Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Thủ Tướng Netanyahu và Gian Nan Do Thái



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150318

Ông Netanyahu tái đắc cử, mà vấn đề vẫn nguyên vẹn...

 * Đa nguyên Do Thái? Một trường bát nháo - mà vui ! *


Sau cuộc bầu cử hôm 17 tại Israel và ngược với nhiều dự đoán, đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn dẫn đầu. Ông Netanyahu sẽ thành lập Nội các để trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất, cho đến nay mới chỉ thua Thủ tướng David Ben-Gurion, một trong mấy nhà sáng lập quốc gia Israel của dân Do Thái cách nay 65 năm. Nhưng dù có đạt thành tích ấy, ông Netanyahu vẫn không thể đưa Israel ra khỏi những khó khăn nằm bên ngoài lãnh thổ!

Vì sao như vậy, Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu cho quý độc giả.



Một Cuộc Bầu Cử Nhức Tim... Vì Hiểu Lầm


Trước, trong, và sau khi dân Do Thái vừa đi bỏ phiếu, truyền thông Hoa Kỳ dự đoán là đảng Likud thuộc cánh trung hữu và Thủ tướng Netanyahu sẽ gặp trở ngại và có khi thất cử sau một cuộc bầu cử khít khao. Đấy là họ căn cứ trên nhiều bình luận rồi các cuộc khảo sát ý kiến cử tri.

Dự đoán này sai - chuyện dù nhỏ cũng nên chú ý.

Một trong các lý do đoán sai là vì vào mấy ngày cuối, Thủ tướng Netanyahu đổi lập trường qua hướng cực đoan và đi ngược chủ trương của ông từ sáu năm nay. Đó là "ngày nào mà còn làm Thủ tướng thì ông vẫn không chấp nhận việc thành lập một quốc gia Palestine sống chung cùng quốc gia Israel". Giới bình luận cho là vì tuyệt vọng, Netanyahu phải từ cánh trung hữu nhích về phía cực hữu để vận động lá phiếu của thành phần cực đoan.

Lập luận ấy cũng sai vì không dựa trên cơ sở của thực tế từ nhiều năm qua: thuộc bất cứ phe nào, lãnh đạo Israel sẽ thương thuyết với ai trong cộng đồng Palestine (người Á Rập, theo Hồi giáo, cùng sống trên dải Palestine do Israel đang cai trị) về nguyên tắc sống chung giữa hai sắc dân Á Rập và Do Thái? Lý do là phe Fatah tại Tây ngạn sông Jordan thì bất lực, mà lực lượng Hamas trên Dải Gaza lại cực đoan và đòi tiêu diệt xứ Israel. Chúng ta sẽ trở lại việc này.

Một yếu tố gây sai lầm nữa là truyền thông Mỹ chú trọng đến hồ sơ Iran và cuộc thương thuyết đang tiến hành giữa Hoa Kỳ và Chính quyền Tehran về kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Việc Netanyahu cực lực chống hiệp ước này, đến độ qua Mỹ diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ đã gây khó chịu cho Chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Ít ai thấy rằng nhiều chuyên gia tranh cử của Obama đã chạy qua đó cố vấn cho đảng Zionist Union thuộc xu hướng trung tả của lãnh tụ Isaas Herzog.

Và sự thật thì đảng Zinonist Union lại có cùng quan điểm với Likud: hoài nghi sự cam kết của Tehran, nhưng họ khéo không ồn ào lên tiếng đến độ gây hấn với Hành pháp Hoa Kỳ. Khác biệt giữa đôi bên thuộc về lãnh vực khác, trước hết là tình hình kinh tế sa sút, kế tiếp là phong cách ngang ngược và quỷ quyệt của ông Netanyahu.

Kết quả sau cùng là đảng Likud được 30 ghế dân biểu, đảng Zionist Union chỉ được có 24 ghế, số còn lại của 120 ghế dân biểu được phân tán trong 23 đảng khác, từ cực tả đến cực hữu, kể cả Liên minh của các chính đảng người Á Rập, được 14 phiếu. Vì dẫn đầu, đảng Likud sẽ thương thảo với các đảng nhỏ để có được đa số 61 ghế và thành lập Nội các.

Cuộc tranh cử giữa 25 đảng có một quy định là chỉ được đưa người vào Quốc hội nếu có được tối thiểu 3,35% số phiếu. Những chi tiết ấy mới thật sự đáng chú ý.



Chính Trường và Thể Chế Israel


Hơn tám triệu dân Do Thái trên một dải đất hẹp, đôi khi "tứ bề thọ địch", lại theo Đại nghị chế (Quốc hội mới là cơ chế lãnh đạo), khác với Tổng thống chế như của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà hay vài xứ khác, kể cả nước Pháp thời Đệ ngũ Cộng hoà hiện hành.

Trong thể chế chính trị ấy, Israel lại áp dụng nguyên tắc "trọng tỷ", proportional, theo đó các chính đảng có số ghế dân biểu, và quyền lực, tương ứng với tỷ lệ của số phiếu. Nguyên tắc rất dân chủ ấy dẫn tới tình trạng tê liệt vì số phiếu được phân tán cho nhiều đảng lớn nhỏ, với vai trò "quả cân" hay quả lắc của các đảng nhỏ. Họ lắc bên nào thì bên ấy có đa số cầm quyền. Khi họ lắc đầu thì bầu lại Quốc hội.

Giới chính trị học gọi đó là căn bệnh của Đệ tứ Cộng hòa Quatrième République của Pháp trong giai đoạn hậu Thế chiến II, từ 1946 đến 1958.

Đệ tứ Cộng hoà Pháp bị tê liệt sau khi Pháp "thắng trận" bên phe Đồng Minh và loay hoay với các bài toán tái thiết, giải thực (từ bỏ chế độ thực dân), an ninh (trước áp lực của Liên bang Xô viết thời Chiến tranh lạnh) bên một cường quốc thủ phạm nay là đồng minh, là nước Đức....

Vì tình trạng tê liệt ấy của Đệ tứ Cộng hoà, Pháp mất hết, từ Đông Dương sau Hiệp định Genève 54 tới Algérie tại Bắc Phi, xuýt nữa còn bị nội chiến cho đến khi Tướng Charles de Gaulle trở lại và góp phần lập ra Đệ ngũ Cộng hòa với bản Hiến pháp mới thiên về Tổng thống chế mà nhiều người Pháp cho là độc tài! (Tổng thống Diệm cũng bị tội đó!)

Israel đang gặp bài toán tương tự, khi tình hình lại nguy ngập gấp bội.


Mỗi Lớp Di Dân Lại Một Quan Niệm


Từ thời "Lập quốc" vào năm 1948, quốc gia Israel đã là một tập hợp phức tạp, một phức hợp.

Israel thành hình trước hết là nhờ cộng đồng Do Thái sống tại Âu Châu, nạn nhân của vụ thảm sát và các lò hỏa thiêu của Đức quốc xã khiến sáu triệu người mất mạng.

Cộng đồng này có đặc tính Âu châu là tách rời tôn giáo khỏi chính trị, có tinh thần trung tả, thậm chí xã hội chủ nghĩa, và thiên về thể chế Đại nghị đang phổ biến tại Âu Châu. Nhưng sau thời lập quốc, khi Israel là Đất Hứa cho cộng đồng Do Thái toàn cầu, thì nhiều lớp di dân kế tiếp đã đưa ra nhiều câu hỏi và dẫn tới chiều hướng khác.

Lớp di dân đến từ các nước Hồi giáo thì chú trọng đến bản sắc tôn giáo và văn hóa Do Thái giữa một biển người Hồi giáo. Lớp di dân đến từ Liên bang Xô viết thì đã biết mặt trái của chế độ cộng sản nên có tinh thần "chống cộng", dù họ có thể đã làm lại cuộc đời trong các nông trại "kibbutz" có màu sắc xã hội chủ nghĩa, nhưng mang tính chất thành trì, ghetto khá cực đoan.

Sau cùng, Israel còn có thành phần chính trị triệt để tôn sùng Do Thái giáo nguyên thủy. Họ không ưa quan niệm của Do Thái Âu châu là tách rời tôn giáo khỏi chính trị, hay nhà nước. Và họ là cốt lõi của khuynh hướng bảo thủ, thần quyền.

Để dung hợp và tôn trọng ngần ấy khác biệt, Israel có thể chế Đại nghị và nguyên tắc trọng tỷ, khiến các chính đảng nhỏ lại có ảnh hưởng cao hơn thực lực vì giữ vai trò "quả cân". Đặc tính ấy có thể là lý tưởng cho các nước nhỏ, sống trong thời bình và không bị ai đe dọa vì mọi xê dịch đều chỉ có hậu quả tối thiểu và không sinh tử. Chứ với quốc gia Israel, đây là sự tê liệt chết người. Giỏi giang hay ác độc như Netanyahu thì cũng chẳng làm được gì hơn. Người sẽ kế nhiệm ông cũng thế mà thôi.

Chúng ta sẽ hiểu nếu nhìn rộng ra ngoài.


Israel Giữa Các Tính Toán Của Đại Cường.


Trước hết, đại cường đồng minh chiến lược của Israel là Hoa Kỳ đang tính toán khác qua nỗ lực hòa giải với Iran.

Chính quyền Obama muốn thực hiện việc đó và tìm cách thoát khỏi áp lực của đối lập với dự tính đưa hồ sơ Iran qua Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để nhờ quy định của quốc tế mà phá vỡ lực cản của Quốc hội ở nhà. Hoa Kỳ thì chẳng chết vì thủ thuật chính trị ấy, chứ Israel lại thấy vận mệnh được phó thác cho năm thành viên thường trực của Liên hiệp quốc, trong đó có lá phiếu của Liên bang Nga, một thân chủ của Iran và đối thủ của nước Mỹ.

Iran có lợi thế chế tạo võ khí hạch tâm. Võ khí ấy chẳng thể đe dọa Hoa Kỳ nhưng lại có thể quyết định về sự tồn vong của Israel.

Lồng trong chuyện Iran và Nga lại có mối nguy từ Syria, một nước chư hầu hay thân chủ của Iran. Chính quyền Obama đã dại dột vẽ ra lằn ranh đỏ để sẽ trừng phạt Syria nếu Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng võ khí hóa học có khả năng tàn sát hàng loạt. Khi chuyện ấy xảy ra, Obama xoá luôn lằn ranh đỏ và bán cái cho Chính quyền Nga đứng ra giải quyết nên mới bị Tỗng thống Vladimir Putin coi thường và làm ẩu tại Ukraine.

Hai năm sau, hậu quả là Mỹ chấp nhận sống chung hòa bình với chế độ al-Assad tại Damascus. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận chuyện ấy vào ngày 15 vừa qua: "không thể giải quyết xung đột tại Syria bằng biện pháp quân sự, Giải pháp duy nhất có giá trị là chính trị và Hoa Kỳ cùng các đồng minh sẽ phải thương thuyết với Tổng thống al-Assad."

Lý do của sự lật lọng ấy là tổ chức khủng bố ISIL đang tung hoành từ Syria qua Iraq, Lybia. Hậu quả của sự lật lọng rất Mỹ cho Israel là Do Thái bị bao vây bởi các kẻ thù bất cộng đới thiên: Iran và các chư hầu như Syria, Hamas tại Dải Gaza, Hezbollah tại Lebanon.

Cũng do chiến lược của Iran, lực lượng cực đoan Hamas mới có tiếng nói mạnh nhất trong cộng đồng người dân Palestine và lấn át tổ chức Fatah ôn hòa hơn. Israel không thể đàm phán với Hamad về sự hiện hữu của một quốc gia Palestine vì với Hamas, sự hiện hữu đó có điều kiện tiên quyết là khai tử Israel.

Đã vậy, các nước Âu châu lại đồng ý với Mỹ về việc hòa giải và đưa hồ sơ Iran qua Liên hiệp quốc. Nhân danh quyết định của Hội đồng Bảo an, Âu châu sẽ ra khỏi rào cấm vận mà thoải mái làm ăn với Iran. Israel mất thêm một điểm tựa là Âu Châu, nơi mà tinh thần kỳ thị Do Thái đã tái xuất hiện, nhất là ở tại Pháp.

Thủ tướng Netanyahu không thể giải quyết ngần ấy vấn đề có tính chất tồn vong. Việc ông dàn xếp với các chính đảng để lập Nội các mới chỉ kéo dài nguyên trạng bấp bênh mà thôi.

___________________

Kết luận ở đây là gì?

Hãy thận trọng với truyền thông Hoa Kỳ.

Hãy thận trọng với đối sách thất thường của nước Mỹ.

Đừng tưởng rằng dân Do Thái là thầy hay là chủ của Hoa Kỳ.

Và miền Nam thất trận không vì "lobby Do Thái"!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét