Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Ấn Tượng, Giải Trình và Thực Tế



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150907
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Những thận trọng cần thiết khi tìm hiểu tin tức kinh tế

* Rải đậu thành binh, phiên bản kinh tế thị trường, và bị bà Hỏa đốt sạch! * 



Trong khi quý độc giả tại Hoa Kỳ đang nghỉ lao động để mừng lễ lao động thì các nhà báo vẫn phải cầy, để sáng sau còn có tin tức cung cấp cho thị trường. Vì cái lẽ “bất công” đó, người viết xin trả thù mà nói về chuyện… y tế trên cột báo về kinh tế….

Nếu tìm đọc thống kê về số tử vong trong bệnh viện, ta có thể thấy loại nhà thương có nhân sự tài năng và phương tiện tốt tân nhất lại bị mức tử vong cao nhất so với số bệnh nhân. Đấy là một thực tế.

Một nhà bảo sanh, đỡ đẻ, là nơi đem lại đời sống và “giết” ít người nhất dù ngành sản phụ khoa không đòi hỏi loại bác sĩ chuyên khoa có trình độ bác học. Ngược lại, bác sĩ giải phẫu não bộ, ghép tim hay thay tủy thì mới là thành phần có tay nghề cao. Họ được trả lương hậu, nộp bảo hiểm rất đắt khi phục vụ các bệnh viện siêu hạng, là nơi có nhiều người chết hơn cả! Lý do là các trung tâm siêu hạng này mới tiếp nhận các trường hợp nan giải nhất - mà nơi khác đều bó tay.

Chúng ta có một sự thể khách quan gây ấn tượng sai về nhân quả: bác sĩ giỏi nhất mới giết nhiều bệnh nhân nhất. Tốn bao nhiêu tiền bạc và thời giờ đầu tư mà còn thua một bà đỡ!

Hàng ngày, khi đọc tin về kinh tế, chúng ta vẫn bị ấn tượng sai như vậy về tương quan nhân quả. Cái nhân gây ra hậu quả có khác với cái duyên gây ra ấn tượng. Chúng ta phải qua một đợt suy luận thứ nhì thì may ra hiểu được nghịch lý ấy. Khốn nỗi, muốn suy luận thêm thì còn phải có kiến thức tối thiểu, và thời giờ.

Trong nền “văn minh tức thời” hiện nay, tin tức dồn dập khiến ta chưa kịp hiểu một chuyện thì thời sự lại nhồi ngay tin mới. Ngày xưa, từ ngựa trạm tới bưu chính hay điện tín có mật mã, người ta mất từ vài tuần đến vài ngày thì mới biết tin. Nên có thời gian để suy nghĩ và phản ứng. Ngày nay, cả tiến trình tiếp nhận, khai thác và phản ứng này thường thể hiện trong vài giây.

Qua vài giây đó, chúng ta khó tránh được một sai lầm khác, thuộc loại “trước sau”. Cái gì xảy ra trước không nhất thiết là nguyên ngân của cái gì xảy ra sau. Nếu ở giữa, ta lại có sự “giải trình” của người làm tin hay viết bình luận thì nhiều phần sẽ bị rối trí. Và phản ứng sai. Một nền dân chủ với quyền tự do thông tin được bảo vệ thường gây ra loại phản ứng sai như vậy. Tối thiểu là sai lầm của nhà tiêu thụ - độc giả hay khán giả - khi đọc bình luận mà tưởng là tin tức!

Sự đời lại còn rắc rối hơn vậy.

Chẳng hạn, một giới chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ mà đọc diễn văn hay trả lời phỏng vấn tại hội nghị Jackson Hole về lãi suất ngắn hạn trên thị trường Mỹ thì lập tức làm thị trường chứng khoán toàn cầu biến động, giá cổ phiếu và trái phiếu tăng vọt hoặc suy sụp trong vài phút sau. Mà sự biến động ấy chạy theo ánh dương từ thị trường này qua thị trường khác. Khi nhân vật hay thủ phạm này đi ngủ thì các thị trường vẫn vận hành ở nơi khác. Sáng sau mở mắt là thấy màn ảnh đỏ lòe vì những gì mình phát biểu chiều hôm trước. “Tứ mã nan truy”, làm sao rút lại, điều chỉnh hay giải thích thêm về những gì đã phát biểu mà bị hiểu sai?

Ngày xưa, Tổng thống Lyndon Johnson từng nói rằng những gì ông chưa đọc trong bài diễn văn soạn sẵn thì vẫn chưa là chính sách. Miệng người sang có gang có thép – gang thép hơn lời phát biểu của một Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ địa phương tại Hoa Kỳ. Nửa thế kỷ sau là ngày nay, sự đời còn ác ôn hơn vậy.

Để chuẩn bị dư luận, ban tham mưu của Tổng thống có thể nhá trước cho dư luận biết một phần của bài diễn văn. Nội dung mà thuộc cấp chủ động tiết lộ lập tức gây phản ứng trên chính trường và thị trường khiến Tổng thống vừa đăng đàn là bị chi phối bởi điều ông chưa phát biểu – nên chưa là chính sách. Mà vẫn gây hậu quả! Có khi bài diễn văn dự trù thổi nóng hào khí quốc dân lại thành bài diễn văn chữa cháy.

Nhà nước tung ra trái bóng thăm dò nhưng trong khung cảnh tức thời hiện nay, trái bóng cứ nẩy lung tung làm chính nhà nước mới hoa mắt - và bắt nhầm banh. Hoa Kỳ là nơi mà hiện tượng thông tin rộng mở và tức thời rất dễ gây ra loại hậu quả bất lường như vậy.

Nhà nước Trung Quốc khôn hơn nhiều.

Họ chu đáo kiểm soát thông tin và chủ động gây ấn tượng bằng cách giải trình chân lý theo kiểu thiên lệch. Như loại phù thủy cao tay, họ còn vẽ ra âm binh rồi hà hơi phù phép cho âm binh bay nhảy và gọi đó là sự chuyển động tiến bộ do đảng tạo ra. Vì vậy, các tay lý luận của họ mới giải trình lại lịch sử về nguyên nhân suy sụp của Trung Quốc: ngoại bang xâm lấn. Họ lờ đi lý do vì sao mà Trung Quốc huy hoàng thời Khang-Càn (Khang Hy và Càn Long) lại tự suy sụp vào đời Từ Hy rồi tan rã.

Cũng vậy, ngày nay họ tung âm binh vào thị trường địa ốc rồi cổ phiếu để dựng tháp ảo về tương lai sáng láng của Trung Quốc. Nào ngờ là một ông thần vô hình là quy luật thị trường lại đốt cháy âm binh như đồ hàng mã. Họ bèn chữa cháy bằng cách bơm tiền vào thị trường rồi truy tố nhà báo, bắt giữ 200 viên chức lớn nhỏ và đả kích bọn xấu nước ngoài có ý đồ phá hoại Trung Quốc Mộng.

Nhưng quy luật thị trường tàn khốc vẫn bào mỏng khả năng can thiệp là khối dự trữ ngoại tệ. Trong có một tháng, dự trữ từ ba ngàn 650 tỷ đô la thì chỉ còn ba ngàn 560 tỷ. Mất toi 93,9 tỷ để dập đám cháy do lũ âm binh thổi lên và bị thị trường quạt ngược như trong trận Xích Bích! Mất gần gấp đôi số hao hụt của Tháng Bảy là 50 tỷ. Cái tội, nếu có, của bọn xấu nước ngoài là cứ theo kế toán tài chánh mà báo trước mức hao hụt dự trữ ấy có thể là từ 100 đến 200 tỷ mỗi tháng.

Loại thông tin tức thời ấy mới làm các phù thủy bó tay!

***

Khi quý độc giả rong chơi, hoặc nướng thịt ngoài vườn, thì người viết này phải gõ máy về chuyện y tế để minh diễn kinh tế. Đã vậy thì gõ luôn cho đỡ tủi!

Ba năm sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, Đặng Tiểu Bình mới hoàn thành cuộc đảo chính chậm rãi để giành lại quyền bính rồi tiến hành “cải cách và khai phóng”. Chủ trương cào bằng của Mao khiến mấy chục triệu người chết đói trong thời bình, nạn “đại cơ hoang”, được khoanh vào ngoặc kép, và nay là một trong “Thất bất giảng” – không được giảng trong trường.

Và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa trở thành chân lý mới. Phương châm “mèo trắng hay mèo đen đều tốt cả” còn được khai triển thành việc kết nạp doanh gia vào đảng, v.v…. Chủ nghĩa tư bản nhà nước của Tầu coi bộ sáng hơn chủ nghĩa tư bản nhà cái của Mỹ! Nhiều học giả Mỹ đã viết như vậy và nói đến một Thế giới Hậu-Hoa Kỳ! Bố khỉ....

Ba chục năm sau, kết quả là mấy trăm triệu người khỏi chết đói và Trung Quốc với dân số bằng 20% dân số toàn cầu đã sản xuất ra 15% sản lượng của thế giới. Ấn tượng ở đây là Trung Quốc làm cách mạng, giải trình ở đây là Trung Quốc có nền kinh tế hạng nhì thế giới. Sự thật ở đây, qua hai con số 20-15, là Trung Quốc chưa bằng trung bình của thế giới, còn thua các nước đi trước rất xa.

Hậu quả bất lường là một phần tư dân số trưởng thành của Trung Quốc đang bị mập phì. Kết luận ở đây là kinh tế thị trường mới gây bệnh mập phì, chứ vào thời Mao thì làm gì có cái nạn đó?

Làm sao nhà báo có thể uốn lưỡi bảy lần trước khi gõ tin trong một thế giới tức thời và tức cười như vậy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét