Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Một Nhà Nước Mạnh?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 151014
"Vùng Oanh Kích Tự Do"


Là Nhà Nước Biết Khép Đôi Chân Ghẻ Lở


 
* Ngồi nước lụt để bán nước - Hý họa của Sống *


Giới sử gia và xã hội học có nêu ra hai định luật bất ngờ về Trung Quốc:

Nhìn từ giác độ lịch sử ngàn năm thì văn hóa và học thuật Trung Hoa phát triển chói lọi nhất vào đời Tổng (960-1279) là khi Chính quyền trung ương của Hoàng đế lại yếu nhất. Và tan rã dưới sự xâm lược của các dị tộc bị gọi là man rợ như Liêu, Kim, Nữ Chân, Tây Hạ, rồi sụp đổ dưới vó ngựa viễn chinh của quân Mông Cổ. Nghịch lý rất hợp tình ở đây là vì triều đình trung ương suy nhược nên xã hội của người dân lại tự nhiên phát triển, hầu như phát triển ngoài khuôn khố chính thống, chật hẹp và ghẻ lở của Thiên tử!

Sự sáng tạo về thơ phú, hội họa, y khoa, về nghề in hay cả thuốc súng là đỉnh cao đời Tống khi các Hoàng đế chạy như vịt và còn bị ngoại bang cầm tù. Hợp tình hợp lý chứ?

Định luật thứ hai còn ngược ngạo hơn vậy. Sở dĩ chế độ quân chủ chuyên chính của Hán tộc tồn tại mà không bị lão hóa và tiêu vong là nhờ… tứ di!

Trong ngàn năm qua, hãy tạm tính nhẩm cho dễ nhớ là từ 960 cho đến 1960, Trung Quốc bị các dị tộc bợp tai đá đít và cai trị mất 950 năm. Từ Bắc Tống Nam Tống cho đến Nguyên Mông rồi Mãn Thanh (từ 1644 đến 1911), các sắc tộc ngoài Hán đã nắm đầu Trung Quốc khiến nền văn minh Trung Hoa không tàn lụi như nhiều nền văn minh khác.

Lý do đầu tiên là mọi nền văn minh đều có thể tàn lụi.

Khi giới lãnh đạo ngất ngưởng ngồi trên thành quả cách mạng của bậc quốc phụ đã gồm thâu thiên hạ bằng chinh chiến, rồi vinh thân phì gia hưởng thụ, thì xã hội suy kiệt dần. Trung Quốc lại có cái… may, là mỗi khi suy sụp lại được các dị tộc vực dậy! Dưới chế độ cai trị của Kim Liêu, Mông Cổ và Mãn Thanh, các Thiên tử của họ không nói tiếng Hán, cũng chẳng tin người Hán, trừ “Hán gian”, và bơm vào triều những bầu máu khác, và máu mới.

Nhờ đó, thành phần ưu tú sẽ đảo lộn trật tự cũ là các chiến tướng hay đạo sư Mông Cổ, quốc sư Tây Tạng, bác học Á Rập, lẫn thương nhân, thuật sĩ và giáo sĩ Âu Châu. Nhờ vậy mà Marco Polo của nước Ý mới thành quốc khanh của triều Nguyên. Hay các giáo sĩ dòng Tên mới về Âu Châu nhi nhô về Khổng tử dưới triều Mãn Thanh, trong khi các học sĩ hay tộc trưởng của Bát kỳ, tám đạo quân trấn giữ lãnh thổ và chính trị Trung Quốc, coi văn hóa Hán tộc là dép rách!

Đấy là khi hệ thống cai trị Trung Hoa đã có cái vẻ “đa nguyên”, trước khi ta phát minh ra chữ này.  Nói nôm na thì đấy là khi người ta ý thức được rằng “ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác” và Thiên tử không là Ngọc hoàng Thượng đế mà có thể bị giải đế vì bị tụt quần!

Khách có kẻ nghiêm và buồn ôm chai rượu theo dõi nhịp gõ cóc cóc của người viết vì chờ đã 70 năm mà chưa thấy Thiên triều hay lũ con hoang ở cõi Ba Đình trình chiếu một màn thoát y cho dân ta thoát Tầu.

Và như mọi khi, đặt chai rượu xuống là khách cầm lên tờ báo. Rồi chơi khó: “Nhà bác là chuyên gia kinh tế thì nghĩ sao về Giải Nobel Kinh tế năm nay?” Mệt thật!

Chẳng lẽ đóng cửa khóc một mình, người viết cứ hay để cửa nẻo toang hoác nên mới dễ bị bạn bè phá rối trị an. Thôi đành vậy. Trời muốn phạt ai thì bắt uống rượu một mình cho nên nếu tránh tai trời thì ta lại gặp ách bạn. Nhưng sau ách nước thì ách bạn vẫn còn dễ thở hơn nhiều. Cùng lắm thì tốn rượu - hơn nước mắt.

Bèn sang số mà gõ qua chuyện Nobel.

Số là các giải Nobel được nhà phát minh Thụy Điển Alfred Nobel (1833-1896) thiết lập trong di chúc của ông vào năm 1895. Là năm tạ thế của quan Đình nguyên kháng Pháp Phan Đình Phùng. Giải đầu tiên được Hàn lâm viện Thụy Điển trao tặng là vào năm đầu của thế kỷ 20, 1901, năm sinh của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Mãi đến 73 năm sau khi Nobel tạ thế, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển là Sveriges Riksbank mới kỷ niệm 300 năm thành lập của mình và vinh danh ông Nobel mà lập ra Giải Nobel Kinh tế. Năm 1968 đó, ta gặp vụ thảm sát trong biến cố Mậu Thân….

Khách ngồi bên gật gù: “Chả hóa ra người phát minh ra thuốc nổ như ông Nobel và giới làm ngân hàng cũng có cái tâm! Nhưng hình như nhà bác có thói vơ vào. Tại sao chuyện gì của thiên hạ bác cũng lại tham chiếu vào lịch sử nước nhà?”

- Cho đời khỏi quên, thế thôi!

Lại nói về Giải Nobel Kinh tế, từ nhiều năm nay người ta nghiệm thấy rằng Hội đồng trao giải, do Hàn lâm viện Khoa học của Hoàng gia Thụy Điển bổ nhiệm, có khuynh hướng vinh danh các công trình nghiên cứu kinh tế có giá trị giải quyết nhiều bài toán trước mắt của kinh tế và xã hội toàn cầu. Năm nay, giáo sư Angus Deaton, sinh tại Anh quốc và đang giảng dạy tại Đại học Princeton của Hoa Kỳ được trao giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu về cách xóa đói giảm nghèo.

Chuyện xóa đói giảm nghèo đang là đề tài thời thượng – chữ Nôm gọi là “ăn khách” – mà nghiêm trọng, chữ Na gọi là “bức xúc” theo kiểu ngàn năm văn vật đất Long Đong, của các nước “đang phát triển”. Chữ nôm na đến tàn khốc là chậm tiến. Cho nên nghiên cứu của giáo sư Deaton quả là hợp thời hợp cách dù rằng ông tập trung chú ý vào lãnh vực thuế khóa để hiểu ra hiệu ứng bất ngờ của chính sách công quyền.

Khách chưa chịu tha! “Nhà bác nói vậy thì thằng nhà báo Mỹ nào cũng có thể viết như vậy! Là chuyên gia thì bác nghĩ sao?” Người viết này chẳng hề phật ý về chữ “thằng” trong câu hỏi. Vì nhiều khi mình đồng ý với khách!

Nhưng lại chú ý đến nét nịnh đầm của bạn. Trong cõi ngu ngu đó, chàng chẳng thấy con nào cả….

Thì đây. Người ta thường biết kinh tế tự do thì đem lại thịnh vượng hơn hẳn kinh tế kế hoạch kiểu cộng sản. Hay cộng sản tuột quần mà xưng danh xã hội chủ nghĩa, như Trung Cộng, Việt Cộng và cả nghị sĩ lão thành mà trẻ thơ đang ra tranh cử Tổng thống bên đảng Dân Chủ là Bernie Sanders. Nhưng muốn có tự do như vậy thì các nước phải có chính quyền mạnh và luật lệ nghiêm minh.

Đây không là một vấn đề kinh tế học là xã hội học. Khi một chuyên gia kinh tế như Angus Deaton mà trúng giải Nobel thì nhà báo lá cải hay lá me đều có thể phang lên cột nhất của trang báo: “Chính quyền mạnh sẽ xóa đói giảm nghèo.” Hèn gì bị gọi là thằng!

Chính quyền mạnh là chính quyền có khả năng tiếp cận sâu và rộng với xã hội dân sinh, để biết là dân cần gì và mình thu thuế ra sao cho công bằng và hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngược lại, chính quyền độc tài là chính quyền yếu. Họ trải lưới rất rộng để kiểm soát và bắt giữ mọi người về chính kiến. Nhưng quản lý rất nông nên chẳng thu được thuế và nhường trật tự công cộng cho xã hội đen và băng đảng ăn cưóp, đồng nghiệp hạng tép riu của các đồng chí lãnh đạo.

Nói cho nôm na mà đôi ta cùng hiểu thì Ba Dũng hay Năm Cam đều là một ruộc!

Vì vậy, các nước đang phát triển mà dân vẫn chậm tiến, xứ sở vẫn nghèo nàn là vì thiếu chính quyền mạnh mà thừa nhà nước vừa dữ vừa hèn vừa bất lực. Điển hình ư? Chuỗi tai họa Thiên Tân của Trung Quốc, hay cột báo hàng ngày của Việt Nam: nạn dân bị nhà nước cướp đất mà đành lủi thủi ra về. Và trên đường về lại còn bị du đãng rạch túi.

Chúng ta nên tìm hiểu lại về giải Nobel Kinh tế năm nay và nhớ đến thời Đại Tống bên Tầu: Khi Thiên tử khép đùi lại thì lúa mới mọc và nhà thơ có quyền lên tiếng về các cụ già neo đơn buồn bã. Và truyền thông có thể nghiên cứu về kỹ thuật ấn loát để không ai còn giữ độc quyền chân lý….

Khách bèn im. Và người viết kịp gửi bài trước khi báo lên khuôn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét