Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Điều gì làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong quá khứ, hôm nay và mai sau?

Đốc Tờ Sun

Bác Hồ kính yêu từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” . Thật vậy, sự đoàn kết có một sức mạnh vô hình vô cùng to lớn. Trong những hoàn cảnh khó khăn, sự đoàn kết là một điều quan trọng để tạo nên động lực chiến thắng. Một cá nhân, một con người chỉ có một sức mạnh, nhưng một tập thể, một cộng đồng hay một dân tộc thì sức mạnh đã được tăng lên gấp bội.

Trải qua lịch sử hơn 4000 năm dựng nước, từ thuở khai thiên lập địa, nhân dân Việt Nam đã phải chiến đấu với các thế lực bên ngoài xâm lược bờ cõi để bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ đế quốc Nguyên-Mông hùng mạnh tung hoành khắp Á- ÂU nhưng vó ngựa của chúng phải dừng lại ở Việt Nam, đến những đế quốc sừng sỏ Pháp, Mỹ cũng phải cúi mặt xin hàng… Điều gì đã làm nên những thắng lợi vĩ đại đó? Chính là sức mạnh của khối Đại đoàn kết dân tộc. 
Đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh dân tộc Việt Nam
Sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Từ bài học lịch sử đã chứng minh và xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay, luôn nhận thức rõ về sức mạnh của quần chúng và luôn “lấy dân làm gốc”. Với sự rèn luyện và lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã phát triển tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết của nhân dân lên một tầm cao mới – chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng cộng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng chính là nhân tố quyết định đến sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ở trên thế giới, hiếm có quốc gia nào người dân lại có thể đoàn kết như người dân Việt Nam. Sự đoàn kết đã được thể hiện từ xa xưa, ngay trong những truyền thuyết “Thánh Gióng” hay câu truyện cổ tích “Bó đũa” và cũng được thể hiện qua những câu ca dao quen thuộc “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Có quốc gia nào trên thế giới người dân cả làng lại tự tay đập bỏ ngôi nhà của mình để lấy gạch làm đường cho xe của cách mạng đi qua những chỗ lầy lội; có quốc gia nào người dân lại mang đồ đạc trong nhà ra đường để ngăn xe địch, tự tay đập phá, thậm chí đốt ngôi nhà của của mình để tạo thành những bức tường lửa ngăn bước tiến của quân thù; có quốc gia nào người dân mặc dù đói khổ nhưng vẫn dành lương thực để ủng hộ cho cách mạng…Điều gì khiến cho người dân Việt Nam khác biệt với các dân tộc khác trên thế giới, đó chính là tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn. Đây là điều mà không phải dân tộc nào cũng có được. Đúng như Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định với các nhà báo và học giả phương Tây: “Một lần nữa tôi muốn nói rõ rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo chúng tôi biết khai thác, biết phát huy tất cả những sức mạnh đó để chiến thắng”
Sự đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và các dân tộc Việt Nam
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập thế giới hiện nay, thì sức mạnh đoàn kết của dân tộc lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Nước ta hiện nay đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây là một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng của đất nước. Để đạt được những thành tựu về kinh tế xã hội như hiện nay, chỉ có Đảng và Nhà nước thì chưa đủ, đó là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hay nói cách là kết quả của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hoạt động hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận đã thể hiện tốt vai trò của mình là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự hội nhập, các quốc gia muốn phát triển phải có sự giao lưu, hợp tác, Việt Nam ta cũng không nằm ngoài xu thế đó. Điều này mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức trong vấn đề bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Là một quốc gia có nhiều dân tộc, với 54 dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù có sự khác biệt về phong tục, tập quán, ngôn ngữ nhưng các dân tộc Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, luôn hướng về sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, còn có hơn 5 triệu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang hướng về Tổ quốc. Trong khi đó, các thế lực thù địch và bọn phản động ra sức chống phá, mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc bằng mọi thủ đoạn. Vì chúng xác định sức mạnh của ta nằm ở sự đoàn kết, một khi chia cắt được khối đại đoàn kết dân tộc, tức là chia rẽ được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân thì chúng sẽ dễ dàng giành chiến thắng. Vì vậy, giữ gìn khối Đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đặc biệt nhiệm vụ này đặt lên vai của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét