Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Cổ Phiếu và Lãi Suất tại Hoa Kỳ



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150828

Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có nên tăng lãi suất không?   

* Trời ơi, lên hay xuống đây? *



Trong mươi ngày qua, những dao động mãnh liệt trên thị trường tài chánh Hoa Kỳ khiến mọi người chú ý và đây đó đã nêu câu hỏi rằng trong hoàn cảnh bất trắc này, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Federal Reserve, xin viết tắt là Fed) có nên tăng lãi suất hay không. Hồ Sơ Người-Việt phải đào sâu vào thực tế quá chuyên môn để hiểu ra nguyên nhân và hậu quả của vấn đề lãi suất đó.


Cổ Phiếu Đến Giờ Điều Chỉnh

Thông thường, thị trường cổ phiếu có thể lên hay xuống vì hai loại nguyên nhân.

Nguyên nhân loại “căn bản” thuộc về tình hình kinh tế và kinh doanh của xí nghiệp có thể làm mức doanh lợi tăng hay giảm và trực tiếp ảnh hưởng đến trị giá của cổ phiếu. Tứ hai, loại nguyên nhân “kỹ thuật” là điều gì đó khó hiểu hơn vì thuộc về tâm lý của thị trường hoặc cả những thông tin đồn đãi bên ngoài. Giới giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (gồm có cổ phiếu và trái phiếu) phải chú ý đến nguyên nhân căn bản để đoán biết vì sao giá cổ phiếu sẽ tăng hay giảm. Nhưng nếu muốn biết là tăng giảm cỡ nào và bao giờ xoay chuyển thì người ta phải để ý tới các nguyên nhân “kỹ thuật”. Hồ Sơ Người-Việt không đi vào lãnh vực quá chuyên môn ấy.

Thông thường thì sau một giai đoạn tăng trưởng kéo dài nhiều năm, thị trường cổ phiếu có thể có lúc tạm ngưng và sút giảm chút đỉnh rồi mới lại tăng. Nếu giảm quá 10% thì đấy là một sự “điều chỉnh”. Khi mức sút giảm lại cao hơn, vượt quá 10% và lên tới 20% hoặc gần 40% thì đấy là sự đảo ngược trào lưu, từ tăng qua giảm, từ bull qua bear, sau khi hung hăng như con trâu thì âu sầu như con gấu.

Khi thị trường đi tới điểm lật sau một giai đoạn hưng phấn thì người ta quan tâm đến các yếu tố “kỹ thuật” để kịp thời bán cổ phiếu hầu có thể tránh bị lỗ - từ 10% đến cao hơn nữa. Vào thời điểm này, bất cứ một yếu tố hay tin tức nào cũng có thể dẫn tới phản ứng thái quá. Tại Hoa Kỳ sau bốn năm tăng giá khả quan, thị trường cổ phiếu đang đi tới điểm lật, tức là có thể điều chỉnh, mất chừng 10%. Đấy là lúc tin xấu dồn dập từ thị trường cổ phiếu và hối đoái Trung Quốc đã gây dao động mạnh. Song song, người ta cũng chờ đợi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ điều chỉnh lãi suất, là nâng khỏi số không hiện nay để trở lại tình trạng bình thường. Nói vắn tắt thì có hai yếu tố đang gây tác động mạnh là Trung Quốc và lãi suất, nhưng về căn bản thì hầu hết đều chờ đợi một vụ điều chỉnh.

Ở đây, chúng ta sẽ nói về lãi suất.

Quantitative Easings và Giá Cổ Phiếu

Kinh tế Hoa Kỳ đang ở giữa nạn suy trầm (recession) khởi sự từ Tháng 12 năm 2007 thì xảy ra vụ khủng hoảng tài chánh, từ Tháng Ba (Bear Sterns vỡ nợ) đến Tháng Chín (Lehman Brothers phá sản cùng nhiều doanh nghiệp tài chánh khác) vào năm 2008. Khi ấy, cả hai Chính quyền George W. Bush đang chấm dứt và Barack Obama vừa nhậm chức từ Tháng Giêng năm 2009, đều cố gắng kích thich kinh tế.

Chính quyền Bush chỉ còn vài tháng tại chức nên chẳng làm được gì nhiều ngoài việc bơm thêm khoảng 180 tỷ đô la cho kinh tế và cho ba doanh nghiệp xe hơi Hoa Kỳ đang mấp mé vỡ nợ. Mạnh nhất là các biện pháp thời Obama, khi Hành pháp và Lập pháp đều nằm trong tay đảng Dân Chủ. Sau khi gây bội chi và đi vay tới mức kỷ lục, các biện pháp thuộc loại ngân sách và thuế khóa ấy đã thất bại. Giới chính trị thường khỏa lấp sự thất bại ấy, còn và truyền thông lại thiếu khả năng hay sự chân thực để giải thích cho rõ.

Đấy là lúc Ngân hàng Trung ương Mỹ (từ nay xin viết tắt là Fed) phải ra tay cấp cứu, bằng biện pháp tiền tệ mà Thống đốc đương nhiệm là Ben Bernanke gọi là “bất thường”, unconventional.
Sau khi hạ lãi suất liên ngân hàng tới gần số không, Fed mua trái phiếu dài hạn (trả bằng tiền, tức là bơm thêm tiền vào kinh tế) và hứa duy trì lãi suất ngắn hạn ở gần số không trong một thời gian lâu dài. Biện pháp bơm tiền qua việc mua trái phiếu gọi là “quantitative easing” (viết tắt là QE) là tăng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng. Có định lượng (quantitative) vì tùy vào lượng trái phiếu mua vào, thay vì chỉ cầu âu hạ lãi suất và chờ đợi thị trường phản ứng qua tiêu thụ và sản xuất.

Mục tiêu do chính ông Bernanke giải thích là làm giảm lãi suất dài hạn (là phân lời trái phiếu, do quy luật cung cầu quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của Fed) khiến giới đầu tư chuyển dần tiền từ thị trường trái phiếu có phân lời (yield) thấp qua thị trường cổ phiếu có triển vọng sinh lời cao hơn. Nói cho đơn giản thì biện pháp kích thích của Fed là phân bố hay sung đương tư bản từ trái phiếu sang cổ phiếu, nhằm tăng trị giá cổ phiếu, nâng lợi tức của các hộ gia đình khiến tiêu thụ sẽ tăng và tạo ra nhu cầu sản xuất cho doanh nghiệp.

Fed muốn tạo ra sự thịnh vượng và hiệu ứng thịnh vượng (wealth effect) ấy sẽ nâng mức cầu. Đây là một diện khác của trường phái kinh tế Keynesian (do tên của kinh tế gia John Maynard Keynes) nhằm nâng mức cầu để tạo ra sức hút cho sản xuất.

Kết quả là tài sản của các hộ gia đình có tăng khoảng 10 ngàn tỷ đô la vào năm 2013, chi tiêu cũng vậy và kinh tế được kích thích trong khi thất nghiệp giảm. Thật ra, phẩm chất của đà tăng trường xuất phát từ kế hoạch bất thường ấy còn phải được đánh giá lại, nhưng không là mục tiêu kỳ này.

Mục tiêu kỳ này là để cho thấy biện pháp kích thích của Fed đã nâng trị giá cổ phiếu: giới đầu tư cổ phiếu có lời, doanh nghiệp có lãi và bung ra làm ăn, v.v…. Cổ phiếu lên giá tới cỡ nào và vì sao nay đã đến thời “điều chỉnh”?

Lời To Nên Lo Nặng

Hồ Sơ Người-Việt trở lại chuyện hôm nay.

Trong năm năm qua, nhờ ba đợt QE khiến hơn bốn ngàn tỷ đô la được bơm vào kinh tế qua ngả ngân hàng, cổ phiếu tại Hoa Kỳ đã ngoạn mục tăng giá. Nếu dùng chỉ số Standard & Poor’s 500 của 500 doanh nghiệp lớn nhỏ (có tính chất tiêu biểu hơn chỉ số Dow Jones Industrial Average DJIA tập trung vào 30 doanh nghiệp lớn nhất) người ta có thể đo lường mức gia tăng ấy. Nó rất bất thường: trước khi thị trường chao đảo và mất giá tuần qua thì giá cổ phiếu của thị trường S&P tại Mỹ đã cao quá mức trung bình lịch sử đến 30%. Con số lịch sử.

Một cách đếm khác là so sánh trị giá cổ phiếu với mức lợi nhuận của doanh nghiệp (Price Earning Ratio, hay P/E). Nếu giảm trừ hiệu ứng của lạm phát thì P/E của các doanh nghiệp đã vượt quá trung bình của 10 năm qua đến 50%. Tính nhẩm cho dễ nhớ thì nếu tỷ số P/E thường ở khoảng 12 (giá cao bằng 12 lần mức lời) thì nhờ biện pháp kích thích của Fed, tỷ sô P/E hiện nay là 18.

Tức là việc Ngân hàng Trung ương kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất và hướng dòng tiền từ trái phiếu qua cổ phiếu khiến giới đầu tư (là người có tiền) rút khỏi thị trường trái phiếu có phân lời quá thấp qua thị trường cổ phiếu có mức lời quá cao. Chuyệ lý thú ở đây là trong khi đảng Cộng Hòa đả kích biện pháp kích thích bất thường ấy thì đảng Dân Chủ lại hoan hô, nhưng phê phán tình trạng bất công của kinh tế Hoa Kỳ. Chính trị gia thường không có khả năng nhìn ra hay sự chân tín để công nhận mâu thuẫn của lập trường chính trị. Đa số truyền thông cũng vậy.

Trên thị trường cổ phiếu, giới đầtu tư chuyên nghiệp, tức là có hiểu biết, thì cho rằng tình trạng tăng giá như vậy chỉ là bong bóng đầu tư và trái bóng sẽ xì khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất ngắn hạn. Nhưng dù là có hiểu biết, hoặc chính là nhờ có hiểu biết, họ vẫn tin là sẽ kịp thời bán để kiếm lời tối đa trước khi trái bóng bị xì. Vì vậy, vào thời điểm này, mọi người đều ngóng đợi bất cứ một tín hiệu gần xa để tháo chạy.

Trong khi đó cũng có nhiều người tác động vào dư luận và cả sự suy luận của Fed (bà Janet Yellen lẫn các giới chức có thẩm quyền về lãi suất trong Hội đồng Tiền tệ FOMC), để khuyên là hãy tăng lãi suất để sớm trở về trạng thái bình thường, hoặc hãy tạm hoãn quyết định nâng lãi suất.

Bên cánh tả, phe Dân Chủ với chủ trương đừng nâng lãi suất thì có Giáo sư Lawrence Summers. Ông từng là Tổng trưởng Ngân khố và được Tổng thống Obama chọn làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương sau Ben Bernanke, nhưng phải rút lui vì nhiều đợt tấn công của các bà bên đảng Dân Chủ. Bên cánh hữu, phe Cộng Hòa có Giáo sư Martin Feldstein lên tiếng ủng hộ việc tăng lãi suất. Ông từng là Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan và hiện đang dạy môn kinh tế tại Đại học Harvard, y như Larry Summers! Khi những người am hiểu như vậy mà bất đồng ý kiến thì làm sao chúng ta biết được thế nào là đúng thế nào là sai?

Từ nay đến cuối năm, Hội đồng FOMC dự trù có ba buổi họp định kỳ vào ngày 17 Tháng Chín, cuối Tháng 10 hay qua Tháng 12. Thời sự và bình luận sẽ tập trung vào mọi biến cố khả dĩ tác động đến lãi suất - và cổ phiếu - vào ba thời điểm này.

___

Kết luận ở đây là gì?

Chính Hoa Kỳ, từ Chính quyền Obama qua Ngân hàng Trung ương, đã thổi lên trái bóng cổ phiếu và đem lại mối lời rất to cho thiểu số có tiền.

Nhưng biện pháp ấy cũng gây lệch lạc trong thị thường tài chánh vì đánh sụt phân lời trái phiếu.

Trái bóng cổ phiếu có thể bể nay mai. Chuyện Trung Quốc chỉ là cái cớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét