Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống Ngày 150909
"Vùng Oanh Kích Tự Do"
Mảnh trăng ai sẻ làm đôi?
* "Thiên triều Giải đế" - Hình bìa tờ The Economist về Tân Hoàng Đế Tập Cận Bình *
Tạp chí The Economist đưa hình ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chiếc áo bào của vua Càn Long với hàm ý ông Tập đang muốn dùng "Giấc mơ Trung Hoa" để đưa Trung Quốc về thời hoàng kim như những năm 1793. “Giấc mơ Trung Hoa” mà Chủ tịch Tập Cận Bình khuấy động thực chất là mồi lửa châm vào đống củi “chủ nghĩa dân tộc” đang ngày một chất cao ở Trung Quốc. Nó có thể là động cơ thúc đẩy Trung Quốc tiến lên mạnh mẽ hơn nhưng đồng thời cũng có thể đẩy Trung Quốc vào một cuộc “tự thiêu” vĩ đại. Lịch sử Trung Quốc đã chứng minh điều này. (Chú thích của tuần báo Sống).
Người viết này thành thật khai báo với phường khóm rằng mình đang chán đời!
Loạn thế, nam nhi tu đối kiếm
Tha phương, bằng hữu trọng phân khâm.
Nguyễn Du viết như vậy trong bài “Lưu biệt Nguyễn Đại lang” (*) còn ghi trong tập thơ chữ Hán là Thanh Hiên Thi Tập. Dịch thoát là “gặp thời loạn, nam nhi nhìn gươm mà thẹn; chốn tha hương bè bạn quý trọng lúc chia tay”. Hai câu “thực” của bài thơ làm rưng rưng nước mắt nhớ đến cảnh anh em chiến hữu bị bẻ gươm gẫy súng, vài đứa lác đác còn lại đành xé khăn làm kỷ niệm khi biệt ly trong khi kẻ thù tưng bừng khai trương cửa hàng huê dạng hoành tráng trên truyền hình.
Vì vậy, ai ơi đừng la khi chúng tôi thích cụng ly. Cũng là một cách… chia ly vậy, cho tới kỳ nhậu sau….
Khách ngồi bên rất quý trọng phút cảm khái mà ngồi yên một góc, bồng chai rượu như bế con thơ. Để người viết lãng đãng với câu kết của bài thơ:
Lưu thủ giang nam nhất phiến nguyệt,
Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm.
Đành giữ mảnh trăng ở miền Nam con sông, đêm về vẫn soi lòng đôi ta. Tố Như viết thế thì đêm ngắm trăng là ta thấy người ấy ở bên kia. Mà vầng trăng dĩ nhiên là không biết, có khi người ấy cũng chẳng hay - vì đang hát Karaoke với nhịp điệu Hương Cảng! Có gì lãng mạn và bi thảm hơn?
Nhưng nếu muốn khỏi “tu đối kiếm” thì ta vẫn có thể… đối sách.
Thì đây!
***
Thời sự hàng ngày vẫn giọng vào đầu và đập vào mắt chúng ta hình ảnh nhập nhòa về Hy Lạp và Trung Quốc. Có muốn thoát thì cũng khó. Đã thế, hãy ngó vào đấy là thấy nguôi ngoai.
Từ khi có sử có sách, mọi người đều biết Hy Lạp là cái nôi của văn minh Tây phương và Trung Quốc là tấm gương sáng tựa vầng nguyệt Đông phương. Chuyện mấy ngàn năm rồi.
Hy Lạp nằm tại Địa Trung Hải, tiếp cận nơi phát minh ra canh nông là khu vực Trung Đông ngày nay. (Xin lỗi ông Thần Nông và mấy ông thần nói phét của Trung Hoa về "giáo dân nghệ ngũ cốc" hay là Ta đã học Tầu về canh nông!) Khoa học khảo cổ đã tìm ra điều ấy. Từ sinh hoạt săn bắn và cầu âu hái lượm trên một diện tích quá rộng, con người đã nhờ nông nghiệp mà quy tụ và sinh sống trong vùng đất hẹp hơn, có thể kiểm soát và phát triển được.
Nhờ vậy, Hy Lạp mới có buôn làng rồi đô thị ngày càng đông dân và học nhau kinh nghiệm mà trở thành đất văn minh. Bên cạnh đó, Ai Cập hay Trung Quốc cũng phát triển theo cùng tiến trình.
Từ Hy Lạp, nghệ thuật tạo ra sự thịnh vượng và tạo ra các phương tiện đem lại thịnh vượng, như kiến năng và dụng cụ, đã phát triển mạnh. Nhưng cuối cùng thì nước Anh man mọi thời Đế quốc La Mã lại qua mặt tổ sư mà thành đệ nhất cường quốc Âu Châu vào Thế kỷ 19. Còn Hy Lạp thì cầm cái bát vàng của một thời vang bóng mà đi cầu viện. Xin typo ghi cho rõ để khói nói về việc bài tiết!
Đấy là thời sự ngày nay.
Bên kia chân trời thì Trung Quốc cũng thăng hoa và thăng trầm như rứa.
Nền văn minh Trung Hoa xuất hiện khá sớm khi đa số Âu Châu vừa ra khỏi thời ăn lông ở lỗ. Trung Quốc phát minh ra nhiều điều hữu ích cho nhân loại, từ địa bàn, thuốc súng, nghề in, kỹ thuật làm giấy và cả nghệ thuật hàng hải khi Cristobal Columbus hay Kha Luân Bố còn là phân tử phiêu hốt trên trời, gần 90 năm sau mới tìm ra “Tân thế giới” vào năm 1492.
Nhưng chỉ vài thế kỷ thôi, sự đời lại đảo ngược. Trung Quốc ngồi trên bệ cao quá nên xuống không được. Đấy là nền văn minh sợ té. Nó chặt đầu những ai dám nói rằng ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác và rằng Thiên tử không phải luôn luôn có lý.
Vì vậy Thiên tử mới bị tứ di man rợ lôi từ trên bệ xuống bợp tai đá đít liên hồi.
Viết thêm về văn hóa cho văn hoa, trong ngàn năm, từ đời Tống quãng 960 đến thời Thanh mạt quãng 1860, có 650 năm là Thiên tử… nói ngoại ngữ của các dị tộc Nguyên Mông, Kim Liêu, Mãn v.v…. Rồi bị Âu Châu cho hít đất, hoặc hít thuốc phiện để nằm bẹp trong nhà mà vẫn vân du cùng Tề thiên Đại thánh.
Ngày nay, sĩ phu mũ đỏ của Thiên triều Bắc Kinh mới giải thích ngược – mà sai – rằng sở dĩ Trung Quốc lụn bại là vì bị liệt cường xâm lăng và bóc lột. Mấy con vẹt Hà Nội cũng học phép đó mà giải thích rằng mọi sự đều do Mỹ-Ngụy gây ra!
Dốt có môn bài, ngu có bằng cấp.
Từ 500 năm qua, vụ bóc lột kinh hoàng vĩ đại nhất lịch sử loài người là do con cháu Kha Luân Bố tiến hành tại “Tân thế giới”. Đế quốc Tây Ban Nha đã tiêu diệt các nền văn minh khác và bóc lột sức lao động của dân bản địa vùng Trung Nam Mỹ để đem về Âu Châu một lượng quý kim cỡ 200 tấn vàng ròng và 18 ngàn tấn bạc trắng. Đấy là Đế quốc đã có thời “giàu” nhất Âu Châu.
Rồi họ đem quý kim đó dát lên mão – mà quên bộ não.
Bốn trăm năm sau, cuối Thế kỷ 19, Tây Ban Nha là một trong mấy xứ nghèo nhất Âu Châu, có trình độ thất học còn cao hơn dân da đen tại Đế quốc Mỹ đáng ghét - trước khi Tổng thống da đen Barack Obama làm cho thất học hơn. Là chuyện sẽ bàn khi khác.
Cho nên chuyện bóc lột như nguyên nhân của mọi sự, như Mác, Mao, Hồ và một đám thầy pháp mũ đỏ vẫn linh tinh in vào đầu kẻ nhẹ dạ, chỉ là chuyện sai bét. Và sự thịnh vượng hay phú cường phải đến từ nhiều yếu tố khác. Tập Cận Bình và toàn ban đang tập học về các yếu tổ ấy.
***
Ngày nay, tuần qua, khi bạn ta nhìn Trung Quốc diễu võ dương oai mà nhớ về Bình Long anh dũng, Quảng Trị kiêu hùng hay Hoàng Sa tức tưởi, người viết mới cảm khái chuyện “tu đối kiếm”. Và đắp chăn cho bạn đang tu chai rượu. Phần mình thì thẫn thờ với vầng trăng khuyết chỉ còn một nửa, nửa kia ai lấy đi đâu….
______
(*) Lưu biệt Nguyễn đại lang
Tây phong tiêu táp phất cao lâm,
Khuynh tận ly bôi ngoại dạ thâm.
Loạn thế nam nhi tu đối kiếm,
Tha hương bằng ữu trọng phân khâm.
Cao sơn lưu thủy" vô nhân thức,
Hải giác thiên nhai hà xứ tầm?
Lưu thủ giang nam nhất phiến nguyệt,
Dạ lai thường chiếu lưỡng nhâm tâm.
Bài thơ lưu lại khi chia tay anh Nguyễn
Gió thu hiu hắt thổi rừng cao,
Cạn chén đêm khuya chuyện dạt dào.
Thời loạn nam nhi sầu đối kiếm,
Quê người bầu bạn tủi chia bào.
Cao sơn lưu thủy nào ai hiểu,
Góc bể chân trời biết kiếm đâu?
Còn đó Giang Nam trăng một mảnh,
Đêm đêm soi tỏ nỗi lòng nhau.
(Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang)
Chưa rõ Nguyễn Đại Lang là ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét