Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150904
Khi Bắc Kinh Ăn Mừng Thắng Nhật Thì Nước Mỹ Nên Ăn Năn
* Cho em khoe đồ chơi mới, láng coóng và ác liệt! *
Trong cuộc biểu dương khí thế Trung Quốc vào ngày Thứ Năm mùng ba vửa qua khi Bắc Kinh ăn mừng chiến thắng chống Phát xít Nhật, người vắng mặt lẫy lừng không phải là Mao Trạch Đông mà là Tưởng Giới Thạch!
Trước hết, xin chiều lòng ban tổ chức, là Tập Cận Bình và toàn ban, để nói về ấn tượng Quang diện Trung Hoa mà họ muốn tỏa sáng cho thế giới chiêm ngưỡng:
Khí trời Bắc Kinh được khai quang, tin tức tài chánh được đông lạnh, cổ phiếu được nâng giá. Tương lai là sự dũng mãnh huy hoàng của Giải phóng quân, với 12 ngàn lính cao to trẻ đẹp, 500 thiết vận xa đủ loại, 200 chiến đấu cơ siêu thanh và những võ khí hiện đại nhất được phô diễn. Bắc Kinh bày ra nhiều lớp hỏa tiễn có thể xuyên thủng căn cứ Okinawa ở gần hay Guam ở xa và đánh chìm hàng không mẫu hạm của Mỹ. Sợ thế gian - và tình báo quốc tế - không hiểu khả năng của dàn ám khí siêu hạng và ý chí gián chỉ (can gián và cấm chỉ) của Thiên triều, ban tổ chức cẩn thận dán nhãn ngoại ngữ than vì chữ Hán lên từng võ khí. Còn hải quân của Bắc Kinh gửi năm chiến hạm vào Eo biển Bering, lờn vờn trong hải phận Hoa Kỳ, cách Alaska dưới 12 hải lý, khi Barack Obama qua đó nói chuyện nhiệt hóa địa cầu!
Bắc Kinh vừa gửi "Tuyên ngôn Quật khởi" cho riêng Hoa Kỳ.
Nước Mỹ sẽ trả gia rất đắt nếu xớ rớ vào vùng trái độn quân sự do Bắc Kinh vẽ ra trên không gian Á Châu. Hết rồi, những trận địa chiến như ở Triều Tiên. Cũng hết rồi, khả năng tung hoành của Hoa Kỳ như đã từng thấy tại Iraq vào năm 1991 hay 2003. Á Châu từ nay đã có chủ.
Nước Mỹ sẽ trả gia rất đắt nếu xớ rớ vào vùng trái độn quân sự do Bắc Kinh vẽ ra trên không gian Á Châu. Hết rồi, những trận địa chiến như ở Triều Tiên. Cũng hết rồi, khả năng tung hoành của Hoa Kỳ như đã từng thấy tại Iraq vào năm 1991 hay 2003. Á Châu từ nay đã có chủ.
Đấy là lúc mà những người có trí nhớ tại Hoa Kỳ tần ngần nhìn lại nước Mỹ.
*
Họ có thể đã quên Tổng thống Cộng Hòa Theodore Roosevelt và Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 với Giải Nobel Hòa Bình, nhưng không quên được Tổng thống Roosevelt kia, bên đảng Dân Chủ.
Tháng 11 Năm 1943, khi đến Cairo của xứ Ai Cập dự thượng đỉnh về chiến lược chống Nhật tại Á Châu với lãnh tụ Anh là Thủ tướng Winston Churchill cùng lãnh tụ Trung Hoa Dân Quốc là Đại thống tướng Tưởng Giới Thạch, Franklin D. Roosevelt không che giấu sự khó chịu với họ Tưởng. Chẳng khác gì ác cảm dành cho Tướng Charles de Gaulle của Pháp. Ông nói thầm với một vị chỉ huy quân lực Mỹ tại Trung Hoa là Thiếu tướng Joseph Stilwell, rằng “nếu không thể đi với Tưởng mà cũng chẳng thay được Tưởng thì có còn cách vĩnh viễn bỏ Tưởng”.
Tướng Stilwell hiểu câu hỏi và chỉ thị của thượng cấp: “Ông biết tôi muốn gì chứ? Hãy tìm ra tay nào mình xử lý được.” Trở về Trùng Khánh, Stilwell tìm cách thi hành mệnh lệnh mờ ám qua lối nói mờ ảo của Tổng thống.
Người thực hiện việc đó là Tướng Frank “Pinky” Dorn với hai ba kế hoạch dàn dựng trong đầu. Một là máy bay Tưởng Giới Thạch đi thị sát căn cứ huấn luyện Ramgarh tại vùng Đông Bắc Ấn Độ bị trục trặc và mọi người phải nhảy dù thoát nạn mà dù của Tưởng là dù.... giả. Hai là dùng lại mưu đánh độc dược bằng chất botulinum mà Stilwell ấp ủ trong đầu từ trước. Y như Roosevelt, Stilwell không chịu được Tưởng Giới Thạch.
May là họ không thành công! Tổng thống Ngô Đình Diệm không được may như vậy.
Lý do dễ hiểu mà Roosevelt không chấp nhận Tưởng Giới Thạch: dưới con mắt họ Tưởng, Nhật là bệnh ngoài da, Cộng mới là bệnh nội tạng. Người Mỹ chẳng hiểu rằng Hoa Kỳ chỉ nhập cuộc Á Châu từ cuối năm 1941. Tưởng Giới Thạch thì phải đương đầu với Nhật từ rất sớm, đã hy sinh các sĩ quan ưu tú nhất trong trận đánh đẫm máu ở Thượng Hải năm 1937 và rải quân để cầm chân một triệu lính Nhật trên các chiến trường Hoa lục cho Mỹ tổng phản công từ Thái Bình Dương. Nhưng tội của Tưởng nhìn ra sự lớn mạnh của đảng Cộng sản Trung Hoa nên giữ các đơn vị thiện chiến nhất của mình để chặn đường bành trướng của Mao lên mạn Bắc.
Vì vậy mới bị Roosevelt tuyên án tử hình kín!
Vì vậy mới bị Roosevelt tuyên án tử hình kín!
Họ Tưởng sống đủ lâu - mất năm 1975 tại Đài Loan, hưởng thọ 87 tuổi - để thấy ra điều ấy. Khi Nhật bị Mỹ đánh bại thì các đơn vị của ông tại Mãn Châu lại bị cầm chân vì lệnh ngưng bắn của Tổng thống Harry Truman, rồi bị Mao tiêu diệt vào cuối năm 1948. Chuyện sau này là lịch sử: Quốc dân đảng bại trận phải chạy qua Đài Loan, Mao vào Bắc Kinh thiết lập một chế độ còn hà khắc hơn Phát xít Nhật, độc tài hơn Tưởng.
Và là đồng minh chiến lược của Liên bang Xô viết cho tới 1969.
Roosevelt chết sớm trong hào quang rạng ngời vào năm 1945 nên không biết. Các sử gia Mỹ thì mù lòa cận thị mấy chục năm nên cũng lải nhải luận điệu chống Tưởng cho đến sau này. Mỹ tốn quân đánh bại Nhật Bản, khinh miệt đồng minh rồi hy sinh binh lính của mình trong trận chiến Cao Ly với Tầu, Tưởng mang tiếng bại trận và Mao là lãnh tụ vĩ đại đã chiến thắng Phát xít Nhật!
Thế giới đảo điên.
Chưa đủ phi lý, giữa hai trái bom nguyên tử của Mỹ, mùng bảy Tháng Tám năm 1945, Liên Xô mới khai chiến với Nhật và đưa quân vào cướp luôn các quần đảo Chishima tại miền Bắc của Nhật (Kuril). Sau đó, Hoa Kỳ giải giới Nhật Bản nhưng vẽ lại bản đồ chống đà bành trướng của khối cộng sản Nga-Hoa tại Đông Á và kéo Việt Nam vào cuộc. Rồi lại kết giao với Mao từ năm 1972 để chống Liên Xô, nhân tiện cho một tiền đồn chống cộng xuống biển là Việt Nam Cộng Hòa và đạp Trung Hoa Dân Quốc ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để nhường ghế cho Bắc Kinh.
Ngày nay, Nga-Hoa đề huề ăn mừng chiến thắng chống Nhật trên khán đài và Tập Cận Bình biểu dương khí thế chống Mỹ!
*
Nhưng hình như là lịch sử còn phi lý hơn thế.
Từ Tháng Hai 1947, Tưởng Giới Thạch đã đàn áp dân Đài Loan để có một địa bàn mới. Sau 1949 thì đem vào đó nhân sự Quốc dân đảng và giấc mơ Quang phục Trung Hoa (“hồi phục đại lục” là khẩu hiệu chính thức) để thiết lập chế độ mới tại đây như một bàn đạp quật khởi. Con trai ông, Tưởng Kinh Quốc, được Liên Xô huấn luyện, là người tiếp nối sự nghiệp đó nhưng với một thay đổi lớn: áp dụng kinh tế thị trường để phát triển quốc gia mà cũng tự chuyển hóa dần sang chế độ dân chủ.
Với thời gian, giấc mơ quang phục của những người đến từ Hoa lục càng phai lạt thì đời sống người dân càng cải thiện.
Dân bản địa Đài Loan có thể tạm quên vụ tàn sát năm xưa – Viện Bảo tàng và Công viên tưởng niệm Biến cố 228 (ngày 28 Tháng Hai) vẫn còn đó – nhưng họ thấy gắn bó với một tương lai chẳng còn liên hệ gì tới Hoa lục. Năm 1996, Đài Loan có cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ, lần đầu tiên theo thể thức phổ thông đầu phiếu, và dù có bị Bắc Kinh uy hiếp, người dân vẫn đội bom đi bầu và Lý Đăng Huy, người bản địa thuộc Quốc dân đảng, là Tổng thống dân chủ đầu tiên của lịch sử Trung Hoa.
Nhưng Tiến sĩ Lý Đăng Huy cảm thông với ước mơ của dân bản địa, rồi vì có ý tiến tới việc ly khai mà ra khỏi Quốc dân đảng. Đảng Dân Tiến tiếp tục chiều hướng độc lập đó và gây khó khăn cho mọi người.
Đài Loan mà tuyên bố độc lập thì cả cái kiến trúc giả tạo “Nhất quốc Lưỡng chế” – một nước Trung Hoa hai chế độ - sẽ sụp đổ. Bắc Kinh, Hoa Kỳ và Quốc dân đảng đều không muốn vậy. Sau hai nhiệm kỳ Tổng thống của Trần Thủy Biển thuộc đảng Dân Tiến (2000-2008), Quốc dân đảng thắng cử và Tổng thống Mã Anh Cửu đảo ngược lập trường, có chánh sách hợp tác khắng khít hơn với Bắc Kinh.
Kết quả cũng lại là một sự đảo lộn.
Bắc Kinh không hề thay đổi, gây ra vụ khủng hoảng tại Hong Kong khiến dân Đài Loan thấy ra thân phận của mình nếu được “hồi quy cố quốc” như Hong Kong từ năm 1997. Họ không tin vào lời đường mật của Bắc Kinh và Quốc dân đảng sắp đại bại trong cuộc bầu cử vì mối giao duyên với Trung Quốc.
Trong chuỗi biến động dằng dặc này – 70 năm thì cũng đủ dài – Hoa Kỳ nghĩ sao về những đảo điên lập trường của mình trong một thế giới quá phức tạp?
*
Quá trẻ để có thể suy nghĩ chín chắn và nhìn ra những hậu qủa bất lường trong lịch sử. Nhưng cũng đủ già để thấy ra sự nông cạn của Roosevelt. Và nếu lãnh đạo Trung Quốc vẫn cho rằng Mao Trạch Đông được 70% tích cực và 30% tiêu cực lúc cuối đời thì các sử gia Mỹ cũng nên nhìn lại nhân vật vắng bóng trên khán đài thắng Nhật năm xưa: Tưởng Giới Thạch. Cũng theo bảng điểm 70/30?
Không phải ngẫu nhiên mà dân Đài Loan ngày nay lại thấy gần Nhật hơn Tầu! Họ giàu kinh nghiệm máu xương hơn dân Mỹ.
_____
Xin theo dõi chương trình "Bên Kia Màn Khói" mới nhất của Sàigòn TV về "Thế giới Hậu-Trung Quốc" qua mạch dẫn sau đây:
https://www.youtube.com/watch?v=fxuabJaRSgU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét