Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

IPU 132 – MỘT MÙA XUÂN MỚI CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Trường Kì

Tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) thành lập năm 1899, tiền thân là Hội nghị quốc tế nghị sĩ (1889). Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay IPU đã trở thành một “ngôi nhà” quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là trung tâm đối thoại và là diễn đàn ngoại giao nghị viện toàn cầu, góp phần gìn giữ hòa bình và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững.

Để trở thành thành viên của IPU, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định. Mà cơ bản, trước tiên nhất là Điều 3 Điều lệ IPU: “Phải là cơ quan lập pháp của một quốc gia có chủ quyền”. Tại thời điểm đó, Điều 44 Hiến pháp 1959 chỉ rõ: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Khẳng định chính danh tính pháp lý của cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân ta.
IPU 132 – một dấu mốc lịch sử của Quốc hội nước ta
Sau 20 năm kiên trì theo đuổi mục tiêu hội nhập nghị viện quốc tế, ngày 21/4/1979, đánh một dấu mốc quan trọng khi Quốc hội Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Quá trình hội nhập này gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

35 năm qua, từ khi gia nhập IPU đến nay, sự tích cực, nỗ lực của Quốc hội với tư cách là nghị viện thành viên IPU, đã cho các nước thấy một tinh thần cống hiến cho hòa bình phát triển của Việt Nam, đưa các quốc gia đi đến quyết định đặt niềm tin và nêu cao vị thế của chúng ta. Thể hiện qua việc, Việt Nam lần lượt được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành IPU 130, Phó Chủ tịch IPU - đại diện cho Nhóm nước châu Á - Thái Bình Dương (nhiệm kỳ 2010-2011). Điều đó đã khẳng định những thành tựu quan trọng trong hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ quốc tế của Quốc hội nước ta, mà đỉnh cao của nó chính là IPU 132.

Việc lần đầu tiên Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức kỳ họp lần thứ 132, Đại hội đồng IPU tại Hà Nội vào tháng 3/2015 với chủ đề “Nghị viện trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau 2015” là một sự kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện sáng rõ tinh thần “Hiến pháp lòng dân 2013” về sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, không ngừng nâng cao vị thế của dân tộc trên trường quốc tế.

Mùa xuân 2015 này, sẽ thực sự là một dấu mốc trong chặng đường 70 năm phát triển của Quốc hội Việt Nam (1945-2015), 35 năm trên trường IPU quốc tế (1979-2015). Góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và thể chế chính trị theo con đường xã hội chủ nghĩa đến chính khách và bạn bè thế giới.

Việt Nam hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt, trong sự tươi mới ấy có một phần không nhỏ công lao to lớn từ nhân dân, bởi chính nhân dân là người đã tận tay xây dựng nên một Quốc hội – nơi hội tụ trí tuệ và lòng dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét