Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Ngoại Giao Hỗ Bác



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150312

Quốc hội Hoa Kỳ và nghệ thuật thọc gậy bánh xe   

* Dân biểu Nancy Pelosi - Nghĩ bằng botox *


Cỗ xe Hoa Kỳ đang lăn bánh vào cuộc đàm phán với Iran thì bị ai đó xì bánh xe.  

Cuộc đàm phán mang kích thước quốc tế vì quy tụ năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (gọi tắt là P-5) là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Tầu, thêm Cộng hoà Liên bang Đức, một cường quốc Âu châu. Vì vậy, cuộc đàm phán mới có ký hiệu là P-5+1. Dù đây là đàm phán quốc tế, Hoa Kỳ giữ vai chủ động, khi Ngoại trưởng John Kerry thương thuyết thẳng với vị tương nhiệm của Chính quyền Tehran là Bộ trưởng Ngoại giao Javad Zarif. Nơi thương thuyết là xứ Thụy Sĩ.

Sinh năm 1960, Giáo sư Zarif thuộc loại học giả của Iran, trong thời gian 1977-1988 đã tốt nghiệp một văn bằng Cử nhân, hai bằng Cao học và bằng Tiến sĩ về Công pháp và Chánh sách Quốc tế tại các Đại học Hoa Kỳ ở San Francisco và Denver. John Kerry là ai thì có lẽ độc giả người Việt cũng đã biết từ thời chiến tranh ngày xưa!

Nội dung đàm phán liên quan tới kế hoạch hạch tâm của Chính quyền Tehran, do Lãnh tụ Tối cao là Giáo chủ Ali Khamenei lãnh đạo đằng sau Tổng thống Hassan Rouhani, một giáo sĩ và giáo sư vừa đắc cử năm 2013. Iran ráo riết xây dựng hệ thống năng lượng hạch tâm (nuclear), chính thức là cho nhu cầu dân sự, với chủ đích sử dụng vào mục tiêu quân sự là chế tạo võ khí. Vì vậy, Iran bị Hoa Kỳ phong tỏa kinh tế.

Từ sáu năm nay, Chính quyền Barack Obama muốn khai thông việc đó với hy vọng là Iran sẽ từ bỏ võ khí hạch tâm để có quan hệ bình thường hơn với nước Mỹ.

Ngoài hồ sơ hạch tâm, Iran còn có tham vọng lãnh đạo khối Hồi giáo theo hệ phái Shia, đối thủ của hệ phái Sunni chiếm đa số trong thế giới Hồi giáo. Iran là cường quốc cấp vùng đang khuấy động cả khu vực Trung Đông khi yểm trợ các lực lượng Hồi giáo cực đoan và thực tế khuynh đảo các lân bang như Lebanon, Israel qua các tổ chức khủng bố Hezbollah và Hamas. Họ bảo vệ chế độ hiếu sát của lãnh tụ Bashar al-Assad tại Syria và chi phối tình hình Iraq nhờ lực lượng Shia thân Iran ở tại chỗ. Cũng do chủ trương bành trướng ảnh hưởng của hệ phái Shia, Iran trực tiếp đối nghịch với lực lượng xưng danh Nhà nước Hồi giáo (ISIL), thuộc hệ phái Sunni, đang tung hoành tại Syria, Iraq và cả Libya.

Vì vậy, quan hệ giữa Iran với Hoa Kỳ không chỉ thu gọn vào hồ sơ võ khí hạch tâm.

Chúng ta trở lại chuyện bánh xe Hoa Kỳ.

***


Sau cuộc bầu cử cuối năm ngoái, Quốc hội khóa 114 hiện do đảng Cộng Hoà kiểm soát tại cả hai viện. Đa số dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà cùng một số nhỏ Dân Chủ không mấy tin tưởng thiện chí hòa giải của Iran và khả năng thương thuyết của Chính quyền Obama. Người viết này cho rằng không tin là phải.

Lãnh đạo Hạ viện là Dân biểu John Boehner còn mời Thủ tướng Israel là Benjamin Netanyahu qua Mỹ đọc bài diễn văn trước lưỡng viện của Quốc hội vào ngày Thứ Ba mùng ba vừa qua để thuyết phục dư luận và chính trường Hoa Kỳ về một lập trường cứng rắn và toàn diện hơn với chế độ Tehran.

Chuyện đáng nói là ngay giữa cuộc đàm phán, hôm Thứ Hai mùng chín vừa qua, 47 Nghị sĩ Cộng hoà lại gửi thư chính thức cho lãnh đạo Tehran, rằng mọi thoả thuận với Tổng thống Obama đều vô giá trị vì ông sẽ mãn nhiệm và hiệp ước sẽ bị Quốc hội cản trở và Tổng thống kế nhiệm bác bỏ.

Hành pháp Obama, đảng Dân Chủ và cả lãnh tụ Khamenei của Iran đều kết án lá thư. Phía Hoa Kỳ thì cho là các Nghị sĩ Cộng Hoà đã phạm luật khi trực tiếp nói chuyện với một xứ khác, đằng sau lưng Tổng thống. Phía Iran thì Đại giáo chủ Khamenei cho là nước Mỹ lật lọng, nay nói thế này mai đòi thế khác!

Chúng ta nghĩ sao về chuyện đó?


***


Hiến pháp Hoa Kỳ có đặc tính – ưu điểm – là giới hạn quyền lực của Tổng thống với vai trò và khả năng can thiệp rất mạnh của Hạ viện và Thượng viện và với thẩm quyền giải thích luật lệ rất lớn của Tối cao Pháp viện.

Tổng thống chỉ có ảnh hưởng trong lãnh vực đối ngoại. Cho nên, khác với nhiều nước, Tổng trưởng Ngoại giao chứ không phải Tổng trưởng Tư pháp (quan Chưởng ấn), mới có vị thế quan trọng nhất Nội các. Lãnh đạo Hành pháp là Tổng thống có toàn quyền thương thuyết và có quyền phê chuẩn các hiệp ước với nước khác sau khi Thượng viện tìm hiểu, cố vấn và đồng ý. Thượng viện chỉ có quyền bác bỏ cam kết của Hành pháp với xứ khác nếu hội đủ hai phần ba số phiếu của 100 Nghị sĩ.

Nhằm bảo vệ quyền thương thảo của Hành pháp, từ thời lập quốc, vào năm 1799, Hoa Kỳ còn có đạo luật Logan, do tên của một công dân chủ hòa là George Logan trong mâu thuẫn gay go khi ấy với nước Pháp. Đạo luật nghiêm trị, đến ba năm tù, bất cứ ai liên lạc với xứ khác để ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán của chính phủ - mà không có sự chấp thuận của chính phủ.

Các dân biểu nghị sĩ Hoa Kỳ có quyền, và nên, công khai bày tỏ quan điểm của mình trong việc đàm phán với một xứ khác. Mục tiêu là để thuyết phục công chúng về sự lợi hại cho quyền lợi quốc gia, có khi còn để hỗ trợ lập trường thương thuyết của Hành pháp. Nhưng trực tiếp liên lạc với một quốc gia đang đàm phán là phạm luật và thất cách về chính trị.

Các Nghị sĩ Cộng Hoà đã lầm khi bàn thảo với nhau rồi gửi thư cho lãnh tụ Iran. Họ còn phô bày tinh thần trịch thượng khi mở đầu lá thư với lời dạy dỗ về Hiến pháp Hoa Kỳ. Dù sao, Ngoại trưởng Iran đã tốt nghiệp các Đại học Mỹ và hiển nhiên am hiểu luật pháp lẫn chính trường Mỹ. Tác giả lá thư, Nghị sĩ Tom Cotton của Arkansas và 46 người đồng viện đã tạo ra hình ảnh lố bịch cho Lập pháp khiến người ta có thể coi thường các chính khách Hoa Kỳ.

Nhưng họ không phải là những người đầu tiên và duy nhất làm chuyện rồ dại!


***

Khi Ngoại trưởng Kerry phê phán vụ này là "không thể tưởng tượng nổi" trong 29 năm làm Nghị sĩ của mình, ông ta mắc bệnh quyên trí nhớ. Hoặc đảng Dân Chủ sờ không tới gáy!

Người Việt không quên rằng trong thời gian "hòa đàm" giữa Chính quyền Hoa Kỳ với Hà Nội, Nghị sĩ phản chiến George McGovern bên Dân Chủ cũng lén lút liên lạc với phái đoàn của Hà Nội. Đã từng ủng hộ Nghị quyết vịnh Bắc Bộ năm 1964, văn kiện tai hại cho việc Hoa Kỳ tham chiến, ông đảo ngược lập trường và đòi chấm dứt cuộc chiến bằng mọi giá.

Rốt cuộc, McGovern thảm bại trong cuộc tranh cử với Richard Nixon năm 1972 vì thành tích thăm viếng Bắc Kinh và giải vây Trung Quốc của Tổng thống Cộng Hoà. Chứng nào tật nấy, năm 1975, McGovern đã cùng Nghị sĩ John Sparman lại qua nói chuyện với lãnh đạo Cuba cộng sản!

Sau này, người ta mới biết sở dĩ Nixon hấp tấp qua gặp Mao Trạch Đông dù chưa rõ chủ đích của đối phương vì Nghị sĩ Ted Kennedy cũng dự tính đi Tầu để chuẩn bị cho cuộc tranh cử Tổng thống. Mà chi tiết về Kennedy là do Bắc Kinh cung cấp cho Henri Kissinger vào Tháng Bẩy năm 1971 khi ông đang qua đó mật đàm với Chu Ân Lai!

Những trường hợp thọc gậy bánh xe như vậy kể ra thì nhiều, như Mục sư Jesse Jackson từng lẻn qua Cuba và Nicaragua năm 1984. Hoặc Chủ tịch Hạ viện Dân Chủ là Jim Wright cũng ngầm tiếp xúc với Tổng thống Daniel Ortega của đảng cộng sản Sandinista tại Nicaragua.

Với chế độ Sandinista thì John Kerry là khuôn mặt quen thuộc vì từng liên lạc với họ - và còn khuyên Ortega giấu kín quan hệ với Liên Xô. Kerry muốn phá vỡ chhiến lược của Chính quyền Ronald Reagan tại Trung Mỹ khi Nicaragua khuynh đảo các nước lân bang trong vùng!

Gần đây hơn, đầu Tháng Tư năm 2007, Chủ tịch Hạ viện Dân Chủ là Nancy Pelosi đã qua mặt Bộ Ngoại giao của Chính quyền George W. Bush mà tới thủ đô Damascus nói chuyện với Tổng thống al-Assad. Bà trở về ca ngợi lãnh tụ khủng bố này là người ôn hòa, cải cách! Xưa kia George McGovern cũng đã hót như người Hà Nội: Hồ Chí Minh là một George Washington!

Dù tinh ma, Hoa Kỳ vẫn cứ cho đối phương cơ hội đánh đòn xóc hai đầu vào hai đảng. Dân ta cứ thích luận bàn về ngón "song thủ hỗ bác" của Lão ngoan đồng Châu Bá Thông trong truyện võ hiệp Kim Dung, là tay trái có thể đánh với tay mặt cho vui. Vào tới chính trường Mỹ, khi loạn chiêu thì hai tay cùng tự tát vào mặt cho đau, trước sự hể hả của các đối thủ. 

Ngoại giao hỗ bác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét