Chim Quyên
Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai chắc chắn sẽ bắn bạn bằng đại bác!
Gần đây, dư luận đang hết sức phẫn nộ trước thông tin đài BBC trong chương trình “Bàn tròn thứ năm” đã có những phát ngôn sai lệch về cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 - 1945 ở nước ta. “Bàn tròn thứ năm” là một chương trình - một diễn đàn của những phần tử cơ hội chính trị chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Mỗi một số được phát sóng, chương trình này lại bình luận xuyên tạc một vấn đề thời sự nóng của nước ta với mục đích là tuyên truyền chống Việt Nam. Không nằm ngoài lề, chuyên mục “Bàn tròn thứ năm” của BBC tiếng Việt tuần vừa qua (13/8) đề cập tới chủ đề một chủ đề đang được dư luận cả nước hướng đến hiện nay là cách mạng tháng Tám[1]. Luận điểm được BBC đưa ra bàn luận là: “Nên gọi cách mạng tháng Tám là khởi nghĩa tháng Tám”.
“Nhân vật khách mời” là tay nhà văn Vũ Thư Hiên - một đối tượng chống phá cách mạng lưu vong ở nước ngoài (được ví như Bùi Tín 2.0). Trong buổi lên hình, hắn ta bi bô cho rằng: Cách mạng tháng Tám thật ra chỉ diễn ra trong vòng có mấy ngày với việc tận dụng khoảng trống quyền lực giữa Pháp và Nhật. Đồng thời, đó cũng chỉ là sự vùng dậy của một số đông người bị áp bức quá lâu, bị dồn nén nay vùng lên chứ không phải là một cuộc cách mạng dưới vai trò lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khỏi phải nói thì ai cũng biết, kịch bản của chương trình này được dàn dựng với những âm mưu, ý đồ đen tối đó là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận công lao của Đảng, cũng như chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta trong cách mạng tháng Tám. Bọn “văn vở” này đánh đồng cách mạng tháng Tám với khởi nghĩa tháng Tám. Chúng tuyên bố một cách “hồn nhiên như cô tiên” rằng, việc giành chính quyền từ chính quyền bù nhìn thân Nhật - Trần Trọng Kim là sự may mắn, bột phát ngẫu nhiên chứ không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, cũng như của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bàn về những vấn đề này, xin thưa, đây có lẽ là những lập luận ngu ngốc, phiến diện nhất mà chúng ta từng được nghe, bởi vì nó được phát ngôn bởi những kẻ “vô học”. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 “long trời lở đất” đó là kết quả của một quá trình dài thai nghén với sự chuẩn bị hết sức công phu, kĩ lưỡng từ rất nhiều các công việc như: xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng nòng cốt, xây dựng cơ sở… cho đến quá trình “diễn tập” Tổng khởi nghĩa với phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931 và phong trào dân chủ 1936 - 1939. Trong giai đoạn 1941 - 1945, trước những chuyển biến của tình hình thế giới, nhất là những thay đổi về cán cân lực lượng trong chiến tranh Thế giới thứ II, Đảng ta đã có những sự điều chỉnh kịp thời để thúc đẩy phong trào cách mạng lên cao trong phạm vi cả nước. Khi thời cơ chín muồi (sự kiện phát xít Nhật đầu hàng đồng minh), Đảng đã lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Rõ ràng, thắng lợi đạt được ngoài yếu tố khách quan thì phải đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố chủ quan, Cách mạng tháng Tám thành công thể hiện sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt qua các thời kì, cũng như nghệ thuật chớp thời cơ tài tình khi thời cơ đến của Đảng ta.
Bên cạnh đó cũng phải thấy được tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như của Trung ương Đảng khi đưa ra những quyết sách hợp lý trước mỗi động thái của kẻ địch cũng như những biến động lịch sử khu vực cũng như trên thế giới.
Phong trào đấu tranh dân chủ 1936 - 1939 mặc dù thất bại, nhưng cũng mang lại những kinh nghiệm hết sức quí báu để Đảng ta có thêm cơ sở thực tiễn nhận định về diễn biến tình hình cách mạng. Từ tháng 11/1939 đến tháng 5/941, đã có 3 Hội nghị Trung ương được tổ chức. Nội dung của 3 Hội nghị đã đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam với việc: Xác định kẻ thù trước mắt của cách mạng Việt Nam là đế quốc và tay sai. Giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Đặt và giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi mỗi nước Đông Dương. Chuyển đổi hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh từ công khai hợp pháp, nửa hợp pháp sang bí mật bất hợp pháp.
Ngày 12/3/1945 , sau khi Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triển khai triệu tập Hội nghị và đưa ra Văn kiện lịch sử trọng đại mang ý nghĩa chuyển hướng chiến lược, đó là Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” xác định kẻ thù chính của cách mạng lúc này là phát xít Nhật, Việt gian tay sai và chủ trương thay khẩu hiệu “đánh đuổi Nhật, Pháp” bằng khẩu hiệu“đánh đuổi phát xít Nhật”.
Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Tiếp đó, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ ra nhiệm vụ phát triển chiến tranh du kích, thống nhất các lực lượng quân sự thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đêm 13/8/1945, khi Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 - hiệu triệu toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh. Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền đã thành công rực rỡ trong cả nước vào ngày 28/8 /1945.
Cách mạng tháng Tám - bước ngoặt trong lịch sử dân tộc |
Có thể nói, tất cả những cột mốc đáng nhớ trên là minh chứng khẳng định cách mạng tháng Tám thành công ghi dấu ấn vô cùng lớn với vai trò lãnh đạo của Trung ương Đảng nói chung và chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Không chỉ vậy, đây còn là những dấu ấn lịch sử vàng son của dân tộc ta, nó đập tan âm mưu xuyên tạc lịch sử của những phần tử phản động trong và ngoài nước.
Lịch sử dân tộc được ghi lại bằng dấu ấn, chiến công của những bậc tiền nhân đi trước. Thế hệ chúng ta ngày nay được sống trong hòa bình, tự do phải biết tri ân những người đã hi sinh mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, tính mạng và tuổi thanh xuân của mình để đổi lấy nền độc lập dân tộc. Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng chính là giáo dục nhân cách, nhắc nhở đạo “làm người” cho mỗi chúng ta. Hãy trân trọng sự thật lịch sử, vì “nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai chắc chắn sẽ bắn bạn bằng đại bác”!
[1] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/150812_hangout_vn_august_revolution
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét