Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

IPU 132 – MỘT MÙA XUÂN MỚI CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Trường Kì

Tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) thành lập năm 1899, tiền thân là Hội nghị quốc tế nghị sĩ (1889). Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay IPU đã trở thành một “ngôi nhà” quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là trung tâm đối thoại và là diễn đàn ngoại giao nghị viện toàn cầu, góp phần gìn giữ hòa bình và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững.

Để trở thành thành viên của IPU, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định. Mà cơ bản, trước tiên nhất là Điều 3 Điều lệ IPU: “Phải là cơ quan lập pháp của một quốc gia có chủ quyền”. Tại thời điểm đó, Điều 44 Hiến pháp 1959 chỉ rõ: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Khẳng định chính danh tính pháp lý của cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân ta.
IPU 132 – một dấu mốc lịch sử của Quốc hội nước ta
Sau 20 năm kiên trì theo đuổi mục tiêu hội nhập nghị viện quốc tế, ngày 21/4/1979, đánh một dấu mốc quan trọng khi Quốc hội Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Quá trình hội nhập này gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

35 năm qua, từ khi gia nhập IPU đến nay, sự tích cực, nỗ lực của Quốc hội với tư cách là nghị viện thành viên IPU, đã cho các nước thấy một tinh thần cống hiến cho hòa bình phát triển của Việt Nam, đưa các quốc gia đi đến quyết định đặt niềm tin và nêu cao vị thế của chúng ta. Thể hiện qua việc, Việt Nam lần lượt được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành IPU 130, Phó Chủ tịch IPU - đại diện cho Nhóm nước châu Á - Thái Bình Dương (nhiệm kỳ 2010-2011). Điều đó đã khẳng định những thành tựu quan trọng trong hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ quốc tế của Quốc hội nước ta, mà đỉnh cao của nó chính là IPU 132.

Việc lần đầu tiên Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức kỳ họp lần thứ 132, Đại hội đồng IPU tại Hà Nội vào tháng 3/2015 với chủ đề “Nghị viện trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau 2015” là một sự kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện sáng rõ tinh thần “Hiến pháp lòng dân 2013” về sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, không ngừng nâng cao vị thế của dân tộc trên trường quốc tế.

Mùa xuân 2015 này, sẽ thực sự là một dấu mốc trong chặng đường 70 năm phát triển của Quốc hội Việt Nam (1945-2015), 35 năm trên trường IPU quốc tế (1979-2015). Góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và thể chế chính trị theo con đường xã hội chủ nghĩa đến chính khách và bạn bè thế giới.

Việt Nam hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt, trong sự tươi mới ấy có một phần không nhỏ công lao to lớn từ nhân dân, bởi chính nhân dân là người đã tận tay xây dựng nên một Quốc hội – nơi hội tụ trí tuệ và lòng dân.

Arsenal cho HAGL mượn cầu thủ Giroud

Trang chủ của Arsenal vừa thông báo rằng họ đã đồng ý cho Hoàng Anh Gia Lai mượn tiền đạo Olivier Giroud vào mùa Hè này.
Giroud sẽ khoác áo HAGL trong vòng 1 tháng, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2015, đúng thời điểm đầu lượt về. Dự tính Giroud có thể đá năm trận ở V-League, trong đó có những trận HAGL đá với Hải Phòng, Bình Dương và SHB Đà Nẵng.
Trong khoảng thời gian này, đa số các giải VĐQG châu Âu nói chung và Premier League nói riêng đều nghỉ Hè. Giroud như thế sẽ chỉ lỡ giai đoạn đầu của đợt tập trung chuẩn bị cho mùa giải mới của Arsenal.

Arsenal cho biết, họ đã chấp thuận đề nghị mượn Giroud sau khi thảo luận trực tiếp với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, đã trực tiếp bay sang London để mượn tiền đạo 28 tuổi Pháp. HAGL còn muốn mượn cả Theo Walcott, nhưng cầu thủ chạy cánh người Anh chưa gia hạn hợp đồng với Arsenal.

Nhiều CLB ở Premier League đã mượn cầu thủ thuộc biên chế các CLB Mỹ trong ngắn hạn khi giải MLS nghỉ hết mùa, mà điển hình nhất là vụ Man City mượn Frank Lampard từ New York City. Nhưng đây là lần đầu tiên một CLB châu Á mượn một cầu thủ của Premier League theo dạng “tranh thủ” như thế này.
Phía Arsenal và HLV Arsene Wenger tỏ ra lưỡng lự trước lời đề nghị từ bầu Đức. Nhưng bất ngờ thay, chính Giroud lại bày tỏ nguyện vọng chơi bóng cho HAGL. Giroud vốn dành cho Việt Nam tình cảm rất đặc biệt sau khi cùng Arsenal đến Hà Nội du đấu vào mùa Hè 2013. Anh từng chứng kiến “Running man” Vũ Xuân Tiến chạy theo xe bus của CLB. Trở lại Việt Nam được coi là một cơ hội “vừa đá bóng, vừa đi du lịch”.

Hiện chưa rõ Hoàng Anh Gia Lai mất bao nhiêu tiền để mượn Giroud và trả lương cho tiền đạo người Pháp như thế nào. Giroud hiện nhận mức lương 80 nghìn bảng/tuần ở Arsenal, tương đương 2,5 tỷ đồng. Tính ra lương tháng là 10 tỷ đồng.
Thông tin thêm của TT&VH: Mối quan hệ giữa HAGL và Arsenal là rất khăng khít, không chỉ vì Học viện JMG Arsenal Hoàng Anh Gia Lai. HAGL từng đặt banner quảng cáo ở sân Emirates trong thời gian dài. Trước đây, vào năm 2008, tờ báo uy tín và lâu đời của Anh là Times từng đưa tin bầu Đức có ý định mua lại 20% cổ phần của Arsenal.

Giroud gia nhập Arsenal vào mùa Hè 2012 với giá 9,6 triệu bảng. Anh đã ghi được 56 bàn sau 124 trận cho Pháo thủ, trong đó có 17 bàn từ 26 trận mùa này. Khi đến HAGL, Giroud nhiều khả năng đá trung phong trong khi Công Phượng được đẩy lùi đá hộ công.

HAGL hiện xếp thứ 10 tại V-League, với 7 điểm sau 8 trận, kém đội đầu bảng Quảng Ninh 9 điểm.
Theo Hạ Nam

Từ Harry Lee Đến Lý Quang Diệu



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống Ngày 130331
"Vùng Oanh Kích Tự Do"


Từ vong căn thất cước đến lãnh đạo một nước hùng cường….

 * Hình nhỏ góc trái, Singapore vào thập niên 1940 - và ngày nay *


Trong lễ quốc táng của Lý Quang Diệu vào hôm Chủ Nhật 29, khi Thủ tướng Lý Hiển Long cầm lệ đọc bài điếu văn dài 40 phút dành cho bậc Quốc phụ mà cũng là thân phụ, chúng ta nên suy nghĩ. Trước nhiều vị nguyên thủ của quốc tế và quốc dân Singapore, ông đọc điếu văn bằng tiếng Anh, rồi tiếng Mã Lai, sau đó mới là tiếng Hoa…. Tiếng mẹ ghẻ rồi mới là tiếng mẹ đẻ?



Người ta kể rằng, nửa thế kỷ về trước, khi Lý Quang Diệu lên làm Thủ tướng Singapore thì ông vẫn còn một bà chị họ xa đang sống tại Cù lao Phố của Biên Hòa. Điều ấy có thể là đúng, dù chẳng ai kiểm chứng được. 

Mà thật ra cũng vô nghĩa.

Điều ấy có thể là đúng nếu ta nhớ lại vai trò khai khẩn của nhiều đợt lưu dân gốc Hoa trên vùng đất mới, thời ấy còn có tên là Trấn Biên chứ chưa được là Biên Hòa. Trấn là nén xuống, để gìn giữ an ninh. Và Biên là biên thùy, ranh giới. Nói theo kiểu Mỹ thì đấy là đất… Viễn Tây của thế hệ tiên phong mở mang lãnh thổ.

Nhìn cho sâu và rộng, từ giữa thế kỷ 17, nhiều võ tướng nhà Minh không chấp nhận nền cai trị của tộc Mãn Thanh mà phiêu dạt vào Đàng Trong. Họ tự xưng là “bồ thần” của các Chúa Nguyễn.

Như mọi khi, khách có kẻ bỗng nhảy vào cuộc, với câu hỏi như tra tấn: “Bồ thần là gì vậy, nhà bác?”

Bèn tra vấn từ điển: Chữ “bồ”, thuộc bộ “Bao” trong tiếng Hán, có nghĩa là khúm núm, bò bằng tay, với ý khiêm cung hèn hạ. Rồi ta hối lộ khách một chung rượu, để gõ tiếp trên phím những cung bậc của nhân gian….

***


Thời ấy, cả một khu vực rộng lớn của xứ Chân Lạp cũng là “đất mới” của các Chúa Nguyễn. 

Một thế kỷ sau khi Nam Tiến từ đất Thuận Hóa thì các bậc anh hùng ấy Tây Tiến đến tận Hà Tiên và nhân đôi diện tích của lãnh thổ. Các Chúa đưa dân đi chiếm lấy đất vùng đất phì nhiêu của các tiểu vương quốc đã bị nước Chân Lạp thôn tính từ trước. Thời ấy, đấy là quy luật bình thường.

Được các Chúa trọng dụng, lớp võ tướng nhà Minh như Trần Thượng Xuyên có mặt trong số tiên phong khai phá biên thùy. Với tài tổ chức, họ Trần quy tụ được nhiều đợt lưu dân người Hoa từ Quảng Đông hay Phúc Kiến đến chọn nơi này làm quê hương và góp phần đáng kể cho các Chúa. Và cho nước Việt. Vào thời ấy, Trấn Biên đã trở thành trung tâm của vùng đất mới.

Như Dương Ngạn Địch hay Mạc Cửu tại miền Tây, Trần Thượng Xuyên tại Trấn Biên hết là “bồ thần” lê lết kiếp lưu vong. Ông được các Chúa vinh danh là “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”. Nghĩa nôm là họ Nguyễn làm vương, họ Trần làm tướng, đời đời công khanh chẳng dứt. Thời Minh Mạng và Thiệu Trị thì ông được tôn là “Thượng đẳng công thần” - của nước Đại Nam.

Mãi về sau, có thể là trong lớp con cháu của các di dân gốc Hoa ấy, mới có tổ tiên của Lý Quang Diệu. 

Nhưng biết đâu chừng, chi họ Lý này tiếp tục Nam tiến đến những vùng đất xa xôi hơn, tại bán đảo Mã Lai hay quần đảo Nam Dương. Cho tới đời ông thì mới dừng chân tại thuộc địa của Anh mà ta gọi là Tân Gia Ba, khi ấy còn là đất muỗi mòng sình lầy của một làng chài lưới, chứ chưa được như xứ Biên Hoà thịnh vượng. Nội việc đó cũng thấy ông là di dân rất sáng. 

Vì lý do văn hóa và hành chánh, thuộc địa của Anh thường khá hơn là thuộc địa của Pháp!


 Cậu Lý con trong tay Lý cha - tranh của gia đình


***

Chúng ta quên hẳn chuyện di dân rồi. 

Trong hơn ngàn năm, từ Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn, qua các quốc hiệu nào Đại Việt, Hoàng Việt hay Đại Nam, An Nam hay Việt Nam, v.v… dù là “di dân nội địa” mọi người đều dần dần ý thức rằng ta có quốc có gia. Là dân Việt của nước Nam. Ý thức ấy bao trùm lên gốc tích Thuận Hóa hay Quy Nhơn, Gia Định hoặc Thăng Long, Thanh Hóa hay Bình Thuận, An Giang…. Di cư mới cũ gì thì cũng là con dân đất Việt trời Nam.

Chứ Lý Quang Diệu đôi khi đã tự hỏi, rằng mình là ai? Gốc Hoa hay gốc Hẹ? Là một chi xa xôi của họ Lý đến từ Trấn Biên? Hay thần dân của Đế quốc Anh có gốc tích Hoa-Việt xửa xưa mà nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa và bập bẹ cả tiếng Nhật trên cái làng chài Tân Gia Ba này? 

Sau khi quân Nhật rút, dưới cái tên thuận tai hợp thời là Harry Lee, ông qua Anh học tại London School of Economics rồi tốt nghiệp rất cao từ trường luật Cambridge, có lẽ chỉ thua một nàng Kha Ngọc Chi mà ông lấy làm vợ. Sáng thật! 

Vậy mà Lý Quang Diệu vẫn kém nhiều bậc tiền bối của chúng ta cũng đã qua Pháp đi học. Các cụ của chúng ta dù có du học bên Tây thì vẫn là người Việt và có nước Nam để trở về. 

Còn Harry Lee đi về đâu? 

Harry Lee với mũ áo luật sư tại Anh quốc 


Mà sau khi Nhật Bản thua trận năm 1945, Tân Gia Ba hay Chiêu Nam Đảo hoặc Singapore của ông là gì? Là gieo đất chênh vênh với di dân người Hoa người Ấn hay Mã Lai dưới sức ép lẫn sức hút đa chiều. 

Đất Mã Lai là của dân Mã Lai theo Hồi giáo, họ rất e ngại tinh thần quá biến báo của người Hoa. Xứ Nam Dương, một thuộc địa của Hòa Lan vừa mới trở thành một quốc gia thì chẳng che giấu ý đồ chinh phục cửa ải trên biển này, gọi đó là “konfrontasi”, nôm na là đối đầu. Còn Trung Quốc được Mao Trạch Đông giải phóng thì coi mũi nhọn ấy là “chó săn của Đế quốc Anh-Mỹ”. Nên gửi cán bộ qua gieo trồng hạt nhân cách mạng, và vun xới bằng bạo lực. 

Tổng lý Chu Ân Lai của Quốc vụ viện Bắc Kinh nói gọn tâm sự của Harry Lee: Nhĩ thị hương tiêu. Ngươi là quả chuối! Họ Chu miệt thị Lý Quang Diệu, rằng da ngoài màu vàng chứ bên trong là thịt trắng. Ngụy danh đế quốc, tội tầy trời!

Khi ấy, hẳn là Lý Quang Diệu cũng phân vân với tâm sự Hồ Trường. Rằng ta biết rót về đâu? 

Là người thật sự vong căn thất cước, ông đã thuần thục ngôn ngữ và học thuật của mẹ ghẻ là nước Anh, nhưng về sống trên mom đất khi thủy triều của Anh đã rút. Biết rót về đâu cái tâm huyết của mình? Số của ông là chọn nơi đó làm quê hương mà chưa có tổ quốc. Sau khi ông đưa Singapore vào Liên hiệp Mã Lai thì bị đuổi ra năm 1965. Còn cộng đồng gốc Hoa của ông lại chỉ muốn làm loạn do sự xúi giục của Bắc Kinh. 

Chí lớn của Lý Quang Diệu không là theo Mác, Mao, Molotov, Thomas Moore hoặc Montesquieu, mà là rót ngay tâm huyết xuống dưới đất: xây dựng nếp văn hóa mới cho một quốc gia không có chốn chạy. Bên trong, mọi thành phần di dân từ thập phương tứ xứ đều chỉ có một tổ quốc mới, rất nhân tạo mà thực dụng, là Singapore. 

Lý Quang Diệu trở thành nhà sáng lập Singapore từ những trăn trở như vậy. 

Vốn gốc Hoa, từng theo xã hội chủ nghĩa kiểu Anh, ông là tay chống cộng thứ thiệt để bảo vệ quốc gia Singapore. Không nói ra, chứ có lẽ họ Lý rất hiểu “Coup de Jakarta” năm 1965 khi Quốc gia Nam Dương nay có tên là Indonesia đã có cuộc phản cách mạng đẫm máu - giết luôn nửa triệu người gốc Hoa theo Bắc Kinh đang đòi làm cách mạng!

Sau khi Lý Quang Diệu tạ thế, thế giới đã có ngàn bài ngợi ca thành tích lập quốc của ông. Phát triển từ Đệ tam lên Đệ nhất Thế giới, đất giầu mà sạch, mỗi năm tăng trưởng 7% trong 40 năm liền. Người dân ngày nay đã giầu hơn dân Mỹ - và rất hãnh diện là người Singapore. 


***


Ra khỏi màn sương của Lưu Linh, gạt chai rượu qua một bên, khách nheo mắt hỏi: “Lần này, nhà bác định oanh kích vào đâu vậy?”

Vậy mà cũng hỏi! Người ta có gia mà chưa có quốc. Ta đã có quốc thì đem tế ngoại bang.

Người ta dồn nỗ lực biến dải đất nghèo, không có tài nguyên và thiếu cả nước ngọt, thành viên ngọc quý được cả thế giới bảo vệ để cùng làm ăn. Sự thành hình của một quốc gia từ viễn kiến của một cá nhân được toàn dân hưởng ứng. Dân ta lại khác, đã có quốc gia lại biến lãnh thổ thành công cụ của quốc tế và biến vùng đất phì nhiêu gấp ngàn lần thành một bãi rác! Cái khác giữa bậc Quốc phụ Lý Quang Diệu với “cha già dân tộc” họ Hồ là như vậy! Phú quý giật lùi vào cái hố đen. 

Mà dân ta vẫn chửa biết ….

 
Dân chúng thương tiếc Lý Quang Diệu
















Để khách trầm ngâm dưới cái hố đen, người viết này luận tiếp về nhà… Hậu Lý. 

Từ Đệ tam Thế giới của các nước nghèo hèn nhảy vọt vào vị trí đệ nhất, Singapore cũng gặp bài toán của các nước đi trước: lão hóa dân số. Càng giàu thì càng đẻ ít và sống lâu hơn nên tỷ trọng cao niên phải tăng. Bên trong, thành phần gốc Hoa đông nhất mà đẻ ít nhất vì khá giả nhất, nên tỷ lệ thua dần dân gốc Ấn và nhất là dân Mã Lai. 

Chưa nguy bằng nhiều nan đề khác: Singapore thiếu nhân công nên nhận lao động từ ngoài vào để cùng đẩy bộ máy phát triển. 

Sự dị biệt giữa quy chế thường trú và tạm trú bắt đầu xảy ra. Trong thành phần lao động “nhập cảng”, người giàu kiến thức và tay nghề cao có gây áp lực về lương bổng và gia cư hay lạm phát cho công dân bản địa ngày một lớn tuổi và hiếm muộn hơn. Ở bên dưới, lao công kém tay nghề từ Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vào cũng trở thành đông hơn. Họ đòi quyền sống và quyền sướng cho bằng với người khác. Và sẽ có ngày đe dọa “bản sắc Singapore”… 

Từ ba năm nay, Chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long phải chật vật xoay trở với bài toán ấy. Vài chục năm nữa, Singapore sẽ mất dần ưu thế. Đấy là lúc đảo quốc này gặp sức ép của một quận huyện Trung Quốc. Là Việt Nam, có dân số trẻ, biết tay nghề, với lãnh đạo là những
bồ thần cho Bắc Kinh. Một Cù Lao Phố lộn ngược….

Bên cạnh, hình như khách bật lên tiếng khóc Tháng Tư.


Sâm 800 tuổi đại gia 'thèm thuồng', lão nông ngâm rượu... uống chơi

“Cụ” sâm 800 tuổi này không thể định giá được bởi nó quá quý hiếm với cả thế giới. Nếu đại gia trên thế giới biết đến, giá trị của nó phải tính bằng vài chục tỷ. Thế nhưng, “cụ” sâm độc nhất vô nhị này lại “yên vị” trong bình rượu ngâm để… uống chơi của lão nông Việt…
Nhận sâm 800 tuổi giá chục tỷ bị bẻ như củ khoan, ngâm rượu “uống chơi” của lão nông
Ông Trần Ngọc Lâm vốn bị bệnh ung thư phổi, bị Bệnh viện 103 trả về chờ chết từ 15 năm trước. Vì không muốn vợ con phải đau lòng khi chứng kiến cảnh ông chết dần, chết mòn, nên ông đã lần vào rừng để chết một cách lặng lẽ.

Vào rừng Hoàng Liên Sơn, trèo lên tận đỉnh Fansipan, ông Lâm đã phát hiện ra nơi đây có rất nhiều cây thuốc trị bệnh ung thư. Những cây thuốc này ông học được từ các thiền sư Tây Tạng, hồi ông lái xe siêu trường siêu trọng từ Lào Cai qua Tây Tạng, sang tận Nga.

Cứ vặt lá, nhổ củ nhai sống, thế mà ông sống khỏe đến ngày nay. Không những thế, ông còn cung cấp bài thuốc cứu sống hoặc kéo dài tuổi thọ cho khá nhiều người mắc bệnh ung thư.

Để có thuốc trị bệnh cho mình và cho người, ông đã dựng lều dựng lán trong rừng, thậm chí ở cả trong hang, rồi hết ngày này qua ngày khác, lang thang khắp các cánh rừng để tìm thuốc quý.

Lầm lũi đi trong rừng, ông đặt chân lên một ngọn núi cao gần 2.900m thuộc đất Lai Châu. Ở độ cao này, chỉ có loài trúc sống được. Giống trúc ở đây thân bé như que tăm, cao đến đầu gối, sống bám vào vách đá. Trong lúc tìm thuốc, ông Lâm gặp một giống cây lạ, thân trông như củ, củ giống như thân. Tuy nhiên, ông thấy rất quen.

Ngẫm ngợi một lúc, ông mới nhớ rằng, đây là giống sâm mọc ở vùng núi Tây Tạng, trên độ cao 4.000-5.000m, mà vị thiền sư chữa bệnh đã một lần chỉ cho ông. Người Tây Tạng gọi đó là sâm Hymalaya.

Loài sâm này mỗi năm một lần rụng lá và mọc thêm một đốt, dài bằng đốt ngón tay. Mỗi năm nó chỉ ra 3-4 lá và mỗi lá có 7 thùy. Củ sâm mọc ngẩng lên trời, nhưng được vài năm, thân nặng quá, lại gục xuống, rồi bị mùn lá phủ lên che kín, thành thử phần thân nó chìm trong đất đá từ nhiều trăm năm trước.

Ông Lâm cẩn thận đào củ sâm. Sau một giờ đồng hồ miệt mài đào bới, ông Lâm đã nhấc được củ sâm lên khỏi mặt đất. Phần thân củ sâm nằm dưới lòng đất có màu vàng nhạt, chia thành từng đốt, xù xì.

Phần thân củ sâm dài quá sải tay, to bằng cổ tay, mỗi đốt dài 1-2 cm. Ông Lâm tỉ mẩn ngồi đếm được tới 800 đốt. Như vậy, tuổi đời củ sâm này đã vắt qua 8 thế kỷ. Ước chừng, củ sâm này nặng tới 10kg.
Chỉ có chiếc ba lô để đựng quần áo, túi ngủ, thức ăn, không có cách nào nhét nổi củ sâm dài thòng lõng đó, nên ông Lâm đành bẻ củ sâm thành từng khúc nhỏ, nhét hết vào các ngóc ngách của ba lô

Ông Lâm đem từng khúc khớp lại thành củ sâm nguyên vẹn cho mọi người xem, khiến ai cũng xuýt xoa tiếc nuối. Mấy bác nông dân, mấy cụ lão thành đến xem, người thì bảo củ sâm này chắc phải trị giá vài triệu, người thì bảo có khi đến cả chục triệu đồng.

Ông Lâm cũng không biết nó giá trị thế nào, nhưng ông không phải người ham tiền, nên cũng chả để ý. Ông phân phát cho làng xóm, bạn bè mỗi người vài khúc đem về ngâm rượu uống chơi để tăng cường sức khỏe. Con cái, dâu rể cũng mỗi người lấy vài chục khúc đi biếu lãnh đạo, đồng nghiệp và bạn bè của mình.

Số còn lại, ông đem phơi khô rồi tống hết vào chiếc bình, đổ rượu mạnh vào ngâm. Bạn bè, làng xóm đến nhà, ông đều bê bình rượu đặc biệt này ra thết đãi.

Sau này, ông Nguyễn Hữu Khai, vốn là lãnh đạo tập đoàn Đông Dược Bảo Long lên Sapa đã qua nhà ông Lâm để hỏi về những cây thuốc quý ở Hoàng Liên Sơn. Không có rượu Tây, rượu xịn để đãi khách, ông Lâm đành bê bình nhân sâm 800 tuổi ra mời khách.

Nhặt củ sâm lên ngắm nghía, ông Khai… choáng váng. Sau chầu nhậu với rượu nhân sâm, ông Khai đề nghị được mua mấy khúc nhân sâm (dù đã ngâm rượu mấy tháng) với bất cứ giá nào. Tuy nhiên, ông Lâm chỉ cười, rồi tặng luôn mấy khúc.
Về nghiên cứu, chiết xuất mấy ngày, ông Khai điện cho ông Lâm bảo, đây đúng là nhân sâm, rất quý, rất tốt. Ông Khai cũng không thể định giá được củ sâm 800 tuổi đó, bởi nó quá quý hiếm với cả thế giới. Tuy nhiên, theo ông Khai, giá của nó phải tính bằng tiền tỷ.

Không hiểu thông tin từ đâu, GS Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược) đã bắt tàu lên tận nhà ông Lâm để tận mắt củ sâm. Nhìn củ sâm, GS Kỳ đã khẳng định ngay nó là tiết trúc sâm. Loài sâm này cùng họ với với sâm Ngọc Linh, mà sâm Ngọc Linh thì tốt không kém gì sâm Hàn Quốc, Triều Tiên.

Tuy nhiên, với 800 năm tuổi, “cụ sâm” này không thể định giá nổi, bởi vì không thể kiếm đâu ra củ sâm ở Hàn Quốc, Triều Tiên và Ngọc Linh có tuổi thọ như vậy nữa.

Biết tin củ sâm 800 tuổi, ông Nguyễn Hữu Trọng, TGĐ Cty Thực phẩm chức năng Thăng Long lập tức tìm lên Lào Cai. Nhìn một phần củ sâm quắt queo trong bình rượu, ông Trọng lắc đầu tiếc nuối.

Chỉ cần nhai một miếng nhỏ, ông Trọng, một chuyên gia về lĩnh vực thực phẩm chức năng, cũng biết rằng, nó là thứ quá quý hiếm trên đời. Ông bảo, sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ để mua nếu ông Lâm kiếm được củ sâm như thế.

Cũng theo ông Trọng, nếu củ sâm này được đưa lên các sàn đấu giá của thế giới, giá trị của nó có thể được thổi lên đến cả triệu đô, bởi khó có thể kiếm được củ sâm thứ 2 có tuổi đại thọ như củ sâm này.

Sâm Ngọc Linh khủng nhất Việt Nam trong trụ sở TP.Tam Kỳ

Bình sâm được cho là “độc nhất vô nhị” đã tình cờ được nhìn thấy trong phòng tiếp khách của UBND TP.Tam Kỳ.

Thông tin trên báo Dân việt, bình sâm cao khoảng 1m, dạng bình tròn, phía bên trong có đến vài chục củ sâm Ngọc Linh quý hiếm nối gắn dính với nhau tạo thành một củ “sâm khủng” rất đẹp mắt.
Phía trên miệng bình sâm có dán một tờ giấy với nội dung: “Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My kính tặng” và thêm nội dung chi tiết về loại sâm quý hiếm này: “Sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm K5, là một loại dược liệu quý hiếm có tác dụng bồi bổ cơ thể, cầm máu, chữa rắn cắn, tiêu chảy hoặc đau bụng. Ngày nay khoa học đã nghiên cứu sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress tâm lý, giải độc gan, tác dụng trên nội tiết tố, chống lão hóa, đặc biệt phòng chống ung thư, điều hòa huyến áp…”.

Khi được hỏi về bình sâm Ngọc Linh quý này, ông Nguyễn Minh Nam, Chánh Văn phòng UBND TP.Tam Kỳ cho biết, bình sâm do huyện kết nghĩa Nam Trà My tặng để trưng bày quảng bá về sâm Ngọc Linh.

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới…

Được biết, sâm Ngọc Linh là một loại sâm cực kỳ quý hiếm chỉ được trồng tại núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện miền núi cao Nam Trà My với độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.
Theo Hạ Nam

Đừng "té nước theo mưa"!

QĐND - Những ngày qua, trong dư luận xã hội cũng như trên báo chí, nhất là báo mạng "nóng" lên câu chuyện chặt cây ở Hà Nội. Báo chí trước hết là phản ánh dư luận xã hội, tiếp đến và đồng thời là sự thể hiện quan điểm, tấm lòng, cảm xúc của nhà báo trước các sự kiện. Công bằng mà nói, có người vì quá bức xúc nên đã có những suy luận, bình luận chưa thật khách quan, công bằng. Chẳng hạn có bài viết xem vụ chặt cây là “có tổ chức”, là “đô tặc” (phá hoại Thủ đô)… Song, nếu đọc kỹ những bài báo nói trên, cho dù câu chữ, ngôn từ có gay gắt nhưng người ta vẫn thấy được tấm lòng của tuyệt đại đa số người cầm bút với xã hội, với văn hóa, con người Thủ đô.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Thế nhưng, lợi dụng câu chuyện của báo chí trong nước, không ít báo nước ngoài cũng “té nước theo mưa” làm nóng thêm vấn đề. Một số người suy luận, bình luận, thậm chí bóp méo nhằm “lái” những bức xúc, bất bình của người dân sang bôi nhọ cấp ủy, chính quyền, phủ nhận chế độ xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đồng thời, họ dẫn dắt tình cảm, suy nghĩ của mọi người đến mô hình xã hội “dân chủ đa nguyên, tam quyền phân lập” ngoại nhập. Họ nói rằng: “Nguyên nhân quan trọng (dẫn đến vụ chặt cây sai lầm) là do sự thiếu vắng các hội đoàn dân sự…”. Có kẻ lại nói: “Muốn bảo vệ môi trường cần phải có… tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “tự do lập hội, lập đảng”… Có kẻ còn trắng trợn nói cần phải thay đổi chế độ xã hội, chế độ đó phải “có nhiều hơn một đảng”...

Không ai phủ nhận việc thực hiện “Đề án thay thế cây xanh ở Hà Nội” có những thiếu sót, nhất là trong quá trình triển khai. Nhưng việc họ suy diễn, tuyên truyền rằng, vụ chặt cây này chỉ là “chuyện nhỏ” còn các dự án “hàng chục tỷ đô-la đã, đang và sẽ được vẽ ra, thông qua một cách khuất tất để lấy tiền dân chia nhau”… Rõ ràng, đó là một thủ đoạn chính trị nhằm kích động những bức xúc của người dân trong vụ việc này nhằm phá hoại chế độ ta. Thậm chí một số vấn đề chẳng có mối quan hệ gì đến chuyện chặt cây xanh cũng được họ đề cập đến như một “giải pháp”. Chẳng hạn từ chuyện cây xanh Hà Nội, họ nói chỉ khắc phục được vấn đề này trong chế độ xã hội “dân chủ, đa nguyên”... Đã quá rõ ràng, với họ, việc bàn luận, “tư vấn” về vụ chặt cây ở Hà Nội chỉ là cái cớ để họ xuyên tạc, bôi nhọ chế độ xã hội, hướng lái những suy nghĩ, tình cảm của người dân vào phủ nhận bản chất của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Nếu khách quan xem xét, "Đề án thay thế cây xanh ở Hà Nội" là một ý tưởng hợp lý, nhất là khi Hà Nội đang triển khai nhiều dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn như: Xây dựng đường sắt trên cao, mở rộng một số tuyến phố… và hằng năm, nhất là vào mùa mưa bão, Hà Nội vẫn còn không ít vụ tai nạn do cây gãy cành, bật gốc... gây thương vong cho người dân… Đáng tiếc là việc nghiên cứu, triển khai đề án này chưa được công khai đầy đủ, kịp thời.

Tuy nhiên, có thể thấy lãnh đạo Hà Nội đã có những quyết định khá nhanh chóng, thẳng thắn khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc. Xin được điểm lại một số quyết định của lãnh đạo Hà Nội: Ngày 20-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định: “Dừng việc chặt hạ, thay thế cây”. Trong quyết định này, Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu cụ thể: “Những cây đã hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế… Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gãy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân... Việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng quy trình quy định; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện”. Ngày 23-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp về vụ việc trên. Ngày 25-3, theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đã quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để làm sáng tỏ vụ việc: “Thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục cụ thể” như thế nào… Trên đây có lẽ chưa phải là tất cả những gì mà cấp ủy Đảng và chính quyền Hà Nội đã và đang làm xung quanh vụ việc nói trên.

Qua diễn đàn báo chí về vụ việc này cho thấy, ở Việt Nam không phải là “không có tự do báo chí, tự do ngôn luận” như nhiều trang mạng đang rêu rao tuyên truyền. Có thể nói, những kẻ suy luận, gán ghép rằng nguyên nhân của những sai trái trong vụ việc chặt cây xanh ở Hà Nội là do chế độ xã hội, là do Đảng Cộng sản “độc quyền” chỉ là thủ đoạn chính trị “té nước theo mưa” rẻ tiền.

     Theo CAO THÁI (Báo QDND)

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Bất Chiến Tự Nhiên Bại



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150330
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Khi Hoa Kỳ Rơi Tự Do Cùng Tổng Thống

 * Hý họa của Michael Ramirez trên tờ IBD: lại hứa cuội như xưa *



Sau khi Lý Quang Diệu từ trần, thế giới có cả ngàn bài viết về ông từ nhiều giác độ. Đa số ngợi ca thành tích của bậc Quốc phụ đất Singapore. Trong 40 năm đã đưa một làng chài giữa đầm lầy từ Đệ tam Thế giới nhảy vào Thế giới đệ nhất thành một trung tâm thịnh vượng, với lợi đồng niên của người dân còn cao hơn dân Mỹ. Nhưng đây đó cũng có lời phê phán tinh thần chuyên chế trong 40 năm lãnh đạo (từ 1959 đến 1990) rồi chi phối Nội các (từ 1990 đến 2011) với đảng Nhân dân Hành động PAP chiếm đa số từ 1959 đến nay.

Người viết này lại nghĩ đến chuyện khác vì… nhìn Hoa Kỳ từ bên ngoài.

Năm 1994, một thiếu niên Mỹ trong một trường tư của ngoại kiều giàu có tại Singapore bị bắt về tội phá hoại tài sản (xịt sơn lên 18 xe hơi để nghịch), ăn cắp và tàng trữ vật ăn cắp. Cậu ấm Michael Fay bị án phạt tiền cùng sáu roi tre. Theo tiêu chuẩn Lý Quang Diệu thì chắc là tội cũng nhẹ vì đã có người gọi Singapore là “Dysneyland với án tử hình”.

Khi ấy, từ Tổng thống Bill Clinton tới nhiều Nghị sĩ và báo chí đều than là quá nghiêm khắc. Nể tình đồng minh, Singapore cho chú bé bốn roi, rồi thả cho về nhà họp báo về chế độ lao tù tại Singapore.

Sau này, Lý Quang Diệu có lời giải thích: Là một đảo quốc nhỏ xíu, chúng tôi phải nghiêm trị nếu không xã hội sẽ loạn. Sau đó ông so sánh: Hoa Kỳ có những khả năng chúng tôi không thể có. Để ngăn ngừa nạn buôn lậu ma túy, Mỹ có thể tung quân vào bắt lãnh tụ xứ khác đem về xử tội buôn bán ma túy. Chứ Singapore thì không.

Về bối cảnh, cuối năm 1989, Chính quyền George H. Bush mở chiến dịch Chính Nghĩa, Just Cause: đưa quân vào Panama tại Trung Mỹ lật đổ chế độ độc tài Manuel Noriega, bắt Noriega làm tù binh đưa về xử tại Mỹ về tám tội danh - buôn lậu ma túy, tống tiền và tẩy tiền. Mãn tù năm 2007, đương sự bị dẫn độ qua Pháp lãnh thêm án tù bảy năm về tội rửa tiền và giết người, rồi được tha sớm vào năm 2011 để về chịu án tù 20 năm trong bộ máy công lý của xứ Panama đã tương đối dân chủ hơn xưa. Kể ra thì Mỹ ngang ngược, nhưng cũng có ích!

Ngày nay, chuyện như vậy không thể xảy ra được.

Ngày nay, có khi một người như Noriega được Chính quyền Barack Obama thả sớm để đổi lấy một lính Mỹ can tội đào ngũ ngoài chiến tuyến và gây rủi ro cho đồng đội. Đó là trường hợp của Trung sĩ Bowe Bergdahl, được Cố vấn An ninh Quốc gia là Suzan Rice ca ngợi là “anh hùng đã phục vụ quân ngũ với danh dự”, được quân khủng bố thả về để đổi lấy năm nghi can của tổ chức Taliban. Dù khi ấy cha mẹ được Tổng thống mời vào Vườn Hồng trong tòa Bạch Ốc chụp hình tưng bừng, ngày nay Bergdhal bị quân đội đưa ra tòa án quân sự. Và người ta chờ đợi năm nghi can khủng bố này sẽ tái xuất hiện để thi thố tài năng. Vì sao Obama không tham khảo ý kiến quân đội trước khi đổi tù?

Lý Quang Diệu không thể nào hiểu nổi việc ấy. Nhiều người Mỹ cũng vậy. Nhưng đấy chỉ là chuyện vặt, cũng nhỏ như xứ Singapore.


***


Chuyện lớn là các cường quốc đồng minh của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

Đứng đầu là Saudi Arabia, Egypt và Turkey cùng một chục nước nhỏ đang phải tự lo lấy thân trước sự bành trướng của tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL. Đồng thời họ còn phải ngăn ngừa thế lực của một cường quốc khác là Iran, có thể sẽ chế tạo võ khí hạch tâm sau khi đạt thỏa thuận “giải giới” với Hoa Kỳ. Cựu Đại sứ James Jeffrey của Tổng thống Obama tại Iraq đã nhận xét rằng chiến lược Trung Đông của Hoa Kỳ đang rớt tự do. Free Fall.

Chúng ta phải thông cảm với nước Mỹ.

Khu vực này gồm ít ra bốn sắc tộc là Á Rập, Ba Tư, Thổ, Kurd cùng theo Hồi giáo nhưng theo hai hệ phái không đội trời chung là Sunni (đa số) và Shia (thiểu số, mà rất mạnh tại Iran). Cứ đơn giản mà nhân số bốn cho số hai thì cũng đã có… tám loại vấn đề, vì các cộng đồng ấy chung đụng và đụng độ với nhau tới nháng lửa!

Chưa đủ nhiễu nhương.

Vì ta phải châm vào lò lửa hai lực lượng khủng bố cùng hệ phái Sunni mà nay đang thành kình địch là al-Qaeda và ISIL. Cộng thêm hai tổ chức khủng bố được Iran bảo trợ để khuynh đảo Lebanon và Israel, là Hezbollah và Hamas. Rồi ngó vào xứ Yemen bên Vịnh Aden với chính quyền Sunni thân Saudi bị lực lượng Houthi theo hệ phái Shia thân Iran tấn công khiến Hoàng gia Saudi phải cùng các nước Á Rập Hồi giáo tung quân vào trận để đẩy lui ảnh hưởng của Iran. Trong khi ấy, chế độ hiếu sát của Bashar al-Assad vẫn tồn tại ở Syria nhờ sự yểm trợ của Iran, và các Giáo chủ Iran còn vào tấn công lực lượng ISIL tại Iraq, gần như có phối hợp với các đợt không tập của Mỹ.

Trong thế giới bát nháo ấy, Chính quyền Obama không thể như Mao Trạch Đông mà “xác định bạn thù” cho phân minh. Cho nên đang thêm thù mà mất bạn! Niềm an ủi của Obama là có thêm bạn mới: xứ Iran với võ khí tàn sát. Một nhân vật Dân Chủ sáng giá xác nhận chuyện đó: “không thể tin được Iran!” Ông ta là Leon Panetta, nguyên Đổng lý Văn phòng cho Bill Clinton, rồi Giám đốc CIA và Tổng trưởng Quốc phòng cho Obama.

Nhưng không chỉ tại Trung Đông, Hoa Kỳ còn rơi tự do ở Đông Á.


***

Tuần qua, có 45 quốc gia đã nhận lời làm “đồng sáng lập viên” của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu.

Được gọi tắt là AIIB, đây là dự án được Trung Quốc đưa ra từ Tháng 10 năm kia và thúc đẩy từ Tháng Sáu năm ngoái trước sự chống đối ngấm ngầm của Chính quyền Obama. Ngấm ngầm vì chẳng ai biết rõ lý do. Nhưng kết quả là trong số 45 nước đã ngả theo lời đường mật của Bắc Kinh thì có 26 nước đồng minh của Mỹ. Đứng đầu và chói lọi nhất là Anh, Đức, Úc, Nam Hàn và cả Saudi hay Philippines, một nạn nhân của Trung Quốc.

Lại nói về bối cảnh (!), chưa kể tới các hành động trắng trợn để chiếm đóng ba phần tư vùng biển Hoa Nam mà ta gọi là Đông Hải của Việt Nam, từ năm 2010, không năm nào mà Trung Quốc không tung ra sáng kiến mới để bành trướng ảnh hưởng theo kiểu “phóng tài hóa thu nhân tâm”. Từ sau Đại hội 18, mỗi lần lãnh tụ Tập Cận Bình xuất hiện, tại thượng đỉnh này hay hội nghị nọ, mới nhất là hội nghị kinh tế Bác Ngao tại Hải Nam, là Bắc Kinh lại có một sáng kiến mạ vàng:

Khai triển Sáng kiến Chiang Mai để lập quỹ cứu trợ các nước trong Hiệp hội ASEAN; lập Quỹ Bình ổn Hối đoái với khả năng hoán đổi ngoại tệ cho các nước thiếu thanh khoản; Quỹ Chuộc nợ cho các nước Âu Châu bị khủng hoảng trong khối Euro; Tân Ngân hàng Khai triển của nhóm BRICS, có 100 tỷ với 41 tỷ của Trung Quốc để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới; Quỹ Cấp cứu Tài chánh CRA (Contingent Reserve Arrangement) với 100 tỷ của Trung Quốc để cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế; vĩ đại hơn cả thì có “Con đường Tơ lụa” để nối liền Trung Quốc với Âu Châu qua Trung Á và nối liền Đông Hải của Trung Quốc với Ấn Độ dương qua Thái Bình dương. Sau cùng mới là Ngân hàng AIIB này với 100 tỷ đô la.

Tập Cận Bình và ban tham mưu tung sáng kiến như Obama đi đánh golf. Tới tấp và rổn rảng.

Trong suốt giai đoạn ấy, không hề thấy một lần Chính quyền Obama giải thích sự lợi hại, lợi cho ai mà hại cho ai, hoặc thuyết phục Bắc Kinh đi theo con đường của mình. Nổi tiếng với chủ trương phát huy “quyền lực mềm”, Chính quyền Obama tự biến thành mềm oặt và nhường cho Trung Quốc cả chục sáng kiến rất mềm mà cột rất chặt.

Khi các đồng minh của Mỹ xé rào ngồi vào cuộc với Bắc Kinh thì Chính quyền Obama vuốt bụng thở dài. Và than thầm là chẳng còn ai tin mình. Sai bét! Có ba nước đang triệt để tin tưởng vào Obama: Liên bang Nga, Trung Quốc và  Iran. Với Ngài ngồi ở nơi đó thì chúng tôi yên tâm ca bài “Tiến lên, toàn thắng ắt về ta!”…..

_________________________

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ

Hôm Thứ Bảy vừa qua, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger luận rằng nếu lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục tinh thần của Đặng Tiểu Bình thì tình hình Đông Nam Á mới yên bình! Từ công trình sư của chiến lược giải vây Trung Quốc, lời phát biểu làm chúng ta như lạc vào xứ thần tiên của Alice! Và gặp bầy lang sói….