Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Khi Gã Khổng Lồ Nằm Xuống



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150829

Thế Giới và Cách Mạng Tháng Tám tại Trung Quốc   

* Thiên Triều Giải Đế - Hý họa của Michael Ramirez trên tờ IBD *


Ngày xưa, Napoléon của Pháp nói rằng Trung Quốc là một gã khổng lồ đang ngủ, khi thức dậy thì sẽ quậy thế giới. Giấc ngủ kéo dài trăm năm, hãy rộng lượng mà tính là từ 1850 đến 1949, cho dễ nhớ! Khi thức giấc vào năm 1949 với tên mới là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tên khổng lồ mất ba chục năm vật vã tự cào xé rồi mới đứng dậy. Được ba chục năm, từ 1980 đến 2010.

Ngày nay, tên khổng lồ đang nằm xuống, mà thế giới cũng không yên được...


***


Lịch sử có thể ghi rằng tuần này, hay Tháng Tám là mốc thời gian đánh dấu hiện tượng Trung Quốc nằm xuống. Hãy gọi đó là “Cách mạng Tháng Tám”, với màu sắc Trung Hoa!

Thật ra, vốn to xác, cử động khó khăn, tên khổng lồ bắt đầu kềnh từ bảy năm về trước rồi, ta chấm vào Thế vận hội Bắc Kinh 2008 để khỏi quên – lại dễ đếm! Thời ấy, người viết này ăn mắm ăn muối đã ví von gọi là “Thế vận hạn Bắc Kinh” mà chẳng ai tin.

Chúng ta nên đếm lịch như vậy vì nhìn vào lãnh vực kinh tế: năm 2008 là khi Hoa Kỳ lâm nạn tài chánh, hết mở hầu bao tiêu xài rộng rãi làm tên khổng lồ bên kia biển Thái Bình bắt đầu khó thở. Bảy năm sau nó mới xoay trở làm thế giới rúng động, thị trường cổ phiếu của các nước lên xuống như cái yo yo.

Nhìn ra khỏi khung cảnh hạn hẹp của vụ sụt giá cổ phiếu vào ba tuần, từ giữa Tháng Sáu đến đầu Tháng Bảy, hay vụ “phá giá” mà chẳng là phá giá vào Tháng Tám, thì ta sẽ thấy những chuyển động manh nha từ trước. Nhưng tuần này đáng nhớ hơn cả vì tên khổng lồ khởi sự xả vốn: bán ra

Công khố phiếu Mỹ được cất giữ trong kho dự trữ ngoại tệ, để cứu nguy kinh tế.

Bài này sẽ bắt đầu từ chuyện nhỏ, của thời sự kinh tế trước mắt, những bài về sau mới đi tới chuyện xa hơn, của trường kỳ, khi tên khổng lồ nằm xuống….

Đầu tiên, vụ sụt giá cổ phiếu của Trung Quốc vào tám tuần trước không thể là điều ngạc nhiên.

Cổ phiếu tăng vọt từ năm 2014 mà thiếu cơ sở thực tế: kinh tế sa sút, sản lượng suy trầm mà giá cổ phiếu lại tăng đến 150% trong có 12 tháng thì đấy là triệu bất tường. Cái điềm suy sụp của sự xoay trở có thể được thấy không phải trong sách bói toán hoặc sấm ký của nền văn hóa thần bí Trung Hoa. Đó là thực tế của kinh doanh chứng khoán trên toàn cầu, xuất hiện từ khi tên khổng lồ còn ngủ, từ giữa thế kỷ 19.

Vụ thứ hai là cách định giá đồng Nguyên căn cứ trên Mỹ kim. Hơi rắc rối vì lãnh đạo Bắc Kinh có hai mục tiêu trái ngược.

Một là muốn đồng bạc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nhận vào rổ ngoại tệ gồm nhiều đồng bạc mạnh, có khả năng giao hoán tự do để sẽ thành ngoại tệ dự trữ trong hệ thống “Đặc Trích” (Quyền Trích Xuất Đặc Biệt, Special Drawing Right). IMF quy định việc này cho từng hạn kỳ năm năm. Mục tiêu thứ hai là Bắc Kinh cũng muốn can thiệp vào thị trường hối đoái để giảm giá đồng Nguyên và nâng mức xuất cảng.

Thế rồi, khi IMF cho biết Bắc Kinh phải tự do hóa chế độ hối đoái thì mới “trúng tuyển” SDR và dời ngày quyết định từ Tháng 11 năm nay qua Tháng 10 năm tới thì lãnh đạo Trung Quốc biết là đồng Nguyên bị lọt sổ, ít ra đến sang năm. Thua me ta gỡ bài cào, chi bằng trong khoảng thời gian chờ đợi ấy mà giải quyết mục tiêu kia: ngày 11 Tháng Tám, Bắc Kinh đưa ra lối tính hối suất khác, với hậu quả thực tế là làm hạ giá đồng Nguyên. Cũng là một cách xoay trở để tìm nguồn sống trong hầu bao người khác, qua ngả xuất cảng.

Nhưng e chừng vẫn khó nên mới xả bớt tiền đầu tư vào Công khố phiếu Hoa Kỳ để có thanh khoản cấp cứu kinh tế.

Thế giới giật mình vì hai biến cố dồn dập trên trị trường chứng khoán rồi thị trường hối đoái nên bắt đầu nhìn vào nguyên nhân sâu xa hơn: Trung Quốc hết đà tăng trưởng ngoạn mục của ba chục năm qua - từ 1980 đến 2010 cho dễ nhớ. Nền kinh tế này có đặc tính của người ngồi xe đạp, đi chậm là đổ. Khi nó lụp chụp về cổ phiếu rồi lắc lư về ngoại tệ thì người ta hiểu rằng cỗ xe đang chập choạng….

Là một tên khổng lồ to xác mà bị bó chân như đàn bà Tầu thời xưa, Trung Quốc phải mất nhiều năm mới nằm thẳng cẳng, sau đó co giật thế nào là chuyện về sau. 

Trước mắt thì thế giới cứ bị chấn động đã.


***


Thời sự hàng ngày đều nhắc rằng Trung Quốc có sức nặng kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản. Nhìn cách khác, xứ này có dân số bằng 20% dân số toàn cầu (tính nhẩm cho dễ nhớ là một tỷ tư trên bảy tỷ ba), mà chỉ có sản lượng bằng 15% sản lượng toàn cầu. Qua hai con số 20% và 15%, ta nên thấy rằng sức sản xuất trung bình của người dân Trung Quốc thật ra còn thấp.

Nhưng dù sao, khi một quốc gia có sản lượng bằng 15% của thế giới mà tăng trưởng chậm hơn, thì thế giới bị ảnh hưởng. Sau đó, tên khổng lồ mà hạ cánh nhẹ nhàng hay hạ cánh tan tành lại là chuyện khác, của vài năm tới.

Thuần về lý luận thì Trung Quốc phải thay đổi từ lượng qua phẩm, phải chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn, với lực đẩy sẽ là tiêu thụ thay cho đầu tư và xuất cảng. Chưa biết rằng lãnh đạo và thị trường xứ này có khả năng chuyển hướng như vậy không thì thế giới vẫn bị hiệu ứng đã.

Hiệu ứng thế nào?



***


Là quốc gia ngốn thương phẩm (nguyên nhiên vật liệu) của thiên hạ trong nhiều năm đạp xe thục mạng, Trung Quốc bỗng tiêu thụ ít dần và với đà tăng trưởng giảm sút thì còn tiêu thụ ít hơn nữa.
Hậu quả đầu tiên là các nước sản xuất nguyên nhiên vật liệu, kim loại và nông sản cho xứ này đều bị ảnh hưởng. Trong các quốc gia cung cấp thương phẩm, Úc và Canada thuộc vào loại “công nghiệp hóa” giàu có. Còn lại là các nước “đang phát triển”, từ Á Châu qua Phi Châu và Nam Mỹ. 
Các nước này đã bị điêu đứng từ lâu khi thương phẩm sụt giá những sẽ còn bị thiệt hại hơn nữa.

Hiệu ứng Trung Quốc sẽ là nạn suy trầm kinh tế trong khối “đang lên” vào năm 2016. Từ mươi năm nay, người ta cứ nói đến sự xuất hiện của năm đại gia là nhóm BRICS trong khối “đang lên” ấy, là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Bây giờ, cả năm đại gia đều bị đại họa. Cổ phiếu mất, chính phủ đổ hay động loạn bùng nổ là những điều sẽ thấy.

Trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật, Hoa Kỳ có nền kinh tế tạm phục hồi và đồng Kỹ kim lên giá mạnh từ năm ngoái. Sau khi tăng chi mà bất thành, rồi hạ lãi suất tới sàn và bơm tiền kích thích kinh tế qua ba đợt QE, Hoa Kỳ có thể sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay (thay vì vào Tháng Chín như Ngân hàng Trung ương Mỹ dự tính) khiến đồng Mỹ kim càng lên giá. Trung Quốc càng khốn đốn hơn nữa nên phải nới dây neo đang giàng đồng Nguyên vào tiền Mỹ, là sẽ phá giá nữa.

Hiệu ứng Trung Quốc cho Hoa Kỳ là tiền Mỹ càng lên giá thì kinh tế càng khó xuất cảng. Nhưng vì xuất cảng chiếm chưa tới 10% của Tổng sản lượng Hoa Kỳ, nước Mỹ không bị ảnh hưởng nặng bằng Nhật Bản hay nước Đức trong khối Âu Châu. Kinh tế của hai khối Âu Nhật đều đang suy trầm nên bị hiệu ứng nặng hơn, nhất là Nhật Bản vì buôn bán quá nhiều với Trung Quốc.

Sau cùng, ta vẫn phải trở về với anh khổng lồ đang qụy.


***


Người ta lầm tưởng rằng Trung Quốc là công xưởng của thế giới và gã khồng lồ này là thần Atlas nâng cả vũ trụ trên lưng. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn thế giới nghĩ như vậy.

Nhưng sự thật là gã khổng lồ cần thế giới nuôi ăn qua nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc.

Chuyện ấy hết thời dứt từ năm 2008 nên lãnh đạo Bắc Kinh mới bốc thuốc sâm nhung để đạp xe cho mạnh. Kẻ uống sâm, được bơm tín dụng, là hệ thống doanh nghiệp nhà nước và chung quanh là các đại gia có quan hệ tốt với tay chân của chế độ. Nay họ ộc cả sâm nhung, là tẩu tán tài sản ra ngoài. Còn bá tánh đạp xe là “quần chúng nhân dân lao động” thì đã thấm mệt lại bị rách túi vì các thị trường đều bể. Họ mới là mối nguy cho chế độ, với một viễn ảnh “cách mạng khác”.

Chúng ta có nhiều năm theo dõi chuyện anh khổng lồ nằm xuống. Và chờ xem những ai sẽ chồm dậy quậy phá.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét