thể gặp trở ngại ban đầu, vì trễ hơn, nhưng sau cùng sản lượng lại tăng khiến giá sẽ giảm. Chi tiết ấy trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả tương lai của thị trường thương phẩm (commodities futures).
Ngoài ra, người ta vẫn chưa biết được rằng hiện tượng này kéo dài bao lâu. Cho đến mùa Hè năm nay hay sẽ là qua vài năm tới?
Nhìn rộng ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ, người ta cũng chưa biết rằng hiện tượng thời tiết ấy tại Mỹ có liên hệ hoặc là thuộc về hệ thống thời tiết của cả khu vực rộng lớn là miền Trung biển Thái bình (Central Pacific) hay không. Chi tiết ấy rất quan trọng vì cho phép dự đoán thời tiết của cả miền Tây khu vực Bắc Mỹ qua tới các nước Á Châu.
Nói cách khác, về cả không gian rộng hẹp lẫn thời gian dài ngắn, có nhiều điều mà con người ta chưa hiểu hết được!
Hiện tượng dao động thời tiết (nhiệt độ mặt biển, khí áp và độ mưa) không chỉ thu hẹp vào vùng biển Thái bình dương mà thật ra có ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác, từ Ngũ Đại Hồ của Hoa Kỳ qua tới Đại tây dương. Chẳng hạn như từ năm ngoái đến nay, Chú Bé El Niño khiến các thành phố São Paulo và Rio de Janeiro của xứ Brazil bị khô hạn, nhưng hai xứ Brazil và Argentina lại được mùa đậu nành. Ngược lại, ba nước Chile, Peru và nhất là Venezuela sẽ khốn đốn nặng.
Nếu chỉ nhìn vào các bản đồ thời tiết khi El Niño xuất hiện ta cũng đủ hoa mắt vì hiện tượng tuyết lạnh tại Bắc Mỹ và Đông Á, rồi lạnh mà khô ở Âu Châu. Và Chú Bé Hài Đồng còn quét sang vùng Trung Đông. Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu chuyện đó ở một khu vực cực nóng vì khói súng.
El Niño Tại Trung Đông
Giới chiến lược gia thường nói đến các yếu tố tôn giáo, chính trị khiến tổ chức ISIL bành trướng hoạt động trên một khu vực rộng lớn. Lực lượng khủng bố Hồi giáo này không là những tay mơ như Tổng thống Barack Obama đã đánh giá sai vào đầu năm ngoái. Họ gây chấn động toàn cầu và làm đảo lộn tương quan lực lượng lẫn quan hệ chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực.
Nhưng vì sự tái xuất hiện của Chú Bé Hài Đồng, chúng ta có thể nhìn vào thời tiết trong khu vực. Và phát giác nhiều sự lạ.
Ngày mùng hai Tháng Ba, một phúc trình của US Proceedings of National Acedemy of Science đã lôi kéo sự chú ý của nhiều người khi nhận định rằng “ảnh hưởng của con người với khi hậu có chi phối cuộc xung đột hiện nay tại Syria”. Tìm hiểu sâu hơn thì ta được biết rằng nạn hạn hán kéo dài trong năm năm 2007-2011 khiến nông gia phải đưa gia đình chạy vào thành phố và gây thêm nhiều biến động mà thời sự gọi là Cách mạng Dân chủ hay Phong trào Khủng bố tại nhiều nơi.
Từ nhận xét đó của viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, người ta mới nhìn ra nhiều yếu tố khác.
Khu vực Trung Đông chỉ có 10% nguồn nước là thường trực. Ngoài ra, kể cả lưu lượng các con sông lớn - như Tigris và Euphrates (Lưỡng Hà, hai sông, tại Iraq), sông Nile của Ai Cập và sông Jordan cùng các phụ lưu – hay mực nước mưa vào mùa Xuân hoặc các khe suối, đều có thời giảm sút mạnh. Đã vậy, nguồn nước quý báu của sông ngòi lại chảy qua biên vực của nhiều sắc dân theo các hệ phái Hồi giáo khác nhau. Vì thiên nhiên thôi, người ta đã phải giành nước để sống. Mầm xung đột có thể đã tiềm ẩn trong địa dư.
Chưa hết khổ.
Giới khoa học còn tìm ra được những chu kỳ dao động dài và ngắn của thời tiết trên vùng Đại tây dương. Dài đến nhiều thập niên là Atlantic Multidecadal Oscillation (AMO) bao trùm lên chu kỳ ngắn của Bắc Đại tây dương là North Atlantic Oscillation (ANO).
Từ nhiều thế kỷ rồi, các học giả đã nghiên cứu về hiệu ứng dao động ngắn của chu kỳ ANO trên vùng Trung Đông nên giải thích được sự thịnh suy của nhiều khu vực. Như “Vành Cung Trù Phú” (Fertile Crescent) thuận tiện cho việc canh tác tại lưu vực Lưỡng Hà của hai con sông Tigris và Eurphrate từ Syria và miền Đông của Địa trung hải, bao trùm lên lãnh thổ Iraq qua tới Iran xuống đến vùng Vịnh.
Khi thời tiết dao động tại Bắc Đại tây dương (hiện tượng ANO) thì khí ấm và nước mưa thường dồn về vành cung này. Ngược lại, chu kỳ dao động dài (AMO) có thể gây hiệu ứng khác và là vấn đề cho một vung rộng lớn và nhiễu nhương thời nay: hết nước! Nếu lại bị bồi thêm hiệu ứng El Niño như đang xảy ra, tình hình sẽ thành nguy ngập trên một vùng sinh sống của hơn 80 triệu dân.
Từ các dữ kiện ấy mà nhìn lại thì người ta thấy tổ chức ISIL đã bành trướng lực lượng tại những nơi có nước, lại còn dùng nước làm võ khí, như chặn nhiều đập nước để gây thêm hạn hán. Di dân đói ăn và khát nước phải chạy vào vòng kiềm tỏa và sinh sát của quân khủng bố.
Nói cách khác, ngoài các lý do vốn dĩ đã quá phức tạp, như sắc tộc, hệ phái tôn giáo, tuyên truyền, bạo động hay năng lượng, khu vực Trung Đông còn đang có một cuộc “chiến tranh vì nước”.
Chúng ta rất nên theo dõi chuyện này, từ một giác độ mở rộng, của Hiệu ứng El Niño với cuộc Thánh Chiến Jihad của đạo Hồi.
Kết luận ở đây là gì?
Quốc gia nào kiểm soát được lượng nước trên thượng nguồn, lại còn dùng nước làm võ khí để gây thiệt hại và sát hại người dân xứ khác thì hành xử cũng gian ác như quân khủng bố.
Có một xứ đang kiểm soát và lạm thác từ đỉnh tuyết Hy Mã Lạp Sơn tới Cao nguyên Thanh Tạng, thượng nguồn của các con sông lớn tại Đông Á và gây họa cho các quốc gia khác… Đấy là Trung Quốc, một vấn đề của thế giới.
Chúng ta biết quá ít về tình hình nước nôi tại Đông Nam Á để huy động các nước cùng giải quyết vấn đề này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét