Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

NHÂN QUYỀN Ở MỸ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

William Trần

Tôi xin mở đầu bài viết bằng một trích dẫn nổi tiếng trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Như vậy, ngay từ rất sơm, Mỹ đã sớm nhận ra và tuyên bố những điều hết sức đúng đắn và cần thiết về quyền của con người. Thông điệp đó được các quốc gia trên thế giới tích cực hưởng ứng và cố gắng hướng đến. 
Và rồi cùng kể từ đó, Mỹ luôn tự cho mình là mẫu mực, là tấm gương sáng về nhân quyền để các quốc gia khác trên thế giới phải học tập. Cao hơn, khi Mỹ luôn cho mình cái quyền là đi bảo vệ quyền con người trên thế giới… Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề nhân quyền của Mỹ từ trước tới nay đều có “vấn đề”. 
Nhìn lại lịch sử, người Mỹ luôn có trong mình tư tưởng bành trướng, chính vì vậy, họ đã không ngừng đầu tư về mọi mặt để phát triển quân đội. Do đó, quân đội Hoa Kỳ đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và sớm trở thành một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, với những vũ khí tối tân, hiện đại. Dưới sự lãnh đạo của bộ máy Nhà nước, họ đã tiến hành nhiều cuộc chiến, trận đánh ác liệt trong lịch sử. Tuy nhiên, điều mà nhiều người biết đến quân đội Hoa Kỳ không phải là sự mạnh mẽ, uy quyền mà là những tội ác chiến tranh chống lại loài người. Những vụ vi phạm nhân quyền hết sức nghiêm trọng. Đã có nhiều chỉ trích, buộc tội cùng những chứng cứ cụ thể tố cáo tội ác của quân đội Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh cũng như những vi phạm nhân quyền đối với những nơi có sự hiện diện của họ. 
Để dẫn chứng cho điều đó, trước hết chúng ta nhớ lại trong cuộc chiến tranh với người da đỏ, quân đội Hoa Kỳ đã nhanh chóng chiếm lấy những mảnh đất màu mỡ, đày người da đỏ vào những vùng có điều kiện khó khăn. Nhiều quan điểm cho rằng đây không chỉ là một cuộc chiến mà còn là một cuộc diệt chủng quy mô lớn. Đúng vậy, theo tác phẩm tựa có đề Tàn sát ở Mỹ của tác giả David Stannard thì cho rằng cuộc càn quét sát hại người bản địa qua nhiều chiến dịch của người châu Âu và các thế hệ sau (ý muốn nhấn mạnh người da trắng Hoa Kỳ mà quân đội của họ là trung tâm) là một hành động diệt chủng khổng lồ nhất trong lịch sử nhân loại. Theo Russell Thornton thì khoảng 45.000 người da đỏ bị giết (gấp đôi số người da trắng) - trong đó có nhiều đàn bà và trẻ em. Theo ước tính người da đỏ có vào khoảng 15 triệu khi người Tây phương bắt đầu xâm lược, chỉ còn lại chưa đầy 250 ngàn vào năm 1890. 

Trong chiến tranh thế giới thứ II, đã có những cáo buộc về tội ác của quân đội Hoa Kỳ. Trong trận Okinawa, các nhà sử học Nhật Bản ước tính có trên 11.5 nghìn phụ nữ Nhật bị lính Mỹ cưỡng hiếp trong chiến dịch kéo dài 3 tháng này. Tờ New York Time thông báo khoảng 2000 dân thường trong 1 làng ở Katsuyama bị lính Mỹ giết và cưỡng hiếp. Tội ác đáng kể nhất của Hoa Kỳ là Vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki theo lệnh của Tổng thống Harry Truman. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó, số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân. 

Còn trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Quân Mỹ đã tiến hành hơn 200 lần thảm sát thường dân, trong đó có vụ Thảm sát No Gun Ri (No Gun Ri Massacre) từng gây chấn động dư luận. Và cũng trong thời gian này quân đội Mỹ đã thả bom Napal, độc ác hơn chúng còn sử dụng vũ khí sinh học bằng cách thả côn trùng gây bệnh cho người và lúa ở vùng quân đội Trung Quốc và Bắc Triều Tiên kiểm soát. 

Những điều đó đã nói lên những tội ác man rợ mà chính người Mỹ đã gây ra cho loài người, tuy nhiên vẫn chưa hết. Trong chiến tranh xâm lược Philippines tướng Mỹ Jacob Smith đã “lạnh lung” hạ lệnh “Giết tất cả người nào trên 10 tuổi” (Kill everyone over ten). Câu ở dưới tranh biếm họa (1902) là: “Họ là tội phạm chỉ vì họ sinh ra 10 năm trước khi chúng ta lấy Philippines” (Criminals Because They Were Born Ten Years Before We Took the Philippines). 
Riêng đối với chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã chà đạp các “quyền” mà bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ đã vạch ra, kể cả luật pháp quốc tế, thực hiện một cách có hệ thống việc bắt bớ, tra tấn, hãm hiếp, bắn giết dân thường và tù binh, đặc biệt là việc thực hiện những cuộc thảm sát hàng loạt (điển hình là vụ thảm sát 504 thường dân ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi năm 1968). Ngoài ra quân đội Mỹ còn sử dụng những phương tiện chiến tranh đã bị các công ước quốc tế nghiêm cấm như: bom bi, bom lân tinh, chất độc hoá học, đặc biệt là chất độc da cam dioxin... 

Khi tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, tháng 11/1965, tướng Curtis Lemay chỉ huy lực lượng Không quân chiến lược Mỹ đã trắng trợn tuyên bố “sẽ đẩy lùi miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. 

Không dừng lại ở đó, năm 1999, Mỹ đã dẫn đầu khối NATO ném bom tàn phá Nam Tư, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thường dân. Tính chung, NATO và quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện 35.000 chuyến bay ném bom, huy động gần 1.000 máy bay và trực thăng các loại, ném xuống Nam Tư 79.000 tấn thuốc nổ (trong đó có tổng cộng 37.400 quả bom chùm, loại phương tiện chiến tranh bị các công ước quốc tế ngăn cấm). Tổng số thiệt hại đối với các cơ sở công nghiệp, giao thông vận tải và dân sự của Nam Tư theo các đánh giá của báo chí Việt Nam dao động từ 60 đến 100 tỉ USD. Ước tính có gần 2.500 dân thường bị thiệt mạng (trong đó có 89 trẻ em), chưa kể gần 12.500 người bị thương 
Trong cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, quân đội Hoa Kỳ cũng bị đưa tin là đã gây nhiều tội ác đối với thường dân nước này, nhiều vụ thảm sát thường dân được báo chí đăng tải. Điển hình là vụ ngày 19/11/2005, với 24 người ở Iraq. Hay nhiều vụ giết hại thường dân một cách tàn nhẫn đã bị phanh phui, trong đó có những vụ giết hại thường dân Afghanistan. Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy trong các chiến dịch, quân đội Hoa Kỳ cũng đã giết nhầm dân thường. 

Đặc biệt, gần đây nhất, chính những người thực thi nhiệm vụ bảo vệ con người ở Mỹ lại ra tay cầm súng giết chết con người. Ngày 09/8 một thanh niên da màu 18 tuổi tên là Michael Brown bị bắn chết bởi một cảnh sát da trắng ở ngoại ô thành phố Ferguson (Mỹ); thanh niên này đã bị bắn trúng ít nhất 6 viên đạn. Sự việc này đã dẫy lên làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ ở thành phố Ferguson. Sau đó 10 ngày (ngày 19-8), tại thành phố St. Louis, 2 cảnh sát địa phương lại tiếp tục nổ súng bắn chết một nam thanh niên da màu trong bối cảnh tình hình bạo động tại thành phố Ferguson ở gần đó chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc mà người Mỹ đã vi phạm nguyên tắc “vàng” mà mình đặt ra… 
Như vậy, những danh xưng do Mỹ tự nghĩ ra về nhân quyền, đặc biệt là việc tự trao cho mình cái quyền đi bảo vệ quyền con người trên khắp thế giới chỉ là cái hào quang bong bong. Còn trên thực tế lại trái ngược hoàn toàn, bởi với những gì mà người Mỹ đã và đang làm chỉ cho chúng ta thấy một đất nước hống hách, bất công giữa con người với con người và không có được cái gọi là “bình đẳng, bác ái”, “vì con người”. Và các nhà lãnh đạo Mỹ nên thu lại cái quyền viển vông của mình và đừng bao giờ tự tiện đưa tên một nước vào danh sách “đen” quốc gia cần Đặc biệt quan tâm về vấn đề nhân quyền khi mà bản thân mình chính là quốc gia đừng đầu trong danh sách đó./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét