Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Tình đoàn kết, thống nhất trong văn hóa dân tộc (Phần 1)

Mr.Toạc

Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ngàn năm văn hiến. Mỗi một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử, cùng với dòng chảy của quy luật vận động và phát triển của xã hội, cùng với đó là sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đất nước Việt Nam - con người Việt Nam luôn chủ động tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc.

Trong giai đoạn giao lưu và hội nhập quốc tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ như hiện nay, đã có rất nhiều những giá trị văn hóa bị mai một, dần thay đổi. Tuy nhiên, cũng có những hằng số văn hóa bất biến theo thời gian và một trong số đó là truyền thống đoàn kết, sự thống nhất, trên dưới một lòng để cùng nhau ứng phó lại những khó khăn thử thách đến từ “môi trường xã hội”. 

Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch luôn tìm cách tuyên truyền phản động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước. Hay như mới đây, nhóm No-U đang lên kế hoạch kêu gọi biểu tình, để mưu đồ những âm mưu chính trị thâm độc. Trước tình hình đó, tôi xin mạn phép đôi ba dòng để nói về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong quá khứ và trong hiện tại để từ đó nhắc nhở lại chính bản thân mình cũng như các bạn trẻ, các bạn học sinh, sinh viên phải trách nhiệm với quê hương đất nước, phải đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc cũng như những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa của các phần tử phản động. Mỗi một hành động của chúng ta dù nhỏ nhưng cũng chính là đã góp phần dựng xây nước nhà.

Là người Việt Nam thì trong tâm thức chúng ta luôn tự nhủ mình là con Rồng - cháu Tiên, cùng được sinh ra từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ, cùng thờ chung một vị Quốc Tổ - Vua Hùng. Ngay từ buổi đầu dựng nước, người Lạc Việt đã đoàn kết cùng nhau để chinh phục tự nhiên, khai thác tự nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình, phát triển xã hội.
Vua Hùng - Quốc Tổ của người Việt
Thời kỳ Bắc thuộc, trong suốt một ngàn năm bị đô hộ bởi chính quyền phương Bắc, người Việt Nam lại một lần nữa thể hiện nền tảng văn hóa bản địa khi bảo lưu những giá trị văn hóa của dân tộc. Rất nhiều những chính sách đồng hóa được người Trung Hoa thi hành, nhưng sức sống dân tộc luôn được khơi dậy một cách mạnh mẽ. Từ trong những “pháo đài xanh” làng xã người nông dân Việt Nam vẫn luôn bảo lưu những giá trị văn hóa mà ông cha để lại.

Đến thời kỳ Quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (thời kỳ văn hóa Đại Việt), nền văn hóa bản địa được phát triển một cách mạnh mẽ, và được coi là đỉnh cao văn hóa dân tộc lần thứ 2 sau thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Với hai cột mốc quan trọng là thời Lý - Trần và thời Lê Sơ, những tinh hoa văn hóa dân tộc được phát triển một cách rực rỡ. Người Đại Việt luôn tự hào khi quê hương mình, đất nước mình có một nền Văn hiến tiêu biểu, đúng như Đại thi hào, danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã từng viết trong tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.

Chính nền tảng văn hóa bền vững cùng với tinh thần dân tộc, truyền thống đoàn kết và chủ nghĩa yêu nước đã tạo nên sức mạnh giúp người Đại Việt làm nên những chiến công lẫy lừng trong lịch sử (đánh bại quân Tống, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, đánh tan quân xâm lược nhà Minh).

Đến thời kỳ cận đại, khi mà ở phương Tây với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học kỹ thuật, chủ nghĩa thực dân ra đời đã làm thay đổi tình hình thế giới. Rất nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ trở thành các nước thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha. Năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta. Toàn thể dân tộc Việt Nam lại đoàn kết cùng nhau đánh Pháp, giành độc lập cho dân tộc. Rất nhiều cuộc khởi nghĩa của các sỹ phu yêu nước đã nổ ra nhưng đều thất bại vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh) sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) thì cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta mới có những thay đổi về chất và lượng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, sâu sắc và triệt để của Đảng toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết, một lòng đánh giặc cứu nước làm nên những chiến công hiển hách trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới một dân tộc nhỏ bé, với những công cụ, vũ khí thô sơ đã đánh bại một đế quốc thực dân hùng mạnh khi đó là thực dân Pháp, với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
“Chiếc xe thồ huyền thoại” biểu tượng của tình đoàn kết, ý chí khát vọng giải phóng 
dân tộc của quân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau Hiệp Định Geneve (6/1954), đất nước ta chia thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm mốc phân lập. Miền Bắc, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào nước ta với ý đồ hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm nước ta. Người Việt Nam lại một lần nữa bước vào một cuộc chiến cam go, khốc liệt với một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới khi đó là đế quốc Mỹ. Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc luôn quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Biết bao người con đất Việt đã ngã xuống, biết bao mảnh đất bị cày xới bởi bom đạn, những người cách mạng bị khủng bố, bị giam cầm, tra tấn, nhưng tất cả những khó khăn đó chẳng thể ngăn cản được khát vọng giải phóng đất nước của quân dân Việt Nam. Và cuối cùng chân lý đã chiến thắng, ngày 30/4/1975, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, Bắc Nam xum họp một nhà…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét