Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Chông Gai Trên Con Đường TPP



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 151008

Hoa Kỳ có thể lãnh đạo thế giới về kinh tế, nhưng bất định về chính trị


 * Với cánh bảo thủ, các lãnh tụ Cộng Hòa trên đều là Dân Chủ ngụy danh Cộng Hòa! *


Chỉ ba ngày sau khi tin mừng về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP được thông báo mờ sáng mùng năm thì Quốc hội Hoa Kỳ đã lâm vào khủng hoảng: đảng Cộng Hòa không thể tổ chức bầu bán nội bộ để tìm người lên làm Chủ tịch Hạ viện thay Dân biểu John Boehner. Lý do là ứng viên sáng giá nhất do ông Boehner đề nghị, là Dân biểu Kevin McCarthy – đương kim trưởng khối Đa số, là nhân vật lãnh đạo hàng thứ hai sau Chủ tịch Hạ viện - bất ngờ tuyên bố rút lui trưa Thứ Năm mùng tám: nội bộ đảng Cộng Hòa tại Hạ viện có cuộc nổi loạn của hai ba nhóm dân biểu bảo thủ khiến ứng cử viên McCarthy khó hội đủ đa số là 218 phiếu trong Hạ viện có 435 Dân biểu.

Phe bảo thủ bất tín nhiệm nhân sự lãnh đạo cũ mà chưa đồng ý về người thay thế vì cũng khó huy động được 218 phiếu cho nhân vật của mình. Việc bầu lại Chủ tịch Hạ viện được đình hoãn và Chủ tịch Boehner tiếp tục cầm trịch mà không điều động nổi phe Cộng Hòa, trước sự hài lòng của pha Dân Chủ.

Đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ viện không có lãnh đạo. Tại Thượng viện cũng vậy vì Trưởng khối Đa số là Nghị sĩ Mitch McConnell cũng đang bị khuynh hướng bảo thủ phản đối ở bên trong.

Sau khi 12 quốc gia đối tác mất hơn năm năm, qua hơn hai chục kỳ họp, để đàm phán về chế độ giao dịch tự do với thuế suất tối thiểu và không còn hạn ngạch, Hiệp ước TPP thành hình vào mờ sáng Thứ Hai mùng năm Tháng Chín. Triển vọng TPP được đánh giá là lịch sử vì mở ra kỷ nguyên tự do mua bán và đầu tư giữa gần 800 triệu dân của 12 nước trên Vành cung Thái bình dương, hiện sản xuất khoảng 28 ngàn tỷ đô la, bằng 40% sản lượng toàn cầu.

Nhưng dù đã thành hình, Hiệp ước TPP còn phải được Quốc hội từng nước phê chuẩn và các cơ quan chuyên môn của Hành pháp phải đề ra một số luật lệ để thi hành cam kết với 11 đối tác kia.

Lãnh đạo kinh tế của toàn khu vực TPP này, Hoa Kỳ giữ vai chủ chốt trong các cuộc đàm phán và Chính quyền Barack Obama đặt kỳ vọng vào TPP để hoàn thành một di sản lịch sử còn lớn hơn NAFTA (Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ) của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993.

Năm 2008, Hoa Kỳ thời Tổng thống George W. Bush phát huy sáng kiến tự do mậu dịch giữa bốn nước nhỏ là Singapore, New Zealand, Chile và Brunei, nên mở ra một không gian tự do rộng lớn hơn với sự tham dự của nhiều nước khác, kể cả Việt Nam. Đấy là nguyên ủy của TPP.

Khi đó, theo truyền thống của đảng Dân Chủ là chủ trương bảo hộ mậu dịch và can thiệp vào thị trường, Nghị sĩ Obama vẫn còn chống tự do mậu dịch và Hiệp ước NAFTA, được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1992 nhờ lá phiếu Cộng Hòa. Khi đắc cử và nhậm chức vào năm 2009. Tổng thống Obama do dự và đình hoãn sáng kiến TPP của vị tiền nhiệm, mất một năm học bài thì mới hiểu ra mối lợi của TPP cho kinh tế và dân chúng Hoa Kỳ. Nó phù hợp với chủ trương khi đó của ông là yểm trợ ngoại thương để tạo thêm hai triệu việc làm bằng cách nhân đôi ngạch số xuất cảng trog năm năm. Vì vậy, Obama chỉ hậu thuẫn và đẩy mạnh việc thương thuyết từ năm 2010.

Hơn năm năm sau dự án quy mô này mới thành hình.

Và bây giờ Tổng thống Hoa Kỳ phải vận động Quốc hội sớm phê chuẩn. Chủ yếu là vận động phe Dân Chủ và nhờ vào hậu thuẫn của phe Cộng Hòa xưa nay vẫn hưởng ứng tự do mậu dịch và mùa Hè vừa qua còn giúp Obama vượt qua nhiều trận phục kích của các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ.

Thể thức phê chuẩn hiệp định ngoại thương của Hoa Kỳ thuộc loại nhiêu khê rắc rối nhất thế giới. Sau đây là những tóm lược:

Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố là muốn Quốc hội thông qua Hiệp ước, Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ (USTR) được ủy quyền thương thuyết theo thủ tục nhanh gọn của đạo luật TPA phải công bố trong những ngày tới nội dung chi tiết của Hiệp ước. Đây là một văn kiện lớn, gồm cả trăm vấn đề chi tiết được phân bố trong 30 chương dày cộm. Rồi các Ủy ban tư vấn của Văn phòng Đại sứ Thương mại mới thẩm định nội dung và đệ nạp Quốc hội cách đánh giá của mình.

Chông gai ở đây là trong 90 ngày tham khảo và thẩm định ấy Quốc hội có thể châm chước hoặc nếu đòi điều chỉnh thì Hoa Kỳ phải thông báo những đòi hỏi này cho 11 đối tác kia. Các nước có thể thông cảm hay không với những điều chính ấy vì bên trong họ cũng có thể gặp các vấn đề tương tự.

Sau đó, căn cứ trên văn kiện mới, Hành pháp có 60 ngày để soạn thảo danh mục các dự luật cần ban hành và Hội đồng Thương mại Quốc tế, một cơ chế độc lập của Hoa Kỳ, có tối đa 105 ngày để phân tích hiệu ứng lợi và hại cho kinh tế Mỹ khi hội nhập vào hệ thống TPP. Còn các ủy ban chuyên môn của Quốc hội cũng phải trắc nghiệm ảnh hưởng và yêu cầu của việc áp dụng. Từ kết quả nghiên cứu bàn cãi đó, Hạ viện có 60 ngày và Thượng viện có 30 ngày để phê chuẩn văn kiện chính thức này.

Cứ theo lịch trình này thì qua đầu năm tới Quốc hội mới có thể xứu xét được, nếu Quốc hội có lãnh đạo. Vì thế vụ khủng hoảng trong đảng Cộng Hòa mới là một trở ngại bất ngờ trong cả trăm bước chông gai. Khi ấy, cả chục cơ quan hữu trách khác – hoặc chuyên môn của USTR, hay độc lập như Hội đồng Thương mại Quốc tế US International Trade Council, hoặc kỹ thuật của nhiều ủy ban Quốc hội, sẽ mất nhiều tháng rà soát ảnh hưởng, sự lợi hại và điều kiện chấp hành để đề nghị bổ túc.

Ngoài các khía cạnh luật phát và hiến chế, như soạn thảo các dự luật cần thiết để áp dụng một hệ thống mới, người ta chờ đợi là nhiều dân biểu nghị sĩ sẽ châm thêm vào Hiệp ước hàng loạt điều kiện bổ sung, nhằm bảo vệ quyền lợi cục bộ của quản hạt hay tiểu bang của mình, để tái đắc cử.

Nếu lạc quan thì tiến trình nghiên cứu, tìm hiểu rồi vận động để “cải thiện” Hiệp định sẽ mất ít ra ba tháng. Nhiều phần thì lâu hơn! Sau đấy, Hoa Kỳ phải thông báo nội dung mới và dàn xếp hay tái thương thuyết với 11 đối tác kia của khu vực Xuyên Thái bình dương trước khi có một văn kiện hoàn chỉnh cho Quốc hội phê chuẩn để Tổng thống sớm ban hành.

Khốn nỗi, qua năm tới, Hoa Kỳ lại bầu Tổng thống, toàn bộ Hạ viện và một phần ba Thượng viện. Và trong cuộc bầu cử, mọi người đều thi đua xoi mói vào TPP để… kiếm phiếu!

Các ứng cử viên trong của tranh cử Tổng thống đều có ưu tiên là đắc cử. Bên đảng Dân Chủ, họ sẽ ráo riết chống như Nghị sĩ Bernie Sanders thuộc xu hướng xã hội chủ nghĩa cực tả. Hoặc sẽ trở cờ và chống như Hillary Clinton theo xu hướng thời cơ chủ nghĩa: Bà đã ủng hộ TPP và vận động các nước khi còn làm Ngoại trưởng, nay đảo ngược lập trường để tìm hậu thuẫn của cánh tả và các nghiệp đoàn. Một người duy nhất sẽ ủng hộ là Phó Tổng thống Joe Biden, nếu ông ta ra tranh cử để cứu đảng Dân Chủ và sự nghiệp Obama khi hậu thuẫn của Hillary cứ tan dần vì tính gian manh truyền thống của bà.

Cả ba người đều thuộc loại già nua và lạc hậu nhất của chính trường Hoa Kỳ.

Bên đảng Cộng Hòa thì tình hình còn bi thảm hơn vậy.

Theo truyền thống mới là bất tín nhiệm các chính khách lão thành - dầy kinh nghiệm và tai tiếng - họ tìm các khuôn mặt mới. Rồi tiến hành “tiêu thổ kháng chiến” bằng cách tự đốt nhà và say mê bắn vào chân nhau. Vì vậy, ba ứng cử viên đang dẫn đầu vì “phi chính trị” nhất chẳng quan tâm đến TPP như Bác sĩ Ben Carson, hoặc tỏ vẻ nghi ngờ và muốn cải thiện Hiệp ước như nữ doanh gia Carly Fiorina. Hoặc hoàn toàn đả phá như doanh gia Donal Trump – Con Donald, nói theo truyền thông Mỹ! Nhân vận này có những chủ trương cực tả về kinh tế và cực hữu về an ninh và có phong cách cực hỗn khi tranh cử.

Cả chục ứng viên còn lại thì còn đang ngoi lên mặt nước nên chẳng kịp ngó vào hay nói đến TPP.

Tất nhiên là các dân biểu nghị sĩ đang cần tái đắc cử thì sẽ dùng TPP làm bàn đạp.

Hoặc đạp xuống đất như đa số Dân Chủ, hoặc châm thêm nhiều điều kiện quá quắt để gây tranh luận trước khi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày Thứ Ba mùng tám Tháng 11 năm tới. Tức là Hiệp ước TPP phải đợi Quốc hội khóa 115 phê chuẩn sau khi tuyên thệ ngày mùng ba Tháng Giêng năm 2017.

Và nếu được thông qua sau ngần ấy gian nan khổ ải thì sẽ do Tổng thống thứ 45 ban hành sau ngày nhậm chức là 20 Tháng Giêng năm 2017: Kỷ nguyên TPP chỉ xuất hiện năm 2017!

Hoa Kỳ có lợi lớn nhờ hiệp ước tự do mậu dịch như các chuyên gia kinh tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Obama đã nghiên cứu và kết luận từ lâu. Việt Nam cũng sẽ có lợi lớn nhờ Hiệp ước TPP, nếu chịu khó chấp hành những cam kết của mình sau khi được phái bộ Hoa Kỳ đặc biệt nâng đỡ vào lúc cuối của cuộc đàm phán vừa qua tại Atlanta. Trung Quốc thì gặp bất lợi lớn nếu trật tự kinh tế mới thành hình theo luật chơi do Hoa Kỳ đặt ra. Đấy là mặt tích cực của Hiệp ước TPP mà chúng ta sẽ còn cơ hội thẩm định khi nội dung các cam kết được công bố trong mấy tuần tới.

Mặt tiêu cực là luật chơi chính trị Hoa Kỳ khiến người ta nói đến sự tự sát của nền dân chủ Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét