Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Khẳng định chủ quyền

Lan Hương

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định "Hoàng Sa và Trường Sa trước sau như một là của Việt Nam" trong bài phát biểu tại Hội châu Á ở New York ngày 28/9. Lời khẳng định đanh thép này đã thể hiện quan điểm cứng rắn của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây là những hành động nhằm đáp trả tuyên bố phi lý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này cho rằng Trường Sa “thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa”. Bài phát biểu của Chủ tịch nước đã nhận được rất nhiều sự phản hồi tích cực cũng như sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội châu Á ở New York
Cụ thể, khi trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn báo chí nước ngoài, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Khi ông Tập Cận Bình khẳng định Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa - NV) từ lâu là của Trung Quốc, chúng tôi cũng nói lại rằng đối với chúng tôi, lập trường trước sau như một không thay đổi. Chúng tôi gọi đó là Trường Sa và Hoàng Sa, trước sau như một thuộc về Việt Nam. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và thực tiễn pháp lý để xác định chủ quyền của Việt Nam”.

Tại cuộc trả lời phỏng vấn Hãng AP (Mỹ) trong cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khẳng định hành động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải. “Biển Đông thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới vào thời điểm này và trong năm qua, Trung Quốc đã thực hiện việc bồi đắp và cải tạo quy mô lớn ở các bãi đá ngầm, biến chúng thành các đảo rất lớn”, Hãng AP dẫn lời Chủ tịch nước.

“Chúng tôi tin rằng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói tiếp và cho biết thêm rằng Trung Quốc cũng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông đạt được với các thành viên ASEAN năm 2002. Theo AP, Chủ tịch nước khẳng định lo ngại của VN và các nước ASEAN là “rõ ràng và dễ hiểu vì các hành vi của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”.
Chủ tịch nước trả lời báo chí Cuba ngay tại sân bay sau khi tới Cuba bắt đầu chuyến thăm
chính thức - Ảnh: Trường Sơn
Thời gian qua, tình hình tranh chấp tại Biển Đông đang diễn biến theo những chiều hướng phức tạp. Trung Quốc với tham vọng bá chủ, bá quyền luôn lấy vị thế là một nước lớn để gây sức ép, thậm chí ngang nhiên gây hấn với các nước trong khu vực để nhằm âm mưu "độc chiếm Biển Đông". 

Với phương châm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế, tránh xung đột, đối đầu, Đảng và Nhà nước ta luôn đấu tranh một cách bền bỉ với quan điểm nhất quán: kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa khẳng định nghệ thuật đấu tranh ngoại giao vừa khéo léo vừa cứng rắn trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của toàn Đảng toàn dân ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét