Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150903
Quyền Tự Do Lưu Thông Tại Âu Châu Bị Đe Dọa
* Một góc con con của vấn đề *
Thời sự hàng ngày đang phơi bày nhiều hình ảnh thương tâm về dân tỵ nạn tại Âu Châu.
Các nước Âu Châu gặp hai vấn đề tương tác có thể phá vỡ lý tưởng hội nhập và thống nhất họ theo đuổi từ 70 năm nay. Nền kinh tế vốn đã èo uột, bên trong còn có vụ khủng hoảng của khối Euro, lại phải gánh chịu làn sóng di dân ngày càng tăng, bên trong có dân tỵ nạn. Mối nguy này sẽ de dọa tinh thần và nội dung của Hiệp ước Tự do Di trú Schengen.
Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu và tổng hợp sự thể phức tạp này.
Hiệp Ước Schengen
Sau Thế chiến II (1939-1945), các nước Âu Châu cố gắng phát huy tinh thần hợp tác và hội nhập để cùng phát triển trong hòa bình.
Bốn mươi năm sau, vào năm 1985, các thành viên sáng lập Cộng đồng Âu châu là Pháp, Tây Đức, Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg (xưa kia được gọi là Lục Xâm Bảo) còn ký Hiệp ước Schengen, tên một thị trấn của Luxembourg. Mục đích là thiết lập chể độ tự do di chuyển người và vật bên trong biên giới của các thành viên. Mười năm sau, 1995, tinh thần tự do ấy quy tụ 26 quốc gia cùng bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa các nước với nhau và áp dụng quy chế chiếu khán (visa) thống nhất: sống tại xứ này là được tự do lưu thông và sinh sống tại xứ khác.
Yếu tố then chốt ở đây là các thành viên cùng từ bỏ một phần của chủ quyền quốc gia – hết kiểm soát biên giới với nhau nữa – để tiến tới thể chế liên bang cho Âu Châu. Điều kiện then chốt không kém là các thành viên phải tin nhau vì trao quyền kiểm soát cho nước khác bên trong “khu vực Schengen”. Từ ước mong hội nhập đó mới thành hình Liên hiệp Âu châu EU vào năm 1992 rồi khối Euro vào năm 1999.
Sự thể rắc rối ở đây (cho truyền thông khi tìm hiểu và loan tin) là có 26 nước trong “Khu vực Schengen” tại trung tâm Âu Châu, đa số tới 22 nước là thành viên Liên Âu. Ngoài ra, có bốn nước Schengen không là thành viên Liên Âu (Iceland, Norway, Thụy Sĩ và tiểu quốc Liechtenstein); có hai nước Liên Âu không thuộc khối Schengen (Anh quốc và Ireland); mà cũng có ba nước đã ở trong Liên Âu đang xin gia nhập khối Schengen (là Croatia, Romania và Bulgaria).
Nhìn lại thì khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, các nước lạc quan từ bỏ chủ quyền quốc gia trong nhiều lãnh vực để cùng xây dựng nền thịnh vượng trường cửu trong hòa bình và thống nhất. Ngày nay, tình hình đã đổi khác vì từ sáu năm qua, bốn vấn đề đã theo nhau đe dọa tinh thần hợp tác trong một khu vực không còn biên giới.
Đó là 1) khủng hoảng kinh tế, 2) sự thắng thế của các đảng quốc gia dân tộc trong nhiều nước, 3) làn sóng nạn dân vào Âu Châu và 4) mâu thuẫn giữa các nước trung tâm như Pháp và Đức với các nước ở vòng ngoài, như Hy Lạp hay Ý Đại Lợi ở miền Nam hay thậm chí Anh quốc ở miền Bắc.
Vì vậy, một lần nữa, tinh thần tự do di trú của Hiệp ước Schengen lại được một số quốc gia nêu thành vấn đề. Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu tiếp tình trạng rắc rối này như sau:
Mâu Thuẫn Bên Trong
Thứ nhất, các thành viên Schengen tại miền Bắc than phiền các nước miền Nam (trong vùng Địa Trung Hải) là không kiểm soát nạn dân đang tràn vào biên giới Liên Âu, vì họ mà vào trong rồi là có quyền tự do di chuyển qua xứ khác để xin tỵ nạn chính trị. Thí dụ như Pháp và Áo kết án nước Ý là để cho, và có khi còn khuyến khích, nạn dân rời Ý qua xứ khác. Thực tế thì Pháp đã có lúc khóa biên giới Pháp-Ý vào Tháng Sáu vừa qua và bị nước Anh than phiền là để nạn dân xâm nhập vào Anh quốc.
Ngược lại, các thành viên Schengen tại miền Nam thì than phiền các nước miền Bắc là thiếu tinh thần liên đới để cùng chia sẻ gánh nặng. Như Hy Lạp đã yêu cầu được thêm ngân khoản canh phòng Địa Trung Hải, cấp cứu nạn dân ngoài biển, lập khu cứu trợ tỵ nạn và thiết lập chế độ hạn ngạch di dân cho cả Liên Âu. Xưa nay từng là nạn nhân cộng sản, các nước Đông Âu (nhìn theo trục Đông-Tây) và Trung Âu (nhìn theo trục Nam-Bắc) thì phản đối yêu cầu hạn ngạch ấy của miền Nam và chủ trương tinh thần nhiệm ý: tùy sự chấp nhận tự nguyện của từng thành viên.
Nhưng mâu thuẫn bên trong hệ thống Liên Âu còn trầm trọng hơn vậy vì hai loại vấn đề khác.
Đầu tiên, các nước Liên Âu phải thống nhất ý kiến về một chế độ di trú chung của toàn khối. Sau nhiều phiên họp, Liên Âu sẽ lại có nhiều đợt bàn cãi vào ba tháng tới để cải thiện điều kiện di trú bên trong. Chẳng hạn như sau nhiều vụ tấn công các trung tâm tỵ nạn, nước Đức đã đổi ý. Nhận đón 800 ngàn nạn dân năm nay với điều kiện là định ra tiêu chuẩn nạn dân: công dân tại các nước không bị nội chiến như Albania hay Macedonia trong vùng Balkans không thể xin tỵ nạn chính trị. Và nên cấp thêm phương tiện thanh lọc và định cư nạn dân cho các nước miền Nam như Hy Lạp và Ý, đồng thời nên tái phối trí nạn dân vào các nước Liên Âu theo tỷ lệ dân số từng nước.
Những đề nghị lý tưởng và hợp lý ấy đụng vào thực tế là các nước miền Nam, vốn đã nghèo lại đang lâm nạn kinh tế, thì không muốn mở thêm trung tâm di trú – và lại quyến rũ nạn dân – nếu các nước khác không nhận thêm người đang tạm trú trong lãnh thổ của họ.
Loại vấn đề thứ hai còn nghiêm trọng hơn nữa: các nước nên làm gì với Hiệp ước Schengen?
Gân Gà Schengen
Khi thiết lập chế độ tự do di chuyển, Hiệp ước Schengen tạo điều kiện cho di dân nhập lậu có thể tự do đi lại bên trong lãnh thổ của 26 quốc gia và đe dọa an ninh các nước nếu quân khủng bố Hồi giáo cũng được quyền tự do sau khi xâm nhập vào nơi ít kiểm soát nhất. Vụ khủng bố vừa qua trên chuyến tầu tốc hành từ Amsterdam vào Paris là một nhắc nhở. Vì vậy, các nước ngoại biên của khu vực Schengen phải có trách nhiệm kiểm soát nặng nề hơn, để bảo vệ an ninh cho toàn khối.
Chuyện thứ hai là phong trào quốc gia dân tộc – và hoài nghi lợi ích của việc hội nhập Âu Châu – đang thắng thế tại nhiều quốc gia, dù ôn hòa ở Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch và Na Uy, hay có vấn đề như tại Pháp hoặc Hung Gia Lợi. Phong trào này không chỉ gây vấn đề cho Liên Âu mà còn đe dọa sự tồn vong của Hiệp ước Schengen.
Những người chống đối cho là lợi bất cập hại, họ đòi tu chính và thậm chí hủy bỏ luôn văn kiện này!
Vì nhiều lý do, các nước Âu Châu không dễ gì thu hồi một văn kiện áp dụng được hai chục năm. Quả thật là quyền tự do lưu thông có tiết kiệm được thời giờ và tiền bạc trong việc vận chuyển hàng hóa, đem lại lợi ích cho kỹ nghệ du lịch và tránh được phí tổn kiểm soát biên giới. Nhưng nếu không hủy bỏ văn kiện hữu ích này và chối từ lý tưởng tự do di chuyển, các nước vẫn phải cải thiện.
Cải thiện như thế nào?
Thí dụ như tái áp dụng một biện pháp của năm 2003 là tạm thời thiết lập chế độ kiểm soát trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng vì biện pháp kiểm soát khẩn cấp chỉ áp dụng trong 10 ngày nên chưa chắc đã bảo vệ được an ninh cho toàn khối. Vấn đề ở đây là mâu thuẫn giữa an ninh và kinh tế.
Một số quốc gia tại miền Bắc thì có yêu cầu gắt gao hơn: tạm đình chỉ hoặc trục xuất các thành viên Schengen đã không chặt chẽ bảo vệ biên giới chung. Cũng do phản ứng quyết liệt bảo vệ đó, các thành viên Liên Âu như Croatia, Romania và Bulgaria sẽ khó gia nhập khối Schengen và tinh thần Schengen sẽ là sự khép kín.
Trong khi chờ đợi sự thống nhất ý kiến về những hướng cải tiến Hiệp ước Schengen, nhiều quốc gia đang tự động tăng cường kiểm soát an ninh bên trong và các trục giao thông với bên ngoài. Nhiều nước khác, như tại Bắc Âu, thì soạn thảo dự luật khắt khe hơn cho di dân – không lãnh trợ cấp xã hội – để khỏi thu hút nạn dân và tránh nạn khủng bố ngay trong thành phần nạn dân này.
Schengen trở thành cái gân gà, nuốt vào thì khó mà nhả ra lại tiếc.
______
Kết luận ở đây là gì?
Cùng Hiệp ước Schengen, lý tưởng tự do di chuyển và sinh sống tại Âu Châu đang suy yếu dần.
Lý tưởng và nguyên tắc tự do di chuyển người và vật cho phép công dân của Liên Âu được sinh sống ở mọi nơi trong một khu vực rộng lớn. Đây là một tiến bộ đáng kể và cần thiết.
Nhưng văn kiện pháp lý Schengen lại tăng cường nguyên tắc lý tưởng đó và dẫn tới một thế giới vô cương, không biên giới, bao trùm lên cả một lục địa tiếp cận với nhiều xứ khác mà ngay bên trong cũng đã có nhiều khác biệt thuộc loại bẩm sinh. Hậu quả là nguyên tắc lý tưởng bị đẩy lui.
Và sau khi gia tăng kiểm soát con người, nếu Âu Châu cũng gia tăng kiểm soát hàng hóa thì lý tưởng hội nhập của Liên Âu cũng cáo chung.
Liên Âu như chúng ta đang thấy ngày nay sẽ thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét