Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

“Sên Bò Trong Óc Máu Thầm Rơi”`



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150407
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Từ Lò Vi Ba Đến Con Ốc Xoáy   


* Điện thoại "yêu nước" của Samsung - Hình quảng cáo *



Nhân khi lo chuyện “cư an tư nguy”, chuẩn bị ứng chiến ngay trong thời bình, Hoa Kỳ phát minh ra cái lò vi ba, microwave, nhờ một tai nạn nhỏ trong phòng thí nghiệm.

Raythenon là doanh nghiệp đang có hợp đồng với bộ Quốc Phòng để nghiên cứu làn sóng nhỏ li ti, vi ba, cho hệ thống radar. Một nhân viên gặp tai nạn nhỏ là cái kẹo trong túi bỗng chảy thành nước. Nhà khoa học đẩy trí tò mò đi xa hơn, và nghĩ đến một cái lò điện. Raytheon bèn hợp tác với một đồng nghiệp là Litton, và phát minh cái lò đầu tiên vào năm 1949. Đấy là khoa học.

Mà họ không thành công.

Vì bước qua doanh trường, các hãng sản xuất đồ gia dụng chưa thấy vật này là hấp dẫn. Lò điện thì nhà nào mà chẳng có rồi? Sản xuất thêm một loại lò mới thì chưa chắc đã ăn khách. Huồng hồ dân Mỹ thời ấy chưa quen với kiểu biến thực phẩm đông lạnh thành món ăn nghi ngút khói trên bàn. Đi tiên phong thường là người cô đơn.

Nhẹ nhất là bị đằng sau móc túi. Có khi còn bị bắn vào lưng!

Nhưng từ bên kia đại dương, người Nhật lại nghĩ khác về cái lò nhỏ bé và mới lạ này. Xứ Nhật thì đất chật người đông, cái gì cũng phải thu vén. Hình ảnh “một căn nhà nhỏ đi về có nhau” của ta có thể là một bức tranh Nhật. Bên trong, cái gì cũng nhỏ, từ ngôi vườn, phòng ốc đến bếp núc. Và đa số thức ăn thì phải hâm lại. Cái gì cũng nho nhỏ xinh xinh như hòn non bộ.

Chỉ có cái chí là vĩ đại.

Dân Nhật tự cho là phải anh hùng lắm thì mới là người Nhật. Một quần đảo khô cằn hiểm trở trên vùng giá lạnh, lại dựa lưng nỗi chết là núi lửa, động đất và sóng thần. Người Mỹ nghĩ đến một lãnh thổ vô cương, một thế giới bạt ngàn. Dân Nhật thì thu vén không gian để thủ cho chắc. Khi bung ra thì thiên hạ chấn động.

Quả vậy, họ nhìn cái lò vi ba dưới con mắt khác người Mỹ, khi đó còn lạng quạng.

Trong phòng, khách đang hì hục nạo dừa và cho bánh đa vào lò vi ba. Bấm vài phút là có món nhậu với rượu đế của Nga. Sắp đến hạn trả thuế, chủ khách đều ra vẻ khắc khổ bên mấy bài “hài cú” treo trên tường. Để khách ngồi thanh đạm và trịnh trọng như một anh Nhật buồn, chỉ uống Vodka với bánh đa cùi dừa, người viết này nói chuyện kinh bang tế thế!

Khách lại treo cái lông mày như dấu hỏi. - Bố khỉ, chữ “kinh tế” là xuất phát từ đó…. Nhưng sẽ nói sau.

***


Trở lại cái lò vi ba, Hoa Kỳ phát minh ra một thứ gia dụng mà chưa thấy đắc dụng.

Người Nhật mua về, cải tiến và trở thành nhà sản xuất lớn. Dân số chẳng đông, mà sản xuất nhiều thì mới rẻ, nên họ sản xuất để xuất cảng. Làm sao bán một cái ý mới trong món hàng mới mà nhiều người chưa thấy ra công dụng? Ấy vậy mà Nhật Bản vẫn thành công.

Và thế giới biết đến cái lò kỳ diệu nhờ hệ thống Nhật và sản phẩm của Matsushita hay Sanyo, v.v... Năm 1970 thì mua sáu chục vạn, đến 1975 thì thị trường đếm được hơn hai triệu. Năm 1975 đó, chúng ta còn đếm tổn thất và bọn man rợ thì đếm chiến lợi phẩm khi tiếp quản và cải tạo miền Nam.

Đấy là lúc Hoa Kỳ giật mình.

Đại gia General Electrics  - với các sản phẩm gia dụng mà gia đình nào cũng có - bèn vào cuộc như một máy ủi lô. Rầm rộ. Vài năm sau, là khi Hà Nội bị Tầu “cho một bài học” vào năm 1979, thì thị trường vi ba tại Mỹ mới lần đầu tiên vượt thị trường Nhật. Nhưng lò Nhật vẫn chiếm 25% thị trường này của Hoa Kỳ.

Khách ngồi bên lại thở hắt: Mỹ phát minh ra lò từ năm 1949, mà chê. Đến ba chục năm sau mới chụp lại một ý cũ của mình sau khi Nhật đã áp dụng và hái ra tiền của dân Mỹ? Mẹ kiếp! Vậy mà vẫn có đứa luận rằng “Cái gì Mỹ cũng biết!”

Thật ra, nhiều người Mỹ còn không biết rằng sau lưng Nhật Bản lại có Đại Hàn đang chồm tới.


***


Dân Nhật tin là phải anh hùng và hơi bi thảm thì mới muốn làm người Nhật. Trên bán đảo Triều Tiên thì người Cao Ly cho rằng phải anh hùng lắm thì mới tồn tại.

Địa thế của tổ tiên là nơi mà Tầu ra Nhật vào đã nhiều lần trong lịch sử. Hai lân bang đó mà cứ choảng nhau là lại thi thố võ công trên đất Triều Tiên đã! Trong thế kỷ 20, Đại Hàn bị Nhật chiếm đóng và dạy dỗ mấy chục thập niên. Khi Nhật rút là lúc Tầu vào - Chiến tranh Cao Ly.

Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc năm 1953, mà mới chỉ là tạm ngưng bắn thôi.

Thời Nhật Mỹ tranh đua với cái lò vi ba - và dân ta thống khổ vì trò “giải phóng” của miền Bắc bị cộng sản thống trị - xứ Đại Hàn còn quá nghèo. Thuộc loại nghèo nhất thế giới với lợi tức người dân chỉ bằng 10% của dân Mỹ.

Thị trường Đại Hàn nghèo và nhỏ hơn Nhật trên một vùng bị thiên nhiên bạc đãi còn hơn đất Phù Tang. Mà lại bị chia đôi! Nhật thì lo núi lửa, chứ Đại Hàn thì nằm dưới tầm đạn Bắc Hàn. Đằng sau là Hồng quân Liên Xô và các sư đoàn Giải phóng quân của Trung Quốc.

Đấy là bối cảnh của chuyện “kinh bang tế thế”.

Khách buông miếng cùi dừa, chằm chằm nhìn vào màn ảnh rực rỡ hiệu Samsung. Chẳng là Âu Châu phát minh ra chữ “kinh tế” hay “economy”, bằng cách ghép tiếng Hy Lạp, gồm có “eco” với “nomia”, có nghĩa khiêm nhường ban đầu “quản trị gia đình”. Nhưng Á Châu có tham vọng hơn, nên ghép câu “kinh bang” với “tế thế”.

Âu Châu mới chỉ muốn “tề gia” chứ tại phương Đông, người ta còn muốn trị quốc để bình thiên hạ cơ. Đấy là nguyên ngữ của chữ “kinh tế”.

Nó nổi bật trong cái lò tôn nhỏ xíu.

Thấy khách lẩm nhẩm trong miệng, người viết lập tức can ngăn: ai nói lái là kẻ có tội, chứ quân tử không nói bậy!

Chưa kể nhiều ngành khác, Tổ hợp Samsung của Đại Hàn cũng có một phân cục sản xuất đồ điện gia dụng như máy giặt máy xấy, v.v…. Nhưng vì thị trường quá hẹp nên phải nghĩ đến xuất cảng.

Năm 1976, dù cả nước Đại Hàn chưa hề có một tháp phát hình màu, Samsung đã nghiên cứu để sản xuất truyền hình màu. Cũng năm đó, khi Nhật đang giữ thế mạnh trên thị trường “microwave”, Samsung còn chưa biết làm sao chế ra ra cái lò. Nhưng đã nghĩ đến sản xuất để… bán sang Mỹ.

Viễn kiến ghê người!

Một toán đặc nhiệm của Samsung bay qua Mỹ qua Nhật tiếp xúc và mua lò vi ba về. Trong “phòng thí nghiệm” còn nhỏ hơn lớp trung học, kỹ sư của họ tháo tung mấy cái lò mới nhất của G.E., Toshiba, Matsushita hay Litton - để học. Và đêm ngày nghiên cứu bất kể ngũ nghê để biết về kỹ thuật và từng cơ phận cần thiết.

Rồi biết thêm là cơ phận nào thì mình sản xuất được, bằng máy gì, thiết trí ở đâu với cái giá là phải rẻ hơn của Mỹ của Nhật. Còn bộ phận nào chưa làm được thì mua, hoặc hùn hạp với nhà sản xuất để mua với giá rẻ, rồi sẽ sản xuất lấy cho mình.

Họ mất cả năm cho cái ống magnetron, bộ phận then chốt vì phát ra sóng điện từ chân không. Các doanh nghiệp Nhật từ chối không mua bán gì cái kỹ thuật bí truyền ấy, Samsung chỉ còn một nơi gõ cửa là công ty Amperex của Mỹ tại Rhode Island. Qua tới nơi mới biết Amperex đã phá sản vì không cạnh tranh nổi với Nhật! Samsung đành phải làm lấy mà thôi.

Và họ hỳ hục sản xuất để bán, ban đầu là một vài ngàn cái bán cho JC Penny…. Mới lượm bạc cắc thôi.

Tại Hoa Kỳ, đại gia G.E. bắt đầu thấm mệt vì đi quá trễ vào một thị trường đã rơi vào tay Nhật ngay trên đất Mỹ. Vì Nhật cố tình bán rẻ để lấn đất giành dân hay vì Matsushita, Toshiba có hiệu năng cao hơn? Giới chính trị gõ vào lòng yêu nước lã mà tri hô là doanh nghiệp Nhật cố phá giá để cướp lấy việc làm của dân Mỹ! Lý luận rất nông của đảng Dân Chủ.

Tổ hợp G.E. thì thận trọng hơn và qua tận nơi tìm hiểu. Nhờ đó khám phá là chẳng những doanh nghiệp Nhật có năng suất cao nên mới bán rẻ, mà trên chiến trường còn có thêm một tay kiếm sĩ cầm đoản đao là Samsung, với hỗn danh là Tam Tinh!

Gom lại cho gọn: sau nhiều năm đắn đo đau lòng, kể cả dẹp luôn một xưởng sản xuất của mình, đại gia General Electrics quyết định là giao cho Samsung làm lò cho mình bán trên đất Mỹ. Rẻ và tốt hơn! Thời ấy, dân tỵ nạn của ta mà mua lò microwave có nhãn G.E. thì cũng chẳng để ý đến hàng chữ ở dưới: “Made in Korea”.

Đấy là lò của Samsung.


***


Chúng ta vừa thoáng chạy qua một chiến trường không tiếng nổ, là thị trường sản xuất loại gia dụng tầm thường là cái lò vi ba.

Trên chiến trường ấy, ba tay kiếm sĩ Mỹ Nhật Hàn giao đấu bằng trí tuệ: khả năng sáng tạo, tổ chức và sản xuất để phục vụ người mua. Ai khéo hầu khách thì lên làm vua. Lưỡi gươm thiêng do Raytheon rèn được từ 1949 lại bị bỏ xó. Nhật Bản nhặt lên, múa được mấy mùa trên cõi trời Âu-Á-Mỹ. Sau cùng, G.E. đành nhường đất và liên thủ với Samsung để kháng cự…. Từ đó, Samsung trở thành đệ nhất cao thủ về đòn vi ba, môn võ công họ chưa từng biết mới chỉ 10 năm về trước.

Ngày nay, ngay trên đất Mỹ, Samsung đang tranh ngôi của Apple trên võ đài “smart phones”.

Hàng ngày, ta thấy quảng cáo và phân vân giữa Samsung Galaxy S6 gì đó với cái iPhone S6+ - mà bà con ta gọi là “Sáu Cộng”. Và đọc tin kinh tế thì ta giật mình khi thấy Samsung đề ra chỉ tiêu năm nay sẽ xuất cảng 32 tỷ đô la sản phẩm chế tạo tại hai xưởng Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Trận đánh giữa Samsung và Apple đã xuất hiện ngay tại Việt Nam, với các chỉ huy trưởng người Hàn người Mỹ. Và bên dưới là đạo quân của các kỹ sư và nhân công Việt Nam.

Trong khi ấy, anh Sáu Cộng thật ngồi ở cõi Ba Đình thì than là cái đinh ốc ta còn chưa sản xuất nổi. Tại sao?... Câu hỏi cứ như con sên bò trong óc vậy.

Thấy khách rưng rưng nước mắt về phận nước, người viết bèn an ủi bằng thơ Vũ Hoàng Chương:

Dấu hỏi vây quanh suốt cả đời:
Sên bò trong óc, máu thầm rơi.
Cuối đời một dấu than buông lửng:
Đinh đóng vào săng tiếng rụng rời!

Lời giải ở đây là dân ta bị con ốc xoáy vào bộ não từ những năm nảo năm nào. Phép giải ở đây là… lấy đinh mà đóng vào săng. Anh Sáu Cộng mà yên nghỉ ngàn thu cùng đồng loại là côn trùng giun dế thì dân ta mới khá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét