Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150330
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Khi Hoa Kỳ Rơi Tự Do Cùng Tổng Thống
* Hý họa của Michael Ramirez trên tờ IBD: lại hứa cuội như xưa *
Sau khi Lý Quang Diệu từ trần, thế giới có cả ngàn bài viết về ông từ nhiều giác độ. Đa số ngợi ca thành tích của bậc Quốc phụ đất Singapore. Trong 40 năm đã đưa một làng chài giữa đầm lầy từ Đệ tam Thế giới nhảy vào Thế giới đệ nhất thành một trung tâm thịnh vượng, với lợi đồng niên của người dân còn cao hơn dân Mỹ. Nhưng đây đó cũng có lời phê phán tinh thần chuyên chế trong 40 năm lãnh đạo (từ 1959 đến 1990) rồi chi phối Nội các (từ 1990 đến 2011) với đảng Nhân dân Hành động PAP chiếm đa số từ 1959 đến nay.
Người viết này lại nghĩ đến chuyện khác vì… nhìn Hoa Kỳ từ bên ngoài.
Năm 1994, một thiếu niên Mỹ trong một trường tư của ngoại kiều giàu có tại Singapore bị bắt về tội phá hoại tài sản (xịt sơn lên 18 xe hơi để nghịch), ăn cắp và tàng trữ vật ăn cắp. Cậu ấm Michael Fay bị án phạt tiền cùng sáu roi tre. Theo tiêu chuẩn Lý Quang Diệu thì chắc là tội cũng nhẹ vì đã có người gọi Singapore là “Dysneyland với án tử hình”.
Khi ấy, từ Tổng thống Bill Clinton tới nhiều Nghị sĩ và báo chí đều than là quá nghiêm khắc. Nể tình đồng minh, Singapore cho chú bé bốn roi, rồi thả cho về nhà họp báo về chế độ lao tù tại Singapore.
Sau này, Lý Quang Diệu có lời giải thích: Là một đảo quốc nhỏ xíu, chúng tôi phải nghiêm trị nếu không xã hội sẽ loạn. Sau đó ông so sánh: Hoa Kỳ có những khả năng chúng tôi không thể có. Để ngăn ngừa nạn buôn lậu ma túy, Mỹ có thể tung quân vào bắt lãnh tụ xứ khác đem về xử tội buôn bán ma túy. Chứ Singapore thì không.
Về bối cảnh, cuối năm 1989, Chính quyền George H. Bush mở chiến dịch Chính Nghĩa, Just Cause: đưa quân vào Panama tại Trung Mỹ lật đổ chế độ độc tài Manuel Noriega, bắt Noriega làm tù binh đưa về xử tại Mỹ về tám tội danh - buôn lậu ma túy, tống tiền và tẩy tiền. Mãn tù năm 2007, đương sự bị dẫn độ qua Pháp lãnh thêm án tù bảy năm về tội rửa tiền và giết người, rồi được tha sớm vào năm 2011 để về chịu án tù 20 năm trong bộ máy công lý của xứ Panama đã tương đối dân chủ hơn xưa. Kể ra thì Mỹ ngang ngược, nhưng cũng có ích!
Ngày nay, chuyện như vậy không thể xảy ra được.
Ngày nay, có khi một người như Noriega được Chính quyền Barack Obama thả sớm để đổi lấy một lính Mỹ can tội đào ngũ ngoài chiến tuyến và gây rủi ro cho đồng đội. Đó là trường hợp của Trung sĩ Bowe Bergdahl, được Cố vấn An ninh Quốc gia là Suzan Rice ca ngợi là “anh hùng đã phục vụ quân ngũ với danh dự”, được quân khủng bố thả về để đổi lấy năm nghi can của tổ chức Taliban. Dù khi ấy cha mẹ được Tổng thống mời vào Vườn Hồng trong tòa Bạch Ốc chụp hình tưng bừng, ngày nay Bergdhal bị quân đội đưa ra tòa án quân sự. Và người ta chờ đợi năm nghi can khủng bố này sẽ tái xuất hiện để thi thố tài năng. Vì sao Obama không tham khảo ý kiến quân đội trước khi đổi tù?
Lý Quang Diệu không thể nào hiểu nổi việc ấy. Nhiều người Mỹ cũng vậy. Nhưng đấy chỉ là chuyện vặt, cũng nhỏ như xứ Singapore.
***
Chuyện lớn là các cường quốc đồng minh của Hoa Kỳ tại Trung Đông.
Đứng đầu là Saudi Arabia, Egypt và Turkey cùng một chục nước nhỏ đang phải tự lo lấy thân trước sự bành trướng của tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL. Đồng thời họ còn phải ngăn ngừa thế lực của một cường quốc khác là Iran, có thể sẽ chế tạo võ khí hạch tâm sau khi đạt thỏa thuận “giải giới” với Hoa Kỳ. Cựu Đại sứ James Jeffrey của Tổng thống Obama tại Iraq đã nhận xét rằng chiến lược Trung Đông của Hoa Kỳ đang rớt tự do. Free Fall.
Chúng ta phải thông cảm với nước Mỹ.
Khu vực này gồm ít ra bốn sắc tộc là Á Rập, Ba Tư, Thổ, Kurd cùng theo Hồi giáo nhưng theo hai hệ phái không đội trời chung là Sunni (đa số) và Shia (thiểu số, mà rất mạnh tại Iran). Cứ đơn giản mà nhân số bốn cho số hai thì cũng đã có… tám loại vấn đề, vì các cộng đồng ấy chung đụng và đụng độ với nhau tới nháng lửa!
Chưa đủ nhiễu nhương.
Vì ta phải châm vào lò lửa hai lực lượng khủng bố cùng hệ phái Sunni mà nay đang thành kình địch là al-Qaeda và ISIL. Cộng thêm hai tổ chức khủng bố được Iran bảo trợ để khuynh đảo Lebanon và Israel, là Hezbollah và Hamas. Rồi ngó vào xứ Yemen bên Vịnh Aden với chính quyền Sunni thân Saudi bị lực lượng Houthi theo hệ phái Shia thân Iran tấn công khiến Hoàng gia Saudi phải cùng các nước Á Rập Hồi giáo tung quân vào trận để đẩy lui ảnh hưởng của Iran. Trong khi ấy, chế độ hiếu sát của Bashar al-Assad vẫn tồn tại ở Syria nhờ sự yểm trợ của Iran, và các Giáo chủ Iran còn vào tấn công lực lượng ISIL tại Iraq, gần như có phối hợp với các đợt không tập của Mỹ.
Trong thế giới bát nháo ấy, Chính quyền Obama không thể như Mao Trạch Đông mà “xác định bạn thù” cho phân minh. Cho nên đang thêm thù mà mất bạn! Niềm an ủi của Obama là có thêm bạn mới: xứ Iran với võ khí tàn sát. Một nhân vật Dân Chủ sáng giá xác nhận chuyện đó: “không thể tin được Iran!” Ông ta là Leon Panetta, nguyên Đổng lý Văn phòng cho Bill Clinton, rồi Giám đốc CIA và Tổng trưởng Quốc phòng cho Obama.
Nhưng không chỉ tại Trung Đông, Hoa Kỳ còn rơi tự do ở Đông Á.
***
Tuần qua, có 45 quốc gia đã nhận lời làm “đồng sáng lập viên” của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu.
Được gọi tắt là AIIB, đây là dự án được Trung Quốc đưa ra từ Tháng 10 năm kia và thúc đẩy từ Tháng Sáu năm ngoái trước sự chống đối ngấm ngầm của Chính quyền Obama. Ngấm ngầm vì chẳng ai biết rõ lý do. Nhưng kết quả là trong số 45 nước đã ngả theo lời đường mật của Bắc Kinh thì có 26 nước đồng minh của Mỹ. Đứng đầu và chói lọi nhất là Anh, Đức, Úc, Nam Hàn và cả Saudi hay Philippines, một nạn nhân của Trung Quốc.
Lại nói về bối cảnh (!), chưa kể tới các hành động trắng trợn để chiếm đóng ba phần tư vùng biển Hoa Nam mà ta gọi là Đông Hải của Việt Nam, từ năm 2010, không năm nào mà Trung Quốc không tung ra sáng kiến mới để bành trướng ảnh hưởng theo kiểu “phóng tài hóa thu nhân tâm”. Từ sau Đại hội 18, mỗi lần lãnh tụ Tập Cận Bình xuất hiện, tại thượng đỉnh này hay hội nghị nọ, mới nhất là hội nghị kinh tế Bác Ngao tại Hải Nam, là Bắc Kinh lại có một sáng kiến mạ vàng:
Khai triển Sáng kiến Chiang Mai để lập quỹ cứu trợ các nước trong Hiệp hội ASEAN; lập Quỹ Bình ổn Hối đoái với khả năng hoán đổi ngoại tệ cho các nước thiếu thanh khoản; Quỹ Chuộc nợ cho các nước Âu Châu bị khủng hoảng trong khối Euro; Tân Ngân hàng Khai triển của nhóm BRICS, có 100 tỷ với 41 tỷ của Trung Quốc để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới; Quỹ Cấp cứu Tài chánh CRA (Contingent Reserve Arrangement) với 100 tỷ của Trung Quốc để cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế; vĩ đại hơn cả thì có “Con đường Tơ lụa” để nối liền Trung Quốc với Âu Châu qua Trung Á và nối liền Đông Hải của Trung Quốc với Ấn Độ dương qua Thái Bình dương. Sau cùng mới là Ngân hàng AIIB này với 100 tỷ đô la.
Tập Cận Bình và ban tham mưu tung sáng kiến như Obama đi đánh golf. Tới tấp và rổn rảng.
Trong suốt giai đoạn ấy, không hề thấy một lần Chính quyền Obama giải thích sự lợi hại, lợi cho ai mà hại cho ai, hoặc thuyết phục Bắc Kinh đi theo con đường của mình. Nổi tiếng với chủ trương phát huy “quyền lực mềm”, Chính quyền Obama tự biến thành mềm oặt và nhường cho Trung Quốc cả chục sáng kiến rất mềm mà cột rất chặt.
Khi các đồng minh của Mỹ xé rào ngồi vào cuộc với Bắc Kinh thì Chính quyền Obama vuốt bụng thở dài. Và than thầm là chẳng còn ai tin mình. Sai bét! Có ba nước đang triệt để tin tưởng vào Obama: Liên bang Nga, Trung Quốc và Iran. Với Ngài ngồi ở nơi đó thì chúng tôi yên tâm ca bài “Tiến lên, toàn thắng ắt về ta!”…..
_________________________
Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét