Thời đại công nghệ thông tin phát triển văn hóa đọc của con người cũng có những sự thay đổi nhất định để phù hợp với xu thế của thời đại. Chính vì vậy, báo mạng ra đời nhằm thay thế cho báo giấy truyền thống. Nhanh gọn, tiện lợi có thể truy cập, tra cứu mọi lúc, mọi nơi miễn là trong tay có một chiếc Smartphone là người dùng có thể online ngay được.
Với lượng khách hàng có nhu cầu đọc báo online khổng lồ hầu hết các tòa soạn đều phát hành thêm trang thông tin điện tử của mình song song với việc phát hành báo giấy như trước kia. Bên cạnh đó, có rất nhiều những trang thông tin không chính thống, những trang báo lá cải chuyên đưa tin vịt cũng nhảy vào thị trường được cho là béo bở này.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Cũng từ đây dẫn đến sự cạnh tranh để giành giật độc giả. Để nhận được cái Like cùng với số lượng truy cập, comment của độc giả các trang báo điện tử phải đua nhau đưa tin theo tiêu chí: mới, lạ, độc... Sự kiện thì không phải lúc nào cũng có, lấy đâu ra cái mới để mà làm cho nó lạ. Vì vậy, muốn độc phải "xào", phải "nấu" tức là gắn cho nó một chiếc bình mới mặc dù rượu bên trong vẫn vậy.
Các tòa soạn thì luôn tìm ra những con số để đưa ra những chỉ tiêu về số lượng truy cập, lượng comment mà hàng tháng, hàng quý nhân viên của mình phải đạt được. Cái này được gọi là "áp lực tòa soạn". Vì áp lực tòa soạn mà không ít phóng viên đã đưa những tin bài theo kiểu giật tít, câu Like mà nội dung của nó chẳng có chi là hấp dẫn cả. Không những thế, rất nhiều các sự việc bé tý cũng được thổi phồng lên để gây hiệu ứng trong dư luận. Rồi là những sự việc linh tinh, nhảm nhí như cô ca sỹ A lộ cảnh nóng, chàng diễn viên B có xe mới, anh cầu thủ X yêu cô ca sĩ S ... cũng được đưa lên mặt báo như những chủ đề HOT. Để có thêm sự đa dạng trong các chuyên mục, họ còn đưa thêm rất nhiều thông tin về các vụ án, tệ nạn xã hội để thu hút sự tò mò của người đọc. Rất nhiều các vụ án được các trang mạng tranh nhau khai thác đưa tin, có trang còn làm hẳn phóng sự độc quyền.
Nghĩ cũng thật đáng buồn, một ngày trên đất nước ta diễn ra biết bao nhiêu sự kiện, có biết bao con người đang nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình để dựng xây quê hương đất nước; có biết bao nhiêu gương người tốt việc tốt chưa được đề cập đến. Chẳng có nhẽ, độc giả lại chỉ quan tâm đến những thông tin giật gân, những tin giải trí. Hay chính là vì sự dễ dãi, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục văn hóa, đạo đức, chính trị của báo chí.
Xã hội sẽ như thế nào? người dân họ sẽ nghĩ gì? tâm lý họ liệu có hoang mang không? khi trên các mặt báo tràn lan những thông tin về tệ nạn xã hội được khai thác, phóng bút "tùy con nhà bà tiện" theo kiểu tràn lan, quá đà, lạm dụng quá mức.
Nói như vậy không có ý là chúng ta phải bưng bít thông tin, không cho đăng tải những thông tin xấu mà ở đây cần sự quản lý, kiểm duyệt của các cơ quan chức năng để hạn chế những "bài báo lá cải" đưa những thông tin không chính xác, thậm chí sai sự thật gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
Nhất thiết cần phải loại bỏ những thành phần "hại não", luôn đặt tiêu chí lợi nhuận kinh tế lên trên đạo đức nghề nghiệp ra khỏi nền báo chí để làm cho báo chí nước nhà đẹp trong mắt mọi người, xứng đáng là những đơn vị, cơ quan ngôn luận chính thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét