Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Nước Mỹ Hết Thời



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150817
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hiện tượng Donald và sự nghèo nàn về trí tuệ   

* Con Donald: tóc thật, nhưng đầu giả *


Hoa Kỳ đang đi vào giai đoạn suy thoái.


Thuần về kinh tế, thoái có nghĩa là thụt lùi, nặng hơn suy trầm là có đà tăng trưởng chậm lại – đó là cái khác giữa “depression” và “recession”. Hoa Kỳ suy thoái vì sức nặng đã sút giảm trong nền kinh tế toàn cầu. Chỉ mươi năm trước, Hoa Kỳ đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng toàn cầu, từ 60 đến 50%. Điều ấy có nghĩa cụ thể là nếu sản lượng kinh tế toàn cầu tăng được trung bình là 3,5% thì kinh tế Mỹ đóng góp khoảng 2,1%-1,7%.

Ngày nay, sau một thập niên hoạn nạn kinh tế, tình hình đã đổi khác. Sức đóng góp của Hoa Kỳ từ 50% chỉ còn là 17%, bằng phân nửa của Trung Quốc.

Cũng nhìn từ giác độ kinh tế, nếu Trung Quốc bị suy trầm thì hậu quả có thể là suy trầm toàn cầu. Sau những hốt hoảng bất nhất của lãnh đạo Bắc Kinh để chống đỡ nguy cơ suy trầm – mà không xong - chúng ta dễ bị Tổng suy trầm vào năm 2016 này, như đã bị vào thời 2008-2009. Chẳng là từ Thánh Kinh cho đến thuyết chu kỳ kinh doanh, người ta nghiệm thấy rằng cứ khoảng bảy năm thì kinh tế lại có thể bị suy trầm. Lần này cũng vậy!


Nhưng, như trong mọi chuyện trên đời, bất cứ chuyện gì cũng đều có hai mặt. Dù ở vào thời suy thoái, Hoa Kỳ vẫn là nguồn hy vọng sau cùng cho thiên hạ.

Nền kinh tế này sản xuất được – xin tính tròn cho dễ nhớ - khoảng 18 ngàn tỷ đô la một năm thì 70% là nhờ tiêu thụ. Trong tổng số tiêu thụ đó (12 ngàn 600 tỷ), chỉ có 12% là nhờ nhập cảng, khoảng một ngàn 500 tỷ đô la. Khi phá giá đồng nội tệ so với Mỹ kim, như Trung Quốc đang làm sau nhiều nước khác, thiên hạ đều nhắm vào sức tiêu thụ, hay túi tiền, của dân Mỹ.

Trời ơi, trận chiến ngoại tệ giữa các nước đều nhắm vào một thành quả mong manh – bất trắc – và rất mỏng mảnh, là 1.500 tỷ đô la của thị trường Hoa Kỳ?

Tuần qua, cả thế giới đều nói đến “hiệu ứng Trung Quốc” là hậu quả của nạn suy trầm tại Hoa lục đối với kinh tế toàn cầu. Và trông đợi vào sức kéo của kinh tế Hoa Kỳ, hơn là Âu Châu hay Nhật Bản (cả hai chỉ có phần đóng góp dưới 10%). Hoàn cảnh đó mới cho thấy tình trạng bấp bênh đáng ngại của thế giới.

Nhưng bài này không viết về kinh tế, hay “kinh tế cũng là chính trị”, là đề tài của tuần sau. Bài này thuộc về cột mục “Hoa Kỳ nhìn từ bên ngoài”.


***


Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ còn bị suy thoái về chính trị.

Chữ “thoái” – theo Hán-Việt thì viết khác, với bộ “thị” – cũng có nghĩa là thoái thác hay trốn tránh trách nhiệm. Chúng ta có thể nhìn vào Trung Đông hay Âu Châu và cả Đông Á, để thấy ra chuyện đó. Cột báo này đã nhiều lần viết về hiện tượng tháo chạy ấy nên xin khỏi nhắc lại. Để chỉ nói về sự suy thoái tư tưởng nhìn qua cuộc tranh cử Tổng thống vừa manh nha ở vòng sơ bộ.

Sau 10 năm lụn bại và gần hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, các chuẩn ứng cử viên thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều tranh luận về việc có nên tiếp tục chánh sách “cải tạo xã hội” kiểu Obama hay không.

Phía Dân Chủ thì vẫn đòi cải tạo – xin hiểu theo nghĩa của Hà Nội năm xưa, là tăng cường vai trò của nhà nước để làm thay đổi xã hội. Dẫn đầu là Nghị sĩ Bernard “Bernie” Sanders với chủ trương cải tạo hơn nữa để “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”. Lật đật chạy theo vì thua điểm Bernie tại New Hampshire là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton - con ong chúa của tổ ong Dân Chủ - với chiều hướng ngày càng thiên về cánh tả hơn nữa. Để ít ra là bảo vệ thành quả của Obama. Những tai tiếng quá lớn của Hillary, nhiều lắm,  khiến đảng Dân Chủ giật mình nên đã nghĩ tới đến Phó tổng thống Joe Biden. Giải pháp “Obama Bis”:

Nghĩa là bên Dân Chủ sẽ tiếp tục cải tạo.

Phía Cộng Hòa thì còn đong đưa, hay long đong, giữa hai hướng.

Các nhân vật cực đoan thì ra sức đả kích di sản Obama, dễ làm và ăn khách trong thành phần cử tri giận dữ, mà chưa nói rõ là họ sẽ làm những gì sau đó. Các nhân vật ôn hòa, với dáng lãnh đạo hơn là cán bộ sách động, thì lờ mờ cho thấy chủ trương giảm dần hiệu ứng Obama, bớt phần cải tạo, mà chưa trình bày được một tư tưởng gì mới lạ. Họ còn bị phe cực đoan dán nhãn “xanh vỏ đỏ lòng”, chỉ có cái vỏ Cộng Hoà, RINO, “Republican in Name Only”.

Nổi bật nhất, và đang dẫn đầu phe Cộng Hòa ít ra là tính đến cuối Tháng Tám, là tỷ phú Donald Trump, được báo chí gọi là “The Donald”. Phải dịch ra Con Donald thì mới đúng nghĩa con vịt, chứ gọi là Thằng Donald thì khơi khiếm nhã...

Ông ta là điển hình của trường phái giận dữ, phát biểu như bắn đại liên vào mọi người. May là bắn đạn mã tử, gây nhiều chuyển động không khí và tốn nhiều nước bọt mà chỉ làm người ta chết vì cười.

Nhưng trường hợp Donald mới cho thấy sự suy thoái về tư tưởng của Hoa Kỳ.

Vì nếu lượm lặt được vài ý kiến trong chuỗi phát biểu thô tục và thô thiển của một doanh gia, dù sao cũng tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, thì người ta té ngửa: ôn hòa lắm thì Con Donald này chủ trương như đảng Dân Chủ. Mà coi bộ còn hơn vậy, vì The Donald không là kẻ ôn hòa.

Xin hãy nhìn vào “tư tưởng Donald”.


***


Dưới cái nhìn của Donald, lãnh đạo Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng chỉ đáng xánh dép cho lãnh đạo của một nước ở xa nhất là Trung Quốc, và một nước ở gần nhất là Mễ Tây Cơ. Và dĩ nhiên là thua cả lãnh đạo Nhật Bản. Ứng cử viên rất hề này báo động rằng lãnh đạo mấy xứ kia mới là thông tuệ.


Tuần trước, sau khi Bắc Kinh phá giá đồng Nguyên, Donald la hoảng rằng “chúng đang giết mình”. Kinh tế chính trị học kiểu Donald là Trung Quốc đang dùng đòn phá giá làm Hoa Kỳ tơi tả. Cũng vậy, “Nhật Bản sẽ trở lại” nhờ liên tục phá giá đồng Yen. Và nếu càng phá giá lại càng thắng thì Hoa Kỳ sẽ còn thua cả xứ Mễ. Vì vậy, nếu đắc cử Tổng thống, Donald có thể dựng chiến hào bảo vệ nước Mỹ nhờ chế độ bảo hộ mậu dịch.

Với chủ trương đó, Donald có thể mời Dân biểu Nancy Pelosi bên Dân Chủ đứng cùng liên danh!

Khốn nỗi những người ủng hộ Donald không biết rằng chủ trương dại dột ấy đã khiến Mexico và Argentina vỡ nợ và Brazil đang có loạn, Tổng thống Dilma Roussef của cánh tả bị dân biểu tình đòi truất phế. Lý luận kinh tế ở đây, mà sinh viên trường Wharton phải biết, rằng việc phá giá đồng bạc không thay đổi tương quan ngoại thương giữa các nước. Nó chỉ làm thành phần lao động và trung lưu nghèo đi vì lãnh lương ít hơn, tốn nhiều tiền hơn cho tiêu thụ và nếu có được một chút tiết kiệm thì lãnh phân lời thấp hơn. Trong khi giới thượng lưu và kẻ có tiền thì tẩu tán tài sản qua xứ khác. Có khi để đầu tư vào bất động sản của Donald!

Hoa Kỳ suy thoái không vì nền kinh tế bị mất sức cạnh tranh mà vì thành phần chính trị gia bị bần cùng về trí tuệ. Và truyền thông Mỹ không dám hỏi thẳng vào điều ấy. Tham hỏi thảm?


___

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ


Một chàng mắc bệnh ghét sách tại quận Boulder của tiểu bang Colorado bị phạt 30 ngày “nghĩa vụ lao động cộng đồng” và phải bồi thường hơn ngàn bạc vì tội vứt 600 cuốn sách trên xa lộ. Chẳng biết là các chính khách Hoa Kỳ có cùng một tật là quăng kiến thức thức vào sọt rác như vậy không, nhưng nước Mỹ vẫn có giải pháp cứu vãn. Thứ Bảy vừa rồi, cảnh sát thị trấn Stillwater của tiểu bang New York đã chặn một xe vận tải không người lái. Không, sai rồi, một chiếc xe có tài xế mắt chưa nhìn qua tay bánh vì mới lên mười. Lý do là có ông bố say mèm đang nằm bên cạnh. Cậu bé thần đồng và táo bạo này thừa sức tranh cử Tổng thống khi thế hệ cha anh đang mê say chuyện nhảm nhí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét