Dương Trương Lương
Vài ngày gần đây hành động đứng ngoài đường giơ tấm bảng xin việc của một chàng trai trẻ đã gây nên rất nhiều tranh luận trong cộng đồng mạng. Người khen, người cảm thông cũng có, mà người chê, người không đồng tình cũng nhiều. Bài viết này của tôi nhằm mục đích đóng góp một cách nhìn nhận khách quan hơn về sự việc trên để chúng ta cùng bàn, cùng ngẫm, cùng có những tiếng nói mang tính chất xây dựng hơn.
Ông bố 9X với tấm biển xin việc |
“Đầu đuôi sự việc”
Sáng 17/8, rất nhiều người ở thủ đô Hà Nội khi đi qua khu vực đường Cầu Giấy (đoạn ngã tư giao với đường Láng) không khỏi bất ngờ trước hành động lạ của một nam thanh niên. Theo như chứng kiến của người dân thì, cậu thanh niên có dáng người mảnh khảnh, đứng giữa ngã tư, trên tay cầm miếng giấy khổ lớn ghi dòng chữ: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ: Conanbn90@gmail.com".
Phản ứng của cộng đồng mạng
Từ khi những bài viết về “vụ việc hót” này được đăng tải trên các trang báo điện tử thì nó đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả.
Rất nhiều bạn đọc phê phán chỉ trích cho rằng một thanh niên có ăn có học, đã là cử nhân và đã làm chồng, làm bố thì không nên có hành động như vậy. Nhiều ý kiến khác còn cho rằng, đây không chỉ là hành vi cá nhân mà còn là sản phẩm của một nền giáo dục yếu kém.
Có người còn cho rằng đây là hành vi “ăn vạ xã hội”. Sinh viên ra trường rồi nhưng vẫn hành động rất thiếu hiểu biết. Hành động của cậu thanh niên thể hiện con người thiếu bản lĩnh ở lứa tuổi đó. Theo luật pháp, 20 tuổi là có quyền lấy vợ sinh con nhưng nhìn về bản lĩnh và độ trưởng thành ở người thanh niên này thì chưa đủ.
GS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh trả lời phỏng vấn báo chí về việc này cũng có những nhận định hết sức thấu đáo: “Tôi thấy đây là một cách xin việc của cậu thanh niên, nhưng tôi đang tự hỏi sao chưa có việc làm, chưa có thu nhập mà lại quyết định lấy vợ, sinh con? Theo tôi, người ta chỉ nên làm bố, làm mẹ khi đã có điều kiện nuôi dạy con. Nếu chưa thể nuôi con thì sinh con ra sẽ rất có lỗi với chúng". Theo GS “Công việc hiện nay không phải dễ kiếm nhưng cũng có những việc làm phổ thông, làm công nhân mà mình có thể tự xin việc được. Hơn nữa, tìm việc là một việc làm thường xuyên, chưa có việc mình thích, phù hợp với ngành học thì cũng phải có việc gì đó để kiếm sống”.
Đám lưu manh “rận chủ” Việt Tân cũng không bỏ qua cơ hội này. Chúng lật tức đăng đàn: Cử nhân đại học cầm biển xin việc làm để có tiền mua sữa cho con.“Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc làm để có tiền mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi." Đây phải chăng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội Việt Nam mà nhà nước CSVN không có khả năng giải quyết? Được biết tình trạng thất nghiệp đã lên đến con số báo động: Trong 3 tháng đầu năm, số lao động có trình độ đại học, và sau đại học, thất nghiệp gần 178.000 người”.
Người trong cuộc lên tiếng
Theo báo Đời sống Pháp luật [1]: Nam sinh viên kể trên tên Phùng Đức Ninh (sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh). Ông bố trẻ cho hay mình là cử nhân trường đại họcĐiện lực, anh vừa thi Tốt nghiệp và đang đợi ngày lấy bằng. Giải thích về hành động cầm tấm biển đứng giữa ngã tư xin việc, Ninh cho hay: “Mình xuất thân trong gia đình khốn khó, ba anh em ăn học đều do một tay bố mình chu cấp. Trước đây, mình học trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (hệ Cao đẳng) rồi sau đó liên thông trường Đại học Điện lực. Vì gia đình khó khăn nên mình cũng cố gắng đi làm thêm phụ giúp cha mẹ trong quá trình theo học. Tuy nhiên sức khỏe yếu khiến mình không làm được nhiều việc nặng. Mình từng bưng bê, dọn dẹp hàng quán hơn 1 năm trước khi bị đau ruột thừa và phải nằm viện 2 tháng”. Trong thời gian học liên thông Đại học, Ninh đã lấy một cô vợ cùng quê, cả hai vừa đón cô con gái nhỏ cách đây ít hôm. Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu. Khi thiên thần nhỏ đến với gia đình cũng là lúc gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đổ lên đầu ông bố trẻ. “Mình chưa có việc làm,mình cần có tiền để mua sữa cho con. Vợ mình vừa mới sinh nên không thể làm gì được, cha mẹ thì đều già yếu chỉ giúp đỡ được phần nào. Bản thân mình đang cảm thấy vô cùng bế tắc, không có hướng đi cho tương lai nên quyết định làm tấm biển xin việc mong doanh nghiệp nào đó cho mình một cơ hội” – Ninh cho hay. Ninh giải thích đây là nỗ lực duy nhất vào lúc này để anh có thể kiếm được một công việc, qua đó lo cho vợ con. Khoảng thời gian học xong Cao đẳng, Ninh rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp thành phố Hà Nội xin việc nhưng không ai nhận. Có những nơi yêu cầu kinh nghiệm vài ba năm, có những nơi yêu cầu trình độ trên đại học…Vì nhiều lý do, chàng sinh viên nghèo không có cơ hội làm việc ở những nơi mình mong muốn. Mục đích duy nhất của Ninh bây giờ chỉ mong sao có một công việc để anh trang trải cuộc sống gia đình. “Nhiều bạn bè của mình tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín nhưng đều phải vật lộn tìm việc để trang trải cuộc sống. Ai cũng được khuyến khích rằng hãy kiếm tấm bằng đại học loại giỏi đi, mọi thứ sẽ ổn. Nhưng thực tế thì không hề như thế. Các bạn mình nhiều người đã phải làm công nhân để duy trì cuộc sống, bản thân mình cũng đã từng có ý nghĩ này. Nếu lâm vào bước đường cùng, có lẽ mình cũng phải chọn con đường làm công nhân để giải quyết gánh nặng gia đình, bỏ lỡ bao nhiêu năm đèn sách,” - Ninh ngậm ngùi chia sẻ.
Ông bố sinh năm 1990 cho hay tình trạng thất nghiệp đang là vấn đề chung của các bạn sinh viên mới ra trường, anh không trách móc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào về chuyện này. Tuy nhiên vì quá bế tắc cho hướng đi tương lai nên anh quyết định “xin việc” như vậy. Ninh tâm sự mình từng làm việc cho công ty Canon được 2 tháng, sau đó vì phải ôn thi Tốt nghiệp nên quyết định nghỉ việc. Từ đó đến nay, Ninh phải làm những công việc lặt vặt như bưng bê nhà hàng để có tiền lo cho vợ con. “Bản thân mình hoàn toàn không muốn phải đứng giữa đường để xin việc như này, tuy nhiên đây có lẽ là việc làm cuối cùng để mình có thể lo cho vợ con” – Ninh cho hay.
Đôi lời bàn luận
Bản thân tôi khi tìm hiểu sự việc này cũng có một số cảm nhận như sau:
Trước tiên, ai cũng có quyền thể hiện mình, để người khác biết đến mình nhưng thể hiện bằng cách nào để không bị "ăn gạch đá" từ dư luận mới là điều đáng nói. Thứ hai, người Việt Nam mình bây giờ lên mạng nhiều mà chả chịu tìm hiểu thông tin gì cho tận tường đã vội vã kết luận, đã vội vã "buông lời cười chê" người khác. Một phần do tâm lý, thị hiếu đám đông, một phần cũng do sự hiếu thắng thích thể hiện mà họ có những hành động như vậy. Giá như ai cũng đọc phần trả lời báo chí về sự việc này của GS Văn Như Cương để có cái nhìn đa chiều hơn thì tốt. Thứ ba, tôi kịch liệt lên án và phản đối những tổ chức như Việt Tân "chõ mõm" vào những sự việc như thế này. Bởi vì những nhà "chân đủ" này chẳng khen, chẳng chê mà cũng chẳng đưa ra giải pháp nào để khắc phục cả. Đơn giản, vì chúng chỉ muốn "mượn gió bẻ măng", mượn sự việc này để vu cáo, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Cuối cùng, theo cảm nhận chủ quan của tôi, đây là một hành động "PR" bản thân của ông bố 9X. Tôi xin khẳng định hành động PR này không có ý xấu, không nhằm mục đích nào khác ngoài động cơ xin việc và muốn có việc làm của anh bạn này. Tuy nhiên, việc làm này nó "bốc đồng" quá mà thiếu đi sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và cái mất và ảnh hưởng của nó đến xã hội nhất là khi các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, lấy đủ mọi lý do để tuyên truyền chống phá Đảng ta.
Hi vọng đây là bài học cho bản thân Ninh vì sau khi clip và hình ảnh xin việc "độc" được lan truyền trên mạng, bạn ấy bỗng chốc trở thành "người nổi tiếng", nổi tiếng đến mức bị bố mẹ bắt về quê không cho lên thành phố làm việc. Càng hi vọng các độc giả chúng ta có cách nhìn nhận đa chiều hơn về sự việc này, tránh bị các tổ chức xấu tuyên truyền xuyên tạc gây mất lòng tin vào Đảng - Nhà nước. Rất mong mọi người cùng đóng góp thật nhiều ý kiến mang tính chất xây dựng để đất nước ta ngày càng phát triển.
[1]http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ong-bo-9x-xin-viec-giua-duong-toi-can-tien-mua-sua-cho-con-a106594.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét