Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Ổn định chính trị “điều xa xỉ” với người Thái Lan

Chipmunk

Tối 17/8/2015, tại giao lộ gần nhiều trung tâm mua sắm ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã xảy ra vụ nổ bom khủng bố làm ít nhất 19 người chết và 123 bị thương, trong đó có nhiều du khách châu Á. Các nhà chức trách nhanh chóng thu được một mạch điện tử bị nghi ngờ là bộ phận của thiết bị nổ cách hiện trường khoảng 30 m. Phóng viên Telegraph dẫn lời một nguồn tin cảnh sát cho biết kẻ đánh bom là phụ nữ. Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ việc. 

Đền thờ Erawan tan hoang sau vụ nổ bom (Nguồn: internet)
Đây không phải là vụ đánh bom lần đầu tiên ở Thái Lan. Gần đây là 9 vụ nổ bom vào đầu năm mới 2007 tại Chiang Mai khiến 3 người thiệt mạng và 39 người bị thương khiến chính quyền phải quyết định bãi bỏ tất cả các buổi lễ chính thức đón mừng năm mới. Những vụ khủng bố trên không chỉ gây bất ổn đối với tình hình chính trị xã hội tại Thái Lan, mà còn là một đòn nặng nề giáng vào nền kinh tế cũng như lĩnh vực du lịch của nước này. Sự bất ổn về chính trị xảy ra ở Thái Lan hay một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thời gian qua, nguyên nhân sâu xa đều “khởi nguồn” từ việc tranh giành quyền lực chính trị; mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái hoặc ngay nội bộ của đảng cầm quyền. Hậu quả việc bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà còn gây ra rất nhiều đau thương, bất hạnh cho nhân dân, thậm chí còn dẫn đến cảnh “huynh đệ tương tàn”. Ở những quốc gia, vùng lãnh thổ không giữ được sự ổn định về chính trị thì người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là nhân dân, những người lao động trong xã hội.

Nhân viên cứu hộ chuyển người bị thương đi cấp cứu sau khi quả bom phát nổ bên ngoài đền Erawan
Có thể thấy rằng, các nước lân cận với Việt Nam, có những nước có nền chính trị thay đổi bất thường. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, dễ thấy rằng, trừ Singapore, thì từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết các nước khu vực đều trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với sự đồng thuận của nhân dân, nước Việt Nam ta đã thực sự có một nền chính trị hoà bình và ổn định. Sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam có thể kiên trì chính sách phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân và nâng cao vị thế đất nước. 

Đề cập đến vài nét khái quát như trên để thấy rõ những hậu quả nặng nề, tác hại ghê gớm do sự bất ổn về chính trị gây ra đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Nói như vậy để hiểu rõ hơn một điều là vì sao sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại hướng trọng tâm vào mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam. 

Ổn định chính trị, nền tảng để phát triển đất nước, chính là điều mà mỗi người trong chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, sáng suốt. Sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Ổn định chính trị cũng chính là “phương thuốc” hữu hiệu nhằm tiêu diệt tận gốc những mưu hèn, kế bẩn của thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm vào đất nước ta trong thời gian qua. 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét