Kem Ốc
Thời gian này, có nhiều học giả nhìn lại lịch sử, cho rằng cách mạng tháng tám là việc không nên làm, rằng Việt Minh đã cướp chính quyền Trần Trọng Kim, ngày 02/9 không phải là ngày quốc khánh…Đối với những người không hiểu gì về lịch sử Việt Nam thì có thể phát ngôn bừa bãi, ăn nói linh tinh, điều ấy Kem Ốc không có gì phải bàn. Nhưng một số cá nhân, tổ chức nào đó cố tình xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử Việt Nam, lịch sử đáng tự hào của dân tộc anh hùng thì Kem Ốc không thể không lên tiếng. Thế mới nói:“dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Trước hết, cách mạng tháng tám có phải là việc nên làm hay không, và tại sao phải xóa bỏ chính phủ Trần Trọng Kim.
Hào khí cách mạng tháng tám |
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, nhưng lại tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11/3/1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, 17/4/1945 chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được thành lập. Đây là chính phủ đặt dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật, thực tế không có thực quyền và không được sự ủng hộ của quần chúng. Chính phủ này ra đời khi bộ máy hành chính thực dân mà Nhật muốn kế thừa từ Pháp đã tan rã, việc thiết lập bộ máy cai trị tay sai bản xứ được xem là vấn đề cấp bách đối với Nhật. Với mục tiêu, lý tưởng “không thể quên ơn nước Đại Nhật Bản đã giải phóng cho ta, và tin tưởng: nhờ lòng tin cậy của đức Kim Thượng (Bạo Đại), dưới sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin và lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản để mong nền móng xây đắp được vững vàng, để cơ đồ nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu…Vấn đề mà bất cứ người dân Việt Nam khi đã chịu cảnh một cổ hai tròng, áp bức, bóc lột, đàn áp đều hiểu rằng bản thân chính quyền này của ai, bản chất là gì, nếu có độc lập, thì sự độc lập ấy là trong sự bảo hộ mới của thế lực bên ngoài. Vậy thì không thể coi chính phủ Trần Trọng Kim là biểu tượng cho sự thống nhất, quy tụ ý chí độc lập và nguyện vọng giải phóng của toàn dân tộc Việt Nam được, mà chỉ là thứ “bình cũ rượu mới”, tự đặt mình vào thế đối lập với xu thế phát triển của lịch sử dân tộc và thời đại. Lực lượng Việt Minh dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, với mục tiêu lý tưởng làm cách mạng triệt để, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng cho dân tộc lầm than trong suốt thời gian dài bị xâm lược, đô hộ đã kêu gọi quần chúng biểu tình, bãi công giành chính quyền về tay nhân dân. Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng tám thực sự là do nhân dân tiến hành, thiết lập chính phủ của nhân dân và đảm bảo quyền lực của nhân dân, chứ không phải là tình thế dựng lên một chính phủ bù nhìn, làm tay sai cho ngoại bang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình |
Thứ hai là sự kiện ngày 2/9/1945, ngày quốc khánh là ngày ăn cướp.
Cách mạng tháng tám thành công, 2/9/1945 chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là thời khắc thiêng liêng của đất nước, của dân tộc, của những người dân đã từng chịu cảnh mất nước, của những người dân chưa bao giờ được làm “người” đúng ngĩa. Chỉ có những ai đã sống trong những ngày tháng đó mới hiểu hết sự thiêng liêng, xúc động, mới biết trân trọng khoảnh khắc ý nghĩa ấy.
Ngày quốc khánh được coi là ngày lễ quan trọng của một quốc gia, đánh dấu một sự kiện chính trị hoặc văn hóa gắn liền với lịch sử nhà nước của quốc gia đó, và theo hầu hết các nước thì ngày quốc khánh đánh dấu sự khai sinh của quốc gia. Như vậy, tại sao lại không coi 2/9/1945 ở Việt Nam là ngày quốc khánh khi mà lần đầu tiên, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng nước Việt Nam DCCH đã ra đời, rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập! …. Nước Việt Nam có quyền đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.” Bản tuyên ngôn không phải sự bắt chước các bản tuyên ngôn Mỹ, Pháp, mà là sự phát triển của bản yêu cầu mà Hồ Chí Minh gửi cho hội nghị hòa bình ở Vec-xây năm 1919, là sự phát triển của chương trình Việt Minh mà người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta. Bản tuyên ngôn cũng là kết quả của máu, mồ hôi, nước mắt biết bao triệu người dân anh dũng, cũng là niềm tin, hi vọng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Vậy thì lý gì mà một số người lại cả gan phát ngôn không biết gọi 2/9/1945 là ngày gì.
Một lần nữa Kem Ốc nhấn mạnh lại, chúng ta nhìn lại lịch sử để tự hào về một dân tộc kiên cường, chứ không cào bằng, nhập nhèm lịch sử để bôi nhọ, xuyên tạc. Bởi không ở đâu như Việt Nam này, để đánh đổi độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, những người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, không ở đâu như Việt Nam này người con gái mềm yếu là thế mà khi bị đưa ra pháp trường “đi giữa hai hàng lính vẫn ung dung mỉm cười, ngắt một đóa hoa tươi, chị cài lên mái tóc…”, cũng không ở đâu như Việt Nam, những con người hi sinh thân mình chèn bánh pháo, lấp lỗ châu mai “tất cả vì tổ quốc quyết sinh”…Dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ chịu bị đàn áp. Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh đánh đổi độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ để hôm nay chúng ta cũng nhau hân hoan chào đón 70 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2/9/1945 – 2/9/2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét