Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Mệt mỏi với quá trình thi công của những tuyến đường sắt trên cao

Bống@

Công trường thi công dang dở, chiếm quá nhiều diện tích lòng đường của những dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội nhất là tuyến Cát Linh – Hà Đông khiến người dân lưu thông trên trục đường Nguyễn Trãi gặp vô vàn khó khăn, vất vả. Không chỉ vậy nó còn thường trực những mối nguy hiểm về tai nạn giao thông đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro từ những sự cố do quá trình thi công gây ra.

Trước tiên, tôi xin khẳng định với các bạn một điều rằng: Nói ra những điều còn tồn tại, còn hạn chế của đất nước không đồng nghĩa với việc bài xích, chê bai nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà là sự góp ý, nói lên tiếng nói, quan điểm, thể hiện trách nhiệm của mình trên tinh thần xây dựng, mang tính chất xây dựng. 

Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Thủ đô yêu dấu của chúng ta đang phát triển ngày càng năng động hơn. Trong quá trình phát triển đó rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển, một trong số đó là dự án đường sắt trên cao. Dự án đường sắt trên cao được xây dựng với mục đích giảm tải sự ùn tắc giao thông đường bộ của thành phố, đồng thời cũng mang đến một diện mạo mới, hình ảnh của một thành phố hiện đại.

Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà cầu xây mãi chưa xong, đường thi công thì tiềm ẩn những tai nạn, lối đi thì bị trưng dụng mất ¾ khiến những người tham gia giao thông, đặc biệt là vào những giờ cao điểm, những lúc tan tầm tỏ ra bức xúc, mệt mỏi. Bản thân tôi là sinh viên ngày nào cũng phải đi học qua tuyến đường Nguyễn Trãi này mới thấu hiểu sự bức bối vì ách tắc. Cả dòng người, xe cộ cứ cùng nhau nhích, nhích và nhích từng bước một; cứ có khoảng trống là phải chen ngay vào; rồi tiếng còi xe inh ỏi khiến rất nhiều người tỏ ra “ức chế”, chán nản. 
Một "nút thắt cổ chai" trên đường Nguyễn Trãi luôn trong tình trạng ùn tắc cục bộ
(ảnh: Internet)
Không chỉ vậy, khi chứng kiến và đọc được thông tin về một vài vụ tai nạn do quá trình thi công đường sắt trên cao gây ra, rất nhiều người khi đi lại trên tuyến đường này đều có cảm giác sợ hãi. Họ mang trong mình sự bất an nên hầu hết đều có phản xạ tự nhiên ngó nghiêng với ánh mắt xem xét, dè chừng.

Nhiều người thì nói, “xây gì mà lâu thế?” Quả đúng tội, đường này xây lâu thật! Được biết, chủ dự án – nhà thầu tuyến đường sắt trên cao đã nhiều lần xin khất - xin gia hạn nhưng tới giờ vẫn chưa thể hoàn thành, và trong “thì tương lai” vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Công trường thi công hầm chui vs đường sắt trên cao còn rất ngổn ngang tại ngã tư Khuất Duy Tiến
(ảnh: Internet) 
Việc thi công dang dở công trình này đã và đang làm tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (và nhiều tuyến đường khác) ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đường phố bị xuống cấp, hư hại. Đó còn chưa kể đến việc hàng trăm cây xà cừ cổ thụ phải đốn hạ để phục vụ dự án này. Nguy hại hơn cả chính là yếu tố “niềm tin”. Liệu cứ suốt ngày phải “sống chung với lũ”, “bon chen” từng cm trên những tuyến đường như thế này liệu người dân có mất lòng tin vào nhà thầu, chính quyền hay không?

Bản thân tôi cũng như các bạn trẻ và rất nhiều người trong xã hội đồng tình với những chủ trương chính sách phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi thờ ơ, im lặng với chính những điều tác động ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Hi vọng tất cả mọi người xem đây là những lời góp ý, sự phản ánh kịp thời giúp các cơ quan chức năng nắm tình hình cụ thể hơn qua đó có những chỉ đạo quyết liệt, giải quyết sớm tình trạng này để giải quyết những bức xúc trong dư luận, lấy lại tình cảm, niềm tin của nhân dân với chính quyền. Xin đừng để người dân quá mệt mỏi vì quá trình thi công của những tuyến đường sắt trên cao như thế này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét