Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140803
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Ảnh hưởng bất ngờ của người Mỹ gốc Do Thái
* Tuyên truyền cho Mỹ ngu: Do Thái bỏ túi cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ *
Trong Tháng Tám, người Việt ta nên nhớ hai biến cố rắc rối của nước Mỹ ở biểu hiệu "bát bát". Nhớ lại, may ra ta hiểu nhiều khúc mắc của cuộc chiến trên Dải Gaza hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas khiến Israel đã bị Hoa Kỳ trách móc.
Đúng nửa thế kỷ trước, ngày 10 Tháng Tám 1964, lưỡng viện Quốc hội Mỹ biểu quyết đạo luật Public Law 88-408 cho phép Hành pháp dùng võ lực bảo vệ một thành viên của Hiệp ước SEATO. Do chính sách be bờ chống cộng của Tổng thống Harry Truman, hiệp ước SEATO ra đời năm 1954 với tham vọng lập ra một Minh ước tương tự như NATO tại Đông Nam Á.
Đạo luật PL 88-408 là kết quả của Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được Quốc hội phê chuẩn ba ngày trước theo đề nghị của Tổng thống Lyndon Johnson sau khi có tin là chiến hạm Mỹ bị quân Bắc Việt tấn công trong Vịnh Bắc Bộ. Từ Đạo luật 88-408, cuộc chiến Việt Nam chính thức khởi sự: vì tinh thần liên đới của Hiệp định SEATO, Hoa Kỳ bảo vệ Việt Nam Cộng Hoà như tuyến đầu của thành lũy ngăn ngừa sự bành trướng của Cộng sản, từ Trung Quốc đến Việt Nam.
Sau này người ta mới biết vụ đụng độ trong Vịnh Bắc Bộ không xảy ra như vậy, có thể do lầm lẫn thông tin, hay gian ý của Chính quyền Johnson. Còn Hiệp ước SEATO chỉ là hão huyền.
Cuộc chiến Việt Nam thực tế kết thúc đúng 10 năm sau, cũng từ một quẻ bát bát: Tổng thống Richard Nixon từ chức ngày tám Tháng Tám năm 1974 vì vụ Watergate! Có người cho là do biến cố ấy mà Nixon không thể thi hành lời cam kết bảo vệ Việt Nam Cộng Hoà như trù tính khi giao hẹn với Saigòn để ký Hiệp định Paris vào Tháng Giêng năm 1973. Thật ra, Hoa Kỳ bị khủng hoảng với hai Phó Tổng thống (Spiro Agnew và Gerald Ford) trong một năm và đảng Dân Chủ thắng lớn sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày năm Tháng 11.
Điều khoản quân viện cho Việt Nam, chỉ để thay thế võ khí bị hư hao nếu quân Bắc Việt tấn công, bị Quốc hội Dân Chủ hủy bỏ sau khi Chính quyền Sàigòn bị một phái đoàn Quốc hội Mỹ nhục mạ! Miền Nam bị bức tử trước đà tấn công của các sư đoàn Bắc Việt dồi dào võ khí hiện đại.
Nước Mỹ đã xoay chiều. Nhớ lại thì 10 năm sau khi lao vào cuộc thì Quốc hội ra lệnh cột tay đồng minh để tháo chạy.
Những người được dân Mỹ bầu lên để lãnh đạo Hoa Kỳ đã bỏ phiếu cho việc tham chiến tại một nơi mà đa số dân biểu nghị sĩ chẳng biết là gì. Hồ Chí Minh là cán bộ của Đệ tam Quốc tế hay George Washington của Đông phương? Ngô Đình Diệm là nhà độc tài đã cản trở người Việt ở hai miền Nam Bắc được sống chung trong nền dân chủ và có quyền tự quyết?
Chúng ta trở lại chuyện ngày nay và vụ Gaza.
Cả thế giới - trong đó có dân Mỹ - thường nghĩ tài phiệt Do Thái thật sự làm chủ Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của dư luận Mỹ. Dân Do Thái chỉ là một thiếu số có 2%, chừng tám triệu của một nước Mỹ 320 triệu dân, mà chiếm một vị trí quan trọng trong lãnh vực khoa học, giáo dục, kinh doanh, nghệ thuật, truyền thông hay điện ảnh. Nhiều người Việt tin vậy và còn cho rằng Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam ngày xưa là để cứu lấy quốc gia Israel của người Do Thái vì vụ khủng hoảng Trung Đông năm 1972.
Lý luận này càng có vẻ đúng khi Hoa Kỳ viện trợ nhiều nhất cho Israel và khi chiến sự bùng nổ tại Gaza một tỷ phú Do Thái là cựu Thụ trường và doanh gia về truyền thông Michael Bloomberg đã bay qua làm Nha Hàng Không Dân Sự đảo ngược quyết định cấm bay trên lãnh thổ Israel vì bị rủi ro trúng đạn...
Tức là tám triệu dân Do Thái của quốc gia Israel cùng tám triệu người Mỹ gốc Do Thái - cũng lại quẻ bát bát - đã chi phối đối sách của Hoa Kỳ? Nếu điều ấy đúng thì phải chăng vì sức tác động của dân Do Thái mà Hoa Kỳ lấy những quyết định có thể phương hại cho quyền lợi của nước Mỹ?
Sự thật lại chẳng như vậy.
Trước hết, dù nhiều thanh niên Mỹ gốc Do Thái đã qua Israel tự nguyện cầm súng chiến đấu – và đã có người hy sinh trong 20 ngày khói lửa vừa qua – chúng ta cần phân biệt Mỹ Do Thái và quốc gia Israel. Hoặc phân biệt hai quốc gia Hoa Kỳ và Israel. Hai nước không nhất thiết có cùng quyền lợi và đương nhiên là đồng minh chiến lược kể từ khi thành lập quốc gia Israel năm 1948.
Thứ hai, nếu lớp Do Thái đầu tiên vào Mỹ là từ nước Đức với lập trường khá bảo thủ thì các thế hệ về sau lại đến từ Đông Âu và có tinh thần thiên tả và phả chiến. Họ không đồng ý với chủ trương tự vệ khá cứng rắn của Chính quyền Israel. Thứ ba, trong Quốc hội Hoa Kỳ, thành phần dân cử gốc Do Thái thật ra không đông - hiện chỉ có 13 người trong 100 Nghị sĩ và 27 người trong 435 dân biểu, mà tuyệt đại đa số là theo phe Dân Chủ. Nhân vật Cộng Hoà duy nhất thuộc thành phần Do Thái là Dân biểu Eric Cantor thì vừa bị đánh bại nên sẽ ra đi.
Sự thật thì từ gần trăm năm nay, đa số tới 80% của cộng đồng Do Thái lại dồn tiền và dồn phiếu cho đảng Dân Chủ. Trong các cuộc tranh cử Tổng thống, ít khi nào phe Cộng Hoà xin được quá 40% số phiếu của dân Do Thái.
Những thành phần Do Thái tích cực nhất thì vận động các giải pháp thuộc loại cực tả, từ nội chính đến ngoại giao và ngày nay, là thế lực chống Israel khá mạnh! Khuynh hướng đó mới tác động vào dư luận và Quốc hội nên đẩy Chính quyền Barack Obama đến loại quyết định mà Israel cho là nguy hiểm khi xử trí với hồ sơ Hamas trên Dải Gaza.
Nhìn từ bên ngoài thì các dân biểu nghị sĩ Hoa Kỳ chỉ là người thường. Họ có tham vọng hơn đời và đắc cử nhờ thủ thuật tranh cử và xin phiếu tại địa phương nhưng có thể lấy quyết định chi phối xứ khác, chứ có sự hiểu biết hời hợt về thế giới bên ngoài. Phần lớn sự hiểu biết đó lại do truyền thông cung cấp cho dư luận và trở thành lẽ khôn ngoan cho giới dân cử, căn cứ trên các cuộc khảo sát dân ý. Quả thật dàn "lobby" Do Thái có ảnh hưởng đến xã hội Hoa Kỳ, qua truyền thông, điện ảnh hay nghệ thuật.
Nhưng ảnh hưởng đó không nhất thiết thuận lợi cho Israel, ngược lại là đằng khác!
Cuộc khảo sát Tháng Bảy của hệ thống Pew Research Center có nói ra nghịch lý ấy. Trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, có 51% dân Mỹ ủng hộ Israel. Nhưng trên thượng tầng chính trị, phe bảo thủ của đảng Cộng Hoà ủng hộ mạnh nhất, với tỷ lệ 77%, rồi đến phe ôn hòa là 64%. Trái lại, chỉ có 48% phe ôn hoà bên Dân Chủ là nghiêng về Israel, cánh tả của Dân Chủ thì chống ra mặt, với tỷ lệ hậu thuẫn là 39%.
Khi nhớ lại tài phiệt Do Thái dồn tiền cho đảng Dân Chủ, ta thấy ra một sự thật quái đản.
Nhắc lại chuyện Việt Nam và Do Thái, có lẽ ta thấy ra sự thật phũ phàng: dân Mỹ có thể bầu lên những kẻ ưa đổi trắng thay đen và Tổng thống bọc xuôi theo áp lực đó chứ không dám lấy rủi ro chính trị mà đi ngược trào lưu. Mà trào lưu đó lại do truyền thông tạo ra khi xoá mờ bàn tay của Iran, Turkey và Qatar đằng sau lực lượng khủng bố Hamas
Nói cách khác, ảnh hưởng Do Thái trong truyền thông không nhất thiết khiến Hoa Kỳ hy sinh quyền lợi của mình cho Israel. Khác vớí Việt Nam Cộng Hoà, quốc gia Israel vẫn tồn tại giữa biển người Á Rập và Hồi giáo vì hiểu điều ấy của nước Mỹ.
_________________________
CHUYỆN CHỈ CÓ TẠI NƯỚC MỸ
Một nghi can tại tiểu bang Illinois về hai tội cố sát đã gửi thư khiếu nại lên thẩm phán về 15 điều gây khó chịu ở trong tù. Như thực đơn nhàm chán, khăn tắm quá nhỏ, điểm tâm quá sớm vào lúc sáu giờ 15, thư viện thiếu sách mới, v.v.... Adam Landerman được nhà chức trách trả lời: "Ngài không ở trong khách sạn. Đây là nhà tù!" Hệ thống lao tù Mỹ không hoàn thành chức năng cải tạo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét