Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Bắc Kinh và TTKH



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 150305

Thơ TTKH chỉ là lời than thiếu thanh khoản của Bắc Kinh khi đang cạn láng!  


* Cặp bài trùng Tập-Lý tại kỳ họp ngày Thứ Năm của Quốc hội Trung Quốc *



Sáng Thứ Năm mùng năm, trùng vào lễ Thượng Nguyên rầm Tháng Giêng năm Ất Mùi, Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc có hội nghị kỳ 3 tại Nhân dân Đại sảnh ở Bắc Kinh. Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm qua và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2015 này là 7%. Truyền thông chuyên đề về kinh tế tài chánh của quốc tế đều loan tin này và nhấn mạnh đến sự kiện lãnh đạo Bắc Kinh đành chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn - chỉ tiêu của năm ngoái là 7,5%, thực tế thì chỉ được 7,4%.

Việc hạ thấp mức tăng trưởng được thông báo một ngày sau khi lại hạ lãi suất - lần thứ ba trong có ba tháng, là khá dồn dập - để kích thích sản xuất. Lần này, giới nghiên cứu kinh tế chú ý, lãi suất ngắn hạn được cắt khá mạnh, đến 150 điểm căn bản, từ 7% xuống 5,5%.

Khi đọc loại tin như thế này thì ta nên... đếm lại bằng thơ.

Vì lãi suất nói là 5,5% của loại tín dụng cho kỳ hạn một tuần ấy là cái gì? Theo một nghiên cứu của UBS, một tổ hợp tài chánh Thụy Sĩ, thì lãi suất đi vay một năm của doanh nghiệp Trung Quốc thực tế đã tăng 800 điểm (8%) kể từ năm 2011. "Lãi suất thực" là lãi suất chính thức, theo mệnh giá (nominal rate), sau khi giảm trừ ảnh hưởng của vật giá mà ta gọi là lạm phát. Vì vật giá tại Trung Quốc không tăng mà sụt mạnh - hiện tượng gọi là "giảm phát" – khi lãi suất được hạ như vậy, 5,5%, thì đấy chỉ là biện pháp... ngược, là xiết vòi tín dụng.

Trong thơ và kinh tế, ấn tượng có khác với thực tế!

Nhìn cách khác, trong Quý IV năm ngoái, mức lời của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm 9% và bây giờ, lượng tín dụng còn bị cắt thì kinh tế Trung Quốc đang thực tế trôi vào suy trầm. Chỉ tiêu 7% chỉ là con số chính thức cho vui.

Có cái gì đó rất bất ổn trong Đế quốc Trung tâm của Thiên hạ mà người ta cứ gọi là Trung Quốc!

Bây giờ, ta hãy đếm cách khác.

Từ thời Tổng suy trầm 2008 đến nay, tổng số tín dụng, tức là các khoản vay nợ, của Trung Quốc đã tăng từ 100% tới 250% Tổng sản lượng GDP, để lên tới 26 ngàn tỷ Mỹ kim (26 và 12 số không). Con số trừu tượng ấy chẳng kích thích trí tò mò của chúng ta nếu mình không biết rằng nó cao hơn tổng số nợ của các ngân hàng Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại.

Nôm na là vĩ đại – và đáng ngại.

Nằm dưới núi nợ mà doanh lợi giảm và lãi suất thực thì tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc đều ngáp ngáp. Vì vậy, biện pháp "giảm lãi suất" vừa được Bắc Kinh thông báo chẳng có nghĩa là Trung Quốc đang bơm thêm tiền ra mà thực tế là cố giảm bớt lượng tín dụng.

Tức là thực tế lại trái ngược với ấn tượng!

***


Nếu lùi một chút để nhìn trên toàn cảnh với chiều sâu, ta có thể nghĩ đến cảnh.... Lã Bố Chiến Tam Anh. Cũng lại ngược với ấn tượng thông thường.

Trên mặt trận thuần túy kinh tế - chưa nói đến đợt thanh trừng các đảng viên cao cấp về tình báo và phản gián - lãnh đạo Bắc Kinh đang anh dũng chiến đấu chống ba đối thủ khó trị.

Thứ nhất là lãi suất tăng mạnh, chứ không giảm, chuyện vừa nói ở trên.

Thứ hai là đồng Nguyên của họ cứ như chú Cuội bám lấy cây đa là đô la Mỹ mà bay lên trời. Nếu đếm theo phép gia trọng (xin lỗi, phải dùng thuật ngữ chuyên môn, là trade-weighted) thì vì Bắc Kinh muốn đồng bạc tranh hơi với đời - và với Mỹ kim - họ giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ theo một biên độ hối suất nhất định. Khi Mỹ kim lên giá là đồng Nguyên bốc theo.

Kết quả là từ giữa năm 2012 đến nay đã tăng 60% so với đồng Yen của Nhật, hay 90% so với đồng Real của Brazil, một nước xuất cảng thương phẩm. Riêng từ năm ngoái, tăng 110% so với đồng Rúp của Nga và 27% so với đồng Euro. Vì chưa thể cải cách cơ chế để tìm lực đẩy từ tiêu thụ nội địa, Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào xuất cảng, và hối suất của đồng bạc mà tăng so với các ngoại tệ khác thì Thiên triều sẽ khốn đốn vì bán hàng đắt hơn. Để khỏi bị đòn này thì phải phá giá đồng bạc, làm các đại gia càng ráo riết tẩu tán tài sản ra ngoài!

Đối thủ thứ ba mới là tay cứng cổ nhất.

Trung Quốc có vấn đề cực nan giải là nạn bội chi ngân sách - theo cách đếm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì đã lên tới 10% của Tổng sản lượng GDP - vì sự chi tiêu bừa phứa của các địa phương. Họ tiêu bừa để báo cáo đà tăng trưởng ngoạn mục làm thế giới ngớ ngẩn khâm phục. Bây giờ, trung ương tập trung lại quyền lực để bắt các địa phương tôn trọng kỷ luật ngân sách. Và trả lại khoản nợ của các doanh nghiệp đầu tư được địa phương dựng lên để vay tiền cho dễ - nhân tiện chiếm đất của dân để thực hiện các dự án ảo đang "tan theo ngày nắng vội". Cũng cứ như thơ!

Một cách cụ thể thì trận chiến thứ ba - thuộc địa hạt công chi thu – có nghĩa là chính quyền địa phương hết được phép huy động tiền (đi vay) ngoại ngạch. Và nếu họ chấp hành quy định hành chánh mới ban hành hồi Tháng Giêng thì năm nay ngân sách xứ này sẽ giảm 5,5%. Nói cho dễ hiểu, Bắc Kinh đưa ra biện pháp kinh tế khắc khổ cho địa phương, còn nghiệt ngã hơn những gì đã thấy tại Âu Châu.

Mấy năm trước, thế giới cứ nói đến vực thẳm ngân sách của Hoa Kỳ (fiscal cliff) sau khi Chính quyền Barack Obama tăng chi bừa phứa nên Hạ viện về tay đảng Cộng Hoà từ năm 2011 đã đòi giảm chi. Theo lý luận của cánh tả, giảm chi khi kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục là biện pháp khắc khổ sẽ gây khổ cho kinh tế. Kết quả thì chẳng đến nỗi tệ như vậy! Đấy là công của Obama?

Năm nay đến lượt Trung Quốc cũng tiến tới vực thẳm ngân sách - với màu sắc Trung Hoa - tức là vĩ đại.

Khi các trái bóng ảo bị bể, giá cả đều sụt, hàng họ lẫn nhà cửa xây lên cho vui đang thành nhà ma, thì sản lượng hoành tráng chỉ là tồn kho ế ẩm. Còn doanh nghiệp thì mất lời. Vì vậy nhà nước thất thâu ngân sách, nên càng phải giảm chi. Và lần đầu tiên họ hết tung tiền mua ngoại tệ về trữ trong nhà. Nói theo kinh tế, thì Trung Quốc sẽ gặp nạn thiếu thanh khoản, khi đang cạn láng. Tức là cả nước thi đua lao xuống vực.

Diễn giải cho vui, trước ba đối thủ này, Đệ nhất Anh hùng Lã Bố tới hồi gẫy kích.


***


Khỏi nói chuyện thơ phú hay tích tam anh đánh lộn trong Tam Quốc mà nghĩ tới con lang Wile E. Coyote trong truyện và phim hoạt họa của Mỹ, thì ta nhớ đến một hình ảnh khác. Giống sài lang cứ rượt kẻ thù mà lao khỏi bờ vực. Rồi vì đà chạy quá nhanh, như tốc độ tăng trưởng kỳ diệu của Trung Quốc, nó vọt khỏi mé vực mà chưa rớt.

Trung Quốc đang hoành tráng lơ lửng tựa sài lang, trước khi cả thế giới nghe thấy tiếng vang từ đáy vực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét