Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Thề Xong Rồi Quên



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo Sống ngày 150916
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Con sông chảy mãi vào chốn cũ sẽ thành cái ao

 * Ground Zero, ghi lại di tích của tòa tháp đôi World Trade Center đã sụp đổ *


Bài này viết đúng ngày, xuất bản trễ vài ngày, đâm ra lại như được viết sớm một năm. Sang năm sẽ đọc lại, như mới….


Sáng ngày 11 Tháng Chín năm 2001, Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công một lúc nhiều mục tiêu.

Mục tiêu là tòa tháp đôi World Trade Center tại New York và Ngũ giác đài Pentagone tại Thủ đô. Còn phi vụ số 93 của hãng United Airlines thì chưa bay tới mục tiêu - tòa Bạch Ốc hay trụ sở Quốc Hội? - được hành khách cướp lại và tự lao vào chỗ chết tại một cánh đồng ở Pennsylvania. Có 44 người tử vong kể cả bốn tên khủng bố, nhờ vậy mà cứu được nhiều người. Tổng cộng thì hơn ba ngàn người thiệt mạng…

Mãi mãi sau này, mọi người không thể quên rằng khi biết những tin dồn dập ấy thì chúng ta đang ở đâu. Người viết này nhớ là khi ấy mình vừa qua một đêm không ngủ rồi hoa mắt ngó truyền hình mà không hiểu nổi. Sau đó là điện thoại tới tấp. Khi ấy, mình còn nhớ là vì có quá nhiều mục tiêu bị tấn công ở mọi nơi nên chỉ có thể chọn một mẫu số chung là thời gian.

Và gọi đó là “Vụ Khủng bố 9-11”: Hoa Kỳ vừa bị một trận Trân Châu Cảng ngay tại bộ não.

Khách có kẻ bước vào thì kinh hãi vì vẻ rười rượi của người viết nên lặng lẽ ngồi một xem kẻ có tâm sự buồn này gõ những gì mà lại ủ dột như người viết bản cáo phó của chính mình….

***

Vào ngày đó, mọi người Mỹ đều bị chấn động bởi hình ảnh kinh hoàng và cả ngàn cuộc phỏng vấn thương tâm của người thoát chết, của gia đình các nạn nhân, gia đình các anh hùng đã hy sinh là cảnh sát và lính cứu hỏa. Rồi đến rất nhiều chi tiết bi hùng về chuyến bay United 93.

Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới cũng bàng hoàng, và có phản ứng liên đới.

Tối hôm đó, tại Paris, giáo sư Nicole Bacharan của trường “Sciences Po” và Đại học Stanford trả lời phỏng vấn trên truyền hình France 2 với một câu để đời: “Tối nay, chúng ta đều là người Mỹ”. Nhật báo Le Monde của giới trí thức thiên tả xuất bản tại Paris vào hôm sau có bài xã luận của Giám đốc (Chủ nhiệm/Chủ bút) Jean Marie Colombani với đề tựa phản ảnh tâm lý khi đó của mọi người trên thế gian: “Nous sommes tous Américains”.

We Are All Americans.

Với người Mỹ cao niên hoặc thuộc sử, “We Are All Americans” là ca khúc nguyện thề ủng hộ các chiến binh trong Đệ nhất Thế chiến. Là sử gia và học giả gốc Mỹ tại Pháp về Hoa Kỳ, hiển nhiên Nicole Bacharan cũng biết như vậy và diễn tả ý tưởng thề nguyền đó. Sau “Vụ Khủng bố 9-11”, cả thế giới đồng tâm chung sức với Hoa Kỳ

Trong khi ấy, nước Mỹ tự chuẩn bị cho đợt tấn công khác, có thể là với võ khí nguyên tử bỏ túi. Chẳng vậy mà các cấp lãnh đạo theo thứ tự hiến định, từ Tổng thống trở xuống, không được ở cùng nơi, xuất hiện cùng lúc. Sau cơn bàng hoàng là sự giận dữ: lòng dân khi ấy sát cánh với lãnh đạo trong tinh thần ái quốc rạng ngời. Đừng ai dại dột chọc giận một quốc gia sùng tín, yêu Chúa và thích súng.

Khi ấy, tinh thần ái quốc và tôn vinh các lực lượng bảo vệ dân sự lẫn quân sự, cảnh sát và binh lính, đã đánh dạt các phong trào quá khích trong xã hội.

Đám vô chính phủ, hung hăng chống toàn cầu hóa hay tư bản chủ nghĩa được Tổng thống Bill Clinton nhượng bộ từ vụ biểu tình bạo động tại Seattle vào Tháng 11 năm 1999 bỗng mất giọng. Tháng Hai năm 2002, Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu (World Economic Forum) còn được tổ chức ngay tại New York thay vì thị trấn Davos của Thụy Sĩ như mọi năm. Đấy là tình liên đới của doanh gia và giới kinh tế quốc tế với Hoa Kỳ, với trung tâm tài chánh của Mỹ vừa bị khủng bố tấn công.

Từ phía cực hữu, các nhóm võ trang bạo động bảo vệ quyền da trắng và lấy việc tấn công đền đài hay công thự làm vui cũng hụt hẫng mà trôi xuống rãnh. Họ chỉ còn luận điệu xuyên tạc rằng vụ khủng bố là do Chính quyền liên bang dàn dựng làm lý cớ thiết quân luật để đàn áp bên trong.

Cả nước Mỹ lúc đó đã cùng nhìn về một hướng là Tổ Quốc.

Đạo luật Patriot Actra đời ngày 26 Tháng 10 năm đó. Người Việt chúng ta hãnh diện có một người chấp bút văn kiện lịch sử này là Giáo sư Đinh Việt, chuyên gia luật pháp khi ấy là Phụ tá Tổng trưởng Tư pháp đặc trách về chánh sách. Còn người Mỹ và đại diện của họ trong Quốc hội đã đông đảo bỏ phiếu ủng hộ đạo luật. Vì an ninh chung, mọi người chấp nhận hy sinh một phần của tự do cá nhân cho nhà chức trách dễ làm việc.

Thế rồi nước Mỹ mở chiến dịch phản đòn, trên chiến trường Afghanistan vào cuối năm 2001 rồi toàn cầu với hậu thuẫn của các thành viên Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO, căn cứ vào điều 5: tấn công một thành viên là tấn công cả minh ước nên các nước cùng có nhiệm vụ tham chiến. Qua năm 2002, Hoa Kỳ còn tiến xa hơn vậy và vận động Liên hiệp quốc ra nghị quyết cho phép mở rộng chiến dịch vào Iraq. Lần này, đại đa số quốc gia và thành viên Quốc hội Mỹ cũng đồng ý, căn cứ trên những thông tin tình báo quốc tế và quốc gia cho thấy chế độ độc tài Saddam Hussein tại Baghdad có loại võ khí tàn sát hàng loạt và có quan hệ với lực lượng khủng bố.

Mãi sau này, người ta mới biết rằng tin tức tình báo ấy là sai. Và Chính quyền George W. Bush bị chính những người đã từng ủng hộ việc tham chiến đả kích là có ý đồ gian dối. Như mọi khi, vấn đề trở thành chính trị….

***

Bây giờ, hơn 14 năm sau, Hoa Kỳ đang trở về chốn cũ, về trạng thái tâm lý “tiền 9-11”. Tinh thần đồng tâm nhất trí đã hết. Lời thề năm xưa không còn. Những gì đã xảy ra trong 14 năm đó?

Hoa Kỳ mở ra cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với một số thắng lợi quân sự ban đầu mà thất bại chính trị trong lâu dài. Việc tấn công và chiếm đóng Afghanistan để tiêu diệt khủng bố và xây dựng cơ chế dân chủ là một đòi hỏi trường kỳ, gây thiệt hại sinh mạng binh linh lẫn thường dân, làm công quỹ hao hụt.

Người Mỹ mệt mỏi nhìn lại, lắc đầu than khổ và trở lại thói cũ là nghi ngờ chính quyền.

Dù lãnh tụ al-Qaeda là Osama bin Laden đã bị hạ sát, các chi nhánh tự phát của al-Qaeda vẫn xuất hiện ở nhiều nơi khác, với phương tiện tuyên truyền (báo điện tử INSPIRE) để quảng bá kỹ thuật phá hoại và khủng bố bên trong các nước Tây phương lẫn nhiều quốc gia Á Rập Hồi giáo. Từ hàng ngũ al-Qaeda, tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo là ISIL còn dã man hơn vậy. Họ có tay súng, võ khí, phương tiện kinh tế là giếng dầu và ngân hàng trên một phần lãnh thổ của Syria, Iraq lẫn Libya để dùng phương pháp khủng bố ghê tởm hơn al-Qaeda nhằm tái lập một Đế quốc Hồi giáo mới, dưới sự lãnh đạo của một Giáo chủ mới.

Khác al-Qaeda với lý tưởng tôn giáo là mở cuộc Thánh chiến vào ruột gan các nước Tây phương và các chế độ Hồi giáo “phản đạo”, tổ chức ISIL dùng tạp chí Anh ngữ DABIQ phát huy tinh thần quốc gia dân tộc và kêu gọi chiến binh của cuộc Thánh chiến cùng rời bỏ xã hội Tây phương để về cố hương xây dựng Đế quốc Hồi giáo. Ý thức hệ tôn giáo của al-Qaeda và tinh thần đế quốc của ISIL cùng áp dụng phương pháp khủng bố nhưng cho hai mục tiêu riêng.

Người Mỹ nóng ruột không mất thời giờ tìm hiểu những chuyện rắc rối ấy. Họ chỉ thấy Hoa Kỳ xuất huyết và bạo lực lan rộng ở nhiều nơi rất xa lãnh thổ Hoa Kỳ. Họ dồn sự thất vọng ấy vào chính quyền và các chính đảng truyền thống của nước Mỹ. Họ nghi ngờ đạo luật Patritot Act có mục tiêu xoi mói đời tư của công dân. Họ thù ghét chính trị và cảnh sát, họ kỳ thị dân thiểu số và trong sự phân hóa chung của cả xã hội, nhiều người đã lấy việc giết cảnh sát làm thú tiêu khiển.

Đạo luật ái quốc bị xé vụn. Tấm khiên bảo vệ nước Mỹ trở thành một bảng hồng tâm cho nhiều người tập bắn. Cảnh sát hết là anh hùng mà là hung thủ.

Chánh sách mị dân đầy nguy hiểm của Chính quyền Barack Obama không thể giải thích tất cả những vụ bạo động ấy giữa dân da trắng và đa đen. Nhưng ngược lại, tâm lý chán chường đến độ thờ ơ của người dân đã giúp Obama tiến hành kế hoạch cải tạo bên trong và giải kết ở nhiều nơi bên ngoài.

Hoa Kỳ lặng lẽ thoái nhiệm và chẳng xứ nào còn nhớ tinh thần “Chúng ta đều là người Mỹ”!

Nước Mỹ trở lại truyền thống cũ là lạc quan tự tin rằng Hoa Kỳ có thể làm được mọi chuyện trên đời rồi bi quan hốt hoảng về những rủi ro bất ngờ trên thế giới. Thế giới cũng trở lại truyền thống cũ: coi Hoa Kỳ như tay súng hung hăng sẵn sàng nã đạn ở mọi nơi, rồi còn có gian ý rình rập xứ khác. Các nước có thể quên rằng nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ đã từng giúp họ giải quyết mối nguy khủng bố mà chỉ sợ sự xoi mói của tình báo Hoa Kỳ.

Như một con sông đã tuôn chảy nhiều nơi, nước Mỹ đang chảy về chốn cũ. Thành một cái ao tù.

***

Khách ngồi bên bèn hiểu vì sao người viết này ứa lệ nói chuyện lỗi thề tại Hoa Kỳ. Thật ra chẳng hiểu gì cả. “Cây đa bến cũ con đò năm xưa?” Với con bé con trên đò, cây đa là quê hương của thằng Cuội…. 


(Viết ngày 11 Tháng Chín 2015 đầy u buồn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét